30.1.12

Anh Quốc tìm cách thu hút đầu tư Trung Quốc



Bộ trưởng Tài chính George Osborne trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh ngày 07/01/2012 nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính George Osborne trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh ngày 07/01/2012 nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc.
Reuters

Trọng Nghĩa
Với nền kinh tế đang mấp mé bờ vực suy thoái, Vương quốc Anh càng lúc càng lộ rõ ý định áp dụng một liệu pháp có thể gọi là “ve vãn” Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế của mình. Luân Đôn hy vọng lợi dụng được thời cơ khu vực đồng euro bị điêu đứng để nêu bật sức hấp dẫn của mình với Bắc Kinh và thu hút nguồn đầu tư từ Trung Quốc.

Từ nhiều tháng nay, Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Tài chính George Osborne không che giấu ý định mời gọi Trung Quốc, khi lúc nào cũng tuyên bố là Anh Quốc "hoàn toàn mở cửa cho đầu tư nước ngoài."
Khi chiêu dụ Bắc Kinh, Luân Đôn đã không ngần ngại đi ngược chiều với nhiều đối tác khác, chẳng hạn như Washington hay Paris, nơi mà các tham vọng của Tập đoàn CIC quản lý quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc luôn luôn gặp phải nhiều phản ứng chống đối. Với ngân sách khoảng 410 tỷ đô la, tập đoàn này đã tìm cách đầu tư, đặc biệt vào lãnh vực hạ tầng cơ sở ở Châu Âu hay Bắc Mỹ.
Quan ngại của Pháp hay Mỹ hoàn toàn không phải là mối bận tâm của các lãnh đạo Anh Quốc. Họ không ngừng tung tín hiệu về phía Bắc Kinh với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tài trợ cho các đại công trình trị giá khoảng 30 tỷ bảng Anh (35 tỷ đô la), mà Luân Đôn vừa phát động vào mùa thu năm ngoái để tạo động lực vực dậy nền kinh tế Anh.
Theo các nhà quan sát, chiến dịch ve vãn của Anh Quốc đã bước đầu mang lại kết quả cụ thể. Trong tháng Giêng này, CIC đã mua 8,6% cổ phần của tập đoàn cấp nước Anh Quốc Thames Water, có khoảng 14 triệu khách hàng ở Anh.
Tổng trị giá thương vụ này không được tiết lộ, nhưng đối với bộ trưởng Tài Chính Anh Quốc Osborne,  đấy là "phiếu tín nhiệm (của Trung Quốc) đối với Anh Quốc”. Theo ông, đó rõ ràng là một “tin tốt lành cho cả nền kinh tế Anh lẫn nền kinh tế Trung Quốc”.
Có đi có lại, trong chuyến thăm Trung Quốc một vài ngày trước đó, ông Osborne đã cho Bắc Kinh biết là Luân Đôn sẵn sàng trở thành địa bàn đầu tiên tại phương Tây, cho lưu hành các sản phẩm tài chính định giá bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Việc CIC tham gia vào vốn tập đoàn cấp nước Thames Water được cho là thương vụ đầu tư lớn nhất của Trung Quốc trong lãnh vực này tại Anh Quốc từ trước đến nay. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng đó chỉ là một bước khởi đầu.
Theo nhật báo Daily Telegraph, một khi mà dự án cưc lớn nhằm xây dựng một sân bay mới ở cửa sông Thames được tung ra, thì chắc chắn là sẽ có rất nhiều tiền bạc từ Trung Quốc lót nền cho đề án đó. Đối với tờ báo này, hiện đã "quá muộn để lo âu” về những hậu quả của việc đầu tư Trung Quốc tràn ngập kinh tế Anh.
Phải nói là so với các nước châu Âu đang bị khủng hoảng trong khu vực đồng euro đe dọa, Anh Quốc đang tận dụng lợi thế nước đứng ngoài vùng euro để thu hút đầu tư trực tiếp. Theo Philip Shaw, chuyên gia công ty tư vấn chứng khoán Investec Securities, các nước ngoài muốn đầu tư vào Anh không phải lo sợ trước nguy cơ đồng euro bị xóa bỏ.
Tuy vậy, theo ông Colin Ellis, phân tích gia tại BVCA, một hiệp hội các nhà đầu tư Anh Quốc, “ phải có một khối lượng rất đáng kể đầu tư Trung Quốc đổ vào Anh Quốc thì mới tạo ra được hiệu quả trên toàn bộ nền kinh tế Anh”. Lý do là vì nước Anh đang phải đối phó với một tình trạng thất nghiệp kỷ lục và có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái đầu tiên từ năm 2008 / 2009 đến nay.
Vấn đề là ưu tiên của Bắc Kinh chắc chắn không phải là cứu Anh Quốc, mà là thâm nhập vào Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Vương quốc Anh chỉ là một bàn đạp, để chứng minh với người Mỹ rằng Trung Quốc không chỉ là người đi mua các khoản nợ, mà còn là đối tác đáng tin cậy, có năng lực đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hay giao thông vận tải.
 
TAGS: CHÂU Á - CHÂU ÂU - KHỦNG HOẢNG - KINH TẾ - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào: