14.4.11

DN “đói” vốn, thiếu nguyên liệu


DN “đói” vốn, thiếu nguyên liệu

Nhiều nhà máy thủy sản phải tạm dừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng
Thông tin từ các hiệp hội cà phê, điều, thủy sản… cho biết các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, nguồn cung ứng vốn chủ yếu từ ngân hàng thì khó vay, lãi suất lại cao, có khi lên đến 19%-20% nếu không được vay ưu đãi.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang bị thiếu nguyên liệu trầm trọng
Thiếu nhưng không dám nhập
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết hiện nhiều DN chế biến tôm xuất khẩu không đủ nguyên liệu để chế biến. Những DN nhỏ phải ngưng sản xuất, còn DN lớn cũng phải sản xuất cầm chừng với mức 40%-50% công suất. Giá tôm thẻ chân trắng (loại 100 con/kg) đã lên, 83.000 đồng/kg nhưng vẫn không có hàng, trong khi giá cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 56.000 đồng/kg…
Các DN chế biến cá tra xuất khẩu càng khó khăn hơn. Hiện giá cá tra tại ao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã lên đến 28.000 đồng-29.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Sở dĩ giá cá tra tăng cao nhưng vùng nguyên liệu vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu là do người nuôi không dám đầu tư vì còn e ngại giá không ổn định, trong khi giá thức ăn nuôi cá từ năm ngoái đến nay liên tục tăng.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy hiện có hơn 40% nhà máy chế biến cá tra phải ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu…
Theo VASEP, việc thiếu nguyên liệu thủy sản chế biến hàng xuất khẩu lâu nay vẫn xảy ra ở các DN chế biến tôm, hải sản (nhất là các mặt hàng đánh bắt xa bờ) nên phải nhập khẩu nguyên liệu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nhưng thời gian qua, nhiều DN không thể nào nhập được do lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao, giá nguyên liệu thế giới tăng chóng mặt. Nếu cứ nhập nguyên liệu về chế biến sẽ bị thua lỗ nặng…
Mất cơ hội thu mua
Không chỉ DN thủy hải sản gặp khó mà hiện nay hàng loạt DN chế biến nông sản xuất khẩu cũng đang thiếu vốn thu mua nguyên liệu.
Một chức sắc của Hiệp hội Điều Việt Nam nói công suất chế biến của các nhà máy ngành này hiện lên đến 600.000 tấn- 700.000 tấn/năm, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 300.000 tấn, số còn lại phải nhập khẩu. 
Năm nay, các DN ngành điều cần khoảng 10.000 tỉ đồng để thu mua 300.000 tấn điều nguyên liệu trong nước và cũng cần thêm khoảng  hơn 10.000 tỉ đồng để nhập khẩu gần 400.000 tấn nguyên liệu. Thế nhưng nguồn vốn của các DN hiện chỉ có khoảng 5.000 – 6.000 tỉ đồng.
Do thiếu vốn nên nhiều DN chế biến hạt điều hiện chưa dám thu mua nguyên liệu dù đang vào vụ khiến giá điều giảm đáng kể so với tháng trước. Giá điều tươi tại Bình Phước chỉ còn 29.000 đồng- 30.000 đồng/kg, tại Đồng Nai từ 31.000 đồng- 32.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết tỉ suất lợi nhuận trên vốn của các DN xuất khẩu điều rất thấp.
Do đó, với lãi suất cao như hiện nay, nhiều DN không dám vay vì lo ngại thua lỗ. Cũng theo ông Học, nếu các DN không được hỗ trợ vốn kịp thời sẽ mất cơ hội thu mua nguyên liệu để dự trữ…
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra đối với các DN chế biến cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, hiệp hội đã kiến nghị lên cơ quan chức năng để được hỗ trợ vốn tạm trữ 300.000 tấn cà phê nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, cho biết vốn tự có của DN thuộc lĩnh vực này chỉ khoảng 10% cộng thêm khoản vay ngân hàng cũng chỉ đạt 30% đến 40% nhu cầu.
Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 (Đắk Lắk), bức xúc: Do thiếu vốn nên DN trong nước đang phải làm ăn theo kiểu mua đến đâu chế biến bán đến đó, không có điều kiện tính toán thời điểm thích hợp nên thiệt hại đủ đường. Trong khi đó, thương nhân nước ngoài có vốn lớn nên tích cực gom mua dự trữ, chờ giá lên cao mới bung hàng ra bán…
Mía đường phải xả hàng
Đại diện các nhà máy đường tại ĐBSCL cho biết hiện tại rất cần vốn nhưng không thể xoay xở được vì ngân hàng không cho vay vượt định mức. Để có vốn hoạt động, họ phải chấp nhận bán tháo đường với mức giá giảm khoảng 2.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn chậm do có nhiều DN đua nhau bán ra, trong khi giới thương lái vẫn tiếp tục chờ giá xuống thêm mới mua.
Ông Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng, cho biết công ty đang cần 50 – 70 tỉ đồng để thu mua mía nguyên liệu cũng như trả nợ cho bà con nông dân nhưng chưa xoay xở được. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Biên Hòa, cho biết với lãi suất ngân hàng như hiện nay, công ty không dám vay, do đó các dự án đầu tư cũng phải gián đoạn, thu hẹp. Ngay nguồn vốn đầu tư cho bà con nông dân trồng mía (25 triệu đồng/ha) cũng không thể mở rộng thêm.
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI

Không có nhận xét nào: