15.4.11

Minh bạch “kiểu Trung Quốc”


Minh bạch “kiểu Trung Quốc”

2011-04-14
Cuối tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh cung cấp thông tin về chính sách quốc phòng qua việc công bố “Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2010”.

AFP photo
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng năm 2010
Việc làm này nhằm chứng minh với thế giới rằng, Trung Quốc gia tăng sự minh bạch trong vấn đề quốc phòng và củng cố niềm tin với cộng đồng quốc tế về cam kết phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Nội dung Sách trắng Quốc phòng mà Trung Quốc vừa phát hành, có những điểm nào đáng chú ý? Những điều mà Bắc Kinh tiết lộ trong tài liệu này có thật sự minh bạch như họ đã tuyên bố? Thông tín viên Ngọc Trân có bài phân tích.

Trung Quốc muốn lãnh đạo thế giới?

Khác với Sách trắng Quốc phòng năm 2008 mà Trung Quốc đã từng bị thế giới phê phán thái độ kiêu ngạo khi khẳng định: “Thế giới không thể tận hưởng sự thịnh vượng và ổn định nếu không có Trung Quốc”, tài liệu quốc phòng lần này đã tránh sử dụng những từ ngữ tương tự, cho thấy, Bắc Kinh muốn cải thiện hình ảnh với thế giới bên ngoài, bằng thái độ thân thiện, thay thế hình ảnh một nước Trung Quốc hiếu chiến trong những năm gần đây. 
Mặc dù mục đích công bố tài liệu quốc phòng lần này nhằm thay đổi cách nhìn của thế giới về Trung Quốc, thế nhưng nội dung tài liệu cho thấy, Bắc Kinh có vẻ quyết đoán hơn trong chính sách quốc phòng. 
Bên cạnh sự tự tin về sức mạnh kinh tế, Trung Quốc tiếp tục khẳng định sức mạnh quân sự, không ngừng hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc, với kế hoạch gia tăng chi phí quốc phòng gần 13% trong năm nay.
Để trấn an các nước khác, Trung Quốc luôn khẳng định, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng chỉ với mục đích phòng thủ, thế nhưng, qua nhiều lần xung đột với các nước láng giềng thời gian gần đây, đã chứng minh rằng, ngoài mục đích phòng thủ, Bắc Kinh còn bắt nạt và đe dọa các nước trong khu vực.  
Một điểm khá quan trọng mà Bắc Kinh đã đưa vào chính sách quốc phòng lần này, đó là, ngoài việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, việc hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc còn nhằm mục đích, “duy trì hòa bình và ổn định thế giới”.
Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phản đối các hành động hiếu chiến và bành trướng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với bất kỳ hình thức nào.  
Trích tài liệu quốc phòng TQ
Sau khi nêu lên những bất ổn trong khu vực và trên toàn cầu, cáo buộc Hoa Kỳ xen vào các vấn đề an ninh trong vùng và củng cố liên minh quân sự trong khu vực, Bắc Kinh đã đưa vai trò “duy trì hòa bình và ổn định thế giới” của Liên Hiệp Quốc vào trong chính sách quốc phòng, biến nhiệm vụ chung của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, thành nhiệm vụ riêng của Trung Quốc. 
Tuy các quan chức Bắc Kinh luôn khẳng định, Trung Quốc không muốn thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới, thế nhưng qua chính sách quốc phòng của Trung Quốc vừa công bố, cho thấy, rõ ràng Bắc Kinh đang muốn đảm nhận vị trí thống lĩnh các vấn đề an ninh toàn cầu.

Khái niệm của Trung Quốc về tính minh bạch

Khác với Sách trắng Quốc phòng phát hành lần trước, khi đưa ra các cụm từ có liên quan đến chiến tranh, trong tài liệu quốc phòng lần này, Trung Quốc đã bỏ công sức để thuyết phục với phần còn lại của thế giới, rằng chính sách quốc phòng của họ là “phòng thủ”, và Trung Quốc sẽ “không tấn công, trừ khi bị tấn công”. Trong tài liệu có đoạn: “Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phản đối các hành động hiếu chiến và bành trướng, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với bất kỳ hình thức nào”.  
037_ZH32874-250.jpg
Lính TQ trong một buổi huấn luyện tháng 3/2010. AFP photo
Ngoài ra, Bắc Kinh còn củng cố lòng tin của các nước, khi tuyên bố: “Trung Quốc rất coi trọng tính minh bạch trong quân sự, và cố gắng đẩy mạnh sự tin tưởng của thế giới về cam kết phát triển hòa bình”. Thế nhưng, trong tài liệu vừa phát hành, cũng như qua các hành động phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong thời gian qua, rất khó có thể thuyết phục các nước tin tưởng, bởi có quá nhiều mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của các viên chức Trung Quốc.
Dường như khái niệm về sự minh bạch của Trung Quốc không giống nhận thức của các nước còn lại. Một trong những người tham gia soạn thảo tài liệu quốc phòng lần này, Giáo sư Trần Chu, thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, đã khẳng định tại một cuộc họp báo khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2011 rằng, thật là sai lầm khi tin rằng minh bạch là điều kiện đầu tiên để quân đội tin tưởng lẫn nhau. Ông Trần Chu cho biết: “Để đạt được sự tin tưởng lẫn nhau, điều cần thiết trước tiên là không ngừng mở rộng lợi ích chung và tôn trọng lợi ích chiến lược của nhau”.
Sự khó hiểu về khái niệm minh bạch của Trung Quốc có thể thấy rõ ở chính sách quốc phòng của họ. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định, chương trình hiện đại hóa quân sự chỉ với mục đích “phòng thủ”; mặt khác, Trung Quốc không ngừng phát triển các loại vũ khí hiện đại, vượt quá mục đích phòng thủ, như: phát triển tên lửa đạn đạo tấn công tàu sân bay, mà mục tiêu nhắm vào các tàu sân bay của Mỹ; phát triển vũ khí chống vệ tinh; xây thêm tàu ngầm tấn công bằng hạt nhân, chuẩn bị đưa vào sử dụng một tàu sân bay trong năm nay; và đang cho thử nghiệm máy bay tàng hình thế hệ thứ năm, Chengdu J-20.
Trong khi Bắc Kinh cố gắng tạo ra một hình ảnh mới để thuyết phục các nước còn lại trên thế giới tin tưởng những điều họ nói, thế nhưng trước đó không bao lâu, hình ảnh một nước Trung Quốc hiếu chiến đã hiện ra qua lời phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Lưu Quang Liệt. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lưu cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị một “cuộc xung đột quân sự ở mọi hướng chiến lược”.
... hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ đạt được bằng cách nhượng bộ, chỉ có bằng chiến tranh. Bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ không bao giờ đạt được bằng cách đàm phán, mà phải bằng chiến tranh. 
Trích một bài báo ở TQ
Cũng trong thời gian này, cơ quan Quân ủy Trung ương, thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho đăng một bài viết, cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với các nước láng giềng vào bất cứ lúc nào. Bài báo này còn nói rằng, ngoài chiến tranh ra, đàm phán không thể bảo vệ lợi ích quốc gia. Bài báo viết: “Các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Úc, Philippines, Indonesia, và Nam Hàn đang cố gắng gia nhập vào nhóm chống Trung Quốc vì những nước này hoặc là đã từng có chiến tranh với Trung Quốc, hoặc có xung đột về lợi ích với Trung Quốc. Những nước này đang cố gắng để được hưởng lợi bằng cách sử dụng Mỹ. Lịch sử Trung Quốc kể từ năm 1949 cho thấy, hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ đạt được bằng cách nhượng bộ, chỉ có bằng chiến tranh. Bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ không bao giờ đạt được bằng cách đàm phán, mà phải bằng chiến tranh”. 
Các nhà phân tích cho biết, hành động cứng rắn của Trung Quốc, nằm trong kế hoạch đánh chiếm và kiểm soát vùng biển và các chuỗi đảo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dựa trên kế hoạch của tướng Lưu Hoa Thanh, cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Quốc đã vạch ra, nhằm chấm dứt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, và Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ, trở thành cường quốc trên biển.
Qua những điều vừa kể, cùng với hành động của hải quân Trung Quốc mà thế giới đã có dịp chứng kiến, khi liên tục sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thời gian qua, rất khó có thể thuyết phục các nước tin vào hình ảnh một nước Trung Quốc thân thiện và chính sách quốc phòng minh bạch mà Bắc Kinh đang cố tạo ra. 

Không có nhận xét nào: