30.5.11

Vì sao tượng Khổng tử biến mất khỏi quảng trường Thiên An Môn ?


Vì sao tượng Khổng tử biến mất khỏi quảng trường Thiên An Môn ?

Thứ hai 30 Tháng Năm 2011

Tượng Khổng Tử lặng lẽ biến mất khỏi quảng trường Thiên An Môn vào ngày 21/04/2011. Cách đó hơn ba tháng, chính bức tượng này đã được dựng lên trước cửa Viện bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, cách lăng Mao Trạch Đông không xa.
Tại nơi tập trung quyền lực chính trị, cũng như quyền lực tinh thần của chế độ hiện hành tại Trung Quốc, sự xuất hiện cũng như ra đi lặng lẽ của bức tượng một bậc thầy tinh thần của nền văn hóa Trung Hoa đã để lại nhiều câu hỏi và suy đoán.
Tượng Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn (AFP)
Tượng Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn (AFP)
Như nhiều người biết, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, Mao Trạch Đông, người đứng đầu chế độ thời kỳ đó, đã ra lệnh triệt hạ các di sản của Khổng Tử, được coi như nhà tư tưởng chủ yếu của chế độ phong kiến. Trong Cách mạng Văn hóa, Khổng giáo đã bị cấm tại Trung Quốc.
Tượng Khổng Tử đi đâu ? Theo một số mô tả, bức tượng bằng đồng cao 9,5 mét, nặng 17 tấn đã lặng lẽ được bứng khỏi vị trí trước Viện bảo tàng, trong đêm thứ Năm 21/4 để rời vào phía bên trong Viện bảo tàng, và được đặt tại một vị trí kín đáo.
Vì sao bước tượng lại được đưa vào rồi đưa ra khỏi vị trí nổi bật tại trung tâm quảng trường Thiên An Môn ? Giám đốc Viện bảo tàng này, trả lời phỏng vấn tờ Yangcheng Evening News ngày 9/3, đã khẳng định bức tượng Khổng Tử chỉ là một biểu tượng văn hóa gắn liền với việc tôn vinh các giá trị truyền thống, chứ không phải một biểu tượng chính trị. Tuy nhiên, việc chính quyền Trung Quốc không đưa ra một giải thích chính thức nào về việc di dời bức tượng đã kích thích nhiều suy đoán.
Trên một số trang mạng Việt Nam, có người còn cho rằng tượng Khổng Tử đã trở lại vị trí cũ sau một tuần « đi vắng » (xem thêm mục : « Khổng Tử chỉ lai vãng được ít lâu tại Thiên An Môn », trong bài điểm báo « Trung Quốc : Cuộc tiến công của thành phần “tân Maoít” », RFI 25/4/2011).
Jie Li, một nữ sinh viên Trung Quốc, đang theo học một trường báo chí tại Pháp (Ecole supérieure de journalisme de Lille), phát biểu ý kiến trên trang bog của mình. Ý kiến này sau đó được đăng tải trên kênh truyền thông France 24. Theo nữ sinh Trung Quốc này, lý do của câu chuyện rất đơn giản. Bảo tàng quốc gia Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn cải tạo.
Vì vậy, bức tượng được làm để đưa vào viện bảo tàng phải tạm thời bố trí ở bên ngoài, vì bên trong không có chỗ. Nữ sinh Trung Quốc khẳng định, những tranh luận về ý nghĩa của việc di chuyển bức tượng là rất kỳ quặc. Di sản Khổng tử đã từng bị phá hủy trong Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, nhưng hiện nay, Khổng tử đã lại được tôn vinh như một trong các nhà hiền triết lớn nhất của lịch sử.
Một ý kiến khác ngược lại, của Jing Gao, một người Trung Quốc dùng blog sống tại Hoa Kỳ, cũng được đăng tải trên France 24, cho biết việc đưa bức tượng Khổng Tử đặt tại Thiên An Môn ngay cạnh lăng Mao Trạch Đông là một hành động khác thường, thậm chí đầy mỉa mai. Bởi, theo lời một người thân cận với Mao Trạch Đông thuật lại, ngày mà đảng Cộng sản đưa Khổng Tử trở lại sẽ báo hiệu kỷ nguyên lãnh đạo của đảng sắp chấm dứt.
Theo blogger này, việc đặt tượng Khổng Tử tại Thiên An Môn đã khiến cho một số người hài lòng vì coi đó như một hành động của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm khép lại quá khứ, vào giai đoạn mà các di sản của nhà hiền triết bị chính quyền chà đạp. Tuy nhiên, sự biến mất của bức tượng, không một lời giải thích từ phía chính quyền, đã khiến nhiều người tức giận. Họ coi đó như là một hành động trở mặt của Bắc Kinh.
Trang mạng của tờ Nhân dân nhật báo cách đây gần 4 tháng vào ngày 17/1/2011, có nghĩa là 5 ngày sau khi tượng Khổng tử được dựng trên Quảng trường Thiên An Môn, đã đưa ra một kết quả điều tra dư luận. Theo đó, 70% trong số 220.000 người tham gia vào cuộc thăm dò ý kiến đã phản đối việc dựng một bức tượng Khổng tử tại đây. Chắc chắn trong số những người phản đối, có rất nhiều thành viên của phong trào tân Mao-ít đang trỗi dậy.
Cũng cần biết rằng, trong thời gian từ đầu năm đến nay, cùng lúc với phong trào cách mạng Hoa Nhài tại các nước Bắc Phi và Trung Cận Đông, tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh gia tăng đàn áp đối lập. Việc bức tượng Khổng tử được đặt tại quảng trường Thiên An Môn trong hơn ba tháng đầu năm qua, phải chăng là một phương tiện giúp chính quyền Bắc Kinh « tranh thủ » được niềm tin của những người còn đặt nhiều hy vọng vào lý tưởng về một xã hội « hài hòa » theo tinh thần của bậc thầy đạo Khổng, trong gian đoạn đầy biến động hiện nay? Dù đúng hay không, hành động của chính quyền Trung Quốc có lẽ không có gì là mạo hiểm cả, bởi « Điều chủ yếu là, ảnh của Mao đã được gắn chặt trên tường Tử cấm thành », như bình luận của thông tín viên RFI Zorys Zylberman, trong bản tường trình ngày 12/1/2011.

Không có nhận xét nào: