Ngày hôm kia tôi lên thuyết trình về Tết Âm lịch ở VN trong lớp học tiếng Na Uy. Trong lớp chỉ có mình tôi là người VN. Cô giáo người Na Uy và các học viên đến từ nhiều nơi trên thế giới thích thú và lạ lẫm khi được nghe về cái Tết Âm lịch của các nước Đông Á và VN. Từ ý nghĩa của các con vật biểu tượng cho các năm nói chung và con Rồng của năm nay nói riêng, về ý nghĩa của cái Tết trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, các phong tục tập quán, trò chơi, món ăn v.v…
Tôi được dịp “khoe” văn hóa Việt, như trước đây, mấy lần lên thuyết trình về đất nước VN, tôi cũng ráng “khoe” nào VN không phải là một nước nhỏ nhé-dân số gần 90 triệu (cho Na Uy và mấy nước dân số ít vài ba triệu “hết hồn” chơi); nào VN có nền văn hóa phong phú lâu đời, ngay lễ hội thôi một năm cũng đã có hàng ngản lễ hội lớn, nhỏ; nào VN có trường đại học đầu tiên từ thế kỷ thứ XI nhé-thì Quốc tử Giám đấy thôi v.v…và v.v…Nói chung, bao giờ cũng thế, những cái dở cái tệ cái xấu xa của VN thì ta viết trên báo tiếng Việt, nói chuyện với người Việt (!), còn với người nước ngoài, khoe được cái gì về đất nước thì ta phải khoe chứ nhỉ, tất nhiên là đừng khoe những gì không có, không đúng sự thật thôi.
Những ngày này ở VN đang rộn ràng đón Tết. Tại một số thành phố/quốc gia có cộng đồng người Việt lớn trên thế giới thì cũng có vẻ có không khí Tết, nhất là ở Cali, khu Little Saigon. Còn ở Na Uy thì hoàn toàn chẳng có gì. Mỗi gia đình người Việt tự cúng và ăn trong nhà với nhau. Cộng đồng người Việt ở mỗi thành phố cũng có tổ chức một chương trình đón Tết tại một nơi nào đó mà ban tổ chức thuê được, thường là vào một buồi chiều cuối tuần để mọi người có thể tham dự vì ngày thường vẫn phải đi làm, đi học. Chương trình có múa lân, cúng tế, ca nhạc “cây nhà lá vườn”, một vài trò chơi như “bầu cua cá cọp”, sổ số…cũng có bán một số món ăn VN để mọi người thưởng thức cho đỡ nhớ hương vị quê nhà …Trong cùng một thành phố, có khi có vài chương trình đón Tết khác nhau do các nhóm, hội đoàn khác nhau tổ chức, ví dụ cộng đồng Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hội người Việt…
Tôi cũng làm đủ mấy mâm cúng vào ngày 30, (năm nay chỉ có ngày 29), ngày mùng một mừng năm mới, đón ông bà về ăn Tết và mùng ba tiễn ông bà.
Những ngày này tôi hay nhớ nhà, nhớ Sài Gòn, nhớ bạn bè. Kể từ năm 1975 cho đến ngày rời nước ra đi vào năm 2009, gần một nửa đời người-mà là cái nửa đẹp hơn, cái nửa dốc đi lên của cuộc đời- tôi sống ở Sài Gòn, chỉ trừ thời gian đi học xa ở Ấn Độ. Cho nên bây giờ đi xa tôi chỉ thương chỉ nhớ nhất Sài Gòn. Nhớ những con đường, những khu phố. Nhớ những chỗ ngồi trong những quán café quen, những hàng quán quen. Những món ăn. Những kỷ niệm. Và nhớ Tết.
Cả hai thành phố lớn và đông dân nhất đất nước-Hà Nội và Sài Gòn bây giờ có lẽ chỉ đẹp nhất vào những ngày mùng một mùng hai Tết. Bởi chỉ có mấy ngày ngắn ngủi này Sài Gòn, và cả Hà Nội cũng vậy, mới tìm lại được sự yên tĩnh, vắng vẻ, thoáng đãng của một thời xa xưa. Khi người dân nhập cư chiếm số lượng không nhỏ ở mỗi thành phố đã kéo về quê ăn Tết hết, dân tại chỗ thì nhiều khi cũng đi ăn Tết xa, gần thì Đà Lạt, xa thì Thái Lan, Hongkong, Singapore, Mỹ…Vả lại nếu có ở lại ăn Tết Sài Gòn, Hà Nội thì chẳng ai đi làm đi học, bớt hẳn nạn kẹt xe thường ngày. Theo phong tục, thói quen của phần lớn người Việt ngày mùng một mùng hai là đi lễ chùa, đi thăm viếng bà con họ hàng hoặc ăn uống nghỉ ngơi trong nhà, có đi chơi thì cũng đến một địa điểm nào đó chứ không chạy ngoài đường, nên số lượng xe giao thông trên đường giảm hẳn xuống. Quán xá nhà hàng chỗ đóng chỗ mở, nhưng hàng rong, quán cóc vĩa hè thì vắng hẳn. Không còn cảnh kẹt xe, khói bụi, dòng người ngược xuôi đến chóng mặt và tiếng ồn đến nhức đầu. Không còn cảnh cảnh lề đường nào cũng bị lấn chiếm từng mét vuông đất với đủ loại hàng ăn, dịch vụ, xe đậu tràn xuống cả lòng đường.
Phố xá dường như rộng hơn. Thành phố đẹp hơn vì nhiều con đường được trang hoàng, những ngôi nhà mặt tiền cũng quét vôi, trang trí lại. Không còn những “lô cốt”, những đoạn đường bị đào lên lấp xuống, xới tung nham nhở, mọi công trình đang thi công, sửa chữa đều tạm ngưng, trả lại “bề mặt” đẹp đẽ để đón Tết. Người đi trên đường ăn mặc đẹp, mặt mũi tươi tỉnh, tác phong lịch sự, khác hẳn ngày thường nhăn nhó, cáu kỉnh vì kẹt xe, tắc đường, vì trăm nỗi bực dọc lo toan. Người ngồi trong quán café với bạn bè cũng một vẻ thong dong thư thái nhàn rỗi. Tết mà. Dù giàu dù nghèo, dù bao nhiêu chuyện phải lo, cứ gác lại đã.
Và mọi người bỗng nhận ra sao Sài Gòn, Hà Nội những ngày này đẹp quá, yên bình quá, giá mà ngày nào Sài Gòn, Hà Nội cũng được như thế này. Giá mà hai thành phố lớn và đông dân nhất nước này bớt đông đúc, bớt kẹt xe, tắc đường, ô nhiễm, ồn ào, xô bồ, nhiều không gian hơn, đặc biệt là không gian xanh cho mỗi người. Thế là đời sống đã dễ chịu hơn nhiều, cả hai thành phố đã trở nên đáng sống hơn nhiều.
Nếu không có mấy ngày Tết, nếu cứ quen mắt với cái ồn ào hỗn độn quanh năm, chắc người Sài Gòn, Hà Nội cũng quên mất rằng những thành phố mình đang ở nó ngột ngạt, ô nhiễm, khó thở đến thế nào.
Cứ mỗi lần Tết đến tôi lại nhớ cái vắng vẻ yên tĩnh của Sài Gòn, cái thong dong tươi tỉnh của người Sài Gòn ngày đầu năm.
Cứ mỗi lần đi qua những thành phố xinh đẹp, bình yên khác nhau của châu Âu, tôi lại nhớ về Sài Gòn.
Không phải cái hiện đại văn minh sang trọng, kiến trúc xinh đẹp, đời sống đô thị và những tiện nghi hơn hẳn của các thành phố nước người làm tôi chạnh lòng nhớ Sài Gòn. Dù Sài Gòn hay Hà Nội cũng vậy, còn xa mới đạt tiêu chuẩn của một đô thị đúng nghĩa từ quy hoạch tổng thể, đường xá hạ tầng cơ sở, giao thông công cộng, dịch vụ….Mà là cái môi trường thoáng đãng, cái không gian sống, chỗ thở cho con người. Và trong những đô thị như thế, dù đông đúc, chật chội đến đâu, người ta vẫn dành không gian cho công viên, cây xanh-rất nhiều cây, những lề đường thoáng rộng cho con người đi bộ, những quảng trường nơi mọi người có thể ngồi chơi, sưởi nắng…Nghĩa là luôn luôn có chỗ cho con người khi mệt mỏi có thể dừng chân, ngồi nghỉ giây lát, thở, tâm hồn trở nên bình tĩnh lại, và những cặp tình nhân có chỗ lãng mạn bên nhau.
Một điều thứ hai nữa làm tôi nhớ Sài Gòn, đó là nét thư thái ung dung của con người trong những thành phố xinh đẹp nơi tôi đã đi qua. Có thể ở Tokyo, New York hay một số thành phố lớn khác của nước Mỹ, của các quốc gia giàu có ở châu Á, con người ít khi có nét thong dong đó. Họ quá bận rộn, vội vã trên đường, vội đến mức không có thời gian ngủ, ăn bữa trưa hay ngồi nghỉ chân bên ghế đá. Nhưng nhiều thành phố đẹp của châu Âu thì có được điều đó. Ngay như dân Paris cũng đi nhanh, cũng vội vàng, nhưng vẫn luôn luôn có thời gian để enjoy life, nhất là vào cuối tuần. Dù mấy năm qua kinh tế có suy thoái thế nào đi nữa, người dân Paris vẫn rất biết cách thu xếp để vừa làm việc vửa có những lúc chơi , bồi đắp cho đời sống văn hóa tinh thần, và những giây phút lãng mạn.
Sự bình yên trên nét mặt của mọi người làm tôi chạnh lòng nhớ tới người dân Sài Gòn, Hà Nội và người VN nói chung. Lúc nào cũng quay cuồng với trăm ngàn nỗi lo nỗi sợ, phải đối phó với đủ thứ chuyện, không chỉ là chuyện kiếm tiền, để dành lo cho tương lai con cái, tuổi già, lúc ốm đau bệnh tật…mà còn muôn vàn thứ phiền nhiễu căng thẳng vặt vãnh, muôn vàn sự bất ổn phi lý khác. Ngay người giàu, có hàng triệu đô la trong nhà băng, ngồi trong căn biệt thự sang hơn nhiều căn biệt thự ở Mỹ, cũng không hoàn toàn sướng. Bởi bước chân ra đường là kẹt xe, bụi bặm, ngập lụt, tai nạn giao thông, ăn uống thì lo bệnh tật, công việc thì có thể lên rất nhanh mà cũng có thể thất bại mất hàng đống tiền lúc nào không biết do những chính sách thay đổi xoành xoạch, sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và những kẽ hỡ của luật pháp.
Chỉ có ba ngày Tết là thành phố đẹp, con người thảnh thơi đôi chút.
Bao giờ thì cuộc sống của người VN chúng ta mới nhẹ nhàng thư thái trong tâm hồn quanh năm chứ không chỉ ba ngày Tết?
Nguồn: Blog Song Chi (RFA)
Khi nào nọc độc duy vật Mác xít được giải trừ trong cơ thể Đất nước và Dân tộc.
Còn bây giờ là phải lo tiêm thuốc trụ sinh tẩy độc cái đã!