Hội nghị cấp cao kinh tế Asean -EU khai mạch tại Phnom Penh ngày 1/4/2012.
REUTERS/Samrang Pring
Thanh Phương
Bên lề cuộc họp các Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Phnom Penh hôm qua 31/03/2012, Việt Nam và Liên hiệp châu Âu đã thoả thuận về việc bắt đầu thương lượng một hiệp định tự do mậu dịch song phương. Đây được coi là một bước quan trọng tiến gần đến việc thương thuyết hiệp định này.
Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:
Uỷ viên thương mại châu Âu Karel De Gutch và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã ký một thỏa thuận ghi rõ những chủ đề sẽ được thảo luận trong các cuộc thương thuyết tương lai về hiệp định tự do mậu dịch giữa hai bên. Đây được coi là một bước quan trọng tiến gần đến việc thương thuyết hiệp định này. Theo lời ông Karel De Gucht, quyết định hôm qua thể hiện rõ ràng mong muốn tăng cường quan hệ mậu dịch và cải thiện môi trường kinh doanh giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu.
Các cuộc thương thuyết sẽ bao gồm rất nhiều vấn đề, từ việc xoá bỏ thuế nhập khẩu, các dịch vụ, các hàng rào phi thuế quan, chẳng hạn như các quy định về kỹ thuật, về an toàn thực phẩm, hay các quy định về sở hữu trí tuệ và cạnh tranh. Giai đoạn kế tiếp sẽ là chuẩn bị để bảo đảm là hai bên sẽ có thể đàm phán về cùng những mục tiêu.
Hiện giờ, Uỷ ban châu Âu còn phải tham khảo ý kiến các nước thành viên trước khi Liên hiệp châu Âu bắt đầu thương thuyết với Việt Nam về hiệp định tự do mậu dịch song phương. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ ba trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia, bắt đầu thương thuyết với Liên hiệp châu Âu.
Theo số liệu được công bố tại Phnom Penh hôm qua, Liên hiệp châu Âu hiện là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ và hiện cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với khoảng gần 1,8 tỷ đôla đầu tư trực tiếp trong năm 2011. Năm 1995, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác và phát triển với Liên hiệp châu Âu và vào năm 2010, Việt Nam và LHCA đã hoàn thành đàm phán và ký tắt Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA).
TAGS: KINH TẾ - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - THƯƠNG MẠI - TRAO ĐỔI - VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét