19.12.11

Việt Nam đang đối đầu với khủng hoảng kinh tế?


2011-12-18
Lạm phát vẫn tiếp tục ở mức cao là quan tâm hàng đầu của chính phủ và người dân trong nước.
RFA PHOTO
Rau quả bán tại một chợ ở TPHCM, ảnh chụp tháng 4-2011.
Phải chăng các biện pháp vĩ mô được đưa ra chưa thể giúp đẩy lùi tình hình kinh tế khó khăn mà có ý kiến cho rằng có thể đến mức khủng hoảng?
Hòa Ái trình bày trong phần sau.

Chưa đủ hiệu quả

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm nay, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhấn mạnh “kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu”. Trong nhóm biện pháp được ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra để kiềm chế lạm pháp có việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt kết hợp với chính sách tiền tệ chặt chẽ. Và hai chính sách này phải song hành cùng nhau.
Toa-nha-cao-tang-4-250.jpg
Cao ốc cho thuê ở Hà Nội. RFA photo
Nhưng trên thực tế, cho đến những ngày cuối năm 2011 này, mức lạm phát vẫn tiếp tục ở mức cao. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ sẽ không thể kiềm chế mức lạm phát ở mức 18% trong năm nay. Chỉ số giá cả vẫn tăng, lãi suất tiếp tục gia tăng và mức thâm hụt thương mại của Việt Nam lên đến 10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2012.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có ý kiến đánh giá về những biện pháp mà thủ tướng Việt Nam đã đưa ra:
“Ngày 24/2/2011, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị quyết số 11 của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Và chính phủ đã áp dụng chính sách tín dụng và tiền tệ chặt chẽ, đồng thời cũng đã cắt giảm đầu tư công và cắt giảm các chi tiêu ngân sách. Kết quả của chính sách đó là lạm phát trong những tháng cuối năm đã bắt đầu dịu bớt. Tốc độ đã giảm đi dưới 0.5% và có thể sau tháng 11, sang tháng 12 có thể tăng lên do nhu cầu chuẩn bị cho dịp Tết và lễ Giáng Sinh.
Trong các biện pháp chính phủ đã áp dụng thì những biện pháp về tín dụng tiền tệ và về kiểm soát tín dụng đối với bất động sản đã tỏ ra có hiệu lực. Nếu không có các biện pháp đó thì rất có thể lạm phát ở Việt Nam lại còn cao hơn ở mức 18-19% như hiện nay. Tuy vậy, các giải pháp về cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng như là các biện pháp về cắt giảm đầu tư công thì vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Bởi vì tổng mức đầu tư công vẫn tăng lên 15% và hơn 1000 dự án mới trong đầu tư công vẫn đã bắt đầu được khởi công trong năm 2011 nhiều hơn so với năm 2010. Và mức độ cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng chưa phải là mạnh mẽ lắm.”
... đều đã có mạnh mẽ đề nghị Việt Nam phải tiến hành các biện pháp có hiệu quả hơn để kiềm chế lạm phát, và đòi hỏi phải có những hành động có hiệu quả.
TS Lê Đăng Doanh
Tại hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội đầu tháng 12 mới đây, nhiều chuyên gia lần lượt đưa ra những nhận xét của họ đối với chính phủ để giúp cho nền kinh tế Việt Nam được khả quan hơn.
Bà Sanjay Kalra, đại diện của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế nhấn mạnh rõ ràng về nhu cầu cấp thiết thay đổi tính chất hợp lý của lĩnh vực tài chánh trong khi tái thiết lập sự bình ổn kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, một số nhà tài trợ khác nhận định chính phủ phải nên tập trung vào cải tổ hệ thống ngân hàng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và phải chống tham nhũng.
Đối với những biện pháp được đề nghị đó, thì chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có đưa ra nhận định như sau:
“Ngày 6/12 Hội Nghị Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ đã được tiến hành ở Hà Nội. Và trong đó đại diện của các nhà tài trợ như là Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Quĩ Tiền tề Quốc Tế cũng như là các nhà tài trợ song phương đều đã có mạnh mẽ đề nghị Việt Nam phải tiến hành các biện pháp có hiệu quả hơn để kiềm chế lạm phát, và đòi hỏi phải có những hành động có hiệu quả.
hanoi12062011-250.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, bà Victoria Kwakwa (áo đỏ), tại Hội nghị Nhóm Tư Vấn các nhà tài trợ cho VN ở Hà Nội hôm 6-12-2011. AFP PHOTO.
Thủ tướng chính phủ đã nhất trí và đã hứa là sẽ có các biện pháp thực hiện. Hiện nay Việt Nam cũng đồng thời đang thực hiện ba biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế: tái cấu trúc đầu tư, trong đó thì có tái cấu trúc đầu tư công là trọng điểm; tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ, trong đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại là trọng điểm; và tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước, trong đó tái cấu trúc về các tập đoàn nhà nước cũng như tổng công ty nhà nước là trọng điểm. Các biện pháp đó hiện nay đang được soạn thảo và sẽ được thực hiện.
Cho đến nay, tôi thấy ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện một chính sách tín dụng chặt chẽ. Và nhờ có thặng dư về cán cân thanh toán cho nên áp lực đối với tỉ giá đồng Việt Nam trong thời gian gần đây đã có giảm bớt. Như vậy, tôi nghĩ rằng với cán cân thương mại của Việt Nam vẫn đang bị thâm hụt thì áp lực lên tỉ giá đồng tiền Việt Nam trong năm 2012 vẫn sẽ còn tồn tại. Và cuộc chiến đấu để giảm lạm phát từ mức 18-19% năm 2011 xuống đến dưới mức 10%, tức là khoảng 9% năm 2012 sẽ là một cuộc chiến đấu hết sức là gian khổ và đòi hỏi những biện pháp có hiệu lực.”
Một vấn đề của Việt Nam cũng được các nước cấp viện cho Việt Nam nêu ra tại hội nghị là vấn đề về nhân quyền và tự do ngôn luận. Ông Đại Sứ Na Uy, Stale Torstein Risa đề nghị thủ tướng Việt Nam phải nới lỏng chính sách chính trị hà khắc thì mới có thể góp phần làm cho nền kinh tế lành mạnh hơn.
Hiện tại đa số trong hơn 86 triệu người dân Việt Nam sống chật vật vì lạm phát. Họ trông mong chính phủ thực thi những điều đã hứa, cũng như nghe theo khuyến cáo giúp cải thiện tình hình kinh tế Việt Nam một cách có hiệu quả.

Theo dòng thời sự:

Ý kiến của Bạn

Không có nhận xét nào: