10.9.11

Hiểm họa khủng bố vẫn tiếp diễn đáng ngại tại ĐNÁ


Hiểm họa khủng bố vẫn tiếp diễn đáng ngại tại ĐNÁ

2011-09-10
Dù Hoa Kỳ huy động thế giới chống nạn khủng bố sau khi xảy ra biến cố 9/11 ở Mỹ, nhưng riêng tại vùng Đông Nam Á, hiểm họa khủng bố xem chừng như tiếp diễn đáng ngại.
Nhân thời điểm đánh dấu ngày xảy ra biến cố kinh hoàng ở Hoa Kỳ, Thanh Quang tìm hiểu diễn biến khủng bố tiếp tục ám ảnh Đông Nam Á, như sau đây.


Căn cứ địa quan trọng

terrorist-in-bali-2005-200.jpg
Một du khách bị thương được sơ tán sau một vụ đánh bom tự sát ở Jimbaran trên hòn đảo Bali ngày 01 tháng 10 năm 2005. AFP photo/Agung Mulyajaya.
Sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhắm vào các biểu tượng quyền lực kinh tế và quân sự Hoa Kỳ tại New York và thủ đô Washington hôm 11 tháng Chín năm 2001, thì vụ đánh bom ở đảo du lịch nổi tiếng Bali của Indonesia vào tháng 10 năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng gợi cho thấy Đông Nam Á là là một vùng đất “phì nhiêu” phát triển khủng bố - dù khủng bố địa phương hay quốc tế.
Trong khi nạn khủng bố hiện vẫn tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ, như Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo:
“Rằng khả năng khủng bố tấn công vẫn là có thực, nên chúng ta cần cảnh giác, thì theo nhiều viên chức và chuyên gia, ngày càng có bằng chứng cho thấy ĐNÁ là căn cứ địa quan trọng cho khủng bố quốc tế Al Qaeda. Vài tháng sau biến cố 9/11, chuyên gia khủng bố Rohan Gunaratna có cơ sở tại Anh ước tính rằng 1/5 tổng lực khủng bố toàn cầu Al Qaeda là tại Á Châu.”
Sau vụ đánh bom Bali, một loạt những vụ khủng bố đẫm máu tiếp theo sau đó trong khu vực, từ vụ gài bom ở khách sạn Mariott năm 2003, vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa Đại sứ Úc ở Jakarta năm 2004, rồi những vụ gài bom ở Bali năm 2005, những vụ đánh bom ở Jakarta năm 2009, cho tới vụ nổ bom ở một Giáo đường Thiên Chúa trên đảo Jolo mạn Nam Philippines năm 2010 chứng tỏ “chiến tranh chống khủng bố” mà Hoa Kỳ dẫn đầu các nước trên thế giới kể từ biến cố 9/11 còn lâu mới đạt đến mục tiêu như mong muốn.
Những vụ tấn công ấy cho thấy bóng ma khủng bố vẫn lảng vảng ở ĐNÁ, những phần tử cực đoan có liên hệ Al Qaeda, như tàn dư của tổ chức Jemaah Islamiya hay tổ chức Jama’ah Anshorut Tauhid cực đoan hơn trong khu vực không bao giờ “cuốn gói” rút lui, chứng tỏ sau biến cố 9/11, những phần tử Hồi giáo cực đoan sẵn sàng giết người ấy rất khó tận diệt.
Theo các viên chức và chuyên gia khủng bố thì tại vùng Đông Nam Á, hoạt động khủng bố khu vực và quốc tế xem chừng như nhắm vào các nước Indonesia, Philippines, Malaysia và cả Singapore.
Theo nhiều viên chức và chuyên gia, ngày càng có bằng chứng cho thấy ĐNÁ là căn cứ địa quan trọng cho khủng bố quốc tế Al Qaeda.
TT Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
Không phải đợi tới sau Biến Cố 9/11 ở Hoa Kỳ, mà từ trước đó – vào năm 1988, khủng bố quốc tế Al Qaeda đã tiếp cận với các nhóm khủng bố ở ĐNÁ để thiết lập căn cứ địa đầu tiên của họ ngay tại xứ có đại đa số người theo Thiên Chúa Giáo – chứ không phải Hồi Giáo. Rồi từ “bàn đạp” Philippines, Al Qaeda mới quay sang dùng Indonesia như là vùng “đất phì nhiêu” nhất trong khu vực để góp phần làm “sinh sôi nẩy nở” Hồi giáo cực đoan ở ĐNÁ, đặc biệt là tổ chức khủng bố khu vực Jemaah Islamiah.
Sau biến bố 9/11 ở Hoa Kỳ - tức khoảng cuối năm 2001, những vụ bắt được nghi can khủng bố tại Singapore và rồi ở Malaysia, Philippines gợi cho thấy Jemaah Islamiah thừa sức tổ chức những tổ khủng bố “nằm vùng” chuyên về hậu cần lẫn đánh bom.
Theo chuyên gia khủng bố Rohan Gunaratna ở Anh thì Jemaah Islamiah phối hợp hoạt động với các nhóm khủng bố khác trong khu vực, kể cả Abu Sayyaf chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc và khủng bố người Công Giáo và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ở phía Nam Philippines.
Tất cả các những tổ chức khủng bố khu vực này hoạt động theo “trục’ Al Qaeda.
Theo những cáo giác thì Al Qaeda chủ mưu những kế hoạch đánh bom hàng loạt, nhất là nhắm vào hàng không dân dụng tại ĐNÁ. Nổi bật nhất là thành viên Al Qaeda người Pakistan, tên Ramzi Yousef, có kế hoạch về 1 loạt những vụ gài bom, ám sát, suýt phá hủy được 1 máy bay hành khách thuộc hãng Philippines Airlines hồi năm 1994. Năm năm sau biến cố 9/11 ở Hoa Kỳ, các viên chức điều tra của Philippines cũng phát hiện khủng bố âm mưu lái máy bay tông vào trụ sở CIA của Mỹ.
terrorist-in-jakarta-2009-250.jpg
Cảnh sát Indonesia đang xem xét bên trong khách sạn Ritz Carlton ngày 17 tháng 7 năm 2009, sau vụ nổ bom làm 9 người thiệt mạng và 41 người bị thương. AFP photo/Cahyo Bruri Sasmito/State Secretariat/HO
Một thành viên khác người Indonesia của Al Qaeda, là Fathur Rohman al-Ghozi, hoạt động mạnh mẽ ở Philippines và thực hiện 1 loạt những vụ đánh bom ở Manila hồi cuối năm 2000 khiến 22 người chết và cả trăm người bị thương.
Các phần tử khủng bố tại Singapore có liên hệ với tổ chức khủng bố khu vực Jemaah Islamiah cũng sẵn sàng kế hoạch dùng bom xe tấn công nhiều mục tiêu tại Singapore, kể cả nhân viên Mỹ, Sứ quán Hoa Kỳ, trụ sở Cao Ủy Úc, Sứ quán Israel; lấy cắp máy bay để tông vào phi trường Changi của Singapore; âm mưu tấn công 1 chiến hạm Mỹ ghé thăm Singapore. Nhưng những âm mưu ấy bị nhà chức tranh Singapore ngăn chận kịp thời. Nếu không, thì thảm họa đẫm máu trầm trọng nhất đã xảy ra ở đảo quốc Sư Tử kể từ biến cố 9/11 ở Hoa Kỳ.

Liên minh thế giới

Sau biến cố đó, đã có nỗ lực phối hợp trong khu vực và thế giới nhằm chống nạn khủng bố tại ĐNÁ. Hồi mùa Hè năm 2002, Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNÁ ASEAN tuyên bố xúc tiến hợp tác chống khủng bố tại hội nghị thường niên cấp bộ trưởng, qua đó, Hoa Kỳ cũng ký thỏa thuận chống khủng bố với ASEAN. Những nước quan trọng khác trong vùng, từ Úc tới Nhật Bản, cũng góp phần gia tăng khả năng chống khủng bố trong toàn vùng Á Châu-TBD qua những cuộc hội thảo, tập huấn; đề ra những sáng kiến tại các diễn đàn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-TBD, Diễn đàn ASEAN Cấp vùng, Diễn đàn Các Đảo ở TBD; qua việc trao đổi tin tức tình báo về khủng bố cùng tội ác xuyên quốc gia, ngăn chận nguồn tài trợ tới tay khủng bố; hình thành hay phát triển những cơ quan cần thiết chống khủng bố…
twin-towers-attacked-250.jpg
Tòa Tháp đôi tại New York bị tấn công ngày 11 tháng 9, 2001. Screen capture.
Sau biến cố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ khiến hàng ngàn người thiệt mạng và di hại, nhất là về kinh tế, xem chừng như còn tiếp diễn cho tới ngày nay, cùng những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại vùng Đông Nam Á, nhất là ở Bali khiến hơn 200 người chết, thì có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là nguyên nhân nào đưa các tổ chức khủng bố từ quốc tế cho tới khu vực, là Al Qaeda và Jemaah Islamiah, Abu Sayyaf cùng nhiều nhóm khác nữa ở ĐNÁ đến với nhau.
Cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer giải thích rằng yếu tố để họ “mã tầm mã ngưu tầm ngưu” là họ hiến dâng cho điều có thể gọi là một sự giải thích lệch lạc về Hồi Giáo – một sự giải thích Hồi Giáo theo chiều hướng cực đoan, bất khoan nhượng, cuồng tín, gieo tang tóc, mở đường cho những phần tử Hồi Giáo khủng bố tấn công nền văn minh nhân loại, nhắm vào những giá trị nhân ái và tiến bộ của loài người.
Theo cựu Ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirajuda thì mối thách thức do khủng bố gây ra đòi hỏi một liên minh quốc gia càng quy mô càng tốt để tận diệt nạn khủng bố - không chỉ bằng phương tiện võ lực mà, không kém phần quan trọng, còn qua biện pháp đối thoại về tôn giáo, văn hóa và văn minh. Bằng phương cách đó, những kẻ gieo rắc thù hận sẽ phải cáo chung.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: