22.4.12

Chúng tôi rất cần những gương sáng của Cha Anh



Kính thưa Quí vị,
kính thưa ông Nguyễn Ngọc Ngạn,
Là người thuộc thế hệ hậu bối, tôi không dính líu gì đến cuộc chiến tranh giữa miền Nam và miền Bắc vừa qua. Là người không ưa thích chính trị, tôi cũng không cần phải phân biệt cộng sản hay không cộng sản nên đã từng bị chụp những cái nón cối lên đầu.
Là con người, tôi được giáo dục bởi gia đình, học đường, tôn giáo, họ hàng, xã hội vv… là biết phân biệt phải, trái, đúng, sai, biết bênh vực kẻ yếu cô, đấu tranh cho công lý, chống bất công.
Qua những chuyến về thăm quê hương tôi thấy được những bất công chồng chất trong xã hội được mệnh danh là “xã hội chủ nghiã”. Giai cấp bị thiệt thòi nhất trong xã hội là thành phần lao động, công, nông dân. Chủ nhân ông của xã hội là cán bộ, đảng viên là thành phần đã từng tuyên thệ “đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân“(trích điều lệ đảng CSVN).
Đọc tin tức từ những trang mạng trong và ngoài nước, tôi biết được không những chỉ những người khác chính kiến như LM Nguyễn Văn Lý, LS Lê Công Định, LS Lê Thị Công Nhân mà còn những người đấu tranh cho lẽ phải như TS Cù Huy Hà Vũ, LS Nguyễn Văn Đài, Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như những người yêu nước lên tiếng chống chính sách xâm lược của Trung quốc như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nhạc Sĩ Việt Khang vv… đều bị giam bắt, cầm tù.
Từ bao năm qua phong trào đấu tranh của dân oan, của nông dân không có đất liên tục xảy ra vì chính sách đất đai Việt Nam ngày nay đã cướp đi công cụ sinh sống của họ và biến họ thành những kẻ vô gia cư. Theo chuyên gia ngoại quốc, dân oan và nông dân không có đất sẽ gia tăng bởi vì năm 2013 mấy trăm ngàn khế ước cho thuê đất sẽ hết hạn.
Những yếu tố trên đã làm cho một người không ưa thích chính trị như tôi cũng phải nhận định rằng, ngày 30 tháng tư không phải là ngày vui, mà là ngày đau thương của dân tộc Việt Nam. Vì từ ngày đó, chế độ độc tài vô nhân đạo đã áp đặt lên toàn lãnh thổ Việt Nam và đưa đến bao niềm bất hạnh cho vài chục triệu người, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Ngạn.
Đối với tôi ngày giỗ của cha mẹ là ngày đau thương nên trong những ngày đó tôi không vui chơi, đàn hát. Là người làm văn nghệ, một nhà văn lỗi lạc như ông có nhiệm vụ hướng dẫn tư tưởng quần chúng, đáng lý ra ông phải là người tiên phong cho mọi con dân nước Việt biết rằng vào ngày đau thương của dân tộc 30/04 và những ngày lân cận chúng ta cần phải hướng về tổ quốc và có những hành động thiết thực nhằm rút ngắn chuỗi ngày đau khổ của đồng bào trong nước.
Tôi được nghe một người bạn kể lại cuộc phỏng vấn của ông vừa qua, ông có phát biểu với đại ý rằng: “….Trước đây nghệ sĩ hải ngoại về nước hát thì thường phải qua 1 trung tâm, ví dụ như Rạng Đông, Duyên Dáng v.v.. ở trong nước. Một trung tâm băng nhạc trong nước thì ít nhiều đều có dính dáng đến nhà nuớc. Chẳng hạng như Duyên Dáng là của báo Thanh Niên, tức Đoàn Thanh Niên Cọng Sản. Gần đây, khoảng 3 năm trở lại đây, thì ở bên đó có những người bầu sô tư, hoặc là cá nhân, hoặc là ghi danh dưới cái danh nghĩa gọi là công ty biểu diễn nghệ thuật, nhưng mà hoàn toàn là tư nhân, họ có giấy phép hoạt động thôi.
Từ khi có những bầu sô tư và những công ty tư như vậy, thì số nghệ sĩ được mời về biểu diễn đông hơn, vì họ làm kinh doanh thôi. Đương nhiên là những nghệ sĩ nào ăn khách họ mời về truớc, bán vé giá cao. Đó hoàn toàn là business…..”.
Thưa ông Ngạn, tuy đáng tuổi cháu hay cao nhất đáng em út của ông, tuy không ưa thích chính trị và không thuộc một đảng phái, đoàn thể nào[1]. Nhưng tôi cũng nhận biết được rằng, chính sách nhà nước ngày nay tuy nhìn lỏng lẻo thế đó nhưng nó thâm độc hơn chính sách hà khắc ngày xưa. Chính sách này đã chia rẽ, làm yếu lực lượng người Việt hải ngoại và chính sách này biến dần dần những người đã từng chống đối chế độ như ông trở thành những người tuyên truyền cho chế độ, điển hình với câu nói nêu trên.
Nếu nhà nước Việt Nam cho phép những cá nhân tương tự như tôi được tổ chức những buổi ca hát, những buổi thuyết trình tại Việt Nam thì câu nói của ông là đúng và tôi sẽ rút lại nhận định trên đây.
Kính chào ông và Quí vị.
Nguyễn Hội
[1] Tuy không ưa thích chính trị, nhưng tình thế đất nước hiện nay bắt buộc tôi phải tham gia chính trị để thi hành nghĩa vụ của người dân Nước Việt.

Không có nhận xét nào: