10.9.11

Phỏng vấn vợ ông Trần Đình Trường nhân dịp tưởng niệm 10 năm biến cố 11/9


Phỏng vấn vợ ông Trần Đình Trường nhân dịp tưởng niệm 10 năm biến cố 11/9

2011-09-10
Đúng 10 năm trước đây, ngay khi cuộc khủng bố 9/11 đánh sập tòa tháp đôi thương mại ở thành phố New York, cũng giống bao người dân Hoa Kỳ, ông Trần Đình Trường, một người Mỹ gốc Việt, cảm thấy mình phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa để giúp đỡ những nạn nhân cũng như gia đình của họ.

Photo: RFA
Bà Nguyễn Kim Sang và phóng viên Vũ Hoàng trong buổi phỏng vấn tại tư gia tại TP New York.
Với lòng hảo tâm, ngoài chuyện góp 2 triệu Mỹ kim, ông Trường còn cho những người cơ nhỡ được ở miễn phí tại khách sạn của ông.
Và ông đã được cộng đồng VN tại Hoa Kỳ trao Giải Đuốc Vàng năm 2004 trong lĩnh vực phục vụ cộng đồng. Do đang bị bệnh, vợ ông Trường là bà Nguyễn Kim Sang, người cũng từng có mặt với ông trong tất cả các sự kiện cứu trợ và từ thiện hồi 11/9/2001 dành cho Vũ Hoàng buổi trò chuyện tại tư gia của ông bà tại thành phố New York. Mời quí vị cùng nghe.

Sẵn sàng đóng góp

twin-towers-attacked-250.jpg
Tòa Tháp đôi tại New York bị tấn công ngày 11 tháng 9, 2001. Screen capture.
Vũ Hoàng: Cảm ơn bà Sang dã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Câu hỏi trước hết mà chúng tôi xin dành cho bà là: Bà là một nhân chứng trong vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 cách đây 10 năm thì cảm tưởng của bà khi nhớ lại khoảnh khắc ấy là như thế nào ạ?
Bà Nguyễn Kim Sang: Trước hết xin kính chào quý vị thính giả của Đài RFA, kính chào anh Hoàng.
Thưa anh, ngày đó thì chúng tôi ở tại khách sạn và trong lúc đó thì cũng có rất nhiều người Việt Nam ở đây để đi diễn hành văn hóa. Lúc xảy ra như vậy thì thật ra trong khách sạn chúng tôi không nghe biết gì hết, nhưng khoảng 10 phút sau đó thì mọi người xôn xao lắm và người ta vào cho chúng tôi biết là một máy bay đã “knockdown” cái “building” đó thành ra chúng tôi rất là bàng hoàng và cũng rất là lo sợ vì mình ở cũng không xa chỗ đó lắm. Sau đó chúng tôi được một số người liên lạc giống như là “Red Cross”, tại vì họ sẽ có một số người tới để mà giúp đỡ nạn nhân ở đấy thì họ liên lạc những khách sạn ở gần nhứt, thì họ có đến gặp tại nhà tôi và ông nhà tôi chấp nhận liền. Nhà tôi nói mọi sự gì nếu mà các ông cần thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Nhà tôi nói mọi sự gì nếu mà các ông cần thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Bà Nguyễn Kim Sang
Thì ngày hôm sau ông nhà tôi có viết cái check 2 triệu để yểm trợ chương trình cứu trợ cho các gia đình nạn nhân. Và ổng làm như vậy mà ổng cũng không nói cho tôi biết nữa. Đến chiều thì ổng lên ổng mới nói với tôi là: “Bà ơi, sáng nay tôi có gửi cho Red Cross 2 triệu đồng để mà ủng hộ người ta trong lúc mọi người thiếu may mắn như vậy”. Lúc đó tôi nói rằng: “Không sao. Nếu mà ông thấy việc ông làm là tốt thì tôi Ok.” Đại khái là như vậy.
Mỗi chiều những người của Red Cross họ đi xuống chỗ xảy ra khủng bố đó thì họ cũng thường chở chúng tôi đi theo xuống đó để vào thăm ban nhà bếp hay đi coi những chỗ đổ vỡ, hay theo các đội quân khuyển để tìm xác. Thành ra chiều nào chúng tôi cũng đi, đi đến cả mười ngày như vậy đó. Rồi sau đó không đi nữa, nhưng mà vẫn để cho nhân viên Red Cross ở lại khách sạn để hoạt động đến mấy tháng lận. Họ giúp cho chương trình đó và chúng tôi để cho họ ở miễn phí. Đại khái là như vậy.

Đền ơn đáp nghĩa

wtc-0909-250.jpg
Trung tâm thương mại thế giới (WTC) đang được xây dựng lại, ảnh chụp 08/09/2011. RFA photo
Vũ Hoàng: Xin được hỏi thêm bà một câu khác nữa, được không ạ? Khi mà chứng kiến sự hy sinh của hàng người, mà bà cũng đã từng là một thuyền nhân lênh đênh trên biển và cũng đã chứng kiến sự ra đi mất mát của hàng ngàn người Việt Nam, trong hoàn cảnh ấy thì suy nghĩ và tình cảm của bà về vụ khủng bố đó là như thế nào?
Bà Nguyễn Kim Sang: Dù người Mỹ hay người Việt gì thì cũng vậy, mình đã đến đây thì coi đây là quê hương thứ hai của mình rồi, và mình thấy đối với người Mỹ thì mình cũng có rất nhiều bổn phận vì họ đã cứu mình, bây giờ mình cũng phải làm một cái gì để đền ơn đáp nghĩa người Mỹ vì người Mỹ đã cưu mang mình và tất cả người Việt đến đây tị nạn. Vì thế mà chúng tôi không có quản ngại trong việc cứu trợ.
Vũ Hoàng: Vâng. Thưa bà Sang, như chúng tôi được biết thì ngay sau vụ khủng bố mới xảy ra thì ông Trần Đình Trường đã quyên góp 2 triệu đô-la cho Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ để cứu giúp nạn nhân cũng như gia đình của họ. Ngoài ra ông Trần Đình Trường cũng giúp cho những người cơ nhỡ sống tại khách sạn của mình miễn phí. 
Và cũng chính vì lòng hảo tâm đó mà ông Trần Đình Trường được Cộng Đồng Việt Nam trao tặng Giải Ngọn Đuốc Vàng. Vậy bà có thể chia sẻ cho quý thính giả biết giây phút hạnh phúc đấy của ông như thế nào không ạ?
Bây giờ mình cũng phải làm một cái gì để đền ơn đáp nghĩa người Mỹ vì người Mỹ đã cưu mang mình và tất cả người Việt đến đây tị nạn.
Bà Nguyễn Kim Sang
Bà Nguyễn Kim Sang: Từ khi đến Mỹ tới bây giờ và từ khi mua được cái khách sạn ở Time Square thì bất cứ một cộng đồng Việt Nam hay cộng đồng Mỹ nào cần giúp đỡ cái gì thì ông nhà tôi sẵn sàng lắm. Điều đó ai cũng biết như vậy.
Vũ Hoàng: Vâng. Thưa bà Sang, câu hỏi cuối cùng Đài Á Châu Tự Do dành cho bà là kể từ ngày 11 tháng 9 tới đây là tròn 10 năm xảy ra vụ khủng bố tòa tháp đôi thương mại thì cái cảm giác, cái suy nghĩ hay cái cảm xúc của bà bây giờ như thế nào ạ?
Bà Nguyễn Kim Sang: Dạ. Riêng tôi thì tôi nghĩ rằng dù có sau mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm hay bao lâu thì mình vẫn không quên được, quá là đau thương! Chết một lần mấy ngàn người như vậy thì là một cái tổn thương quá là nặng cho quốc gia.
Vũ Hoàng: Vâng. Thưa bà Sang, Vũ Hoàng thay mặt quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do cảm ơn bà Sang rất nhiều đã dành chút thời gian cho Đài.
Bà Nguyễn Kim Sang: Cảm ơn quý vị theo dõi.

Theo dòng thời sự:

Ý kiến của Bạn

Không có nhận xét nào: