11.3.12

Trung Quốc: Bắt giam gần 4000 nhà tranh đấu để ngăn chận Mùa Xuân Ả Rập



Cảnh sát vũ trang đứng gác ở Thiên An Môn, bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, 08/03/2012
Cảnh sát vũ trang đứng gác ở Thiên An Môn, bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, 08/03/2012
REUTERS

Tú Anh
Phong trào cách mạng tại Bắc Phi và Trung Đông làm cho chế độ độc tài Trung Quốc lo sợ. Trong năm 2011 vừa qua, 3883 nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền đã bị bắt giam, trong số này có 159 người bị tra tấn đến tàn phế trong khuôn khổ chính sách «trấn áp Hoa Nhài » của Bắc Kinh.

Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc - Chinese Human Rights Defender - năm 2011 vừa qua là năm mà chính quyền Bắc Kinh đã trấn áp dân chúng thô bạo nhất từ khi hiệp hội nhân quyền này ra đời vào năm 2000.
Bản báo cáo thường niên của tổ chức nhận định, vào lúc thế giới tập trung lên án Trung Quốc giam giữ bí mật nghệ sĩ Ngải Vị Vị và xách nhiễu ông về mặt nghề nghiệp thì cùng lúc đó 3832 nhà tranh đấu khác cũng chịu chung số phận mà phần lớn bị giam trong các « nhà tù đen » hoặc bị nhốt trong bệnh viện tâm thần.
Đã vậy, trong 86% trường hợp bắt giữ, chính quyền vi phạm ngay luật pháp do chính họ quy định.
Một cách cụ thể, tổ chức theo dõi tình hình nhân quyền tại Hoa Lục cho biết : Trong số 3833 nạn nhân của chính sách độc đoán này, chỉ có 89 người gọi là « được » xét xử công khai, nhưng bị quy tội hình sự phải lãnh án tù hoặc cải tạo lao động.
Đa số còn lại, 2795 nhà ly khai « đột nhiên mất tích », nhưng thực tế là họ bị giam trong các nhà tù bí mật hay còn gọi là nhà tù đen, thân nhân và luật sư không được thông báo. 25 người bị lưu đày, 163 người bị quản thúc, 7 người bị đưa vào nhà thương điên.
Cũng để ngăn chận ảnh hưởng phong trào Mùa Xuân Ả Rập, chiến dịch « trấn áp Hoa Nhài » còn gia tăng kiểm duyệt mạng lưới thông tin xã hội. Bắc Kinh buộc 260 triệu công dân mạng phải khai rõ danh tính. Tuy nhiên, các biện pháp này đã vô hiệu, không ngăn chận được những phát biểu công kích chính quyền và chính sách Nhà nước, điển hình là qua vụ Ngải Vị Vị và thái độ bất hợp tác của Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An trên hồ sơ Syria.
Hãng tin công giáo Asia News bổ sung thêm, trong năm qua, cũng là năm mà tín hữu Tin lành, Công giáo tại Hoa Lục, Hồi giáo tại Tân Cương và nhất là Phật tử tại Tây Tạng đã bị trấn áp rất thô bạo.
Chính quyền Hồ Cẩm Đào lo ngại là nhờ vào niềm tin tôn giáo, người dân sẽ thoát khỏi ảnh hưởng của chính sách tuyên truyền chính trị.

Không có nhận xét nào: