Việt Hoàng (Thông Luận) - Nhân loại đã bước thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 thế mà văn minh nhân loại vẫn chưa chiếu đến được mảnh đất hình chữ S có tên là Việt Nam. Không biết nên buồn hay nên vui vì bài phát biểu phản đối quốc hội thông qua ‘Luật biểu tình’ của một ông nghị có tên là ‘Hoàng Hữu Phước’. Sóng gió trên cộng đồng mạng đã nổi lên, cả bên lề phải lẫn lề trái. Những từ ngữ xấu xa và không hay nhất trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam đã được dành hết cho ông nghị Phước, không hiểu ông ta và người thân ông ta sẽ nghĩ gì khi đọc những lời bình của cư dân mạng?
Đa số ý kiến đều tức giận ông ta, thế nhưng phải bình tâm thì mới thấy được đây là những triệu chứng cuối cùng của một con bệnh đã hết thuốc chữa. Rau nào thì sâu ấy. Một chế độ toàn trị không xem người dân ra gì thì đương nhiên phải sinh ra cái quốc hội mà đại biểu của nó phải là nghị Hồng, nghị Phước, nghị Đương…
Cũng xin nói ngay là người viết đồng tình hoàn toàn với ý kiến của bác sĩ Phạm Hồng Sơn (trong bài viết ‘Vịnh Hạ Long, Luật biểu tình và …Hitler’) là đừng bao giờ trông chờ vào cái ‘luật biểu tình’ kể cả khi nó được thông qua: ‘Rồi có thể đa số của Quốc hội sẽ đưa vào nghị trình và thông qua các luật đó trong nay mai? Nhưng rồi thực tế sẽ cho thấy chính những “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” đó sẽ “trói”, “bắt” tất cả những ai muốn lập hội hay biểu tình thực sự?’.Khi cái gốc toàn trị vẫn còn đó thì hoa, lá, cành, mầm, chồi …cũng phải mang cái gen toàn trị, không thể khác được.
Đề nghị bỏ luật biểu tình của ông nghị Phước hay ra luật nhà văn của nghị Hồng hoặc bài viết của bà tiến sĩ Doan, phó chủ tịch nước rằng ‘Việt Nam dân chủ gấp triệu lần tư bản’… có nhiều mục đích. Ngoài việc ‘chọc cho dân chửi’ hay ‘thăm dò dư luận’ nó còn chứa một mầm bệnh hủy diệt đó là ‘công khai thách thức dư luận’. Chế độ ngày nay đã không ngần ngại cởi bỏ ‘tấm mặt nạ’ (của dân, do dân và vì dân) phải mang bấy lâu nay vì đường nào cũng không còn tác dụng gì mấy. Chính quyền Việt Nam chuyển hẳn từ thuyết phục là chính sang khuất phục là chính. Thuyết phục và khuất phục là đôi chân của mọi chính quyền kể cả các chế độ độc tài, trong đó thuyết phục là quan trọng nhất, khuất phục chỉ có tác dụng với một nhóm nhỏ trong xã hội chứ không thể áp dụng trên toàn xã hội. Mỗi khi chế độ mất đi một chân chính thống thì không sớm thì muộn cũng ngã quị.
Chuyện ông nghị Phước cũng có thể là màn mở đầu cho một cuộc đấu đá mới giữa anh Ba và anh Tư như vụ ‘đường sắt cao tốc’ trong nhiệm kỳ quốc hội trước. Chúng ta vừa có cơ hội đọc hai bài đầu của loạt bài ‘Ba-Tư đại chiến’ của tác giả Trềnh A Sáng trênDCVonline. Phải công nhận là tác giả Trềnh A Sáng công phu rất thâm hậu, nắm vững nội tình trong đảng và nhất là ông đã có những nhận định rất sáng suốt về hiện tình của Việt Nam cũng như những ý kiến của ông đối với trí thức Việt Nam.
Nhận xét về cuộc đấu đầu giữa hai thế lực trong đảng mà đại diện là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang ông viết : ‘Tất nhiên, trong các cuộc đấu ấy, bất luận Ba Dũng hay Tư Sang thắng thì chính trị Việt Nam vẫn không vì thế mà tốt lên. Tư Sang tốt hơn Ba Dũng và khi Tư Sang lãnh đạo thì đất nước sẽ tốt hơn, Việt Nam sẽ cứng hơn với Trung Quốc ư? Câu trả lời chắc chắn là không. Về mặt con người, Tư Sang không chắc tốt hay xấu hơn Ba Dũng. Nhưng cái cơ chế chính trị này buộc họ phải xấu như nhau.
Các vụ phanh phui Vinashin, Tân Tạo… được các đối thủ chính trị, ở đây là Tư Sang và Ba Dũng, tung ra để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia. Một khi cuộc chiến đến lúc cần phải thỏa hiệp, thì họ sẽ ngồi vào bàn. Chiếc bánh quyền lực sẽ lại được chia theo tỉ lệ mới’.
Mặt tích cực của cuộc đấu đá này, theo ông là: ‘Tuy thế, những cuộc đấu đá nội bộ này cũng có mặt tích cực cho đại cuộc. Trước mắt, nhờ Tư Sang đánh Ba Dũng mà chúng ta mới biết đến một Vinashin nợ đầm nợ đìa, mới thấy một dự án tàu lửa cao tốc bị dừng lại… Ở các nước dân chủ phương Tây, các đảng chính trị cạnh tranh với nhau để giành quyền lực. Ở Việt Nam, chỉ có một đảng, nhưng các ông ấy cũng đấu đá lẫn nhau. Đó là một dạng thức vận động để cân bằng quyền lực. Còn về lâu về dài, những cuộc đấu đá này sẽ khiến uy tín của đảng Cộng sản bị xói mòn’.
Hay nhất và đau nhất là những nhận xét của ông về các nhân sĩ trí thức ‘tiêu biểu’ của Việt Nam: ‘Trên mạng, đã thấy không ít nhân sĩ trí thức trầm trồ: “Anh Tư hay quá!”, “Hoan hô anh Tư!”. Dân trí thức Việt Nam, dù là hô hào dân chủ hay chống Tàu kịch liệt, thì rốt cuộc cũng chỉ là những kẻ mang nặng tư tưởng Nho giáo, tôn sùng lãnh đạo một cách ngu ngốc mà thôi’.
Rõ ràng là tư tưởng đấu tranh theo kiểu ‘ngồi chờ sung rụng’, không hề có một kế hoạch hay dự định gì cho nghiêm túc, vẫn còn dấu ấn trong suy nghĩ của không ít trí thức Việt Nam, càng đáng nói hơn khi trong số trí thức đó có nhiều người yêu nước và mong muốn cho đất nước thay đổi. Tiếc thay những việc họ làm là tự huyễn hoặc mình và sớm muộn sẽ gây thất vọng cho người dân. Về phía người dân thì do thiếu viễn kiến nên cứ vô tư vỗ tay cho những hoạt động vô bổ này.
Cùng với chuyện nghị Phước là việc chính phủ vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, 35 tuổi, con trai của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng hay như việc con trai ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Văn Chi được bầu vào ban chấp hành trung ương đảng mới đây …đã minh chứng cho nhận định rằng ‘chế độ cộng sản đang chuyển hóa nhanh chóng từ chế độ độc tài đảng trị sang chế độ độc tài cá nhân trị và đây là quá trình tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ toàn trị’.
Tình hình kinh tế Việt Nam đang đứng trước bờ vực phá sản khiến chính quyền đưa ra những quyết định hết sức hoảng loạn và vi hiến như qui định 59, rằng ‘giao dịch bằng vàng và ngoại tệ sẽ bị tịch thu’. Tài sản (bằng đôla và vàng) mà người dân đang cố gắng cất giữ có nguy cơ trở thành tài sản bất hợp pháp và có thể bị nhà nước tịch thu bất cứ lúc nào. Hành động đầu tiên của chính phủ nhằm ‘vô hiệu hóa’ hoặc ‘mua rẻ’ số vàng đang được người dân cất giữ là việc ra nghị định về quản lý thị trường vàng rằng ‘chỉ một thương hiệu vàng duy nhất là SJC được phép giao dịch’ còn lại các thương hiệu vàng khác là không được phép trao đổi trên thị trường…
Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi toàn diện và triệt để. Trí thức Việt Nam cần tỉnh táo, tránh sa đà vào những chuyện vụn vặt để tập trung tinh thần và trí tuệ để dùng cho việc đại sự đó là: Chung tay, mở sang một trang sử mới cho dân tộc Việt nam.
. Bookmark the permalink.
5 Responses to Từ nghị Phước đến ‘luật biểu tình’: Rau nào sâu ấy