Đào Tuấn - Dẫu sao cũng nên cảm ơn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi ông có văn bản chỉ đạo "kiểm tra" vụ kêu oan của một doanh nhân 31 tuổi sau khi anh này gửi đơn đến lần thứ 13.
Chữ "dẫu sao" là để dành cho con số 13.
Còn số 31. Có người nói nếu doanh nhân này có 31 năm "trải nghiệm thương trường Việt", thay vì 31 tuổi, thì sẽ không có chuyện kêu oan tới 13 lần, hoặc thậm chí không cần đơn. Cái còn thiếu của anh, có lẽ là kinh nghiệm "làm luật", một thứ luật mà sẽ không một nhân viên nhà nước nào nói ra nhưng ai cũng biết là một cái gì đấy.
Hồi giữa năm, tại hội nghị tổng kết toàn quốc về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách TTHC, Chính phủ hân hoan tuyên bố đã đơn giản hóa được tới 5.000 thủ tục hành chính. Và "tiết kiệm cho dân" 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Bỏ qua những thắc mắc về công việc lượng hóa, quy tiền kết quả cải cách thủ tục, con số 30.000 tỷ thực chất là những hậu quả, những thiệt hại vật chất mà thủ tục hành chính gây ra.
Doanh nhân 31 tuổi, trong tâm thư gửi Bộ trưởng Huệ kể lể trong một tháng rưỡi qua, anh mất 20 triệu cho mỗi ngày tàu bị tạm giữ, chưa kể 300 triệu "chi phí khác, chưa kể hàng có được thả ra "cũng không biết bán cho ai".
30.000 tỷ, vì thế, thể hiện cho kết quả cải cách thủ tục thì là nhiều, nhưng để lượng hóa thiệt hại do thủ tục thì nói là quá ít cũng không sai.
Nhưng không phải chỉ doanh nghiệp bị hành.
Năm 2007, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết: "Bản thân tôi cũng bị hành" khi nghe cử tri phản ánh kêu than một lô một lốc những quy định rườm rà, cách xử lý máy móc hành dân. Toàn những câu chuyện cười ra nước mắt: Xây nhà phải có ý kiến đồng ý của hai hộ kề bên. Bà cụ đã 72 tuổi, chồng vừa mất, có giấy báo tử, nhưng khi đi lo thủ tục nhà đất, cán bộ cứ nhất định yêu cầu phải có giấy chứng nhận độc thân...
Năm 2009, tại hội nghị Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư quận Ủy Hà Đông mô tả sự hành dân của công chức chính quyền chỉ trong một câu nói: “Ngay ở quận tôi, cứ lơi ra là lại có chuyện vì cán bộ cứ cho mình là “to” lắm... Chuyên viên mà to như chủ tịch thành phố...".
Chủ tịch nước còn là nạn nhân thì hỏi sao dân không bức xúc.
Bí thư quận ủy còn bức xúc thì hỏi sao doanh nghiệp không kêu oan.
TS Nguyễn Sĩ Dũng từng bình luận rất chính xác, rằng: “Thủ tục là con đường dẫn đến tự do”, "Thủ tục không có lỗi".
Vấn đề là người thực hiện thủ tục.
Sau vụ tân Bộ trưởng Đinh La Thăng "trảm tướng", nhà ga sân bay Đà Nẵng hoàn thành vượt trước tiến độ 15 ngày.
Sau khi tân Bộ trưởng Huệ chỉ đạo kiểm tra lá đơn kêu oan, Hải đội 2 lập tức "làm việc" với nạn nhân 31 tuổi.
Nhưng cải cách hành chính không nên chỉ là giải quyết những vụ việc cá biệt.
Và cải cách sẽ chỉ là hình thức nếu không cải cách được cái sự "hành", bao gồm cả "hành dân" và "hành nhau" (Chữ dùng của Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo)- trong những con người hành chính.
Các vị tân Bộ trưởng, vừa qua "100 ngày", có thể vẫn còn sự nhiệt huyết trước nỗi khổ của doanh nghiệp, của dân chúng. Nhưng có lẽ chỉ ngay ngày mai thôi, sẽ là những cơn bão đơn kêu oan đổ về. Đơn giản là bởi những trường hợp 13 lần kêu oan chưa bao giờ là cá biệt.
Và nếu không cải tạo được những công chức hành chính, các vị Bộ trưởng, biết đâu đấy, sẽ rất nhanh chóng quen nhàm trước những lá đơn kêu oan để coi đó là chuyện thường ngày của nền hành chính.
. Bookmark the permalink.
1 Response to Chuyện thường ngày của nền hành chính