Tưởng niệm 10 năm biến cố 11/9
RFA 11.09.2011
Sáng hôm nay ngày 11 tháng 9 Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm ngày khủng bố đâm máy bay vào 4 địa điểm tại Mỹ giết chết gần 3,000 người. Vụ khủng bố lịch sử này đã làm thay đổi nước Mỹ và thế giới.
Lễ kỷ niệm bắt đầu tại New Zealand vì xứ sở này có múi giờ sớm nhất và cũng tại nơi đây có đội bóng bầu dục của Mỹ đang chuẩn bị tranh giải thế giới.
Tại thị trấn Plymouth toàn đội bóng đã mặc niệm nạn nhân trước khi đại sứ Hoa Kỳ David Huebner tại New Zealand đọc bài diễn văn đầu tiên kỷ niệm 10 năm biến cố 11 tháng 9.
Tại Hoa Kỳ, hai vị tổng thống George W. Bush và Barack Obama ngày hôm nay, lần đầu tiên sẽ cùng có mặt tại địa điểm xảy ra biến cố là khu vực Ground Zero tại New York.
Hai vị Tổng thống sẽ cùng với đường kim thị trưởng New York là ông Michael Bloomberg và ông Rudolph Giuliani, nguyên thị trưởng New York là người có mặt tại hiện trường Ground Zero cùng với Tổng thống Bush ngay sau khi biến cố xảy ra.
Lễ tưởng niệm chính sẽ tổ chức tại nền của hai tòa tháp đôi World Trade Center sau khi bị tàn phá, địa điểm này đã xây lên hai hồ nước với bốn bức tường ghi tên 2,977 ngàn nạn nhân của khủng bố.
Tổng thống Barack Obama sau đó sẽ tới Ngũ Giác Đài để tham dự lễ tưởng niệm và vinh danh những nạn nhân đã bỏ mình tại đây cùng với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cùng các gia đình nạn nhân.
Ngày hôm qua ông đã tới chủ tọa lễ tưởng niệm 40 nạn nhân trong chuyến bay United Airline 93 rơi tại tiểu bang Pennsylvania.
Trong khi đó tại Afganistan quân đội Hoa Kỳ cũng tổ chức lễ truy niệm trọng thể nạn nhân 11 tháng 9 kỷ niệm ngày lịch sử này.
Tuy nhiên quân khủng bố Taliban đã không chịu im lặng, vào sáng sớm ngày hôm nay một chiếc xe tải chứa đầy bom đã kích nổ tại một căn cứ của NATO khiến 89 người bị thường trong đó có 50 binh sĩ Mỹ.
Cuộc chiến không thể chiến thắng này đã lấy đi sinh mạng của hơn 6,000 binh sĩ Mỹ tại các chiến trường Iraq, Afghanistan đã làm cho nước Mỹ thêm khó khăn trong việc chống khủng bố.
Tuy nhiên khi phát biểu truớc công chúng Tổng thống Obama vẫn cho rằng quân khủng bố đang thất bại nặng nề và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cuộc chiến cùng với toàn thế giới để đạt cho bằng được mục tiêu mà nước Mỹ hướng tới.
Tiêu diệt được Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu tấn công nước Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 là thành công lớn nhất của Hoa Kỳ sau 10 năm truy lùng kẻ đầu sỏ nguy hiểm bật nhất này.
Tuy Bin Laden bị tiêu diệt nhưng Hoa Kỳ vẫn cảnh giác cao độ trong dịp lễ kỷ niệm 10 năm. Các ngõ vào thành phố New York và Washington DC được cơ quan an ninh theo dõi kỹ hơn gấp bội so với ngày thường.
Các địa điểm đông người được khám xét tỉ mỉ trước khi dân chúng tập trung bằng chó nghiệp vụ và các phường tiên an ninh khác.
Vào những ngày trước Chúa Nhật 11 tháng 9, cơ quan an ninh Hoa Kỳ đã bắt giữ ba kẻ tình nghi có âm mưu phá hoại trong ngày lễ này. Tin tức không ghi rõ là nghững nghi can này bị bắt trong trường hợp nào nhưng cho biết có hai người là dân bản xứ và người thứ ba chưa tiết lộ quốc tịch.
Ngày hôm qua, phi trường Dulles của thủ đô Washington DC đã báo động khi cảnh sát phát hiện một túi xách vô thừa nhận bỏ tại sân bay. Ngay sau đó phi trường Dulles bị cô lập tạm thời để xác minh túi xách này nhưng kết quả sau đó cho biết không có bom hay vũ khí phá hoại nào.
Trong khi nước Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày 11 tháng 9 thì nhiều nước trên thế giới cũng có những buổi lể tương tự tuy nhỏ hơn nhưng cũng nói lên được sự cảm thông với biến cố đau buồn này của nước Mỹ.
Tại Malaysia, Úc, Nhật Bản, Nam Hàn và nhiều nước khác nơi có công dân của mình làm việc tại hai tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và bị khủng bố giết hại đã có những buổi lễ nhỏ tưởng nhớ người thân của họ.Đặc biệt tại Nhật Bản, Ngân hàng Fuji đã tưởng niệm 23 nhân viên của họ đã bỏ mình trong biến cố này và ngay tại Ground Zero thân nhân của 23 người này đã có mặt cùng với thân nhân của gần 3.000 người khác sẽ được đọc tên trong nghi thức tưởng nhớ vào sáng hôm nay.
Phản ứng với lễ kỷ niệm 10 năm tưởng nhớ nạn nhân 11 tháng 9 nguyên thủ của nhiều nước gửi điện văn chia buồn với Hoa Kỳ, trong khi đó Trung Quốc lại tận dụng dịp lễ này để càn quét những người chống lại chính phủ, đặc biệt là sắc dân thiểu số Uighur tại Tân Cương.
Các nhóm nhân quyền tại New York và các nước khác báo động việc Trung Quốc đã bắt giam những người tranh đấu đòi độc lập cho xứ sở của họ và cáo buộc những người này là khủng bố sau một loạt các vụ bạo động hồi gần đây.
Tòa án tại Tân Cương đã quy kết gần 1.000 người Uighur trong năm 2010 là gây biến động xã hội và có hành vi khủng bố trong khi những người này chỉ biểu tình ôn hòa hay thậm chí bị bắt mà họ không làm bất cứ điều gì chống lại người Hán tại đây.
Trong khi đó tại Philippines chính phủ cho biết đã tiêu diệt được ba phiến quân có liên hệ mật thiết tới đường dây Al Qaeda vào sáng hôm nay.
Giới chức quân sự cao cấp của Phi cho biết ba phiến quân này thuộc lực lượng Abu Sayyaf hoạt động trên đảo Basilan.
Abu Sayyaf là tổ chức khủng bố lấy danh nghĩa Hồi giáo chuyên bắt cóc du khách ngoại quốc để tống tiền. Năm 2009 nhóm này đã giết chết hai con tin khi yêu cầu của chúng chưa được thực hiện. Hoa Kỳ đặt nhóm này vào danh sách khủng bố cần tiêu diệt.
Trong khi lãnh đạo hầu hết các nước trên thế giới chia sẻ những mất mát của Hoa Kỳ thì nguyên Thủ tướng Malaysia là ông Mahathir lại lên tiếng cáo buộc nước Mỹ là nguyên nhân gây nên khủng bố toàn cầu.
Mahathir Mohamad giữ chức thủ tướng khi biến cố ngày 11 tháng 9 xảy ra, sau đó trong một bài phát biểu ông này cho rằng Tổng thống Bush đã nói dối về vũ khí hủy diệt để tiêu diệt chế độ Sadam Hussen.
Ông Mahathir cho rằng thế giới Ả rập đã giận dữ và hy sinh bằng các cuộc đánh bom là điều hợp lý vì những hành động của Hoa Kỳ.
Lạ một điều là mới đây nhất ông ta còn cho rằng Hoa Kỳ đã làm được phim 3 chiều Avatar thì việc tạo một cuộc khủng bố giả để quy tội cho thế giới Hồi giáo không phải là điều mà nước Mỹ không làm được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét