1.4.12

Bầu cử bổ sung Miến Điện : Kết quả thắng bại không giá trị bằng diễn tiến công bằng





Áo T-shirt với hình ảnh Aung San Suu Kyi
REUTERS/Sukree Sukplang
Trọng Nghĩa
Ngày 01/04/2012, cử tri Miến Điện được mời đến phòng phiếu để bầu bổ sung 45 ghế đại biểu tại nghị viện. Chiến thắng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ là chắc chắn, cho dù quy mô chưa rõ. Theo giới quan sát, yếu tố quan trọng nhất của sự kiện này không phải là kết quả mà là diễn tiến cuộc bầu cử, có thực sự thể hiện xu hướng dân chủ được chính quyền biểu thị trong hơn một năm qua hay không.


Mới đây, chính bà Aung San Suu Kyi đã than phiền là cuộc bỏ phiếu lần này chưa "thật sự tự do và công bằng", với một số hành vi phá hoại hay hù dọa từ phía các địa phương nhắm vào ứng cử viên đối lập. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng bà không hề hối tiếc khi quyết định ra tranh cử lần này vì cuộc bầu cử đã lôi cuốn người dân quan tâm đến chính trị nhiều hơn.

Về triển vọng đắc cử của bà, không ai dám nghi ngờ. Bà đã tranh cử tại Kawhmu, một đơn vị bầu cử vùng nông thôn, cách thủ phủ Rangoon khoảng hai giờ lái xe. Uy tín của bà lớn đến nỗi mà tại Rangoon, số lượng áo T-shirts in hình bà bán ra không xuể. Ai cũng muốn có một cái để làm kỷ niệm. Kiểu mới nhất vừa được tung ra gần đây là chiếc áo đỏ, với chân dung của bà màu đen, có hàng chữ “Chúng ta phải chiến thắng”.

Chỉ riêng chi tiết hình ảnh của bà xuất hiện khắp nơi đủ cho thấy các đổi thay to lớn tại Miến Điện, vì trước đây, việc giữ hình của lãnh tụ đối lập là một điều bị nghiêm cấm.

Ngoài bà Aung San Suu Kyi, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà có ứng cử viên tại 43 đơn vị bầu cử khác. Câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ có bao nhiêu người đắc cử ?

Theo ông Thiha Saw, một nhà báo của tờ Open News, một tuần báo địa phương, thì đảng của bà Aung San Suu Kyi có thể chiếm được hơn 50% số ghế một chút. Riêng dân cá độ - dù đây là một điều bị cấm - thì cho rằng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có thể giành được 32 ghế đại biểu.

Nếu tin vào những dự đoán trên đây, thì nhãn hiệu đối lập không phải là bảo đảm cho chiến thắng chắc chắn. Lý do, theo ông Jim Della-Giacoma, một chuyên gia tại nhóm nghiên cứu International Crisis Group, là vì đảng cầm quyền USDP do tập đoàn quân sự thành lập cách nay hai năm cũng là một thế lực đáng gờm.

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, chuyên gia này phân tích : “Đảng USDP đã chứng tỏ khả năng tuyển chọn được các ứng viên tốt, những người có uy tín ngay tại địa phương họ nhờ bản thân, chứ không phải là vì họ đại diện của đảng cầm quyền”.

Hãng tin Pháp AFP cũng đã nêu lên cuộc vận động tranh cử của các đảng khác – có tổng cộng 17 đảng ra tranh cử lần này – thường không đề cập đến các khái niệm lớn lao như tự do, dân chủ, pháp quyền… mà chủ yếu tập trung vào những chủ đề gắn chặt với đời sống thường nhật của người dân, qua đó cũng thu hút được cảm tình của cử tri.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, kết quả ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử ngày mai tại Miến Điện chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Giá trị thực thụ của sự kiện này là ở chỗ chính quyền có bảo đảm được tính chất công bằng của cuộc tuyển cử hay không. Đây là lần đầu tiên từ hơn hai chục năm nay mà người dân Miến Điện có quyền thực sự chọn lựa người đại diện cho mình – cuộc bầu cử hội tháng 11 năm 2010 vốn bị đánh giá là một trò hề dân chủ.

Nếu như ngày mai, cuộc bầu cử được quốc tế công nhận là tự do và công bằng, thì điều đó sẽ là một điểm son cho chính quyền Miến Điện đương nhiệm, khẳng định thêm chiều hướng cải tổ chính trị đang được Tổng thống Thein Sein tiến hành. Chắc chắn là điều này sẽ khuyến khích Hoa Kỳ và phương Tây gỡ bỏ cấm vận đối với nước này.

TAGS: BẦU CỬ - CHÂU Á - MIẾN ĐIỆN - PHÂN TÍCH

Không có nhận xét nào: