26.3.12

Ngang nhiên lặp lại hành vi bất chấp luật pháp và đạo lý





Hoàng Mai (Đại Đoàn Kết) - Không nghi ngờ gì: Đối với Trung Quốc thì lời nói không (hoặc chưa bao giờ) đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt”. Vậy thì dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu họ có thể là một "đối tác tốt”? Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu "vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây...




*


"Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.”




Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Ảnh: HOÀNG LONG


Ngày 21-3 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc phía Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21ngư dân và 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam) mang số hiệu QNg 66101TS và QNg 66074TS, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nêu rõ: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.” Ông Lương Thanh Nghị cũng cho biết thêm: Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.


Còn nhớ, trước đó tròn 1 tháng (ngày 22-2), 11 ngư dân của ta trên tàu cá QNg 90281TS cũng của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản. Trước sự việc đó, hôm 29-2, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị đã khẳng định: "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.” Đồng thời, trong tuyên bố của mình, ông Lương Thanh Nghị cũng đã nhấn mạnh: Hành động dùng vũ lực uy hiếp, đánh đập, lục soát lấy tài sản của ngư dân ta của phía Trung Quốc "đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”


Những hành động như kể trên của phía Trung Quốc không có gì là mới; chỉ có điều nó được các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều hơn; ngang nhiên hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ sự coi thường luật pháp quốc tế; sự vô nhân đạo mà quan trọng hơn đó là sự bất tín của họ trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Nực cười nhất, ngày 22-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn lớn tiếng cho rằng: Việc các ngư dân Việt Nam bị bắt là do đã xâm phạm chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc, vì thế phản ứng của Trung Quốc là hợp lý và đúng luật. Ông này còn lên mặt đạo đức khi nhắc nhở, Việt Nam nên quản lý và giáo dục ngư dân của mình, đừng để họ xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải Trung Quốc nữa. Hoà theo giọng điệu đó, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng tải ý kiến của một vài chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây chỉ là hành động cảnh cáo với những ai có ý định xâm phạm lãnh hải của họ. Những lý lẽ họ đưa ra cho thấy sự cố tình bất chấp luật pháp quốc tế; bất chấp những chứng cứ lịch sử luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã tồn tại từ bao đời nay; bất chấp cả đạo lý khi giở trò bắt bớ, đánh đập các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Thực tế lịch sử đã cho thấy, phía Trung Quốc chưa bao giờ chứng minh được; hay nói cách khác chưa bao giờ đưa ra được các bằng chứng có sức thuyết phục trước cộng đồng quốc tế về cái gọi là chủ quyền của họ tại quần đảo Hoàng Sa. Ngược lại, vào năm 1774 sử sách đã chép: Quan huyện Văn Xương giúp đội viên đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển 52, từ năm 1816 vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thủy trình. Dân phu cùng đi chính là những dân phu giỏi hải trình đi Hoàng Sa. Cũng thời gian đó, triều đình nhà Nguyễn đã cho cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Vậy là, Việt Nam đã xác lập chủ quyền không thể tranh cãi tại Hoàng Sa, Trường Sa chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Trong loạt bài viết gần đây về cái gọi là "Đường lưỡi bò” và những "Yêu sách hoang đường” của Trung Quốc ở Biển Đông, nhóm phóng viên Đại Đoàn Kết đã thêm một lần tìm được các chứng cứ chứng tỏ: "Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã thuộc Việt Nam, không còn là đất vô chủ”. Một trong những bằng chứng ấy chính là, trong tấm Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn - Hà Lan đã có lời giải thích rất rõ: "nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ”. Còn các sách Hán văn cổ thì ghi nhận "hoạt động của dân đánh cá và dân buôn Ả Rập, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Vùng Vịnh trong vùng biển này, không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là "ao hồ của Trung Quốc”. Nhiều nhà nghiên cứu khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc muốn mở rộng vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình đều nhấn mạnh một khía cạnh: Trung Quốc cần tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Mà, theo luật pháp quốc tế thì Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được thế giới công nhận là của Trung Quốc. Một trong những chứng cứ minh chứng cho điều này chính là tại Hội nghị San Francisco năm 1951 việc đa số nước tham dự hội nghị bỏ phiếu không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Một năm sau, trong Hiệp ước hoà bình Trung-Nhật cũng đã nhấn mạnh việc không thừa nhận hai quần đảo trên là của Trung Quốc. Mãi tới năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó đang được quản lý bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa và năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý hợp pháp của Việt Nam. Những hành động ấy được coi là sự cưỡng chiếm bất hợp pháp hay nói cho đúng là hành động xâm lược một cách trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế. Nay, họ lại muốn tuyên bố chủ quyền và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Bởi, theo Luật quốc tế cụ thể là theo UNCLOS 1982 thì tuyên bố như thế sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Mà, đã là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đương nhiên ngư dân của Việt Nam có quyền đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản và các hoạt động kinh tế khác. Cũng cần nói thêm, chí ít là vào thế kỷ thứ XVII, Hoàng Sa, Trường Sa đã trở thành ngư trường truyền thống của của ngư dân Việt Nam. Nói là truyền thống, bởi vào thời điểm đó cùng với sự hoạt động không ngừng nghỉ của hải đội Hoàng Sa là hoạt động của ngư dân Việt Nam trên vùng biển này- đây là điều đã được sử sách ghi nhận. Ngư dân Việt Nam cha truyền con nối đã khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản ở vùng biển này liên tục kể từ đó đến nay. Vậy, vì sao Trung Quốc lại trắng trợn có hành vi bắt bớ, đánh đập, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây, trước hết đứng về luật pháp quốc tế là hành vi sai trái; nói cách khác là hành vi của kẻ cướp. Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả những thủ đoạn vào loại "hạ đẳng” nhất đó là bắt giữ, đánh đập, lục soát lấy tài sản của những ngư dân Việt Nam bình thường - những con người chỉ quanh năm biết làm bạn với biển cả của Tổ quốc, lấy con tàu làm nhà chứ… không hề biết đến súng đạn; biết đến sự thù hận. Trung Quốc làm thế với mục đích hòng mong lấp liếm, đổi trắng thay đen; khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng đặc quyền kinh tế nằm trong sự quản lý của Việt Nam. Hành vi ấy chứng tỏ ý đồ cướp đất của phía Trung Quốc là khá rõ ràng. Nó không hề phù hợp với hành vi của một cường quốc. Có lẽ cũng vì thế mà họ đã buộc phải bội tín với phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt mà chính họ hay rao giảng. Cách đây chưa đầy 6 tháng, ngày 11-10, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Đảng ta tới Trung Quốc, chính họ đã cùng với chúng ta ký "Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước” làm kim chỉ nam cho việc giải quyết những tồn tại về các vấn đề trên biển. Trong đó đề cao lấy đại cục hai nước làm trọng; trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử và... căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển. Thế nhưng, những gì họ làm lại đang đi ngược lại bản thoả thuận 6 điểm kể trên.


Không nghi ngờ gì: Đối với Trung Quốc thì lời nói không (hoặc chưa bao giờ) đi đôi với việc làm. Cách hành xử của họ không thể được coi là cách hành xử của một "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt”. Vậy thì dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu họ có thể là một "đối tác tốt”? Tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ tự tìm cho mình câu trả lời thông qua hành xử kiểu "vừa ăn cướp, vừa la làng” của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây. Còn về phía Việt Nam, kết hợp với sự đấu tranh cương quyết đúng về lý, hợp về tình, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung với cộng đồng quốc tế; với những người có lương tri. Hành vi bất chấp đạo lý và luật pháp của Trung Quốc trước sau sẽ bị lên án bởi công luận, cộng đồng quốc tế. Những ngư dân Việt Nam hiền lành, chân chất luôn có sự ủng hộ của cả dân tộc và thế giới. Cả dân tộc luôn ở bên các bạn.


Hoàng Mai


http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=48080&Style=1
| 26.3.12
7 Ý kiến:
Lưu Ý :


- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google


- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi


- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA


    NGƯỜI GÁC MỘMar 25, 2012 06:37 PM


    Những hành động vừa qua chẳng qua chỉ là đàn anh TQ thương cho roi cho vọt đấy mà . Thử ngẫm lại xem ngoài bà Phương Nga trước đây , nay ông Nghị có ai khác trong triều đình VN dám nói khác không ? VN có hàng triệu ngư dân , con số hàng trăm người bị bắt đòi tiền chuộc , bị xua đuổi cướp bóc chẳng là gì cả với NN này . Vả lại VN và TQ đã có ký thỏa thuận tuần tra chung rồi kia mà . Như vậy làm sao biết nước nào có hành động trên hay đã có thỏa thuận từ trước ...?
    Trả lời
    ViệtMar 25, 2012 06:44 PM


    Không thể thế được!
    Trả lời
    Uncle Slam là Em Uncle HồMar 25, 2012 07:09 PM


    Thiên-đàng XHCN / Thế-giới Đại-Đồng là thế !!!
    Trả lời
    ak 47Mar 25, 2012 07:59 PM


    tên văn nô TỐ HỮU nói rồi " bên đây biên giới là


    . bên ia biên giói cũng là anh em"
    HCM " tôi dắt năm châu đến đại đồng...."
    Trả lời
    Khó Hiểu Quá nói:Mar 25, 2012 09:49 PM


    Trung Quốc cứ ngang ngược làm thế đấy mà lãnh đạo việt Nam có làm gì được đâu.


    Một mặt ban lãnh đạo VN phản đối hành động xâm phạm chủ quyền VN của TQ, nhưng một mặt lại bắt bớ, cho vào tù, cho đi cải tạo những người dân VN yêu nước phản đối hành động ngang ngược của TQ vv...


    Tôi không thể hiểu được ban lãnh đạo của VN.


    Các bạn thấy có lạ không?
    Trả lời
    Nặc danhMar 26, 2012 02:14 AM


    Khó hiểu quá nói hỏi
    Bạn có thấy lạ ko ?
    Tôi thì thấy ko lạ vì đất nước ko còn của chúng ta rồi
    Trả lời
    Tiện SĩMar 26, 2012 03:11 AM


    Các bạn nên nhớ rằng ...Trung Quốc không có lổi gì hết ...khi tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chũ quyền của họ !!! Thằng CSVN bán mất từ lâu rồi . Đừng biểu tình chống Trung Quốc ...mà hãy biểu tình chống CSVN .
    Trả lời

Không có nhận xét nào: