22.11.11

An toàn đường biển trên biển Đông giải quyết ra sao?


2011-11-21
Viện nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc tổ chức một buổi hội thảo tại đảo Hải Nam hôm 17/11 với chủ đề về an toàn đường biển trên biển Đông.
AFP PHOTO
Bản đồ khu vực tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Sự trái ngược lập trường

Đây hiện cũng là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia khác tại Đông Nam Á bao gồm Việt Nam và đã có những quan ngại từ Hoa Kỳ về an ninh và an toàn đường biển tại đây do sự lấn át của Trung Quốc. Với hội thảo này Trung Quốc muốn nói đạt được gì và nó có liên quan gì đến các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước trên biển Đông? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình. 
Điều mà Trung Quốc muốn nói là Mỹ trong điều kiện hiện tại chỉ có hai lựa chọn hoặc là tham gia công ước hoặc nếu không thì im miệng lại.
GS Carl Thayer
Có lẽ chưa có lúc nào vấn đề an toàn đường biển trên khu vực biển Đông lại trở thành chủ đề quan trọng như lúc này khi những căng thẳng liên quan đến chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đang lên cao. Căng thẳng đã khiến Hoa Kỳ cũng phải bày tỏ quan ngại cho vấn đề tự do đi lại của Mỹ trên biển Đông, giữa lúc có những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc dịch nghĩa của công ước quốc tế về luật biển về các họat động quân sự tại vùng đặc quyền kinh tế.
Hội thảo vào ngày 17 tháng 11 của Trung Quốc nhắm vào mục đích tìm ra những ủng hộ về pháp lý cho lập trường của Trung Quốc trong việc ngăn cản hoặc hạn chế tối đa các họat động quân sự của nước ngoài tại khu đặc quyền kinh tế, trái ngược với lập trường của Hoa Kỳ. Sự trái ngược lập trường này cũng dẫn đến một số những vụ đụng độ giữa tàu của Trung Quốc và Hoa Kỳ kể từ năm 2001 đến 2009 mà điển hình là vụ tàu USNS Impeccable của Mỹ với hải quân Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2009. 
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã ký vào công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển nhưng cho đến nay chỉ có Trung Quốc tham gia vào công ước này còn quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua. Với hội thảo lần này Trung Quốc muốn gửi ra một thông điệp mà cũng có thể coi là một thách đố đối với nước Mỹ. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Học viện quốc phòng Úc, người tham gia thuyết trình tại hội thảo cho biết:
000_Hkg5542903-305.jpg
Giáo sư Carl Thayer tại buổu Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ ba ở Hà Nội ngày 05/11/2011. AFP PHOTO.
“Điều mà Trung Quốc muốn nói là Mỹ trong điều kiện hiện tại chỉ có hai lựa chọn hoặc là tham gia công ước hoặc nếu không thì im miệng lại đừng cố tìm cách diễn giải công ước khi mà chính bản thân mình không muốn tham gia. Ngay từ năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có báo cáo cho Quốc hội Mỹ về việc Trung Quốc thông qua một học thuyết quân sự trong đó hạn chế tối đa sự có mặt của hải quân Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương. Cho nên tại hội thảo lần này Trung Quốc sẽ cố gắng khẳng định là Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế cho những hoạt động của mình, cho những đòi hỏi về chủ quyền của mình trên biển Đông.”

Mỹ vẫn hiện diện quân sự

Hiện Hoa Kỳ đang duy trì sự có mặt của hạm đội 7 hùng mạnh tại Tây Thái Bình Dương, với đại bản doanh đặt tại căn cứ Yokosuka ở Nhật Bản. Hải quân Hoa Kỳ cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung hoặc họat động trao đổi hải quân với các nước trong khu vực như Nhật bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. 
Trung Quốc muốn nói là phần diện tích 200 hải lý từ bờ ra gọi là vùng đặc quyền kinh tế thì không cho phép họat động quân sự trừ khi có sự đồng ý của chúng tôi.
GS Carl Thayer
Các tàu của Hoa Kỳ cũng thường đi lại trong khu vực biển Đông để thực hiện công tác nghiên cứu hay thu thập các thông tin tình báo. Vụ va chạm của tàu USNS Impeccable với hải quân Trung Quốc vào năm 2009 gần khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc xảy ra khi tàu này vào đây tiến hành các nghiên cứu quân sự. 
Khả năng mà Trung Quốc giành được thắng lợi trong cuộc tranh cãi với phía Mỹ về việc hạn chế các họat động quân sự của tàu nước ngoài trong khu vực đặc quyền kinh tế của nước mình là rất khó xảy ra. Giáo sư Carl Thayer giải thích:
“Mỹ với sức mạnh hải quân của mình muốn được họat động tự do trên vùng biển quốc tế. Có đến 1/3 phần diện tích biển trên thế giới là vùng đặc quyền kinh tế và Trung Quốc muốn nói là phần diện tích 200 hải lý từ bờ ra gọi là vùng đặc quyền kinh tế thì không cho phép họat động quân sự trừ khi có sự đồng ý của chúng tôi. Mỹ thì nói là công ước quốc tế về luật biển không có ý nói như vậy. Cho nên khả năng mà lập luận của Trung Quốc có thể được chấp nhận là khó xảy ra, vì luật nói rằng các hoạt động vì mục đích hòa bình thì được phép và Mỹ nói là họ làm vì mục đích phòng vệ, họ thu thập thông tin tình báo mà thôi.”
Cũng theo giáo sư Carl Thayer thì nếu lập trường của Mỹ thắng thế sẽ giúp duy trì ổn định an ninh khu vực:
“Các họat động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế không có liên quan gì đến vấn đề tranh chấp chủ quyền của các nước mà chỉ liên quan đến việc diễn giải công ước như thế nào. Tuy nhiên nếu lập trường của Mỹ được khẳng định thì có nghĩa là sự có mặt của Mỹ tại khu vực này sẽ giúp ổn định an ninh khu vực.”
Nhận định này cũng có căn cứ vì đã có những lo ngại từ phía Mỹ và trong khu vực về sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc. Đã có ý kiến cho rằng Trung Quốc tìm cách hạn chế các họat động quân sự của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế vì muốn có lợi cho mình trong các tranh chấp tại khu vực này, cụ thể là với vấn đề Đài Loan, và biển Đông.


Các nước Việt Nam và Philippines là những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông cũng đã nhiều lần lên tiếng hoặc tỏ ý muốn có sự can thiệp của Mỹ vào tranh chấp này với lý do chính là để đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển vốn là quyền lợi của Mỹ. Mặc dù vậy các nước này lại có cách nhìn nhận khác nhau với lập trường liên quan đến họat động quân sự của nước ngoài tại vùng đặc quyền kinh tế. Ông Renato Cruz de Castro, giáo sư môn quan hệ quốc tế trường đại học De la Salle, Philippines cho biết:
“Các nước ASEAN không thống nhất với nhau về vấn đề này, có nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc là không cho phép hoạt động quân sự của nước ngoài tại vùng đặc quyền kinh tế, trong khi Philippines và Singapore lại  ủng hộ lập trường của Mỹ. Theo tôi biết thì phía Việt Nam vẫn ủng hộ lập trường của Trung Quốc.”
Hiện vẫn chưa có sự thống nhất giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các họat động quân sự của nước ngoài tại vùng đặc quyền kinh tế, nhưng các học giả Trung Quốc và Mỹ cũng đang tìm kiếm hướng đi mới dựa vào những thỏa thuận mà Mỹ và Liên Xô đã đạt được trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Theo các học giả thì dù hai bên có thể không thấy hài lòng hoàn toàn với những gì đang diễn ra, nhưng ít nhất một thỏa thuận như vậy cũng giúp giảm đi những hành động gây hấn. Điều này cũng đòi hỏi phía Trung Quốc phải minh bạch hơn trong các hoạt động quân sự của mình. 

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: