Đầu tiên phải kể đến một sự kiện thuộc vấn đề nội tình của Cam Bốt, nhưng công luận bên ngoài lại biết đến nhiều, đến nổi LHQ và Ngân Hàng Thế Giới phải lên tiếng cảnh báo để binh vực dân nghèo, đó là tệ nạn dân bị cưỡng bức trục đuổi và đất, nhà của họ bị chiếm đoạt.
Tệ trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước, ở miền quê thì dân nghèo bị lấy ruộng, lý cớ của chính quyền địa phương đưa ra là đất không có giấy tờ sở hữu hợp pháp, và đất tịch thu được bán thông qua một hợp đồng thuê mướn, có khi kéo dài đến 90 năm, cho các công ty nước ngoài, phần nhiều là của Trung Quốc để làm đồn điền hay khu vực trồng cây cao su, dầu cọ …
Người quyền thế hành xử bất công thì lòng dân bất mãn. Một số cuộc phản kháng đã nổ ra. Có cuộc kháng cự nổi bật tại huyện U Dong - tỉnh Kampong Speu, nông dân tại đây hết đường sống nên quyết tâm đánh lại cảnh sát và lính khi họ đến lấy đất. Vũ khí của nông dân chỉ là gậy tre, ná cao su, cuốc, dao, rựa, các hòn đá nhỏ. Thế nhưng đã ngăn chận được lòng tham của kẻ quyền thế, ít nhất trong giai đoạn ngắn.
Tuy nhiên cũng có địa phương, lính đã nổ súng và thân xác nông dân gục xuống như đã xảy ra ở vài tỉnh vùng Tây Bắc.
Còn tại thủ đô Phnom Penh, nổi cộm nhất và kéo dài lâu nhất như khúc xương khó nuốt, đó là việc lấy đất tại hồ Boeung Kak, hơn 4.000 gia đình tại đây sau 4 năm trời chống cự quyết liệt sau cùng cũng phải thua cuộc. Nhà của họ bị kéo sập, hồ bị bơm cát để công ty Shukaku của viên Thượng Nghị Sĩ Lao Meng Khin thuộc Đảng Nhân Dân Cầm quyền tiến hành xây dựng khu đô thị mới, trong đó có cổ phần của công ty Trung Quốc.
Có người dân nói rằng, sau thời kỳ Khmer Đỏ, thì các cuộc trục đuổi mạnh tay hiện nay đã ghi dấu ấn đậm rất đau buồn trong lòng nhiều người dân. Khi giá đất lên cao từ năm 2003, đây cũng là thời điểm khởi đầu xảy ra những tranh chấp dữ dội giữa dân nghèo và kẻ quyền thế. Có khác một điều là, thời Khmer Đỏ, thể chế chính trị toàn-kiểm áp dụng chính sách không tưởng nhưng sắt máu. Còn trục đuổi ngày nay thì bị mãnh lực đô la làm mờ mắt. Dù có khác về thời gian và chính thể nhưng nạn nhân vẫn là dân nghèo.
2/ Cuộc tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear với láng giềng Thái Lan
Phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế vào năm 1962 đã không được chính quyền Thái dưới thời Thủ Tướng Abhisit thuộc Đảng Dân Chủ Cầm quyền tôn trọng. Họ vẫn cho rằng ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc lãnh thổ Thái. Và chính vào giai đoạn Thủ Tướng Abhisit đã nổ ra tranh chấp căng thẳng qua các cuộc chạm súng gây chết người, và làm cho gần 100.000 dân cư hai bên biên giới phải di tản gần nửa tháng trời để tránh bị đạn lạc.
Cuộc tranh chấp đã tiềm tàng từ lâu, nhưng từ tháng 7 năm 2008 khi UNESCO chính thức công nhận đền Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới thì như giọt nước sau cùng làm tràn ly. Thái quyết định dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp nhưng không đi đến kết thúc. Cuộc đối đầu này đã lôi kéo khối ASEAN vào cuộc nhằm tìm giải pháp chấm dứt và để tránh hình ảnh đoàn kết của khối bị tổn thương. Thế nhưng thái độ của Thái không nhân nhượng và coi thường quyết định của ASEAN vì muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia, đứng từ góc độ chủ quan. Còn phía Cam Bốt do thiếu tiềm lực quân sự và nền kinh tế nhỏ yếu nên cần có một bên thứ 3 bước vào cuộc để tìm ra lối thoát bằng phương tiện thương thảo tránh xung đột quân sự nhiều tốn kém lại còn đổ máu.
Thời kỳ ông Abhisit làm Thủ Tướng Thái đã đánh dấu một giai đoạn bang giao Thái – Cam Bốt xấu đi một cách nghiêm trọng.
Tình hình chỉ tạm yên khi bà Yingluck đắc cử và lên nắm quyền hồi tháng 7. Là người thuộc Phe Áo Đỏ và là em gái của cựu Thủ Tướng Thaksin - người có quan hệ thân hữu với cá nhân Thủ Tướng Hun Sen, nên chính quyền Yingluck hiện nay chủ trương đàm phán hòa bình với Cam Bốt.
Tất nhiên chính quyền của nữ Thủ Tướng Yingluck chỉ tồn tại trong giai đoạn 4 hay 5 năm theo hiến pháp quy định, còn tinh thần quốc gia nhiệt thành quá đổi, nếu không muốn nói là quá khích, hiện hữu lâu dài trong một số thành phần dân tộc Thái. Và chính yếu tố này có thể sẽ còn làm cho đền cổ Preah Vihear rơi vào cảnh tranh chấp nữa.
3/ Trung Quốc tăng cường viện trợ tài chính – quân sự lôi kéo Cam Bốt vào vòng ảnh hưởng
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng thể hiện vai trò nước lớn và dấn sâu vào chính trường Cam Bốt.
Trước khi Trung Quốc ký thỏa thuận với Thái, Miến Điện, và Lào để tuần tra chung trên sông Mekong hồi đầu tháng 12 này thì sự hiện diện của Trung Quốc đã có tại Cam Bốt, một quốc gia nằm ở hạ nguồn Mekong và sát bên cạnh Việt Nam. Những bước đi này thoạt trông không thấy sự liên hệ chiến lược, nhưng đó chính là dụng mưu lâu dài của Trung Quốc có mục đích mở rộng ảnh hưởng tại những nước nằm dọc theo giòng sông Mekong trong khi họ vẫn từng bước tiến hành phô trương lực lượng quân sự, bộc lộ tham vọng bành trướng thế lực tại Biển Đông. Chiến lược một gọng kềm hai hướng từ vùng Hoa Nam tiến xuống Đông Nam Á. Trong đó Cam Bốt ở vị thế tương đối dễ bị Bắc Kinh thu phục bằng viện trợ tài chính dồi dào, không đặt điều kiện nhân quyền, đi kèm với sức ép kín đáo về ngoại giao, kinh tế.
Đặc tính của nền chính trị xứ Chùa Tháp trong 5 thập niên qua chứng minh có khuynh hướng ngả theo quyền lực, chứ không đặt nặng vào chủ thuyết chính trị. Do vậy, công luận được nghe tuyên bố chính thức và công khai của chính quyền Hun Sen về Biển Đông như sau: “Cam Bốt ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vùng Biển Hoa Nam, đây là vùng thuộc lãnh hải không tranh cãi của Trung Quốc”, trong bối cảnh nhiều nước thuộc hiệp hội Asean có chung ranh giới biển với Trung Quốc đang tìm kiếm sự đồng thuận trong hồ sơ này để kháng cự lại tham vọng độc chiếm và thái độ gây hấn của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.
Dù viện trợ phóng khoáng trên nhiều lĩnh vực, nhưng theo nguồn tin của các dân biểu Quốc Hội thuộc Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền trong thời gian xảy ra lũ lụt lớn từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay, thì Phnom Penh hiện nay vẫn mắc nợ Bắc Kinh đến 8 tỷ Mỹ Kim.
Quan hệ láng giềng thân hữu - nồng ấm giữa xứ Chùa Tháp và Việt Nam liệu có tiếp tục êm đẹp nữa không khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Cam Bốt thông qua viện trợ tài chính và quân sự cũng như đầu tư kinh tế ?
4/ Phiên tòa xử tội ác diệt chủng của Khmer đỏ
Chưa thấy con số thống kê ghi nhận những nước mà chế độ Cộng Sản bị sụp đổ và nay mạnh dạn mở phiên tòa xét xử kẻ cầm đầu về tội thảm sát dân, và làm chậm bước phát triển của quốc gia dân tộc. Thế nhưng tại Cam Bốt, một quốc gia nhỏ yếu và chỉ nằm trong vòng ảnh hưởng của Chủ Thuyết Marx – Lenin, nhưng đã hợp tác với LHQ mở phiên tòa xét xử các cựu đầu lãnh Khmer Đỏ.
Một điểm cần ghi nhận rằng, dù chỉ nằm trong vòng ảnh hưởng, nhưng Đảng Cộng Sản Cam Bốt đã ra tay thảm sát gần 2 triệu đồng bào của họ trên tổng số dân cư chưa tới 10 triệu người. Con số mà các nhà sử học nhận định, “đó là cuộc cách mạng đẫm máu nhất tại Châu Á trong thế kỷ 20.”
Ngày 21/6/1997, hai vị đồng Thủ Tướng Cam Bốt là Hoàng Tử Norodom Ranaridh và Hun Sen yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) giúp tổ chức tiến trình thành lập Tòa Án Xét Xử Khmer Đỏ.
Đến năm 1999, thì Duch, một quản ngục khét tiếng, trong hệ thống trại tập trung rùng rợn của Khmer Đỏ, bị bắt, và hơn 10 năm sau thủ phạm mới ra tòa.
Còn các nhân vật trọng phạm như Nuon Chea, Ieng Sary, Khieu Samphang, và Ieng Thirith cho tới gần cuối năm 2007 mới bị tạm giam, và ngày 21/11/2011 phiên xử chính thức bắt đầu tiến hành.
Qua phiên xử Nuon Chea, Ieng Sary, và Khieu Samphang hiện nay, LHQ và cộng đồng quốc tế gởi đi thông điệp rõ ràng là không nên vô lương tâm mà coi thường và phung phí sinh mạng con người trong cuộc cách mạng “Vô Sản” hoang đường. Gây tội ác thì phải bị trừng phạt.
Tuy gần 2 triệu dân lành bị thảm sát trong khoảng thời gian từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1978 khi Khmer Đỏ cầm quyền, nhưng cho đến nay Tòa Án Xét Xử Tội Phạm Diệt Chủng chỉ bắt giữ và xét xử có 4 trọng phạm, riêng nhân vật Ieng Thirith đang bị điều tra thêm về chứng bịnh tâm thần nên không ra hầu tòa.
Những nạn nhân may mắn sống sót và người thân của kẻ bị thảm sát bày tỏ ý kiến không hài lòng khi tiến trình xét xử kéo dài quá lâu và các trọng phạm bị bắt giam quá ít.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét