Blogger quan ngại về tự do báo chí tại Việt Nam
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-01-29
Việt Nam nằm trong 10 nước có chỉ số tự do báo chí thấp nhất trên thế giới theo báo cáo năm nay của tổ chức Phóng viên không Biên giới RSF.
Điều này gây ra quan ngại gì cho giới blogger cũng như những người ủng hộ tự do thông tin tại Việt Nam? Quỳnh Chi tường trình trong phần sau.
Tuần trước, tổ chức Phóng viên không Biên giới RSF cho ra bản báo cáo hàng năm về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2012. Trong số 179 nước được khảo sát, Việt Nam đứng gần cuối bảng với vị trí thứ 172. Điều này phần nào phản ánh những hạn chế trong tự do thông tin tại Việt Nam.
Thất vọng
Anh Trương Quốc Huy, một người đấu tranh cho dân chủ và quan tâm đến tự do thông tin cho biết sự mất tự do trong báo chí thể hiện trước tiên trong luồng báo chính thống:
“Những bài báo nói lên những vấn đề tiêu cực tại Việt Nam như bài báo nói về Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam. Trong một loạt bài báo Tuổi Trẻ cũng nhắc đến cuộc chiến tại Hoàng Sa của quân lực VNCH. Và loạt bài đó chỉ đăng được ba kỳ và dừng lại.
Hay báo Sài Gòn Tiếp thị có đăng bài về những người yêu nước mặt áo No-U để phản đối Trung Quốc. Sau đó thì những nhân vật đăng bài này đã bị kỷ luật. Hay những bài báo nói về sự tham nhũng của cảnh sát giao thông… Tôi nghĩ là khi RSF xếp hạng như vậy là họ đã có đầy đủ bằng chứng”.
Đồng quan điểm với anh Trương Quốc Huy, sinh viên Từ Anh Tú cho biết kết quả xếp hạng của RSF là một sự thất vọng lớn cho tự do báo chí ở Việt Nam và theo anh, báo chí Việt Nam luôn bị “định hướng”.Việc Việt Nam nằm cuối bảng trong bảng xếp hạng tự do báo chí tuy không phải là một tín hiệu lạc quan nhưng là những thông tin có thể dự đoán được, nhất là trong lúc ngày càng có nhiều người được cho thuộc dòng báo không chính thống bị bắt bớ và gây khó dễ. Blogger Uyên Vũ cho biết:
“Năm vừa rồi là một năm khá buồn cho vấn đề báo chí Việt Nam. Nhiều nhà báo, blogger bị bắt giam. Ngay cả những vị trí thức có tiếng cũng gặp khó khăn và họ cũng bị “bịt miệng.”
Nhiều năm nay, việc xếp bậc về tự do báo chí tại Việt Nam của các tổ chức trên thế giới thường có một kết quả tương đối giống nhau và Việt Nam luôn nằm ở những vị trí cuối của bảng. Theo tôi, nó phản ánh khá chân thật diện mạo báo chí tại Việt Nam”.
Trước khi RSF cho ra bản báo cáo về tự do báo chí trên thế giới, Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế IPA và Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam nới lỏng tự do báo chí và xuất bản.
Thua cả Lào và Campuchia
Trong khối Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang là nước có nền tự do báo chí tồi tệ nhất. Trong khuôn khổ Châu Á, Việt Nam chỉ hơn được Bắc Hàn và Trung Quốc, nơi từ lâu luôn được xem là một trong những nước có thành tích tệ nhất thế giới về nhân quyền.
Theo bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay của RSF thì Việt Nam còn thua cả Lào và Campuchia. Đó là một điều rất buồn.Blogger Uyên Vũ
Tuy nhiên, bảng xếp hạng cũng cho thấy nền tự do báo chí tại Việt Nam đứng sau Lào và bị Cambodia bỏ xa đến 55 bậc. Sự xếp hạng này cũng cho thấy các nước Lào, Campuchia và đặc biệt là Miến Điện đều tiến bộ trong tự do báo chí và vượt mặt Việt Nam. Nếu so với năm ngoái, Việt Nam tụt 7 hạng. Việc này đánh dấu một sự thụt lùi trong tiến trình dân chủ hóa và hòa nhập thế giới của Việt Nam. Blogger Uyên Vũ cho biết quan ngại của mình:
“Sự quan ngại đã có từ nhiều năm nay nhưng cứ càng ngày càng siết chặt như thế thì đó là một bước thụt lùi trong tiến trình hội nhập thế giới trong khi thế giới đang nỗ lực cải cách các thể chế theo hướng dân chủ và tự do. Có thể nhìn thấy Miến Điện đang tiến hành cải cách sâu rộng và đem đến nhiều sự lạc quan cho vùng ĐNA. Theo bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay của RSF thì Việt Nam còn thua cả Lào và Campuchia. Đó là một điều rất buồn.”
Cản trở đất nước phát triển
Cũng theo blogger Uyên Vũ, tại Việt Nam không hề thiếu những người làm báo biết dấn thân. Và một nền tự do báo chí nghèo nàn sẽ cản trở công tác phản biện của những người có tâm với đất nước.Đặc biệt, trong khi việc loại bỏ độc tài, cổ võ dân chủ đang là một xu thế chung của thế giới, gần đây nhất được thể hiện qua các cuộc cách mạng ở Trung Đông, thì sự cởi mở của một nền tự do báo chí càng được chú ý. Anh Trương Quốc Huy cho biết:
“Nếu có quan ngại thì tôi chỉ buồn về thực trạng tự do báo chí ở Việt Nam. Không chỉ riêng báo chí chính thống mà những blogger cũng bị chính quyền can thiệp và làm cuộc sống của họ bị xáo trộn. Đó là sự quan ngại cho sự phát triển của đất nước. Hiện tại có một xu thế chung trên toàn cầu là muốn phát triển đất nước thì phải đi liền với tự do dân chủ. Hành động ngăn cản báo chí là hành động phi dân chủ”.
Báo chí đóng một vai trò tích cực và cần thiết trong việc giám sát xã hội. Ngoài đưa ra những thông tin “vô thưởng vô phạt” và mang tính giải trí, cung cấp thông tin quan trọng và vạch ra những mặt trái xã hội là một trong những mục đích chính của truyền thông. Lúc đó, người dân có cơ hội đánh giá, phân tích và đào sâu một cách đầy đủ bộ mặt đất nước. Ngoài tự do bầu cử, tự do báo chí thường được hiểu như một trong những yếu tố căn bản phản ánh tình hình dân chủ của một nước. Tự do báo chí không hẳn là bạn của tất cả các chế độ nhưng là một lợi thế lớn của bất cứ một dân tộc nào.
Sự thật phải được tôn trọng
Theo Từ Anh Tú, việc tiến đến một nền báo chí tự do là cần thiết và đòi hỏi sự cố gắng của cả người dân và chính quyền:“Tự bản thân mỗi người phải cố gắng và chính quyền cũng nên lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Cuộc đời chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng trước những điều lẽ ra phải được lên tiếng. Con người khác con vật ở chỗ chúng ta biết suy nghĩ đúng sai và hành động. Nếu thấy sai mà không lên tiếng thì tôi thấy sống như thế rất lãng phí.”
Thực chất, trong những năm gần đây, xuất hiện một sự phân biệt giữa báo “lề phải” và “lề trái” nhằm chỉ đến sự tồn tại song song của báo chính thống được kiểm duyệt bởi nhà nước và một luồng báo không được kiểm duyệt nhưng ngày càng thu hút sự quan tâm của người đọc. Lý do chính của tình trạng này là báo không chính thống cho phép người dân nói những gì mình suy nghĩ và đọc những gì mình muốn. Điều quan trọng là họ chịu trách nhiệm với kiến thức của chính mình thay vì chịu sự “bao cấp” về kiến thức.
Con người khác con vật ở chỗ chúng ta biết suy nghĩ đúng sai và hành động. Nếu thấy sai mà không lên tiếng thì tôi thấy sống như thế rất lãng phí.Từ Anh Tú
Anh Trương Quốc Huy cho biết đó là lúc “sự phản biện lên tiếng”:
“Đó là sự phản biện của tất cả quần chúng.
Con người ngoài chuyện có nhu cầu về cơm áo gạo tiền còn có nhu cầu được xem, được nghe, được bày tỏ chính kiến.
Và khi nhu cầu đó bị tước đi thì tôi cho rằng người dân phải tìm một phương pháp nào đó để giành lại cái quyền đó”.
Trong lần phỏng vấn gần đây với phóng viên Lê Khánh Duy được đăng trên Tuần Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Shorenstein về báo chí, chính trị và chính sách công Đại học Harvard - GS Alex Jone nhận định về vai trò của báo chí như sau: "Làm sao chúng ta có thể nhìn nhận điều gì là tốt cho chúng ta nếu sự thật bị che giấu hay giữ kín? Bạn sẽ trở nên bối rối và không thể phân định nổi đúng sai về bản thân quyền lực đang cố che giấu thông tin ấy. Bản thân thông tin chính là một quyền lực, đó là điều không phải bàn cãi."
Không có một sự thật hay thông tin không trung thực nào có thể bị che giấu mãi trong một nền báo chí tự do. Việc tiến đến một nền báo chí tự do dù cho đến từ phía chính quyền hay từ phía người dân thì cũng bắt đầu từ việc tôn trọng sự thật. Đó là nguồn gốc sự minh bạch và lòng tin mà bất cứ một nhà nước chính danh nào cũng phải hướng đến.
Theo dòng thời sự:
- RSF phát hành Cẩm nang dành cho cộng đồng blogger và những ai muốn bày tỏ quan điểm trên Internet
- Công an bắt giữ nhà báo tự do Tạ Phong Tần
- Phóng viên bị bắt vì bênh vực công nhân
- Lá thư kêu gọi trả tự do cho Điếu Cày
- RSF lên án việc bắt phóng viên Hoàng Khương
- HRW: nhân quyền Việt Nam ngày càng tệ
- Mong ước của giới blogger cho năm mới
- Đầu năm và những tín hiệu mạnh mẽ
Ý kiến của Bạn