Đồng bằng Cửu Long nước lũ lại về
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-09-11
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang chờ mùa lũ mới sẽ tới vào cuối tháng 9 này. Liệu nước lũ sẽ ở mức cao nhất trong vòng 9 năm qua như thông tin dự báo hay không?
Nam Nguyên phỏng vấn TS Dương Văn Ni Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Đa dạng Sinh học Hòa An Trường Đại học Cần Thơ, đồng thời là thành viên Tổ chức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thế giới, từ Cần Thơ TS Dương Văn Ni nhận định:
Nhờ bão về sớm
TS Dương Văn Ni: So với trong 9 năm qua thì mực nước này chưa phải là mực nước cao nhất, hiện giờ nó vào khoảng bình thường trong vòng 30 năm.
Nam Nguyên: Sau một năm mùa lũ không về, năm nay lại có thể có lũ lớn thì đây có là hiện tượng thời tiết bình thường hay không?
TS Dương Văn Ni: Mấy cơn bão số 2 số 3 trước đây làm cho có nhiều nước ở phía thượng lưu, phía Lào và Campuchia, thành thử ra năm nay nó đổ về sớm hơn những năm bình thường.
Năm nay thì nhờ mấy cơn bão nó về sớm hơn, tăng cường một lượng nước rất đáng kể và nó về sớm.TS Dương Văn Ni
Nam Nguyên: Về lượng nước, trước đây có cảnh báo về biến đổi khí hậu nhưng quan trọng nhất là tác động xấu cũa những đập thủy điện trên dòng Mê Kông ở các nước phía trên Việt Nam. Vậy năm nay lượng nước bình thường là nhờ các cơn bão thôi hay sao, thưa TS?
TS Dương Văn Ni: Về các đập thủy điện ở phía thượng nguồn bên Trung Quốc, theo dõi thời gian khi các đập bắt đầu đóng thì phía dưới hạ nguồn có hiện tượng thiếu nước. Năm nay thì nhờ mấy cơn bão nó về sớm hơn, tăng cường một lượng nước rất đáng kể và nó về sớm. Lượng nước này thì cũng chưa phải là nước lũ đâu, ở đây gọi là nước bình thường thôi.
Giá trị mùa nước lũ
Nam Nguyên: Vậy đối với nông dân trồng trọt, trồng lúa và những người đánh bắt thủy sản thì năm nay vẫn có một mùa nước nổi cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân sẽ được thuận lợi nhờ nước lũ, thưa TS?TS Dương Văn Ni:Năm nay đối với nông dân phía thượng nguồn, những vùng có mùa nước nổi thường xuyên thì có hai phần. Ở những nơi có đê bao chắc chắn thì hiện giờ người ta đang canh tác lúa. Còn lại những cánh đồng không có đê bao thì nước tràn vào rất nhiều, ở những nơi đó hoạt động trên đồng cũng khá sôi động, người ta bắt cá bắt tép….
Nói chung những người làm lúa trong điều kiện có đê bao chắc chắn thì họ được hưởng lợi vì năm nay lúa có giá tốt, nhưng ngược lại những người đánh bắt thì cũng được nhiều cá hơn. Tôi thấy điều kiện thì có cả hai, những người hưởng lợi nhờ thiên nhiên cũng được lợi và những người canh tác nông nghiệp thì nhờ những công trình kiên cố nên có thể thu hoạch vụ mùa tốt hơn.
Nam Nguyên: Thưa TS, tận dụng đê bao để trồng lúa xả hết lũ ra biển trong hơn một thập niên qua thì các nhà khoa học nói là có một số tác động rất xấu, hiện nay đã có những biện pháp để dung hòa vấn đề này hay chưa?
Nói chung những người làm lúa trong điều kiện có đê bao chắc chắn thì họ được hưởng lợi vì năm nay lúa có giá tốt, nhưng ngược lại những người đánh bắt thì cũng được nhiều cá hơn.TS Dương Văn Ni
TS Dương Văn Ni: Hiện nay các tỉnh đầu nguồn đã có lịch xuống giống, nhờ vậy một số nơi tranh thủ chấm dứt vụ lúa thứ ba sớm và xả lũ trở lại, động tác này cải thiện đáng kể nhược điểm của những đê bao khép kín, lần lần đã tập cho cộng đồng có một thói quen, người ta nhìn được cái giá trị của nước lũ đi về trong mùa mưa, nó không chỉ mang phù sa mang cá tép về mà cái quan trọng là nó làm cho đồng ruộng bớt bị tích lũy chất hóa học và do đó sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt và cạnh tranh. Tôi thấy đây là điểm rất tốt, xã hội cũng phải cần nhiều năm để mà thực hành có đúng có sai mới chiêm nghiệm ra được điều này. Đây là một kinh nghiệm hết sức quí báu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nam Nguyên: Thưa TS, các nhà khoa học sẽ vẫn kiên trì chống lại việc xây dựng các đập thủy điện ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông phía trên Việt Nam và kết quả từ những hoạt động này cho đến nay có tiến bộ gì không?
TS Dương Văn Ni: Các nhà khoa học vẫn kiên trì, đó là nhiệm vụ của người làm nghiên cứu, khi nghiên cứu thì cần nói ra sự thật còn chuyện quyết định hay không là những người làm ở cấp cao hơn, các quốc gia có thương thảo được với nhau đưa ra được quyết định cuối cùng hay không thì là chuyện ở cấp cao hơn.
Nhưng có một điều ai cũng biết chắc, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nhiều bài học trên thế giới là những đập thủy điện chặn trên dòng chính những con sông có tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực, điều này thì không cần phải tranh cãi. Vấn đề là nếu cái tiêu cực và tích cực đó xảy ra trong cùng một quốc gia thì người ta còn có thể dễ cân nhắc để điều tiết, nghĩa là người ta lấy được cái phần lợi bù cho phần hại. Nhưng trong trường hợp sông Mê Kông thì điều đó khá phức tạp vì sông Mê Kông chảy qua sáu quốc gia và những quốc gia thượng nguồn khi làm đập như vậy có lẽ cái lợi của họ khó mà chia sẻ cho các quốc gia hạ nguồn.Điều thứ hai nếu chỉ đặt đồng bằng sông Cửu Long trong phạm vi quốc gia Việt Nam thôi thì nó chưa đúng. Như vậy là chúng ta nhìn vai trò đồng bằng sông Cửu Long quá thấp, thử nghĩ có nơi nào vùng miền nào trên thế giới này có thể đảm đương nhiệm vụ mỗi năm đưa ra ngoài thế giới hơn 7 triệu tấn gạo, 3-4 triệu tấn cá tôm và giá trị của hàng triệu tấn gạo và cá tôm đó nó giúp ổn định nền kinh tế của khu vực, giúp ổn định giá lương thực cho khu vực và đôi khi cả toàn cầu.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Dương Văn Ni về thời gian ông dành cho đài chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét