1.4.12

Thấy gì từ cuộc bầu cử bổ sung ngày 01.04.2012 ở Myanmar



Kami
Sun, 04/01/2012 - 09:42
RFA
Bây giờ là sáng sớm ngày Chủ nhật 01.4.2012 (2555 Phật lịch), chỉ còn chưa đến một giờ đồng hồ nữa 45/48 khu vực (Ủy ban bầu cử công bố hoãn cuộc bầu cử tại 3 điểm ở Bang Kachin,  vì lý do an ninh), 6.480.000 cử tri Myanmar sẽ đi bầu bổ xung 45 dân biểu các cấp. Trong đó 37 dân biểu Hạ viện, 06 dân biểu Thượng viện và 02 dân biểu ở hội đồng địa phương (Bang) và sẽ phục vụ cho hết nhiệm kỳ trong năm 2015. Cuộc bầu cử bổ sung lần này sẽ chính thức mở của để cho cử tri Myanmar tại các khu vực bầu cử bổ sung tham gia chọn lựa 45 đại biểu đại diện của họ trong 2 viện Quốc hội. Thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 06 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều cùng ngày.

Thế là sau hơn 20 năm, kể từ năm 1989 đến nay không khí bầu cử tự do dân chủ và đa đảng mới trở lại với đất nước Myanmar, kể từ sau khi đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 1989 và bị chính quyền độc tài quân sự đơn phương hủy bỏ kết quả bầu cử và áp dụng biện pháp quản thúc bà Aung San Suu Kyi tại gia trong hơn 20 năm qua. Hiện nay, theo Hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Myanmar năm 2008, quy định Quốc hội gồm hai Viện, Hạ viện và Thượng viên. Hạ viện Myanmar có 440 ghế, trong đó ấn định số lượng 110 ghế được dành riêng cho quân đội, tương tự như vậy 56 ghế trên tổng số 224 có ở Thượng viện cũng dành riêng cho quân đội. Số còn lại 330 ghế ở Hạ viện và 168 ghế tại Thượng viện sẽ được lựa chọn qua thông qua bầu cử của cử tri. Đặc biệt ngoài ra còn có 14 Hội đồng địa phương (Bang). Nói tóm lại, tất cả các cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương đều mặc nhiên phải dành cho quân đội 25% tổng số ghế không cần qua bầu cử.

Đoàn xe vận động tranh cử của đảngLiên đoàn quốc gia Dân
chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi tại Rangoon
Trong lần bầu cử bổ sung lần này có tất cả 160 ứng cử viên của 18 đảng tham gia tranh cử 45 ghế trong khoảng gần 1.000 ghế đại biểu chiếm khoảng 7%, trong đó đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi có 44 ứng cử viên trong 45 khu vực bầu cử. Các nhà phân tích đều đánh giá cho rằng cuộc bầu cử chỉ là sự biểu diẽn trên sân khấu chính trị và lãnh đạo đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi sẽ giành chiến thắng một cách dễ dàng. Bởi các bên đều hy vọng rằng kết quả này sẽ làm cho chính quyền Hoa kỳ giảm bớt các biện pháp trừng phạt và tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar, cũng như Liên minh châu Âu sẽ quyết định vào tháng 04 này để xem xét có hủy bỏ các hình thức xử phạt đối với Myanmar hay không? Nếu dành được thắng lợi lần này thì bà Aung San Suu Kyi sẽ có ghế ngồi trong Quốc hội và bà đã tuyên bố không nhận ghế Bộ trưởng trong chính phủ, vì theo quy định thành viên chính phủ sẽ không phải là đại biểu Quốc hội.
Trong cuộc họp báo ngày 30.03 năm 2012 vừa qua, bà  Aung San Suu Kyi cho rằng cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ nhật 01.4.2012 này sẽ diễn ra không phải là dân chủ hoàn hảo, do một số các hành xử sai lầm, gian lận của phía chính quyền trong quá trình chuẩn bị trong vài tháng vừa qua. Điều này đã và sẽ ảnh hưởng đến tính tự do, dân chủ và công bằng một cách thực sự của cuộc bầu cử. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã dẫn việc trước cuộc bầu cử này một tuần, Đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) đã buộc cử tri của các ngôi làng đến tham dự một cuộc họp của đảng. Và khu vực bầu cử Gohmoo, gần Yangon nơi bà Aung San Suu Kyi là một ứng cử viên có tên của một số người đã chết tới con số hàng trăm người trong danh sách cử tri. Trong khi những người đã được bầu không ít hơn 1.300 người đã không có tên trong danh sách.

Mặc dù có khả năng giành chiến thắng cao, nhưng cách đây không lâu đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi vẫn gặp không ít các khó khăn về mặt số lượng cử tri ủng hộ của họ đang làm việc ở nước ngoài. Vì một số lượng không nhỏ cử tri có quyền tham gia bầu cử bổ sung khoảng gần 500 ngàn trên khoảng 1 triệu người đang làm việc hợp pháp tại Thái lan, đó là chưa kể đến số lượng lao động bất hợp pháp. Song thật không ngờ với sự nỗ lực của các thành viên đảng NLD cộng với sự ủng hộ của chính quyền và các doanh nghiệp Thái lan trong việc tạo điều kiện cho các nhân công người Myanmar đang làm việc tại Thái lan tình hình đã chuyển biết hết sức bất ngờ theo hướng thuận lợi. Trong các ngày 29 -31.03.2012 tại các cửa khẩu biên giới Myanmar – Thái lan đã có ước chừng đã có hàng trăm nghìn lao động Myanmar trở về nước để tham gia bầu cử.
Đúng 06 giờ sáng, tòan bộ các địa điểm bầu cử đồng loạt mở cửa, các thùng phiếu được mở nắp cho đại diện các chính đảng tham gia tranh cử, và các cử tri cùng chứng kiến trước khi được niêm phong. Từ sáng sớm tại các địa điểm bầu cử ở Rangoon các cử tri đã có mặt tương đối đông, trên đường phố không khí bầu cử diễn ra nhộn nhịp, rất vui vẻ. Khác ở Thái lan chính quyền Myanmar không cấm bán rượu, bia và đồ uống có cồn trong ngày bầu cử, nên các cử tri sau khi bỏ phiếu xong tụ tập thành từng nhóm ngồi uống rượu, bia bàn luận chuyện bầu cử sôi nổi. Đặc biệt các tuyến đường đổ về các địa điểm bầu cử ở Rangoon xe cộ ùn tắc, điều hiếm thấy ở đất nước Myanmar trong mấy chục năm qua.
.

Thủ tục mở và niêm phong thùng hiếu bầu tại
một địa điểm bầu cử ở Rangoon
Đặc biệt tại điểm bầu cử Gohmoo, nơi bà Aung San Suu Kyi tham gia tranh cử cách Rangoon 26 km, ngoài số lượng cử tri đổ về bỏ phiếu bầu rất đông còn có sư có mặt của các quan sát viên quốc tế, các nhà báo trong và ngoài nước, các vị đại sứ và các nhân viên ngoại giao nước ngoài đến theo dõi. Theo người phát ngôn của đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sáng nay cho biết, họ nhận được phản ảnh của các cử tri ủng hộ đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi việc ai đó đã bôi sáp lên ô đánh dấu bầu cho đảng NLD trên số lượng lớn phiếu bầu, điều này khiến cử tri không thể dùng bút đánh dấu lựa chọn được, phải cạo lớp sáp để đánh đấu sẽ dẫn tới tình trạng số lượng lớn phiếu bầu không hợp lệ. Việc này xuất hiện tại hầu hết các địa điểm bầu cử trên phạm vi toàn quốc. Và đồng thời đảng NLD khẳng định Uỷ ban bầu cử trung ương Myanmar phải chịu trách nhiệm về việc này.
Kết
Nếu so sánh tình hình chính trị Việt nam và Myanmar có những nét tương đồng về thể chế chính trị độc tài, mà bên ngoài người ta tưởng rằng chế độ độc tài quân sự ở Myanmar sẽ độc đoán hơn chế độ độc tài toàn trị ở Việt nam. Nhưng hầu hết người nước ngoài và một số đông người Vệt nam đã hiểu lầm, họ không hiểu được chế độ độc tài toàn trị ở Việt nam hiên nay hết sức thâm hiểm, đó là như ông Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam cho rằng “Chế độ Toàn Trị có thể xem là chế độ Độc Tài mà đã tiến thêm một bước dài trên con đường độc tài. Thay vì đóng cửa, xoá bỏ những tổ chức xã hội dân sự (như một số chế độ độc tài quân sự đã làm), chế độ Toàn Trị thay thế chúng bằng các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu có vẻ giống như trong các chế độ tự do dân chủ, nhằm ngăn cản bất cứ một hành động độc lập nào ngoài vòng kiểm soát của họ xảy ra trong xã hội.”
Do đó trên thực tế cho thấy sự chuyển biến về chính trị ở Việt nam trong tương lai (nếu có) thì cũng phải qua một giai đoạn chuyển tiếp với một Hiến pháp tạm thời quy định tỷ lệ nhất định phần trăm số ghế của đảng CSVN trong các cơ quan dân cử không cần qua bầu cử và số còn lại sẽ được tổ chức bầu cử tự do, dân chủ có đa đảng chính trị tham gia như đã diễn ra ở Myanmar. Tuy nhiên vấn đề quan trọng phải có là một hệ thống tam quyền phân lập, đặc biệt là một nền tư pháp độc lập không chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào. Còn chuyện gian lận trong bầu cử như ở Myanmar ngày hôm nay thì là điều rất dễ xảy ra, không chỉ thế mà còn nhiều thủ đoạn gian lận hơn như thế.
Hy vọng qua bài viết này phần nào cũng giúp được các chính trị gia xác định trước, nếu ở Việt nam có bầu cử tự do đa đa đảng chính trị tham gia thì các quý vị sẽ phải xác định ngồi ở vị trí phe đối lập ít nhất 1-2 nhiệm kỳ 4 năm. Như bài học của chuyển đổi chính trị Campuchia, Balan v.v… không dễ gì người cộng sản chịu từ bỏ quyền lực khi họ còn canh cánh nỗi lo sợ bị trả thù, mặt khác các đảng chính trị khác ở Việt nam vào thời điểm đó khó có đảng chính trị nào có uy tín hơn đảng CSVN. Cho dù biết rằng càng kéo dài tình trạng như hiện nay bao nhiêu thì đảng CSVN càng đánh mất uy tín bấy nhiêu. Hơn nữa việc hình thành một Liên minh dân chủ làm đối trọng với đảng CSVN là hết sức cần thiết, bắt buộc phải có.
Nói thế để thấy các vị đừng bao giờ có ý định trả thù những người cộng sản, vì càng tỏ ra có ý định trả thù thì con đường dẫn đến sự thay đổi như ở Myamar ngày càng xa, cho dù năm 2015 sẽ là một năm bản lề khi hình thành Cộng đồng kinh tế Asean sẽ là một thách thức đối với nền chính trị Việt nam. Vì trong một cộng đồng 11 quốc gia mà chỉ còn Việt nam và Lào là hai quốc gia vẫn duy trì chế độ độc tài độc đảng thì cũng rất bất lợi và khó xử cho chính quyền.
Vào lúc này, các địa điểm bầu cử bổ xung ở Myanmar đã đóng  hòm phiếu. Chỉ ít lâu nữa công việc việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu. Hy vọng đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sẽ chiến thắng áp đảo với tỷ lệ 70-80% như người dân ở Rangoon cá cược.
Rangoon, 01 tháng 4 năm 2012
© Kami
————————
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Góp Ý

Không có nhận xét nào: