RFI Điểm Báo 08.05.2011
Posted on 08/05/2011 by Doi Thoai
- Trùng Khánh và vị đắng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
- Tất cả các chế độ độc tài đều có thể bị diệt vong
- Ben Laden bị hạ sát : Công lý đã được thực thi ?
- Khó khăn tài chính khiến Al Qaida kém hiệu quả
Chủ nhật 08 Tháng Năm 2011
Trùng Khánh và vị đắng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
Tòa án Trùng Khánh xét xử vội vàng và độc đoán, gợi nhớ đến thời kỳ Cách mạng Văn hóa trước đây. Luật gia nổi tiếng của Trung Quốc, Hạ Phương Vệ đã viết như thế trong lá thư ngỏ gởi các đồng nghiệp trên blog của mình, được Le Courrier International trích dịch. Theo ông, thì điều này đã chôn vùi nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Một lý do nữa khiến Hạ Phương Vệ phải lên tiếng : ông rất yêu mến thành phố Trùng Khánh, nơi ông theo học luật. Tất cả sinh viên cùng khóa với ông đều đã sống qua thời Cách mạng Văn hóa (từ năm 1966 đến 1976) nổi tiếng với các chiến dịch trấn áp không theo một luật lệ nào cả, và vì vậy luật học có giá trị vô cùng lớn đối với họ. Vào lúc ấy, họ toàn tâm toàn lực góp phần vào việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền cho Tổ quốc, chờ đợi một ngày nào đó ước mơ này biến thành sự thật, để đóng góp bằng cách bảo vệ cho quyền lợi và tự do của các công dân. Ông viết : « Chúng tôi đã quyết tâm không thể để một thảm kịch như Cách mạng Văn hóa lại tái diễn trên đất nước mình ».
Tuy vậy, ba mươi năm sau, những sự kiện tại Trùng Khánh lại khiến người ta cảm thấy thời kỳ đen tối này đang quay lại, lý tưởng về một Nhà nước pháp quyền đang biến mất. Hạ Phương Vệ nhấn mạnh đến chiến dịch « Đả Hắc » đã kéo dài từ hai năm qua, nhằm « chống lại tội phạm có tổ chức và các thế lực thù địch », trong đó các bản án được tuyên theo kiểu các « phong trào cách mạng » trước đây, với kèn trống tưng bừng. Chỉ trong vòng 8 tháng, chính quyền đã cổ vũ cho một hệ thống đấu tố với các thư tố giác tập thể, dẫn đến việc bắt giam gần 5 ngàn người bị tình nghi là thuộc các băng đảng tội phạm. Các đội chuyên án vào cuộc, diễn ra hàng loạt vụ bắt giữ, các phiên tòa chớp nhoáng. Trong một số trường hợp, đã có những buổi họp hội ý trước phiên xử, giữa chủ tọa, kiểm sát viên trưởng và giám đốc công an, bản án đã được ấn định sẵn và phiên tòa sau đó chỉ là hình thức mà thôi. Điều này hoàn toàn vi phạm nguyên tắc độc lập của các định chế, đã được quy định trong Hiến pháp và bộ luật Hình sự.
Hạ Phương Vệ dẫn chứng với phiên tòa xử Lý Trang, một luật sư bị lãnh bản án hai năm rưỡi tù giam vào đầu năm 2010. Trong phiên xử, Lý Trang và luật sư của ông đã yêu cầu phải có sự hiện diện của các nhân chứng, nhưng tòa đã từ chối với lý do đáng ngạc nhiên là, các nhân chứng không muốn ra tòa. Trên thực tế, cả bảy nhân chứng chủ chốt đều bị câu lưu, và bản cung của họ rất có thể là do cưỡng chế, thậm chí tra tấn. Phiên phúc thẩm lại còn kỳ lạ hơn. Tuy ông Lý Trang đã cực lực phản đối các tội danh bị quy trong phiên sơ thẩm, tòa vẫn xem là ông đã nhận tội và tuyên án với lý do trên, và công an tư pháp đã lôi ông ra khỏi tòa trong lúc ông đang kêu gào là mình vô tội.
Bức thư ngỏ nhắc đến các bản án tử hình. Cho dù con số các án tử không hề được công bố, nhưng kể từ đầu chiến dịch, đã có rất nhiều bị cáo bị lãnh bản án cao nhất này. Trên internet, Hạ Phương Vệ nhìn thấy hình ảnh dân chúng Trùng Khánh bị huy động để cất cao những bài hát cách mạng, những lá cờ đỏ rực như máu tung bay bạt ngàn, không khác gì thời kỳ Cách mạng Văn hóa trước đây.
Tất cả các chế độ độc tài đều có thể bị diệt vong
Nhìn sang các cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập, Le Nouvel Observateur có bài phỏng vấn Gene Sharp, lý thuyết gia nổi tiếng thế giới với công trình nghiên cứu về công cuộc đấu tranh bất bạo lực chống lại các chính thể độc tài. Bài viết mang tựa đề « Tất cả các chế độ độc tài đều có thể bị diệt vong».
Từ hơn 50 năm qua, nhà nghiên cứu của trường đại học Havard này đã phân tích sự nổi dậy và các phương thức để chấm dứt các chế độ độc tài một cách bất bạo lực. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là cuốn « Từ độc tài đến dân chủ », viết theo yêu cầu của các nhà đối lập Miến Điện và được xuất bản năm 1993, thực sự là một cẩm nang hướng dẫn đấu tranh không bạo lực, gây ảnh hưởng quan trọng lên các phong trào đấu tranh dân chủ trên toàn thế giới.
Gene Sharp cho biết, phong trào nổi dậy ở Ai Cập đã gây ngạc nhiên nhất cho ông vì họ đã từ chối thương lượng với cựu Tổng thống Mubarack. Đây cũng là lời khuyên được ông đưa ra trong cuốn sách : không nên thương thảo, mà hãy củng cố sức mạnh. Ngạc nhiên thứ hai : người dân không còn sợ hãi nữa, và một điều đáng kinh ngạc nữa là tính kỷ luật của phong trào – tập hợp được đến một, hai triệu người mà không xảy ra bạo động. Lý thuyết gia nhấn mạnh : trên thực tế, tất cả các chế độ độc tài đều có những điểm yếu của mình.
Tác phẩm « Từ độc tài đến dân chủ » của ông đã được dịch ra 34 thứ tiếng, và đang có thêm 12 đề nghị dịch thuật nữa. Tất nhiên là các nhà độc tài không ưa công trình nghiên cứu này chút nào. Tập đoàn quân sự Miến Điện đã kết án một người 7 năm tù chỉ vì sở hữu cuốn sách trên. Tác giả cho biết thêm, một luật sư Việt Nam từng dịch tác phẩm trên của ông ra tiếng Việt đã bị bắt giữ, và đây là một trong các tội danh được nêu. Tại Matxcơva, cơ quan mật vụ đã can thiệp để ngưng in bản dịch cuốn sách, và hai nhà sách có bán tác phẩm này đã bị cháy với lý do không rõ.
Ben Laden bị hạ sát : Công lý đã được thực thi ?
Tất cả các tuần báo Pháp kỳ này đều dành rất nhiều trang báo cho hồ sơ Ben Laden. Trang nhất của Le Nouvel Observateur đưa tấm hình trùm khủng bố quốc tế với tựa đề « Thế giới hậu Ben Laden ». Le Courrier International thì chọn đăng minh họa chân dung của thủ lãnh Al Qaida trên trang bìa, với dòng tựa ” Những người kế tục của Ben Laden”. Hồ sơ trên L’Express mang tên « Ben Laden : Mổ xẻ về một chủ nghĩa khủng bố ». Trang bìa của Le Point đăng chân dung tươi cười củaTổng thống Barack Obama trên nền lá cờ Mỹ, với dòng tựa « America is back », tạm dịch « Nước Mỹ đã quay trở lại ».
Các tờ báo dành hàng chục trang để phân tích tỉ mỉ, từ quá trình truy lùng Ben Laden suốt hàng chục năm qua, chính sách nước đôi của Pakistan, tương lai của chủ nghĩa khủng bố và thế giới Hồi giáo… cho đến vị thế đang lên của Tổng thống Mỹ Obama qua chiến thắng vang dội này.
Bài xã luận của tác giả Alexis Brézet trên tờ Le Figaro Magazine với tựa đề « Vâng, công lý đã được thực thi », đã phản bác lại những lời chỉ trích của một số nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền là đã không bắt sống trùm khủng bố để đưa ra xét xử. Theo tác giả, ông Obama đã làm những gì phải làm mà thôi.
Bài viết đặt câu hỏi, họ hy vọng gì ở đây ? Một phiên tòa « hoành tráng » tại La Haye, với các luật sư lừng lẫy và một rừng máy quay phim ? Một diễn đàn quốc tế để giúp người sáng lập Al Qaida tuyên truyền về cuộc thánh chiến ? Một bản án chung thân tạo cớ cho bọn bắt cóc con tin ở khắp thế giới suốt ba chục năm tới cao giọng đòi trả tự do cho lãnh tụ tinh thần của chúng ? Còn nếu là một bản án tử hình, trong trường hợp đưa ra xử ở Mỹ, thì sẽ « hâm nóng » ngay các đường phố Ả Rập !
Đành rằng Oussama Ben Laden đã không được chôn cất tử tế đúng theo phong tục Hồi giáo, nhưng theo tác giả, thì nếu chôn trùm khủng bố trên đất Mỹ sẽ là một sự sỉ nhục đối với hàng ngàn nạn nhân ở tòa Tháp Đôi phải vùi thây dưới đống gạch vụn. Còn chôn ở một nơi nào khác, lại tạo ra một địa điểm hành hương cho những người Hồi giáo cực đoan. Và dù sao đi nữa, xác của tên khủng bố Ben Laden cũng đã được « những kẻ dị giáo » xử lý tử tế hơn là số phận mà những người cùng tôn giáo với Saddam Hussein đã dành cho y.
Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Ben Laden là thủ phạm trực tiếp gây ra cái chết của gần 10 ngàn người vô tội, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con, là nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, và còn tiếp tục nuôi dưỡng « cuộc chiến giữa các nền văn minh » của thế giới Hồi giáo với phương Tây. Tổng thống Obama lâu nay vốn bị kết án là nhu nhược, nhưng chính ông đã trừ khử được tên tội phạm nguy hiểm nhất trên trái đất từ trước đến nay. Bài báo kết luận, bởi vì cuộc sống vốn đầy dẫy bất công, đôi khi cũng cần đến sức mạnh để tái lập được công lý.
Khó khăn tài chính khiến Al Qaida kém hiệu quả
Một bài báo trên tờ Jane’s Defence Weekly xuất bản tại Luân Đôn, được Le Courrier International trích dịch, đã phân tích “Al Qaida đang gặp khó khăn về tài chính”.
Tờ báo cho biết, thay vì tài trợ cho các chiến dịch khủng bố vang dội như trước đây, hiện giờ các chi nhánh của Al Qaida phải tự lực gây quỹ, thậm chí còn gởi tiền ngược lại cho cấp trên. Tình hình tài chính của tổ chức khủng bố này đang ở tình trạng tệ hại nhất từ trước đến nay, và như vậy ảnh hưởng cũng sụt giảm. Ngân sách hoạt động hiện nay được ước tính khoảng 30 triệu đô la mỗi năm.
Các nỗ lực ngăn chận nguồn tài trợ cho Al Qaida của các nước và các tổ chức quốc tế, như vậy đã mang lại hiệu quả. Đi đầu dĩ nhiên là Hoa Kỳ, sau đó là chính phủ Anh, và nhiều nước vùng Vịnh. Các nước như Bahrain, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã hiểu ra rằng, nạn khủng bố sẽ khiến các cố gắng để gầy dựng thị trường chứng khoán quốc tế của họ trở thành vô ích. Ngay cả Ả Rập Xê út, cũng đã bắt đầu ra tay trấn áp các nguồn tài trợ cho Al Qaida.
Hạ Phương Vệ dẫn chứng với phiên tòa xử Lý Trang, một luật sư bị lãnh bản án hai năm rưỡi tù giam vào đầu năm 2010. Trong phiên xử, Lý Trang và luật sư của ông đã yêu cầu phải có sự hiện diện của các nhân chứng, nhưng tòa đã từ chối với lý do đáng ngạc nhiên là, các nhân chứng không muốn ra tòa. Trên thực tế, cả bảy nhân chứng chủ chốt đều bị câu lưu, và bản cung của họ rất có thể là do cưỡng chế, thậm chí tra tấn. Phiên phúc thẩm lại còn kỳ lạ hơn. Tuy ông Lý Trang đã cực lực phản đối các tội danh bị quy trong phiên sơ thẩm, tòa vẫn xem là ông đã nhận tội và tuyên án với lý do trên, và công an tư pháp đã lôi ông ra khỏi tòa trong lúc ông đang kêu gào là mình vô tội.
Bức thư ngỏ nhắc đến các bản án tử hình. Cho dù con số các án tử không hề được công bố, nhưng kể từ đầu chiến dịch, đã có rất nhiều bị cáo bị lãnh bản án cao nhất này. Trên internet, Hạ Phương Vệ nhìn thấy hình ảnh dân chúng Trùng Khánh bị huy động để cất cao những bài hát cách mạng, những lá cờ đỏ rực như máu tung bay bạt ngàn, không khác gì thời kỳ Cách mạng Văn hóa trước đây.
Tất cả các chế độ độc tài đều có thể bị diệt vong
Nhìn sang các cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập, Le Nouvel Observateur có bài phỏng vấn Gene Sharp, lý thuyết gia nổi tiếng thế giới với công trình nghiên cứu về công cuộc đấu tranh bất bạo lực chống lại các chính thể độc tài. Bài viết mang tựa đề « Tất cả các chế độ độc tài đều có thể bị diệt vong».
Từ hơn 50 năm qua, nhà nghiên cứu của trường đại học Havard này đã phân tích sự nổi dậy và các phương thức để chấm dứt các chế độ độc tài một cách bất bạo lực. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là cuốn « Từ độc tài đến dân chủ », viết theo yêu cầu của các nhà đối lập Miến Điện và được xuất bản năm 1993, thực sự là một cẩm nang hướng dẫn đấu tranh không bạo lực, gây ảnh hưởng quan trọng lên các phong trào đấu tranh dân chủ trên toàn thế giới.
Gene Sharp cho biết, phong trào nổi dậy ở Ai Cập đã gây ngạc nhiên nhất cho ông vì họ đã từ chối thương lượng với cựu Tổng thống Mubarack. Đây cũng là lời khuyên được ông đưa ra trong cuốn sách : không nên thương thảo, mà hãy củng cố sức mạnh. Ngạc nhiên thứ hai : người dân không còn sợ hãi nữa, và một điều đáng kinh ngạc nữa là tính kỷ luật của phong trào – tập hợp được đến một, hai triệu người mà không xảy ra bạo động. Lý thuyết gia nhấn mạnh : trên thực tế, tất cả các chế độ độc tài đều có những điểm yếu của mình.
Tác phẩm « Từ độc tài đến dân chủ » của ông đã được dịch ra 34 thứ tiếng, và đang có thêm 12 đề nghị dịch thuật nữa. Tất nhiên là các nhà độc tài không ưa công trình nghiên cứu này chút nào. Tập đoàn quân sự Miến Điện đã kết án một người 7 năm tù chỉ vì sở hữu cuốn sách trên. Tác giả cho biết thêm, một luật sư Việt Nam từng dịch tác phẩm trên của ông ra tiếng Việt đã bị bắt giữ, và đây là một trong các tội danh được nêu. Tại Matxcơva, cơ quan mật vụ đã can thiệp để ngưng in bản dịch cuốn sách, và hai nhà sách có bán tác phẩm này đã bị cháy với lý do không rõ.
Ben Laden bị hạ sát : Công lý đã được thực thi ?
Tất cả các tuần báo Pháp kỳ này đều dành rất nhiều trang báo cho hồ sơ Ben Laden. Trang nhất của Le Nouvel Observateur đưa tấm hình trùm khủng bố quốc tế với tựa đề « Thế giới hậu Ben Laden ». Le Courrier International thì chọn đăng minh họa chân dung của thủ lãnh Al Qaida trên trang bìa, với dòng tựa ” Những người kế tục của Ben Laden”. Hồ sơ trên L’Express mang tên « Ben Laden : Mổ xẻ về một chủ nghĩa khủng bố ». Trang bìa của Le Point đăng chân dung tươi cười củaTổng thống Barack Obama trên nền lá cờ Mỹ, với dòng tựa « America is back », tạm dịch « Nước Mỹ đã quay trở lại ».
Các tờ báo dành hàng chục trang để phân tích tỉ mỉ, từ quá trình truy lùng Ben Laden suốt hàng chục năm qua, chính sách nước đôi của Pakistan, tương lai của chủ nghĩa khủng bố và thế giới Hồi giáo… cho đến vị thế đang lên của Tổng thống Mỹ Obama qua chiến thắng vang dội này.
Bài xã luận của tác giả Alexis Brézet trên tờ Le Figaro Magazine với tựa đề « Vâng, công lý đã được thực thi », đã phản bác lại những lời chỉ trích của một số nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền là đã không bắt sống trùm khủng bố để đưa ra xét xử. Theo tác giả, ông Obama đã làm những gì phải làm mà thôi.
Bài viết đặt câu hỏi, họ hy vọng gì ở đây ? Một phiên tòa « hoành tráng » tại La Haye, với các luật sư lừng lẫy và một rừng máy quay phim ? Một diễn đàn quốc tế để giúp người sáng lập Al Qaida tuyên truyền về cuộc thánh chiến ? Một bản án chung thân tạo cớ cho bọn bắt cóc con tin ở khắp thế giới suốt ba chục năm tới cao giọng đòi trả tự do cho lãnh tụ tinh thần của chúng ? Còn nếu là một bản án tử hình, trong trường hợp đưa ra xử ở Mỹ, thì sẽ « hâm nóng » ngay các đường phố Ả Rập !
Đành rằng Oussama Ben Laden đã không được chôn cất tử tế đúng theo phong tục Hồi giáo, nhưng theo tác giả, thì nếu chôn trùm khủng bố trên đất Mỹ sẽ là một sự sỉ nhục đối với hàng ngàn nạn nhân ở tòa Tháp Đôi phải vùi thây dưới đống gạch vụn. Còn chôn ở một nơi nào khác, lại tạo ra một địa điểm hành hương cho những người Hồi giáo cực đoan. Và dù sao đi nữa, xác của tên khủng bố Ben Laden cũng đã được « những kẻ dị giáo » xử lý tử tế hơn là số phận mà những người cùng tôn giáo với Saddam Hussein đã dành cho y.
Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Ben Laden là thủ phạm trực tiếp gây ra cái chết của gần 10 ngàn người vô tội, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con, là nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, và còn tiếp tục nuôi dưỡng « cuộc chiến giữa các nền văn minh » của thế giới Hồi giáo với phương Tây. Tổng thống Obama lâu nay vốn bị kết án là nhu nhược, nhưng chính ông đã trừ khử được tên tội phạm nguy hiểm nhất trên trái đất từ trước đến nay. Bài báo kết luận, bởi vì cuộc sống vốn đầy dẫy bất công, đôi khi cũng cần đến sức mạnh để tái lập được công lý.
Khó khăn tài chính khiến Al Qaida kém hiệu quả
Một bài báo trên tờ Jane’s Defence Weekly xuất bản tại Luân Đôn, được Le Courrier International trích dịch, đã phân tích “Al Qaida đang gặp khó khăn về tài chính”.
Tờ báo cho biết, thay vì tài trợ cho các chiến dịch khủng bố vang dội như trước đây, hiện giờ các chi nhánh của Al Qaida phải tự lực gây quỹ, thậm chí còn gởi tiền ngược lại cho cấp trên. Tình hình tài chính của tổ chức khủng bố này đang ở tình trạng tệ hại nhất từ trước đến nay, và như vậy ảnh hưởng cũng sụt giảm. Ngân sách hoạt động hiện nay được ước tính khoảng 30 triệu đô la mỗi năm.
Các nỗ lực ngăn chận nguồn tài trợ cho Al Qaida của các nước và các tổ chức quốc tế, như vậy đã mang lại hiệu quả. Đi đầu dĩ nhiên là Hoa Kỳ, sau đó là chính phủ Anh, và nhiều nước vùng Vịnh. Các nước như Bahrain, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã hiểu ra rằng, nạn khủng bố sẽ khiến các cố gắng để gầy dựng thị trường chứng khoán quốc tế của họ trở thành vô ích. Ngay cả Ả Rập Xê út, cũng đã bắt đầu ra tay trấn áp các nguồn tài trợ cho Al Qaida.
Filed under: RFI Điểm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét