Cảnh báo nguy cơ lạm dụng thuốc xịt côn trùng
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-06-26
Cùng với sự phát triển của công nghệ hóa chất, các công ty sản xuất các loại hóa chất diệt côn trùng không ngừng giới thiệu với người tiêu dùng những sản phẩm mới rất tiện lợi và công hiệu.
Tuy nhiên đôi khi người ta quên rằng, hầu hết các loại thuốc xịt côn trùng này đều chứa những hóa chất gây tác hại lên môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người một khi chúng ta lạm dụng chúng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam mới đây có đăng bài viết cảnh báo về nguy cơ lạm dụng thuốc diệt côn trùng ở các khu dân cư như trường học, công viên, nhà ở tại Hong Kong.
Các chuyên gia môi trường Hong Kong đưa ra cảnh báo về nguy cơ độc hại của việc lạm dụng các loại hóa chất diệt côn trùng đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành những quy định cảnh báo nguy cơ độc hại của chúng đối với môi trường.
Các chuyên gia môi trường Hong Kong đưa ra cảnh báo về nguy cơ độc hại của việc lạm dụng các loại hóa chất diệt côn trùng đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành những quy định cảnh báo nguy cơ độc hại của chúng đối với môi trường.
Tại các nước có khí hậu nhiệt đới, nhất là vào mùa hè nhiệt độ nóng ẩm thích hợp cho nhiều loại côn trùng sinh sản, trong đó có muỗi là tác nhân gây ra nhiều bệnh, do vậy các công ty trừ muỗi phun xịt thuốc diệt côn trùng vào các khu gia cư, hay ở các nơi công cộng như trường học, công viên, hay sân chơi cho trẻ. Trong từng hộ gia đình, người ta cũng tiến hành phun thuốc diệt côn trùng quanh nhà, thậm chí có nơi xịt thuốc cả ở trong nhà. Và cho đến nay tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chính phủ vẫn chưa ban hành một quy định cụ thể nào để hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng.
Ảnh hưởng sức khỏe
Cụ thể như tại Hong Kong hiện vẫn còn sử dụng một số loại hóa chất được cho là gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, và một số quốc gia đã cấm sử dụng. Ông Paul Melsom, chuyên gia về thực vật với trên 30 năm kinh nghiệm ở Hong Kong cho biết, một số loại thuốc xịt như Diazinon và Paraquat rất độc hại và có thể kéo dài hiệu năng hàng mấy tuần trong môi trường sau khi được phun xịt. Loại thuốc diệt côn trùng này đã được xịt để diệt muỗi, diệt kiến tại các trường học và sân chơi của trẻ em. Trẻ em dễ nhiễm các loại hóa chất này, một phần là vì da của chúng dễ hấp thụ các chất này hơn so với người lớn, mặt khác chúng dễ vô tình tiếp xúc với các hóa chất trong thuốc xịt muỗi còn đọng lại ngoài môi trường khi chơi đùa.Ông Melsom và các chuyên gia sức khỏe đều đồng ý rằng cần diệt trừ muỗi để tránh nguy cơ gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết, nhưng vấn đề là phải làm sao kiểm soát được vấn đề môi trường một cách an toàn, vì vấn đề lạm dụng thuốc diệt côn trùng sẽ dẫn đến vô số những nguy cơ cho sức khỏe con người về lâu, về dài, trong đó có nguy cơ gây ra các chứng bệnh ung thư, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, hay các bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Trong khi đưa ra những cảnh báo về khói thuốc lá đối với môi trường, người ta lại không chú ý đến những tác hại từ các loại hóa chất có trong các loại thuốc phun xịt này vương vãi trên bề mặt các đồ vật ngoài môi trường, còn nguy hại hơn đối với con người nhất là trẻ em.
Một số loại thuốc xịt như Diazinon và Paraquat rất độc hại và có thể kéo dài hiệu năng hàng mấy tuần trong môi trường sau khi được phun xịt.
Tại Việt Nam, nghiên cứu mới đây của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho thấy, mức độ kháng hóa chất của muỗi ngày càng mạnh mẽ, ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa Thực nghiệm Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết, hiện người dân lạm dụng hóa chất, cá nhân mua về phun hoặc tự đăng ký làm dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi giá rẻ vừa không có tác dụng, vừa làm tăng kháng hóa chất. Tệ hại hơn, có khi một loại hóa chất bị kháng, không diệt được muỗi nữa thì một số người tự động trộn nhiều loại hóa chất với nhau. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ không có hóa chất nào tiêu diệt được loài côn trùng có khả năng lây truyền bệnh dịch này nữa. Cơ quan của Tiến sĩ Phạm Thị Khoa cho hay, trước đây, với những hóa chất hiện có muỗi có thể bị diệt đến 98-100%, nay cùng loại hóa chất đó, lượng muỗi bị diệt chỉ đạt mức 60-70%.
Ô nhiễm môi trường
Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp hiện cũng đang là vấn đề đáng lo ngại, vì tuy là nước nông nghiệp sản xuất lúa nước nhưng diện tích canh tác của Việt Nam thuộc vào loại thấp trên thế giới, và ngày càng bị thu hẹp để nhường chổ cho các khu công nghiệp. Do vậy nông dân phải áp dụng biện pháp tăng vụ, áp dụng giống mới, đi đôi với việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, rầy.Khi hỏi về tình hình sử dụng hóa chất để bảo vệ mùa màng chống sâu bọ, Chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp ở Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết:
“Bây giờ nói chung nông dân xài nhiều thứ lắm, sản phẩm do nhiều nước sản xuất Hoa Kỳ cũng có, chứ đâu phải chỉ có thuốc trừ sâu của Trung Quốc. Thuốc của Trung Quốc bây giờ nói chung người ta cũng ít xài. Thuốc xịt sâu lá, thuốc xịt rầy, rồi coi như đến khi lúa gần trổ nông dân cũng xịt ngừa sâu bệnh cũng có.”
Nông dân đa số sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do Công ty Bảo vệ Thực vật, đơn vị có đại lý trên khắp cả nước cung cấp. Về vấn đề cung cấp kiến thức cho nông dân trong việc sử dụng các loại hóa chất để bảo vệ lúa và hoa màu, ông này cho biết:
“Trên chương trình khuyến nông hàng tuần, bên bảo vệ thực vật thường khuyến cáo nông dân nên dùng thuốc gì, thì nông dân nắm kiến thức, theo đó mà xài. Nhưng phải trong thời gian cách ly theo thu hoạch từ 7 đến 10 ngày, thì đó là khoảng an toàn của thuốc.”
Tuy nhiên, một nông dân ở Huyện Phú Tân, An Giang thì cho rằng:
Người dân mình ở đây không biết cái hậu quả lâu dài, trước mắt cứ thấy nó tiêu diệt được sâu rầy thì nông dân cứ xịt, chứ không nghĩ tới ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng tới sức khỏe.Một nông dân ở Huyện Phú Tân, An Giang
“Người dân mình ở đây không biết cái hậu quả lâu dài, trước mắt cứ thấy nó tiêu diệt được sâu rầy thì nông dân cứ xịt, chứ không nghĩ tới ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng tới sức khỏe. Người có hiểu biết đến ảnh hưởng độc hại của thuốc diệt sâu rầy thì ít thôi, số người không hiểu biết thì nhiều. Bên Hợp tác xã cũng thường xuyên tổ chức hội thảo, nhất là lúc đang có dịch bệnh nhiều. Nhưng nông dân thường không có kiến thức, nhắc nhiều quá thì người ta không hiểu hết, chủ yếu là những vấn đề quan trọng thôi. Nhiều khi nói nhiều quá nó loãng, hay người ta bỏ về. Bởi vậy trong hội thảo không lồng ghép được nhiều vấn đề.”
Ngoài ra, các kết quả kiểm tra từ 25 mẫu rau của Cục Bảo vệ Thực vật tại các tỉnh phía Bắc cho thấy có tới 44% mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 4% có hoạt chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép. Tình hình kiểm tra tại các tỉnh phía Nam cũng chẳng khả quan hơn, do vậy các vụ ngộ độc tập thể vẫn thường hay xảy ra.
Tóm lại, các gia đình cần lưu ý những loại thuốc và hóa chất như thuốc diệt ruồi, muỗi, gián, kiến, chuột, hay thuốc trừ sâu, rầy… đều rất độc hại, nên tuyệt đối không để trẻ có cơ hội tiếp xúc, vì đó là kẻ thù nguy hiểm của con người, nhất là trẻ em.
Ý kiến của Bạn