16.3.12

Dư Chấn Nhật Bản và Khí Đốt



Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-03-15
Đúng một năm trước, cơn động đất rồi sóng thần đã tàn phá nước Nhật và để lại nhiều hậu quả lâu dài cho kinh tế thế giới.
Người dân Nhật thắp nến tưởng niệm
1 năm thảm họa động đất - sóng thần
11/3/2011- 11/3/2012-AFP photo


Một năm sau nhìn lại, người ta thấy ra một hậu quả là nguồn năng lượng, trong đó, khí đốt sẽ trở thành sản phẩm làm thay đổi tương quan kinh tế thế giới.
Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu sự kiện đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu tự do là chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Hậu quả của thiên tai

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, khi kiểm lại những hậu quả của thiên tai tại Nhật Bản vào ngày 11 Tháng Ba năm ngoái, chúng ta cũng nhớ lại là vào thời điểm ấy còn có vụ khủng hoảng tại Libya khiến dầu thô vọt tăng giá. Khi ấy, ông có phát biểu rằng chúng ta chẳng nên sợ dầu thô mà nên e ngại về hậu quả lâu dài của thiên tai Nhật Bản cho cả thế giới. Bây giờ nhìn lại, ông nghĩ sao về những dự đoán ông đưa ra năm ngoái và một cách cụ thể, đâu là một hậu quả nổi bật của cơn địa chấn Nhật Bản?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta nhớ lại là Nhật Bản đang ở giữa một giai đoạn cực kỳ khó khăn của 20 năm giảm phát với sáu đợt suy trầm. Thiên tai bùng nổ năm ngoái dẫn tới bốn sự kiện: Thứ nhất là động đất, thứ hai là sóng thần, thứ ba là tai nạn cho hệ thống năng lượng hạt nhân hay hạch tâm, và sau cùng là cách ứng phó khá lúng túng, chậm chạp và vụng về của chính quyền. Dù không quên hai vạn nạn nhân của tai họa này, chúng ta vẫn phải nghĩ đến hậu quả cho thế giới vì Nhật là nền kinh tế lớn thứ ba sau Mỹ và Tầu và giao lưu buôn bán với rất nhiều quốc gia.
Tôi nhớ là khi thiên tai bùng nổ vào ngày 11 thì cũng là lúc Nhật công bố dữ liệu kinh tế của quý một, gọi là "Kantan" hay Đoản Quán và các dữ liệu đều thành lạc hậu vì thu thập thống kê từ trước nên ta khó đoán ra hậu quả ngắn hạn. Nhưng về trung hạn, mình có thể nghĩ đến mạng lưới cung ứng trong hệ thống chế biến của Nhật và các nước khác. Về dài hạn thì có hậu quả trên hệ thống năng lượng vì Nhật Bản phải nhập khẩu 60% lượng dầu khí và năng lượng hạt nhân đáp ứng được 25% số tiêu thụ của họ. Nếu các lò hạch tâm tại Fukushima bị hư hại thì năng lượng sẽ trở thành vấn đề và làm thay đổi tình hình kinh tế thế giới trong cả chục năm tới.
Khi nhìn lại thì tôi có thấy ra vài ba điều sau đây. Tai họa cho các lò năng lượng lại nguy kịch hơn dự đoán ban đầu, mà cách ứng phó quá vụng về của Chính quyền Naoto Kan vào thời đó khiến dân chúng Nhật hết tin tưởng vào sự an toàn của năng lượng hạch tâm. Hậu quả là ngoài một vài lò còn chạy, Nhật đã đóng hết các nhà máy hạch tâm để rà soát lại và sẽ phải tìm ra nguồn cung cấp điền thế. Từ đó, mình có thể kết luận là khí đốt sẽ trở thành một hồ sơ kinh tế rất đáng chú ý. Và hồ sơ này có thể làm thay đổi tương quan kinh tế và chính trị giữa các nước.
Vũ Hoàng: Ông chọn khí đốt như một hậu quả dễ thấy nhất, nhưng vì sao ông lại nghĩ tới những thay đổi trong tương quan kinh tế và chính trị giữa các quốc gia? Như mọi khi, xin ông trước tiên trình bày cho bối cảnh vấn đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Khí đốt là một năng lượng tương đối sạch nếu ta so với than đá để làm ra điện cho các nền kinh tế, nhất là kinh tế công nghiệp khi điện khí hóa là một trở ngại. Dầu thô có thể là một nguồn năng lượng khác, nhưng với tình trạng cung cầu nay đã gần như quân bình tức là số cầu chỉ đủ cho số cung, và giá sẽ tăng vọt vì bất cứ một biến cố an ninh nào xảy ra ở Trung Đông, là chuyện chúng ta đang thấy. Nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo chính là nguyên tử hay hạch tâm, nhưng đòi hỏi một mức an toàn rất cao. Khi khủng hoảng bùng nổ người ta mới thấy hệ thống hạch tâm Nhật Bản không được an toàn như mình vẫn nghĩ và vì vậy việc tìm ra nguồn điện lực thay thế sẽ trở thành một ưu tiên.
Vũ Hoàng: Thưa ông, đó là bối cảnh chung, riêng cho trường hợp Nhật Bản thì sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kinh tế Nhật đã phục hồi sau cơn thiên tai nếu thẩm xét từ số cầu về năng lượng nay đã trở lại mức cũ là trước khi bị động đất. Đó là về yêu cầu cho sản xuất và tiêu thụ. Nhưng nguồn cung cấp điện năng từ dầu, khí đốt, than đá và hạch tâm thì đã sút giảm đáng kể, tính ra thì mất một phần tư. Hiện nay, trong 54 lò hạch tâm thì chỉ có hai lò là còn chạy an toàn thôi. Vì vậy, trong năm qua, Nhật phải nhập thêm khí đốt. Số nhập khẩu đã tăng gần 30%. Nhật đã có kế hoạch gia tăng sản lượng hạch tâm từ 25% số cầu về năng lượng lên 50% vào năm 2030, vụ khủng hoảng vừa qua khiến họ sẽ đẩy lui và có thể hủy bỏ kế hoạch này. Kết quả là Nhật sẽ phải nhập thêm khí đốt ở thể lỏng, gọi tắt là LNG, đem về biến chế lại ra thể khí để bù đắp cho yêu cầu điện lực của mình.

Bài toán khí đốt

Vũ Hoàng: Bây giờ, ta bước qua phần bối cảnh về khí đốt của Nhật vì như ông vừa trình bày, Nhật phải mua khí đốt ở thể lỏng về chế biến lại ra thể khí và điều ấy cũng ảnh hưởng tới giá cả chứ phải không?

000_Hkg4738883-250.jpg
Phân phối cho mỗi cư dân địa phương Rikuzentakata ở quận Iwate, Nhật Bản 20 lít xăng vào ngày 27/3/2011, sau thảm họa động đất. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đấy mới là vấn đề then chốt. Khí đốt là một nguồn năng lượng đắt hơn hạch tâm và than đá mà Nhật chỉ sản xuất được 4% cho yêu cầu nên thường phải nhập từ ba nguồn chính là Malaysia, Indonesia và Australia là Úc. Năm qua, vì khủng hoảng hạch tâm, họ phải nhập thêm từ xứ Qatar trong vùng Vịnh Ba Tư và từ Liên bang Nga. Nhưng vì nhập về còn phải chế biến và chuyên chở qua các ống dẫn khí nên Nhật có bị ách tắc vì hệ thống chế biến từ dạng lỏng qua khí có giới hạn và mạng lưới dẫn khí vẫn chưa đủ cho một quốc gia bị địa dư phân cách thành từng vùng biệt lập.
Nhưng, trước đòi hỏi của thực tế là không còn năng lượng hạch tâm dồi dào và an toan, Nhật sẽ phải dồn sức đầu tư vào hạ tầng cơ sở chế biến rồi phân phối khí đốt. Khi theo dõi hậu quả của thiên tai Nhật Bản, người ta nên chú ý đến kế hoạch đầu tư về khí đốt của Nhật và sự kiện ấy sẽ làm thay đổi vai trò của khí đốt trên thế giới. Nó sẽ ảnh hưởng đến tương quan kinh tế và chính trị giữa các nước.
Vũ Hoàng: Thính giả của chúng ta dần dần nhìn ra từng bước phân tích của ông về bối cảnh. Bây giờ ta nói đến tình hình cung và cầu về khí đốt ở ngoài nước Nhật.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi lại xin nhắc tới chuyện xưa. Sau khi tấn công xứ Georgia hay Gruzia vào Tháng Tám năm 2008, ngày đầu năm 2009, Liên bang Nga đã gây ra khủng hoảng về khí đốt cho Ukraine là nơi có mạng lưới dẫn khí của Nga bán qua cho Âu Châu. Chuyện ấy khiến ta chú ý đến vai trò của khí đốt như một võ khí chiến lược của Nga đối với kinh tế Âu Châu.
Chúng ta biết rằng nền kinh tế công nghiệp hóa của các nước Âu Châu rất cần tới năng lượng là khí đốt mà họ nhập từ Nga qua các nước Đông Âu. Sự lệ thuộc đó có ảnh hưởng đến an ninh và chính trị của Âu Châu, nhất là khi các nước thấy Nga có thể sử dụng khí đốt để gây sức ép. Vì vậy, ba nước Âu Châu là Hà Lan, Ba Lan và Pháp đã lên kế hoạch đầu tư và xây dựng các dự án khí đốt hầu đa phương hoá nguồn cung cấp năng lượng. Những dự án đó sẽ thành hình từ năm 2014 và lập tức ảnh hưởng đến giá cả khí đốt, tức là đến nguồn thu của Nga.
Vũ Hoàng: Bây giờ, nếu ta châm thêm vào bài toán khí đốt của quốc tế một yêu cầu mới từ nước Nhật thì mình có thể hiểu ra một hậu quả bất ngờ của cơn địa chấn tại Nhật. Thưa ông có phải là như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng hiển nhiên là những thay đổi về cung và cầu của một nguồn năng lượng quan trọng như vậy sẽ đảo lộn sự tính toán của các nước. Thiên tai tại Nhật có gây thêm một sức ép trên thị trường khí đốt toàn cầu nhưng biến cố này còn xảy ra giữa cơn khủng hoảng tài chính đang lan thành khủng hoảng chính trị tại Âu Châu. Tôi xin cố gắng giản lược hóa vấn đề thành một chuỗi tương quan nhân quả dễ hiểu.
Khi theo dõi hậu quả của thiên tai Nhật Bản, người ta nên chú ý đến kế hoạch đầu tư về khí đốt của Nhật và sự kiện ấy sẽ làm thay đổi vai trò của khí đốt trên thế giới. Nó sẽ ảnh hưởng đến tương quan kinh tế và chính trị giữa các nước.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Trước hết, Âu Châu bị khủng hoảng tài chính vì nạn vay mượn quá đà khiến các quốc gia gọi là biên tế vì nằm ngoài rìa, ở miền Nam, có thể bị vỡ nợ và đồng Euro bị sứt mẻ. Trong vụ khủng hoảng đó, Đức chiếm vị trí then chốt vì là cường quốc kinh tế số một của cả khối. Vị trí then chốt ấy khiến cho, nhìn từ miền Nam như Hy Lạp hay Tây Ban Nha, Đức có thể là ân nhân hay thủ phạm về kinh tế. Đó là một tình trạng cực kỳ bất lợi cho sự hội nhập và thống nhất Âu Châu. Mà Đức lại lệ thuộc rất mạnh vào khí đốt của Nga và có thể đang cân nhắc lợi hại về dài là bảo vệ quyền lợi và sự nhất thống của Âu Châu hay là thỏa hiệp với Liên bang Nga. Chuyện khí đốt của Nhật đã đảo lộn những tính toán đó của cả Âu Châu lẫn Liên bang Nga...
Vũ Hoàng: Trong suốt câu chuyện phức tạp mà hấp dẫn này, chúng ta chưa thấy vai trò của một đại gia toàn cầu về khí đốt. Đó là Hoa Kỳ. Thưa ông, nước Mỹ sản xuất nhiều khí đốt nhất thế giới mà cũng tiêu thụ nhiều nhất nên hình như vẫn phải nhập khẩu. Khi thị trường năng lượng này có thay đổi lớn vì hiệu ứng từ Nhật Bản, Âu Châu và Liên bang Nga, nước Mỹ tính sao và những tính toán này sẽ ảnh hưởng thế nào đến khí đốt trên thế giới?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ sản xuất nhiều khí đốt nhất, khoảng 600 tỷ thước khối một năm mà lại xài đến 700 tỷ nên phải nhập gần 100 tỷ vào năm ngoái. Nhưng từ năm 2005, nước Mỹ đã từng bước nâng sao sản lượng và nếu khí đốt lên giá vì cung cầu rất căng như hiện tại thì đấy là một động lực phụ trội khiến xứ này sẽ ráo riết khai triển các kế hoạch sản xuất và vận chuyển.
Trong tương lai trung hạn, Mỹ có thể trở thành một quốc gia bán khí đốt cho thiên hạ và là đại gia đáng kể trên thị trường khí đốt và trong những tính toán gọi là chiến lược giữa các nước.

Triển vọng của Hoa Kỳ

Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra một kết luận khá lạ tai vì cho đến nay người ta chỉ thấy dân Mỹ than vãn về giá xăng quá cao, hoặc về nhu cầu tự túc về năng lượng hầu hỏi lệ thuộc vào dầu khí từ Trung Đông. Trong khi ấy, Hoa Kỳ lại có triển vọng trở thành đại gia về khí đốt. Thưa ông, đầu đuôi câu chuyện ra sao?

000_DV1076457-250.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama có một cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Honolulu, Hawaii, vào tháng 11/2011. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có một thí dụ điển hình về chuyện thời sự hàng ngày và viễn kiến dài hạn. Hoa Kỳ có cải tiến về kỹ thuật để nôm na là gạn cát ra dầu thô và khí đốt. Khi sản lượng khí đốt tăng đều từ năm năm nay, giá khí đốt giảm dần và hết là một động lực kích thích đầu tư và sản xuất. Bây giờ tình hình đang đổi khác trên thế giới nên ảnh hưởng ngược vào tính toán đầu tư của Hoa Kỳ. Đấy là chuỗi tương quan nhân quả có tính chất biện chứng mà mình cần nhìn ra.
Trên toàn cảnh đó, bây giờ mình xét đến những trở ngại. Hoa Kỳ có thể sản xuất thêm khí đốt ở dạng lỏng và sau này bán ra ngoài, nhưng chỉ bán cho những nước có khả năng chế biến từ dạng lỏng qua dạng khí và thổi qua một mạng lưới dẫn khí. Tức là khách hàng cũng phải là một xứ công nghiệp tiên tiến, thí dụ như Âu Châu hay Nhật Bản, Nam Hàn hoặc thậm chí Ấn Độ hay Trung Quốc là hai nước còn đi sau. Doanh giới quốc tế thì đã nhìn ra chuỗi tương quan này nên khởi sự đầu tư khá mạnh vào thị trường khí đốt của Mỹ. Nhưng khi gạn cát ra dầu và khí đốt, người ta có vấn đề ô nhiễm môi sinh và sức ép rất mạnh của các tổ chức bảo vệ môi trường, đó là một đề mục đang gây tranh luận tại Hoa Kỳ trong vụ bầu cử năm nay. Bây giờ, nếu xét thêm các yếu tố Nhật Bản, Âu Châu và Nga trong bài toán khí đốt thì mình có thể suy đoán ra nhiều vấn đề thời sự trước mắt và những hậu quả lâu dài về địa dư chiến lược.
Vì vụ thiên tai, Hoa Kỳ sẽ càng mau chóng nhảy vào thị trường này, vốn lên tới 30% số giao dịch toàn cầu về khí đốt và còn tăng. Nơi sẽ mua vào nhiều nhất để bù đắp cho năng lượng hạch tâm chính là Nhật Bản.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Tổng kết lại, từ vụ các nhà máy hạt nhân bị thiên tai hủy diệt tại Nhật Bản, chúng ta thấy bung ra những bài toán và giải pháp mới. Theo như ông phân tích thì kết quả sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta hãy cứ tạm gom vào một hồ sơ năng lượng là khí đốt ở thể lỏng. Thế giới có hai chục nhà máy nhập khẩu loại năng lượng này đang được xây dựng để biến chế khí đốt từ thể lỏng qua thể khí, đa số tập trung tại Đông Á và Âu Châu. Vì vụ thiên tai, Hoa Kỳ sẽ càng mau chóng nhảy vào thị trường này, vốn lên tới 30% số giao dịch toàn cầu về khí đốt và còn tăng. Nơi sẽ mua vào nhiều nhất để bù đắp cho năng lượng hạch tâm chính là Nhật Bản.
Kế tiếp sẽ là thị trường Âu Châu vì lý do chiến lược của các nước này nên họ cũng đang ráo riết thiết kế thêm các nhà máy biến lỏng thành khí. Hoa Kỳ đã phần nào khắc phục được bài toán công nghệ để khai thác một nguồn năng lượng họ đã có sẵn mà chưa dùng tới. Bài toán công nghệ đó mà vượt qua được thách đố về môi sinh thì Mỹ không chỉ có khí đốt từ tiểu bang Alaska như hiện nay mà sẽ đầu tư rất mạnh để mở rộng mạng lưới cung cấp bên trong và xuất khẩu ra bên ngoài. Điều ấy chẳng những có lợi về kinh tế hay kinh doanh mà còn giúp Hoa Kỳ củng cố được quan hệ chiến lược với các nước đồng minh Âu Châu trước áp lực của Liên bang Nga. Thành thử từ một chuyện là hậu quả của thiên tai, người ta còn thấy ra vấn đề ngoại giao chính trị, với kết quả trước mắt là trị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường khí đốt!
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa về chuỗi phân tích rất ly kỳ này.

Theo dòng thời sự:

Góp Ý

Không có nhận xét nào: