1.4.12

Trung Quốc: Nhìn từ bên ngoài vụ thanh trừng Bạc Hy Lai



Tác giả: D.S. Rajan
South China Analysis Group
Người dịch: Trần Văn Minh
30-03-2012
Posted byBasamnews on 01/04/2012
Theo Tân Hoa Xã ngày 15 tháng 3 năm 2012, “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định: đồng chí Trương Đức Giang sẽ là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; đồng chí Bạc Hy Lai sẽ không còn giữ chức ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh”.


Việc loại bỏ Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, con của Bạc Nhất Ba, là người đã từng tham gia Vạn Lý Trường Chinh và một trong bát ‘đại nguyên lão’ của Trung Quốc, ra khỏi chức vụ Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012, như đã tiết lộ trong thông báo ngắn gọn nói trên, đánh dấu sự kiện xảy ra lần thứ ba như thế trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong quá khứ, Tổng Bí thư Triệu Tử Dương hồi năm 1989, và Trần Lương Vũ, Bí thư Thành ủy Thượng Hải hồi năm 2006, cũng cùng chung số phận. Triệu Tử Dương vì lý do chính trị và Trần Lương Vũ thì bị kết tội tham nhũng. Vào lúc Bạc Hy Lai là ứng viên được xem như chắc chắn vào cơ quan cao nhất của đảng, Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Quốc Hội thứ 18 sắp xảy ra vào tháng 10 năm 2012, những diễn biến vừa xảy ra đã gợi lên câu hỏi, liệu sự chuyển giao quyền hành sẽ diễn ra êm thắm trong thời gian diễn ra đại hội đảng hay không.  

Điều ngạc nhiên là cho tới tháng 1  năm 2012, thành tích chống tham nhũng và băng đảng địa phương của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh đã tranh thủ được sự khen ngợi của lãnh đạo trung ương. Sự đề xướng văn hóa Mao của ông và quan điểm tán thành cải cách, nhưng chống đối bất cứ sự xâm phạm nào vào hệ thống kinh tế do nhà nước quản lý, có thể được cảm tình, nếu không phải là sự đồng lòng hoàn toàn của đông đảo quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Bạc, Trùng Khánh đã tăng trưởng 16% trong năm 2011. Nhiều lãnh đạo viếng thăm Trùng Khánh để ủng hộ sự phát triển “Mô hình Trùng Khánh” của Bạc, gồm Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch và là người kế thừa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Chu Vĩnh Khang, ủy viên Bộ Chính trị; Bắc Kinh cũng dùng khả năng của mình để tạo điều kiện cho cuộc viếng thăm của Henry Kissinger tới Trùng Khánh để gặp Bạc. (Tuy nhiên, Hồ Cẩm Đào đã cố ý không đến thăm Trùng Khánh để gặp Bạc). Cái loa của Đảng, tờ Nhân dân Nhật báo ngày 9 tháng 1 năm 2011 đã ca ngợi sự thành công trong chính sách của Bạc ở Trùng Khánh. Thế thì, điều gì dẫn đến sự suy thoái của Bạc Hy Lai?
Bạc Hy Lai đã tự gửi một lá thư lên bộ chính trị để tự kiểm điểm. Ông thừa nhận với các ký giả hôm 9 tháng 3 năm 2012, rằng ông đã phạm lỗi lầm và sơ suất trong quyết định của mình qua chiến dịch chống lại băng đảng tội phạm địa phương, đồng thời ông cũng xác quyết, ông và gia đình không tham nhũng.
Cho đến giờ vẫn chưa có lời buộc tội trực tiếp nào nhắm vào ông Bạc. Tuy nhiên, đã có những cuộc tấn công gián tiếp. Chẳng hạn như, trước khi thanh trừng Bạc, Tập Cận Bình đã nói với các cán bộ lãnh đạo, theo báo Trường Đảng ở Bắc Kinh, ngày 1 tháng 3 năm 2012, nên dùng quyền lực một cách công minh, tránh xa tham nhũng và cương quyết chống lại khuynh hướng chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Viết trên báo Cầu Thị, tờ báo lý luận chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 10 tháng 3 năm 2012, ông chỉ ra “sự nguy hiểm của sự tự tôn và tìm kiếm lợi ích cá nhân trong đảng”. Theo báo Cầu Thị, ngày 16 tháng 3 năm 2012, ông Tập nhấn mạnh nhu cầu về việc giữ vững ‘tính trong sạch’ của đảng, áp dụng sự ‘khôn ngoan tập thể’ và lên án ‘một số đảng viên thiếu kỷ luật và thiếu hành vi đúng đắn’.
Và trong một trường hợp khác, tuyên bố người kế nhiệm Bạc Hy Lai sẽ là Phó Thủ tướng Trương Đức Giang, ông Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thông báo trong một buổi họp với các cán bộ lãnh đạo từ thành phố Trùng Khánh ở Bắc Kinh, hôm 18 tháng 3 năm 2012, rằng “việc điều chỉnh được thực hiện sau một cuộc đánh giá toàn bộ tình hình hiện tại và trong sự cân nhắc thận trọng” (lưu ý việc chọn chữ ‘điều chỉnh’).
Những điều Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14 tháng 3 năm 2012, đặc biệt đáng lưu ý. Không ám chỉ Bạc Hy Lai, nhưng ông yêu cầu chính quyền Trùng Khánh “hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc và rút ra bài học về sự cố Vương Lập Quân. Ông còn nói thêm rằng, Trung Quốc không những cần cải cách kinh tế, mà còn cải cách chính trị, nếu không thì thảm họa lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể lập lại ở Trung Quốc”. Đáng chú ý là tường thuật của truyền thông quốc nội Trung Quốc  (tháng 4 năm 20111) đã trích lời ông Ôn khi chỉ trích đích xác những cán bộ có tư tưởng nhớ về thời Mao-ít.
Điều không nên bỏ sót đó là, Bạc Hy Lai đã được gọi là “đồng chí” trong bản tin của Tân Hoa xã ngày 15 tháng 3 năm 2012 và việc bổ nhiệm người kế vị ông Bạc được gọi là “điều chỉnh”. Điều này cho thấy, cựu Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh vẫn tiếp tục là đảng viên Đảng Cộng sản. Nhưng cũng đáng chú ý là, kể từ ngày đó, không hề có tin tức gì về các hoạt động của ông Bạc xuất hiện trên truyền thông chính thức, điều này báo hiệu vài chuyện bất thường. Vào thời điểm này, sự thiếu vắng của bất kỳ thông báo chính thức nào về vai trò đảng viên của Bạc, kể cả trong bộ chính trị, có thể được xem như ông Bạc vẫn còn nằm trong vòng điều tra mà tiến trình có thể mất thêm thời gian để kết luận. Cộng thêm vào sự phức tạp hiển nhiên của vấn đề là tường thuật của báo chí kết nối chuyện Bạc Hy Lai với cái chết ‘bí ẩn’ của Neil Heywood, cựu viên chức tình báo MI-6 2 của Anh ở Trùng Khánh, được biết là một người bạn trong gia đình ông Bạc.              
Dựa vào những chứng cứ có được cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn sớm để gắn kết bất kỳ màu sắc hệ tư tưởng nào trong sự kiện Bạc Hy Lai. Một vài nhận xét, nhất là truyền thông Tây phương cho rằng ông Bạc đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh ý thức hệ trong đảng, giữa giới bảo thủ và cải cách, xem ra đã được thực hiện trong vội vã. Chính Bạc là một nhà cải cách thận trọng và sự đề cao văn hóa Mao tại Trùng Khánh, chỉ xem có vẻ như một bước để lấy lòng dân. Mặt khác, tội của ông, nếu có, có thể liên quan đến vấn đề tham nhũng, trong việc giải quyết sai lầm vụ Vương Lập Quân.
Ngoài những điều đã đề cập ở trên, điều không thể chối cãi là hiện có những phe phái cạnh tranh với nhau trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của ĐCS Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không thừa nhận một cách công khai. Mao đã được nói rõ khi ám chỉ có sự hiện diện của chủ nghĩa phe phái bên trong nội bộ đảng.
Các phe nhóm trong đảng hiện  đã thành công khi làm việc chung với nhau trên căn bản đồng thuận là – phe nhóm Đoàn Thanh niên Cộng sản do Hồ cẩm Đào dẫn đầu và một phe nhóm khác gồm con cái của các viên chức cao cấp, gọi là ‘thái tử đảng’. Trong khi phe nhóm đầu chủ trương xã hội hài hòa và phát triển quân bình, thì phe nhóm sau gồm các chuyên gia kinh tế có các mối quan hệ với khu vực tiến bộ miền duyên hải, những người đặc biệt thích giá trị tổng sản lượng quốc gia tăng nhanh hơn. Không khó để nhận thấy sự hiện diện quân bình của hai phe nhóm trong bộ phận đầu não của đảng hiện tại – Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bất kỳ sự thất bại nào của Bạc Hy Lai, một ‘thái tử đảng’, vào Ban Thường vụ mới, có thể đảo lộn điều kiện tất yếu để duy trì hệ thống cân bằng phe nhóm trong hàng lãnh đạo chóp bu, điều cần thiết để có sự ổn định trong hàng ngũ lãnh đạo. Giang Trạch Dân là nhân vật ‘nồng cốt’ của thế hệ lãnh đạo thứ ba và không ai xem thường quyết định của ông. Nhưng tình thế bây giờ đã khác khi Hồ Cẩm Đào chỉ là một người trong hàng ngũ lãnh đạo cùng thời và chính sách được quyết định trên căn bản đồng thuận. Vị thế này sẽ khó có bất kỳ sự thay đổi nào khi Tập Cận Bình nhận trách nhiệm là người đứng đầu trong hàng ngũ lãnh đạo đảng sắp tới.    
Một điều chắc chắn, vào thời điểm tế nhị khi đảng đối mặt với sự ảnh hưởng từ vụ Bạc Hy Lai, sẽ không có bước đi liều lĩnh nào hướng tới cải cách chính trị có thể kỳ vọng ở Quốc hội thứ 18, mặc dù Ôn Gia Bảo luôn nhấn mạnh [cải cách]. Nguyên tắc ‘dân chủ xã hội chủ nghĩa’ khác với khái niệm dân chủ Tây phương, có cơ hội thắng thế ở Trung Quốc tới khi nào Đảng Cộng sản Trung Quốc còn nắm giữ quyền lực.
Tác giả: Ông D.S. Rajan là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai, Ấn Độ. Email của ông: director.c3s@gmail.com.
Nguồn: South China Analysis Group
————–
Ghi chú:
1. Có lẽ người viết nhầm lẫn chỗ này, ông Ôn Gia Bảo phát biểu ngày 14/3/2012 nhưng tác giả bài viết nói báo chí tường thuật tháng 4 năm 2011.
2. MI-6 là SIS, Secret Intelligence Service, Cơ quan Tình báo bí mật ở Anh, như CIA ở Mỹ.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh


Góp Ý

Không có nhận xét nào: