20.1.12

Đêm Giao Thừa nhớ Mẹ


Tuỳ bút Trần Mạnh Hảo - Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ, để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời, mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ chạy.

Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây lúa cũng được ăn tết như người. Tôi dẫn ba đứa em, cuốn áo bông vào rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra sông, sông trốn vào sương mà lưng lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt, rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng xóm chia phần thịt lợn. Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ.

Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào sưởi ấm.

Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực. Mẹ bị bà nội bắt nạt, sai khiến còn hơn con ở. Mỗi lần cực quá, mẹ chạy ra vườn, núp vào khóm chuối khóc thút thít, tự lấy nước mắt mình an ủi mình. Mẹ bảo vì khi có mang tôi, mẹ hay khóc, sợ con sau buồn nên lúc tủi thân, lúc đau khổ cứ phải tự mình đóng kịch, đóng vai người suốt ngày chỉ biết tươi như hoa, giả lả cười, giả lả nói, giả lả vui. Riết rồi lộng giả thành chân, mẹ cứ tưởng đời mình chưa hề buồn khổ, chưa hề bị hành hạ. Đến nỗi khi bụng mẹ chửa kềnh càng, còn bị mẹ chồng nọc ra sân dùng roi đánh, đau quắn mông nhưng vẫn phải lễ phép xin lỗi và cám ơn mẹ chồng vì mình được ăn roi. Rằng con xin ăn thêm năm đến mười roi nữa mới xứng tội ạ…Đời con gái mẹ qua đi với những trận đòn, với những lần chửa đẻ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc. May mà có đám cào cào châu chấu là chúng mày an ủi mẹ, thương mẹ.

Có những khuya cả nhà ngủ cả, mẹ bảo nhỏ vào tai tôi như thế. Có lúc, mẹ tủi thân, lặng đi, đoạn ôm lấy bốn đứa con còn bé dại hỏi : chúng mày có thương mẹ không ? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to : thương ! Mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ khóc, sợ quá cùng khóc theo.

Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như ma. Nỗi buồn len lén như sương ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ thường ra núp thở than.

Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn tôi ra bến xe lên đường đi vào cõi…tử, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng. Tôi ngoái nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu ngõ vậy. Tôi ù té chạy, sợ quay lại sẽ không thể đi khỏi cái xã quê hương mình, nơi cán bộ xã đầy đọa tôi vì lý lịch, không cho đi đại học, bắt ở nhà làm tổ trưởng gánh phân bắc ( phân người), phải đút lót mười con gà mới được gọi nhập ngũ… Tôi đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và tinh thần người nuôi tôi mãi mãi…

Đấy là chuyện của mấy mươi mươi năm xưa. Giờ đây, tôi ngồi thắp nén hương trước ảnh mẹ. Khói nhang như tóc mẹ từ thế giới hư vô còn rụng về đôi ba sợi cho tôi tưởng vọng. Mẹ trên tấm ảnh chừng vẫn rét, vẫn cứ đội khăn len và mặc áo len. Trong Sài Gòn này tết đổ mồ hôi. Mẹ ngồi trên bàn thờ vẫn rét, vẫn cứ là không gian của bờ bãi sông Hồng ngày tết. Con đâu kiếm được mưa phùn quấn quít, bọc lấy ngọn gió xuân như quê ta mà dâng mẹ lúc này. Mẹ tuy già nhưng tươi tắn nhìn tôi như sắp mỉm cười, như muốn nói với tôi rằng mẹ vẫn hiện hữu trên đời bằng chính thân xác và tâm hồn tôi, vẫn sống trong hoài niệm, trong ký ức con cái, xóm giềng.

Rằng mấy đứa con chính là di tượng của mẹ còn sống động, còn bay nhảy trên mặt đất. Tôi không hề ngủ gật và nằm mơ như thuở xưa. Nhưng gió bấc đã đến và thổi bay mẹ tôi đi về cõi khác mất rồi. Người Việt mình có câu :” Sinh dữ, tử lành”. Ngày tết, trước giao thừa, là dịp chúng ta tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà đã khuất. Mẹ đã hóa thành nấm cỏ xanh ngoài đồng vắng sau làng. Cỏ ấy ngày xưa mẹ từng dạy tôi cầm liềm cắt về nuôi trâu ăn lấy sức kéo cày. Nay mẹ lại biến thành nấm đất nuôi cỏ xanh. Chỉ có đội kèn dế là ở mãi bên mẹ để cử hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, những bài ca Requiem, kinh cầu hồn của tạo vật.

Bây giờ mẹ thở bằng nhịp triều lên xuống của con sông chảy qua làng, toả kênh mương mà nối với nơi mẹ nằm. Cua cáy lại đến nhờ nấm đất mẹ mà trú ngụ. Ngày xưa còn trẻ, suốt ngày mẹ ở ngoài đồng, ngoài bãi, ngoài sông tìm cái sống dưới bùn đất nuôi chúng tôi. Giờ nằm xuống, mẹ lại ở ngoài đồng cả đêm ngày, ở mãi mãi, chung nhà với cua cáy, cá tôm. Tôi từng làm đóm mạ chạy ra đồng, xách giỏ cua đỡ mẹ. Con cua cắp để lại càng trên tay, lên bờ, lặng người, rứt càng cua ra khỏi tay rồi mẹ mới ngồi đau. Đôi bàn tay búp măng của mẹ lúc nào cũng đầy vết cua cắp, vết ngạnh cá trê đâm, vết gai từ các chà cá cào xước. Những móng tay, móng chân mẹ nào có được sơn son đỏ như phụ nữ đô thị bây giờ. Tôi thương nhớ màu phù sa quánh phèn sơn trên móng chân, móng tay mẹ từ thuở còn thiếu nữ cho đến lúc về với đất. Mẹ tôi đã hóa phù sa, hóa mưa phùn, hóa bếp lửa, hóa ngồng cải vàng hoa lấm tấm bướm, hóa gió xuân ưng ửng cành đào, hóa thăm thẳm mù tăm…

Dù tôi có đưa tay ra ngoài nghìn dặm cũng không với tới mẹ nữa. Tóc bạc rồi tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả gió bấc, mưa phùn, cả nén hương trên bàn thờ viếng mẹ dù xúm xít đứng chung cả cụm vẫn cứ mồ côi. Và tôi lại trở thành con trẻ, đang đi một mình giữa làng, chợt thình lình gọi mẹ. Và tôi, lại trở thành anh lính trẻ xa nhà lần đầu, mười tám tuổi rồi mà nửa đêm còn nhớ mẹ ứa nước mắt. Và tôi, lại trở về nằm trên võng dưới hầm mùa mưa Bà Rá đêm tránh bom B.52, sốt rét ác tính quật tưởng chết, vừa thở hắt ra vừa gọi mẹ để giã từ…Và tôi, sẽ mãi là cậu bé con lấm lem đất cát ngồi đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về để được chia quà. Mẹ đi chuyến chợ vô biên này, tôi ngồi chờ hết năm này qua năm khác, mà mẹ ơi sao mẹ chẳng về ăn tết ?

Giao thừa đến rồi đó mẹ. Ở phía bên kia của cuộc sống, mẹ không cần ai mừng tuổi đâu. Mẹ từng bảo chúng con rằng, trước khi các con chào đời, các con ở đâu vậy, chả đứa nào có tuổi, chả đứa nào biết mình sẽ là thằng Hảo, con Hinh…Vâng, sau này, chắc chắn tôi lại về nơi ấy, nơi trước khi sinh ra, tôi đã chết hàng tỉ tỉ năm rồi vậy. Mẹ đã đưa tôi từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của nỗi sống. Giờ mẹ lại về nơi từng vớt tôi lên từ bể hư vô. Nơi con người bước vào cuộc đời, vất vả cực nhọc kiếm sống, hạnh phúc, khổ đau rồi lại trở về, như những đứa con về với mẹ vĩnh hằng.

Cõi ấy không có nồi bánh chưng chụm bằng gộc tre già đượm lửa. Cõi ấy không có những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, bám vạt áo mẹ đi chúc tết bà con hòng kiếm tiền mừng tuổi. Sợ cõi ấy chỉ có Niết Bàn, chỉ có Thiên Đường vui hơn tết, không kiếm đâu cho mẹ một chút khổ đau, một chút buồn tủi mà nhớ đến chúng con, nhớ đến kiếp người, nhớ đến thời con gái mẹ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ăn toàn nỗi đau mà sinh nở hạnh phúc cho kẻ khác.

Nhưng mẹ ơi, cái thế giới vui buồn sướng khổ này, dù mẹ con mình mỗi người chỉ đến một lần thôi, song mưa phùn gió bấc, hoa xuân bướm vàng, bánh chưng, mắt lá răm, dưa hành và câu đối đỏ tình nghĩa lắm, quý hóa chúng ta lắm, cứ muốn níu chúng ta ở chơi hết tết này đến tết khác, đừng bỏ giao thừa lại cho ai đó ngồi thắp hương tưởng niệm mà tội thay cho người còn sống. Mẹ từng dạy con phải nén và giấu nỗi buồn riêng vào tâm hồn, để khoe niềm vui ra cho mọi người cùng hưởng như hoa đào ngày tết. Thế mà con lại giãi bày nỗi buồn thiếu mẹ trên mặt blogs xuân phút đón giao thừa. Âu cũng là một cách giúp cho những ai còn có Mẹ trên đời biết rằng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn chúng ta vậy.

Sài Gòn những ngày tết tha phương cầu thực

TMH Hà Nội tết 1976

21 Ý kiến:

Lưu Ý :


- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google

- Những phản hồi chữ Việt không dấu cũng sẽ bị xóa.
  1. xuânJan 19, 2012 05:00 PM
    bài viết hay quá bác ơi!!
    Trả lời
  2. Lê DũngJan 19, 2012 05:07 PM
    Năm CS vào Saigon,tôi mới biết đọc.Trước đó thì tôi bập bẹ đọc báo Chính-Luận (mỗi buổi tối,sau khi Ba tôi đã đọc xong). Sau đó thì tôi đọc Saigon Giải Phóng (và đọc nhiều báo khác cho tới bây giờ).

    Đến nay thì tôi thấy,báo "Lề Dân" viết hay gấp bội báo "Lề Đảng".Tìm mõi mắt cũng không tìm ra được một bài tùy bút chất lượng như bài nầy của trên báo "Lề Đảng".

    Tôi nghiệm ra rằng,viết mà bị bắt buộc là không thể hay được.Văn-Nghệ không thể bị chỉ huy. Vì vậy,bao nhiêu chục năm ở Bắc-Hàn,Việt-Nam,Cu-Ba,Trung-Quốc.......không có một tác phẩm ra hồn.
    Trả lời
  3. Lê Hải LăngJan 19, 2012 05:34 PM
    Xin cho tôi được phép chen bài thơ về Mẹ vô đây.

    Xuân về mẹ có vui không ?

    Tôi về đây tìm mùa Xuân xưa củ
    Lòng gặp lòng quay quắt một quê hương
    Ba mươi sáu năm xa xứ dặm trường
    Việt Nam vẫn ba miền đau ruột cắt

    Kẻ ở người đi đong đầy nước mắt
    Tuổi mầm non khô héo thuở nẳm nôi
    Kẻ già nua mất sinh khí cuộc đời
    Mưa Sàì Gòn thương lụt về Hà Nội

    Tiếng dân oan ngập trời muôn vạn lối
    Phố lên đèn em đổ lệ từng đêm
    Còn lại gì không tuổi mộng êm đềm
    Thôi hết rồi những tờ thư âu yếm

    Trả lại tuổi xanh chơi vơi hoài niệm
    Xót xa này đau vĩnh viễn nghìn mai
    Đảng về đây xây địện ngọc lâu đài
    Đường gươm lửa búa liềm khoăn đất ruộng 

    Bà con tôi giữa cuộc trần ngất ngưởng
    Rời quê hương cất lạc bước dặm nghìn
    Đảng lừa đi làm điếm, nô lệ tình dục, “ô sin”
    Ngậm đắng nuốt cay lưu vong thế giới

    Những thanh niên phải làm đơn xin phép nói
    Không được hét hò chống chỏi ngoại xâm
    Những mặt người nói tiếng mẹ Việt Nam
    Khắp ngỏ ngách chận biểu tình ngăn lối

    Đồng bào tôi yêu giang sơn là tội lổi ?
    Tổ Quốc này có phải thuộc kẻ gian ?
    Đảng là chi một lủ cướp tà quyền
    Nô lệ Bắc phương,bội lòng dân tộc

    Những kẻ điên giữa núi đồi du mục
    Dừng laị đây nghe âm hưởng tiếng đời
    Mẹ Việt Nam lệ máu chảy nơi nơi
    Tôi về đây như một người khách lạ

    Tìm mẹ cha anh chị em muôn ngã
    Xã hội suy tàn luân lý đảo điên
    Bóng tối vây quanh khắp mọi ba miền
    Đảng vỗ tay đùa vui trên xác chết

    Thi công nhau đuổi dân nghèo oan nghiệt
    Đảng có triệu bàn tay thép bọc nhung
    Chen trong lòng xóm lủi giữa phố phường
    Cắp đầy túi tham miệng cười gian hiểm

    Quê tôi có những bàn tay bùn lấm
    Từng mảnh hồn hun hút lạnh cao nguyên
    Những tuổi thơ khắc khoải giữa biển buồn
    Những cụ già đói co ro rừng rẩy 

    Quê tôi có ba triệu con quỷ quấy
    Có bảy trăm tờ báo ngậm vòi tiền
    Ca tụng đảng cướp vô loại bất nhân 
    Tôi về thăm sau tháng ngày cách biệt

    Mẹ vẫn đét gầy còng lưng la lết
    Tâm tình nầy cay đắng xé tim côi
    Khắp mọi nơi đảng đánh phá tơi bời
    Hà Nội Sài Gòn miền Trung xứ Huế
    Đảng cỏng rắn nối đuôi cười ngạo nghể
    Đường quê hương mưa lệ đổ khắp trời…
    Cây cỏ buồn khô héo mẹ có vui ? ? ?

    Lê Hải Lăng
    Trả lời
    Trả lời
    1. Cu TýJan 19, 2012 07:15 PM
      LHL ơi!
      Sao nỗi buồn của LHL và Cu Tý giống nhau thế!
      Mẹ Việt Nam của chúng ta bao giờ mới khô lệ sầu nhỉ?
  4. Lê dủ ChânJan 19, 2012 06:22 PM
    Mậu Thân Huế

    Đầu năm nhớ Tết Mậu Thân
    Hoa xuân nhuộm máu người dân đỏ trời
    Vì ai đạn nổ bom rơi
    Vì ai máu đổ thịt rơi kinh thành
    Vì ai goá bụi xuân xanh
    Vì ai trẻ nhỏ trở thành mồ côi
    Vì ai xác ngập núi đồi
    Vì ai sông suối người trôi vật vờ
    Vì ai chùa miếu nhà thờ
    Thành nơi khủng bố thành lò sát sinh
    Vì ai nửa vạn sinh linh
    Chết đi chẳng biết thân mình tội chi
    Vì ai tử biệt sanh ly
    Giữa đêm trừ tịch ra đi không về
    Vì ai thành thị thôn quê
    nhà tan cửa nát xuân về bơ vơ
    Vì ai Huế mộng Huế mơ
    Trở thành biển máu giữa giờ linh thiên
    Bên kia vỉ tuyến hai miền
    Có tên ĐỒ TỂ ngồi biên thơ rằng:
    "Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân kia
    Thắng trận tin vui khắp nước nhà
    Nam Bắc thi đua giết giặc ngụy
    Tiến lên toàn thắng ắc về ta"*

    " "* thơ khai hỏa tết Mậu Thân 1968 của hcm
    Trả lời
  5. Cu TýJan 19, 2012 07:10 PM
    Chào tác giả và các Chư vị rất yêu quý !
    Hình bóng Mẹ trong tâm hồn mỗi con người chúng ta sao quá đẹp đẽ, mênh mông,tha thiết ...Xin kính gửi đến Hương Hồn Mẹ của chúng ta Nén Hương Lòng của đàn con;nỗi nhớ nhung tha thiết và tấm lòng biết ơn của chúng con.
    Trả lời
  6. vuongJan 19, 2012 08:07 PM
    Tết ấy tôi ngồi bên bếp lửa 
    Chị Hai tôi má đỏ hây hây 
    Anh Hải Quân hàng xóm đến chơi
    thập thò muốn giúp chị thổi lửa
    Mẹ bảo chị cứ ngồi đó canh
    anh , chị riú rít như chim sẻ
    rồi đem đến một cái chiếu manh 
    chị ghé vào tai tôi se sẽ
    ngủ đi rồi tí chị cho bánh
    Em! ,mai đừng kể cho mẹ nha !
    tôi biết kể gì nhưng thắc mắc 
    chị đêm nay sao nói kỳ lạ !
    mở mắt to nhìn qua đống lửa 
    thấy chân mày chị giống như tranh 
    chị đẩy nhẹ vai , tôi mắc cở
    tôi nhắm giả rồi ngáy thật to 
    họ yên trí thêm vài khúc củi
    đến gốc mít chỗ thật tối thui
    rồi hôn nhau như hôn pup pế.

    Tết năm ấy nhà tôi vui vẻ 
    chuyện hôn tôi chẳng nhớ làm gì
    nhưng qua giêng chị bị coi mắt .
    Trả lời
  7. haJan 19, 2012 08:38 PM
    ÔI
    có ai dau khổ như tôi
    anh em chín dứa mất hai mất rồi
    thằng ngèo nó ở xa xôi 
    còn thằng giàu có nó coi ra gì
    cha mẹ còn dủ cả dôi
    công ơn cha mẹ biển trời là dâu
    cũng vì mãnh lực tiền hào
    bỏ quên cha mẹ xót dau tận cùng
    hỡi trời xanh thấu tâm không
    dồng tiền mãnh lực cướp công mẹ già
    làm thơ nước mắt chan hòa
    thôi không làm nũa cho qua sự dời
    son ha
    Trả lời
  8. Binh DuongJan 19, 2012 08:59 PM
    Tặng các bác hải ngoại và hải nội vì nước bị đì.

    Mẹ già
    Mẹ già như lá vàng thu
    Câu thương điệu nhớ vẫn ru trong lòng

    Ru hời
    Ru hời cách trở mẹ mong
    Đầu xanh nhuốm bạc việc xong? (sao) chưa về!

    À ơi
    À ơi cách trở trăm bề
    Mênh mang mẹ đợi chiều lê thê dài

    Không về
    Không về, như chiếc thuyền ai
    Lênh đênh nợ nước con hoài khơi xa.
    Trả lời
  9. vubaoJan 19, 2012 09:16 PM
    đúng là thứ thiệt, đề nghị đưa ào chương trình giáo khoa ,cám ơn ông đã cho chúng tôi biết được ỡ trong nước còn có những nhân tài,kính
    Trả lời
  10. vubaoJan 19, 2012 09:17 PM
    đúng là thứ thiệt, đề nghị đưa ào chương trình giáo khoa ,cám ơn ông đã cho chúng tôi biết được ỡ trong nước còn có những nhân tài,kính
    Trả lời
  11. vuongJan 19, 2012 09:31 PM
    Tết năm ấy có việc đi Huế
    vội ngoắc theo may còn chỗ không
    bến Đà nẵng xe khách thật đông
    họ xếp tôi ngồi bên cô gái
    nhưng nhìn cô lòng tôi ái ngại
    áo vải sô , đầu chít khăn tang 
    cô tái nhợt lúc xe chạy nhanh
    tôi chạnh lòng xin kéo cửa xuống 
    hoặc đổi chỗ bên sát cửa ngang 
    cô nhìn tôi lạnh nhạt chẳng nói
    tôi tự nhủ " chẳng nói " thì thôi 
    lim dim tôi thấy nàng tức tưởi
    kéo vải sô nàng lau nước mắt 
    tôi hình dung cha mẹ hoặc chồng ? 
    mà...sao chỉ có mình cô nhỉ .
    trời sương mù mặt cô ướt lạnh 
    đèo Hải Vân mờ ảo trong sương 
    xe chầm chậm đều đều lăn bánh
    bỗng nàng đưa đầu ra tự sát ?
    tôi nhanh tay kéo gọn vào xe
    mới biết say xe nên ói mửa
    chắc mấy đêm nay nàng không ngủ
    nhưng để vậy lòng tôi không ổn 
    vừa canh xe ngược chiều vừa hỏi 
    ai có dầu không cho tôi xin
    họ còn chỉ cho tôi bôi ở đâu 
    ông bắt gió cho bà khỏi cảm
    rồi nàng gục vai tôi ngủ thiếp
    xe phon phon xuống đoạn đèo dài 
    chẳng mấy chốc đến trạm Cầu Hai 
    qua Đá Bạc rồi đến Phù Lương 
    tất cả xuống , Quân Cảnh khám xét 
    nàng nhìn tôi có vẻ xét nét 
    nắm tay tôi bảo họ : "Bạn cô'
    chúng tôi về Huế để tang cha
    bị thảm sát mới tìm được xác .
    Đến thành Nội bao khăn tang trắng 
    họ vừa tìm được hố chôn chung 
    học sinh sinh viên , công ,viên ,chức .
    Trả lời
  12. TidanaJan 19, 2012 10:02 PM
    Cám ơn ông TMH cuối năm đọc bài ông viết tôi lại trở về tuổi thơ với đồng ruộng, con cua con cá...những ngày giáp tết cha mẹ vẫn bận bụi ruôg đồng,..mog mẹ đi chợ về mua cho mỗi đứa cái áo cánh tay, cái quần đùi..vải 'bạch canh" mới! Đêm 30 nằm quanh hơi ấm bếp với nồi bánh tét..chín tới lúc giao thừa..!

    Tuổi đã hơn 5..gần hết phần đời..
    Mắt đã mờ , trí tuệ đã phai!-Nhưng tôi nge như mắt mình vẫn ...cay cay và nhớ mẹ vô cùng!

    Cả năm ta ray rức cho những chuyện trên ..Cao nguyên ngoài biển Đông,...nay ông đưa tôi về một chiều 30 năm nào...cũng ray rức nhưng thật dễ chịu!
    Cám ơn ông TMH, chúc ông một mùa xuân vui nhiều hơn, ray rức ít hơn!
    Trả lời
  13. BuonJan 19, 2012 10:09 PM
    Cảm ơn Tác Giả Trần mạnh Hảo về bài viết . Rất hay và nhiều xúc động . Bài viết tình cảm chân thực và xúc động , làm tôi nhớ đến Nguyễn bá Chẩu , nếu Bá Chẩu viết châm chọc , thọc lét hay bao nhiêu , thì bài Mạnh Hảo chân tình ấm áp , đi vào lòng người xúc động tình cảm dâng tràn bấy nhiêu . Một con người có hai bàn tay , một bàn tay có hai mặt .....
    Trả lời
  14. thấy sao nói vậyJan 20, 2012 12:19 AM
    Entry nầy của Trần Mạnh Hảo chắc chắn phải hay vì nếu không hay thì làm sao tạo được cảm hứng cho một lần cả ba thi sĩ múa bút , đó là thi sĩ Lê hải Lăng , Lê dủ Chân và Vuong ?
    Mặc dù tôi làm thơ vừa dở vừa thúi như " thi sĩ " Tố Hữu nhưng hôm nay xin phép các bác cho tôi " chôm chỉa " một bài thơ cực hay của một người Huế chính gốc và chép ra đây cho bà con thưởng thức nhân dịp đầu năm và cũng để thắp một nén hương cho hơn 6000 đồng bào vô tội đã chết trong những ngày đầu năm Mậu Thân 1968 .
    Tác giả bài thơ nầy là ông Ngô văn Quy , chủ bút tạp chí HỒN VIỆT ở California , USA .
    TUI QUÊN MẤT CÁI TỰA LÀ GÌ ( sorry )

    Huế ơi , xa em lâu rồi 
    Mà sao nỗi nhớ vẫn rời rã tôi , 
    Vẫn đường quen , vẫn chỗ ngồi , 
    Vẫn hò hẹn đó vẫn lời ru xưa 
    Đường em vẫn những ngày mưa
    Cho anh ướt áo cho vừa nụ hôn
    Áo em bay trắng Ngọ môn
    Tà vương Thừa Phủ , tà chôn nỗi sầu
    Có người ghé bến Vân Lâu . 
    Tân khoa niêm yết phai mầu mắt ai
    Tần phi rơi lại dấu hài
    Triều ca như đã đầu thai trở về
    Tỳ bà tấu khúc thường nghê
    Nghe như cung oán buồn thê thiếp chờ
    Huế ơi còn nhớ bài thơ
    Ép trong cuốn vở có tờ thư xanh
    Thương em viết khúc mộng lành
    Hiền như Vỹ Dạ với mành tre buông
    Gửi em một sáng Kim Luông
    Một chiều Bạch Hổ còn vương xóm nghèo .
    Huế ơi , nỗi nhớ buồn theo
    Mù hương năm cũ , trăng treo đâu rồi .
    Trả lời
  15. thấy sao nói vậyJan 20, 2012 12:29 AM
    Xin lỗi các bác , tui nhớ ra rồi , bài thơ nầy có tựa là CÒN ĐÓ NỖI BUỒN tác giả là Ngô văn Quy , chủ bút tạp chí Hồn Việt ở California USA
    Trả lời
  16. BuồnJan 20, 2012 01:41 AM
    "Entry nầy của Trần Mạnh Hảo chắc chắn phải hay vì nếu không hay thì làm sao tạo được cảm hứng cho một lần cả ba thi sĩ múa bút , đó là thi sĩ Lê hải Lăng , Lê dủ Chân và Vuong ?"
    ** Vậy thì cộng thêm ba thi sĩ trên và T.M.H nữa thì quá hay và quá tuyệt ...Vậy là đủ hai bàn tay và bốn mặt . Nhưng tui còn muốn cộng Bác " thấy sao nói vậy " vô nữa , mặc dù Bác ví thơ mình " thúi " , nhưng tui nghĩ bài thơ Bác cũng quá tuyệt vời , vì Bác khiêm tốn nên để bài thơ của Bác trên " Mu " bàn tay mình nên gọi là " thúi " , nếu Bác lật tay lại tui nghĩ bài thơ này " Thơm " lắm chứ không như Bác nghĩ đâu ạ ..Xin cảm ơn " Năm " thi sĩ rất nhiều . Chúc các Bác một mùa xuân vui tươi , tràn đầy hạnh phúc .
    Trả lời
    Trả lời
    1. thấy sao nói vậyJan 20, 2012 02:13 AM
      Bạn lầm rồi bạn ơi , BÀI THƠ NẦY KHÔNG PHẢI LÀ CỦA TUI , tui đã nói ở trên là tui chép lại của một người Huế chính gốc , đó là ông Ngô văn Quy , chủ bút tạp chí HỒN VIỆT ở California USA .
      Bạn nói vậy thì cả nước xúm vô chửi tui là đạo thơ thì chết tui .
    2. BuồnJan 20, 2012 03:52 AM
      Theo tui biết , thì tui không lầm chút nào hết , bởi vì hai trong một thôi . Mà thôi tui không tranh luận nữa đâu . Ai không hiểu chỉ một mình tui hiểu .
  17. Le Hien DucJan 20, 2012 02:44 AM
    Doc bai viet cua Tran manh Hao:Toi nghen co,de nuoc mat khoi trao ra.
    Trả lời
  18. HaohaoJan 20, 2012 02:46 AM
    Tôi nghe tiểu sử của bác Hảo mà thương cảm. Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong chế độ miền nam nên có tự do hơn bác, chắc chắn không bị phân biệt đối xử như bác.
    Từ khi tôi thấy có mẹ, mẹ tôi không làm gì vất vả, bây giờ đã chín mươi tuổi, không bao giờ lo lắng cho ai, sống vô tư. Sau 75 tôi tiép xúc với những bạn miền bắc, kể lại thời làm hợp tác ngoài đó đàn bà vô hai giỏi ba đảm đang bị đày đọa khổ sở, chắc mẹ bác cũng trong số đó, tôi nghe mà thưong cho số phận những người đàn bà VN bị tâng bóc thấu trời xanh mà chịu khổ
    Trả lời

Không có nhận xét nào: