Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-01-17
Chị Phạm Thị Hiền, vợ anh Đoàn Văn Quý, một trong bốn người bị bắt vì chống người thi hành công vụ trong vụ án Tiên Lãng đang lên tiếng kêu cứu.
Cô lập đầm
Lý do là vì chính quyền phong tỏa đầm nuôi tôm của gia đình chị nhưng lại lén lút cho phép một số kẻ có máu mặt trong xã công khai đến vơ vét mọi sản phẩm đang chờ thu hoạch của gia đình trong nhiều ngày qua. Trước tiên chị Hiền cho biết:
Từ hôm xảy ra vụ cưỡng chế khi nhà em lên bờ rồi thì có một lực lượng xuống tiếp quản đầm nhà em ngay và đã đánh bắt tôm cá thủy sản và tất cả hoa màu trên đất của gia đình nhà em...
Mặc Lâm : Vâng, những cái đầm đó là 40,3 hecta đầm nuôi tôm thủy sản của gia đình, phải không ạ ?
Bà Phạm Thị Hiền : Vâng ạ, tổng diện tích là 40,3 hecta ạ.
Mặc Lâm : Sau khi bị cưỡng chế thì hình như UBND xã đã cô lập vùng đó, không cho ai vào, phải không chị?
Bà Phạm Thị Hiền : Vâng ạ.
Mặc Lâm : Như vậy thì làm sao mà có người vào được để lấy thủy sản trong đầm của gia đình chị ?
Bà Phạm Thị Hiền : Đấy là lực lượng của họ, lực lượng của UBND huyện và UBND xã họ xuống, và chỉ có họ mới được ở đấy. Họ không cho ai tiếp cận với khu vực bị cưỡng chế.
Mặc Lâm : Vâng, theo chị thì thủy sản trong đầm của gia đình nuôi cho tới thu hoạch thì còn nhiều ít ?
Bà Phạm Thị Hiền : Vâng, thưa anh, như chúng em làm nghề thủy sản này thì chỉ mong đến Tết tập trung thu vào dịp Tết, vì Tết bao giờ cũng được giá cho nên bọn em tập trung thu vào tháng Tết. Thế nhưng mà từ ngày bọn em nhận được cái lệnh cưỡng chế này thì mình cũng không còn đầu óc đâu để mà đánh bắt, và đến bây giờ thì bọn em không kịp thu cái gì mà mình đã đầu tư không biết là bao nhiêu. Đến bây giờ thì mình trồng cây để cho họ ăn quả như thế đấy anh ạ.
Mặc Lâm : Vâng, diện tích đất bị quy vào diện cưỡng chế là 19,3 hecta phải không ạ ?
Bà Trần Thị Thương : Vâng.
Mặc Lâm : Vậy thì 21 hecta còn lại không thuộc diện bị cưỡng chế mà tại sao gia đình cũng vẫn không vào được để thu hoạch ?
Bà Trần Thị Thương : Vâng. Đến bây giờ họ vẫn không cho bọn em không những không được thu hoạch mà họ còn không cho bọn em bước chân vào đầm đấy nữa.
Mặc Lâm : Có nhiều người dân cho biết tên những người vào đầm nhà chị để đánh bắt hải sản bất hợp pháp, vậy chị có biết họ là ai không?
Bà Trần Thị Thương : Dạ có ạ. Chủ là vợ chồng nhà Thanh Kết với lại anh Chương ạ. Chỉ có hai người đấy
Mặc Lâm : Những người đấy làm việc trong chính quyền hay là người dân thường?
Bà Phạm Thị Hiền : Họ chỉ là những người dân thường thôi, nhưng mà ở xã thì họ là những người có máu mặt, những người có tiền. Đấy là cánh hậu của UBND huyện và UBND xã ạ.
Tận diệt hải sản
Mặc Lâm : Chị có thể cho biết cách khai thác, cách họ đánh bắt thủy sản trong đầm của gia đình nhà chị như thế nào ? Họ vào họ giăng lưới hay làm sao? Chị có thể kể cụ thể không?
Bà Phạm Thị Hiền :Thưa anh, trước đây thì gia đình em chỉ đánh bắt bằng những nguồn an toàn như là lưới, quăng chài, bơm vét thôi, nhưng mà đến bây giờ khi họ vào đầm nhà em thì họ hoàn toàn dùng hết bằng điện. Điều đó có nghĩa nếu như dùng hết bằng điện thì có nghĩa là tuyệt chủng vì họ đánh giết đến cả con tép con tôm mà đi. Tất cả mà dùng điện thì sẽ giết hết, sẽ hủy diệt hết, không còn gì nữa. Em đang lo là tới đây nếu chị em em có tiếp quản lại đầm thì không biết là liệu có còn cái gì nữa không đấy ạ. Bởi vì đến cái trứng tôm, trứng cá bây giờ cũng bị hủy diệt hết vì họ dùng điện mà anh.
Mặc Lâm : Vâng. Thưa chị, gia đình chị biết số người đó đã vào trong đầm của mình để đánh bắt một cách tùy tiện như vậy, chị có làm đơn hay là chị có kêu gọi chính quyền xã hay huyện để bảo vệ cho tài sản tư của chị hay không?
Bà Phạm Thị Hiền : Dạ thưa anh, đến bây giờ, tới ngày hôm qua bọn em mới làm đơn tố cáo tội phạm về cái tội phá hủy nhà em, chứ còn em cũng chưa làm được bởi vì là bọn em mới làm đơn chung về tất cả hoa màu trên đất của gia đình, gộp chung như vậy chứ còn chưa có chính thức một bản nào nói về trị giá hay nói về con số chính xác để mà đi thưa kiện ạ.
Mặc Lâm : Xin chị cho biết là tổng số lượng ước tính tài sản gia đình bị mất thì chị ước lượng khoảng bao nhiêu ạ?
Bà Phạm Thị Hiền : Dạ thưa anh, cái ngôi nhà của nhà em hai tầng với lại tất cả chuồng trại nếu như mà xây trên cái mặt bằng trên đường bằng phẳng thì nó chỉ mất có khoảng 500 triệu thôi, thế nhưng để chuyển được tất cả nguyên vật liệu thì huy động cả tiền và công các thứ thì nó phải gấp đôi cái giá như thế, là bởi vì chuyển từ trên đường xuống tới chỗ nhà em xây lên cái công trình đấy thì tiền công cũng phải tương đương với tiền nguyên vật liệu anh ạ.
Mặc Lâm : Dạ. Còn vấn đề thủy sản mất ở trong đầm hiện nay thì mất khoảng bao nhiêu tiền?
Bà Phạm Thị Hiền : Vâng. Nếu như nhà em bắt vào cuối năm này thì tổng thu phải là 800 triệu ạ.
Mặc Lâm : Vâng. Xin cảm ơn chị rất nhiều về những thông tin này. Chúng tôi cũng cầu chúc gia đình chị được may mắn về sau. Dạ. Cảm ơn chị nhiều lắm.
Bà Phạm Thị Hiền : Vâng. Cảm ơn anh. Xin chào anh.
Video: Việt Nam Tuần Qua 14.01.2012Theo dòng thời sự:
- Vợ ông Đoàn Văn Vươn kể lại những gì đã xảy ra trong vụ nổ súng ở Hải Phòng
- Ông Đoàn Văn Vươn là người như thế nào?
- Cưỡng chế nhà đất: công an bộ đội trọng thương
- Khi người Nông dân nổi dậy
- Vụ án Tiên Lãng: đừng dồn họ vào chân tường
- Vụ Tiên Lãng: chữ tín của nhà nước ở đâu?
- Uẩn khúc gì trong vụ nổ súng ở Tiên Lãng?
- Dư luận quanh vụ nổ súng ở Tiên Lãng
- Vụ Tiên Lãng: UBND Hải Phòng khẳng định làm đúng luật?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét