29.1.12

Tiêu Dao Bảo Cự – Tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào


Phạm Thị Hoài thực hiện
Phạm Thị Hoài: Thưa ông Tiêu Dao Bảo Cự, khi còn là đảng viên, ông trải nghiệm sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?
Tiêu Dao Bảo Cự: Tôi vào Đảng ở Miền Nam trước năm 1975 (lúc đó có tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam tức Đảng Cộng sản ở Miền Nam) trong một tình thế hoàn toàn khác với Miền Bắc hoặc cả nước sau 1975. Lúc đó chúng tôi không quan tâm và nói gì đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có đọc qua đôi chút lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, quan trọng là nghiên cứu 5 bước công tác vận động quần chúng và tập trung cho mục tiêu chống sự can thiệp của Mỹ, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình.
Trước 75, trong một chi bộ bí mật, chúng tôi chỉ được quán triệt các nhiệm vụ chiến lược và cùng nhau trao đổi, bàn bạc những việc cần làm một cách cụ thể, sáng tạo giữa những người đồng chí hướng, cùng lý tưởng. Ngay sau 1975, những cuộc họp của Đảng đã được mở rộng, công khai, nghe quán triệt các nghị quyết của trung ương và trao đổi một cách tương đối dân chủ, cởi mở những việc cần làm. Giữa các đảng viên, phần lớn từ trong rừng ra và đảng viên tại chỗ, ngoài tình đồng chí còn coi nhau như trong một gia đình lớn, thường gọi nhau là anh – em, chú – cháu tùy theo tuổi tác, một cách thân ái và chân tình. Về sau nữa, các nghị quyết của trung ương có tính cách bài bản và chi tiết hơn, các địa phương chỉ rập khuôn, ít sáng tạo.
Dần dần, nghị quyết của Đảng và thực tế cuộc sống ngày càng xa cách. Tôi là một trong số rất ít đảng viên nêu thắc mắc trong khi những người khác chỉ biết “quán triệt”. Cho tới một lúc tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng đã khác biệt quá xa với lý tưởng và hoài vọng của mình, tôi bắt đầu phản bác, chống đối nên cuối cùng bị khai trừ. Đảng và tôi đã không còn đi chung đường.
Phạm Thị Hoài: Từ khi bị khai trừ khỏi Đảng, ông có thấy mình trở thành một con người khác không?
Tiêu Dao Bảo Cự: Cuối năm 1988, Bùi Minh Quốc và tôi ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng tổ chức chuyến đi xuyên Việt đòi tự do sáng tác, báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự, có nhà thơ Hữu Loan cùng đi. Trên đường từ Hà Nội về Đà Lạt, tôi đã viết bản dự thảo tuyên bố ra khỏi Đảng, chung cho Bùi Minh Quốc và tôi. Anh Quốc không đồng ý, anh nói nếu cần cứ để bị khai trừ và tiếp tục khiếu nại như một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, làm rõ đúng sai, tranh thủ những người tốt trong Đảng. Trong hoàn cảnh đó, tôi không thể tách ra khỏi anh Quốc để làm một mình vì chúng tôi cùng một cảnh ngộ, cùng một cuộc chiến đấu và đang rất đơn độc. Cuối cùng, sang năm 1989, cả hai đều  bị khai trừ sau một cuộc đấu tranh gay gắt trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng và nội bộ Đảng, không chỉ ở đảng bộ địa phương mà liên quan đến tận trung ương.
Sau khi bị khai trừ Đảng, họa sĩ Lưu Công Nhân lúc đó thỉnh thoảng qua lại Hội Văn nghệ, đến thăm tôi và chúc mừng tôi đã được “giải phóng”. Ông còn nói thêm, các anh ở trong này chưa hiểu biết về cộng sản, nếu các anh ở ngoài Bắc trước đây mà làm như vậy thì đã tù mọt gông hay “giữa đường mất tích” rồi.
Dù ở trong hay ngoài Đảng, tôi chỉ là tôi, không hề là con người khác. Tôi vào Đảng là tự nguyện, chấp nhận và bị chi phối bởi những nguyên tắc, quy định của Đảng. Khi ra khỏi Đảng, tôi không còn những ràng buộc đó và có nhiều tự do để thể hiện con người đích thực của mình.
Phạm Thị Hoài: Nếu phải giải thích cho một người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng hiểu được, ông có thể giải thích như thế nào?
Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng lãnh đạo chủ yếu thông qua hai phương diện, tư tưởng và tổ chức.
Tư tưởng thể hiện qua cương lĩnh của Đảng, nghị quyết của trung ương và các cấp bộ Đảng mà từng đảng viên phải quán triệt để thực hiện. Tổ chức có quy hoạch đào tạo, dàn xếp, điều chuyển bộ máy lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương của Đảng, chính quyền, đoàn thể một cách hết sức chặt chẽ. Ngoài ra còn có nguyên tắc cá nhân phục tùng tổ chức, địa phương phục tùng trung ương. Phương pháp đấu tranh phê bình, tự phê bình là một phương pháp rất có hiệu quả để bảo đảm sự thống nhất ý chí, đoàn kết trong Đảng.
Theo cảm nhận riêng của tôi, vài năm sau 1975, ở các đảng bộ tôi sinh hoạt, phương pháp này được thực hiện tương đối tốt vì các đảng viên đấu tranh thẳng thắn, không khoan nhượng những biểu hiện sai trái, lệch lạc, trong tinh thần gọi là “trị bệnh cứu người” giữa những người đồng chí.
Về sau này khi đã nắm vững quyền lực, với tư thế của một đảng cầm quyền độc tôn, lợi xen lẫn vào quyền, đi đôi với quyền, cấu kết quyền và lợi bắt đầu tạo ra sự suy thoái, sa đọa trong Đảng. Người ta không còn dám đấu tranh phê bình, tự phê bình một cách thẳng thắn, trong sáng mà nể nang, dựa dẫm nhau, “lắng nghe hơi thở của lãnh đạo”, kết bè cánh, kèn cựa hại nhau, tranh địa vị quyền lợi. Dù Đảng đã từng cảnh báo “Hãy cảnh giác với quyền lực” nhưng lời kêu gọi này không còn giá trị gì khi một đảng trở thành độc tài toàn trị, quyền lực vô biên đi đôi với lợi lộc tràn trề trong nền kinh tế thị trường hoang dã, kích thích lòng tham vô đáy của con người. Sự lãnh đạo của Đảng lúc này trở thành sự khống chế của một tập đoàn thống trị cấu kết nhau trong quyền và lợi.
Phạm Thị Hoài: Còn với giới trí thức, Đảng lãnh đạo họ thông qua công cụ gì?
Tiêu Dao Bảo Cự: Cũng thông qua tư tưởng, tổ chức. Ngoài cương lĩnh, nghị quyết chung còn có chiến lược phát triển của từng ngành do Đảng vạch ra, được triển khai trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Trong điều kiện gọi là “Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và triệt để” và trong bộ máy lãnh đạo của Đảng không có nhiều trí thức, sự lãnh đạo này đôi khi khập khiễng, thiếu tầm, khiên cưỡng, áp đặt. Một số hình ảnh được chiếu trên truyền hình làm cho nhiều người xem cảm thấy nhục nhã khi các nhà trí thức hàng đầu của đất nước phải ngồi lắng nghe huấn thị của một cán bộ lãnh đạo Đảng về các lĩnh vực chuyên môn mà trình độ của người đó không đáng là học trò của họ. Đành rằng không có người lãnh đạo của bất cứ quốc gia nào, dù tài giỏi đến đâu, có thể thông thái về hết mọi lãnh vực, tuy nhiên người lãnh đạo đất nước nhất định phải có trí tuệ cao, tầm nhìn chiến lược, lòng hi sinh phục vụ đất nước, mới có thể nói cho người khác lắng nghe.
Phạm Thị Hoài: Ông có cho rằng giới trí thức cần sự lãnh đạo đó không?
Tiêu Dao Bảo Cự: Đặc điểm của giới trí thức là nặng tư duy, thích phản biện và sáng tạo. Nếu lãnh đạo đã đưa ra định hướng cứng nhắc, ràng buộc trí thức thì không những không giúp ích cho sự phát triển của giới trí thức mà còn làm cho họ trở nên thui chột, xơ cứng, thậm chí hèn nhát, tráo trở, gian dối để được lòng lãnh đạo. Điều này đã làm cho sinh hoạt của giới trí thức trì trệ trong nhiều năm qua, tụt hậu rất xa so với các nước khác, trên mọi lãnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn học nghệ thuật.
Phạm Thị Hoài: Và bản thân ông?
Tiêu Dao Bảo Cự: Hiện nay tôi là một người cầm bút tự do, tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào. Tôi nhìn nhận, đánh giá mọi việc theo tư duy, trí tuệ và lương tâm của mình. Tôi viết, dù là chính luận hay sáng tác văn học đều hướng về chân – thiện – mỹ, những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại mà tôi có thể thu nhận qua tri thức đông tây kim cổ. Tôi không cần một lý thuyết hay sự chỉ đường của bất cứ ai.
Phạm Thị Hoài: Sự lãnh đạo của Đảng hiện nay có gắn với những nội dung tích cực hoặc cần thiết trong một lĩnh vực nào của đời sống?
Tiêu Dao Bảo Cự: Trên lý thuyết, sự lãnh đạo của Đảng đề cập những vấn đề thiết yếu của đời sống nhưng vì nó chưa xứng tầm với đất nước và thời đại, cố gò vào những lý thuyết giáo điều và tư tưởng đã lỗi thời, mục đích là giữ vững độc quyền lãnh đạo, nên đã làm trì trệ thay vì phát triển đất nước, phục vụ xã hội. Trong tình hình đó, nhiều kẻ bám vào để mưu lợi hoặc theo đuổi những mục đích cá nhân là điều tất yếu.
Phạm Thị Hoài: Theo ông, không có sự lãnh đạo đó, xã hội có rơi vào hỗn loạn, khủng hoảng không?
Tiêu Dao Bảo Cự: Theo một nghĩa rộng, bất cứ quốc gia nào cũng cần có sự lãnh đạo của những người cầm quyền, thông qua chiến lược phát triển quốc gia, các kế hoạch 5 năm, 10 năm… chứ không thể để xã hội vận hành một cách tự do, không định hướng được. Hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, dĩ nhiên Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo. Ở đây có hai vấn đề đặt ra:
Một là Đảng có xứng tầm lãnh đạo đất nước không? Không thể chỉ vì “được lịch sử giao phó sứ mệnh” như Đảng vẫn thường tự hào, giao một lần rồi tự cho mình quyền lãnh đạo mãi mãi. Điều này không khác chế độ phong kiến ngày xưa. Ngày trước là “vạn tuế”, bây giờ là “muôn năm”, một khi chiếm được quyền lực, những người cầm quyền đều tự coi đất nước như của riêng dòng họ, đảng mình một cách vĩnh viễn. Mặt khác, không có sự lãnh đạo hay lãnh đạo sai lầm đều đưa xã hội đến chỗ hỗn loạn, khủng hoảng, gây ra nhiều tội ác, thậm chí đưa đất nước vào họa diệt vong như nhiều bằng chứng lịch sử nhân loại đã cho thấy.
Trong “Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam” viết năm 1996 (đã công bố trên một số phương tiện truyền thông lúc đó và một số trang web sau này), gởi ban soạn thảo cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ VIII, trước khi đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chống thần thánh hóa lãnh tụ, thực hiện tự do dân chủ và đa nguyên chính trị, thực sự đoàn kết và hòa giải dân tộc, điều đầu tiên tôi đề cập là trưng cầu ý dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trước đó nữa, khi còn là đảng viên, tôi cũng đã có lần phát biểu điều tương tự trong một hội nghị của Đảng. Những người cầm quyền hiện nay chưa đủ bản lĩnh và thiện ý để làm điều này. Đó cũng là một trong những lý do làm tôi trở thành một trong hai người đầu tiên bị áp dụng nghị định 31/CP về quản chế hành chính trong 2 năm 1997 – 1999 (người kia là Bùi Minh Quốc).
Hai là bộ máy lãnh đạo quá cồng kềnh, tốn kém. Một đất nước còn nghèo đói mà có tới 3 bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể “ăn” ngân sách nhà nước, chưa kể phải nuôi một lực lượng quân đội và công an hùng hậu, làm sao có đủ tiền của để lo cho nhân dân, phục vụ phúc lợi xã hội. Tinh giản bộ máy là điều đơn giản, quá dễ thực hiện nhưng Đảng vẫn không làm vì không muốn mất quyền và lợi. Ngược lại, nhân dân chẳng ai muốn phải gánh oằn lưng bộ máy cồng kềnh nặng nề này bằng mồ hôi, nước mắt của mình.
Phạm Thị Hoài: Theo ông, đảng viên có quyền và có nên phủ nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng không?
Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng viên phải tuân thủ điều lệ và những nguyên tắc, quy định của Đảng. Điều này được áp dụng cho bất cứ tổ chức Đảng nào, nếu ai không muốn, đừng gia nhập Đảng. Tuy nhiên chuyện độc quyền lãnh đạo, “tuyệt đối không chia sẻ quyền lãnh đạo cho ai khác” trong khi mình chẳng phải là những người ưu tú nhất, cho thấy một ý thức chiếm hữu hẹp hòi, vì quyền lợi riêng của cá nhân và Đảng chứ không phải vì quyền lợi của nhân dân, đất nước, ngược với mục đích, tôn chỉ của đảng. Do đó tôi nghĩ đảng viên nào thực sự có lý tưởng vì dân vì nước không thể không đặt ra vấn đề này.
Thực tế, đa số đảng viên hiện nay đều gắn bó với Đảng vì quá khứ, lợi quyền nên dù thấy Đảng sai lầm vẫn không công khai phản bác hay có phản bác nhưng vẫn tiếp tục ở trong Đảng, hưởng lợi quyền do Đảng mang lại. Rất ít người từ bỏ Đảng hoặc phê phán Đảng một cách triệt để (nhưng hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng tăng). Nếu không có nhiều đảng viên như thế, Đảng sẽ đi vào thoái trào trong giai đoạn gọi là “tham quyền cố vị”, xa lạ với lý tưởng tốt đẹp mà Đảng vẫn tuyên truyền.
Phạm Thị Hoài: Nếu được khôi phục đảng tịch, ông sẽ làm gì?
Tiêu Dao Bảo Cự: “Guồng máy khi vận hành đã đè bẹp mọi lương tri hay lương tri không có chỗ trong guồng máy. Guồng máy đã trở nên vô hồn theo đà quay của nó. Mỗi người chỉ là một bộ phận, một chi tiết, một đinh ốc. Đinh ốc nào rơi ra như tôi sẽ bị nghiền nát. Không có sự phản kháng chống đối trong guồng máy vì như thế sẽ làm nó tê liệt. Chỉ có cách phá vỡ tung và làm lại theo cấu trúc mới. Có phải như vậy không?
Đúng ra tôi không nên vào Đảng. Tôi là một kẻ yêu tự do, muốn tung trời lướt gió, làm sao có thể ở trong một Đảng được. Đảng là một tổ chức, một phương tiện, tập hợp sức mạnh, ý chí và hành động của nhiều người để đạt đến một lý tưởng chung. Nhưng khi lý tưởng chung đã không còn, Đảng sẽ trở thành tù ngục và là nơi thanh toán lẫn nhau. Đảng phải thuần nhất, nếu không Đảng sẽ mất sức mạnh dù đó là sức mạnh mù quáng. Những người lãnh đạo Đảng hiểu rất rõ điều đó.
Đảng cầm quyền lại có thêm yếu tố quyền lực và quyền lợi gắn kết các thành viên. Sau bao nhiêu tổn thất, mất mát trong đấu tranh, khó ai có thể từ chối những yếu tố mới đầy hấp dẫn và lạc thú, có sức lôi cuốn mạnh hơn cả lý tưởng ngày xưa. Điều này giúp tôi hiểu thêm bản chất của con người và tính chất của guồng máy này. Lý tưởng và quá khứ với những tủi nhục và vinh quang đã ràng buộc họ vào một tổ chức, quyền lực và quyền lợi đã cố kết họ trong guồng máy.
Guồng máy này dị ứng với những người và cách phản ứng như tôi.”
Trên đây là một đoạn trích ở chương 3 nói về guồng máy trong cuốn sách Mảnh trời xanh trên thung lũng (NXB Văn Mới, Cali, Hoa Kỳ 2007), viết về suy nghĩ và tâm trạng của tôi sau bị khai trừ Đảng. Trước đây tôi vào Đảng trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt để cùng với những người đồng chí hướng chiến đấu có hiệu quả trong một tổ chức. Bây giờ mọi chuyện đã rất khác, quá khác ngày trước, và với tình hình của Đảng như đã phân tích trên, tôi còn vào Đảng hay trở lại Đảng để làm gì?
Phạm Thị Hoài: Ông có tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự chuyển mình thành một đảng dân chủ, từ bỏ chế độ toàn trị và cùng các đảng phái khác chia sẻ trách nhiệm điều hành đất nước?
Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng Cộng Sản Việt Nam có khả năng thích nghi rất lớn. Lịch sử Đảng cho thấy Đảng đã nhiều lần đổi tên, thay đổi đường hướng chiến lược để tồn tại và phát triển. Đảng cũng thấy rõ xu hướng hiện nay của toàn nhân loại là xu hướng dân chủ, nhưng Đảng sẽ không tự nguyện chuyển hóa về phía dân chủ vì như thế sẽ mất độc quyền lãnh đạo, có nghĩa là mất nhiều quyền lợi. Tuy nhiên xu thế lịch sử không cho phép họ tiếp tục giữ mãi độc quyền. Xu thế lịch sử ở đây không hiểu chung chung mà là ý thức dân chủ và tinh thần phản kháng của người dân ngày một lên cao, cộng với sức ép của quốc tế trên đường hội nhập. Đảng sẽ phải chuyển hóa nhưng tốc độ chuyển hóa tùy thuộc vào tác động nói trên và với sự tính toán, chuẩn bị chu đáo bằng nhiều thủ thuật, làm thế nào vẫn chiếm thế thượng phong, ít ra là thời gian đầu, trong cuộc chơi dân chủ không thể tránh được. Dù sao đó cũng là kịch bản tương đối ít gây xáo trộn, mất mát. Nếu Đảng vẫn khăng khăng quyết giữ độc tài toàn trị, đến một lúc nào đó, khi người dân không thể chịu đựng nổi, nhất định bạo loạn sẽ nổ ra, Đảng và nhân dân đều chịu tổn thất rất lớn. Trách nhiệm trước lịch sử về thảm kịch đó thuộc về Đảng.
Đối với riêng tôi, điều mong chờ lớn nhất là sự tỉnh thức, can đảm đứng lên làm chủ của người dân, đại bộ phận nhân dân, mà đi đầu là tầng lớp tinh hoa và giới trẻ. Điều này cần có thời gian. Nhưng thời gian kéo dài cũng có nghĩa là chịu đựng và khổ đau kéo dài.
Phạm Thị Hoài: Cảm ơn ông Tiêu Dao Bảo Cự.
______________
© 2012 pro&contra

Góp Ý

Không có nhận xét nào: