Posted on Tháng Tư 1, 2012 by hoalaivn | Để lại phản hồi
Chiều 30 tháng 4 năm 1975, tôi và T. đứng trên lầu 9 cao ốc ở đường Nguyễn Huệ nhìn xuống đường Tự Do. Bộ đội miền Bắc – những người vừa chiến thắng trong cuộc nội chiến, ngoại khiển, đang diễn hành trên đường phố Sàigòn với chiến xa bọc thép của Liên Sô dẫn đầu. Những người lính miền Bắc ốm yếu, xanh xao, ngụy trang sơ sài cho có lệ. Bánh xích xe tăng Liên Sô và dép râu bộ đội miền Bắc đang cán và giẫm lên đường Tự Do.
Phía dãy nhà đối diện, dân chúng túa ra xem mỗi lúc một đông. Những người Việt gốc Hoa cầm cờ Trung Cộng và cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vẫy vẫy chào mừng đoàn quân chiến thắng.
Tôi bỗng ứa nước mắt!
T. cầm tay tôi, nói:
“Thôi mình đi xuống, anh.”
Tôi và T. đi xuống.
Tôi biết mình đang bước xuống tầng đầu địa ngục.
*
Tôi và T. trở về Vĩnh Long trên một chiếc xe cam-nhông trước kia dùng để chở heo, vì mùi phân heo còn nồng nặc. Mụ chủ xe tham tiền đã rước khách không còn có chỗ để ngồi. Ai cũng muốn trở về quê quán sau cuộc binh đao để xem gia đình còn mất ra sao. Trước đó mấy ngày, tôi đã thờ ơ nhìn những người tất tưởi, lũ lượt đi về phía bến Bạch Đằng. Sau này tôi mới biết, ở đó, có một chuyến tàu cuối cùng đưa hàng ngàn người rời khỏi Việt Nam, đó là chiếc tàu Trường Xuân do thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy điều khiển.
Những ngày ở Vĩnh Long tôi như người bị ốm đứng. Buổi trưa, có tiếng lựu đạn nổ ở Cầu Lầu: một nghĩa quân đã rút chốt lựu đạn tự sát. Buổi tối, có tiếng những bước chân chạy đuổi sau nhà: “cách mạng” đang truy đuổi bọn phản động.
Tin từ Khám Lớn: một Đại tá của quân lực Việt Nam Cộng Hòa tự sát vì bị bạc đãi.
Một tháng để tất cả các quân nhân, công chức “ngụy” trình diện học tập đã hết.
Tôi trở lên Sàigòn, về Biên Hòa để gặp lại ông nội tôi trước khi đi trình diện học tập cải tạo 10 ngày theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh là tên mới của Sàigòn.( Sàigòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên!) Ông nội tôi đã nhìn tôi, rồi thở dài: “Vậy mà nội tưởng vợ chồng con đã đi…” Đó là câu nói cuối cùng của ông nội tôi – người đàn ông vợ chết từ năm 40 tuổi vẫn ở vậy nuôi con, nuôi cháu cho nên người.
*
Trại tù “cải tạo” đầu tiên trên đường bước xuống tầng đầu địa ngục là thành Ông Năm ở Hốc Môn. Cùng với những người tù khác, tôi đã phải học những bài học: “Đế quốc Mỹ, tên sen-đầm quốc tế – Ngụy quân, ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ.” Và nhiều bài học khác mà tôi đã quên tên. Tôi đã cặm cụi chép vào quyển tập học trò những câu khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại – Học, học nữa, học mãi – Lao động là vinh quang…” Và còn nhiều câu khẩu hiệu mà tôi không còn nhớ, cũng như không dám nhớ!
Như đa số các tù binh, tôi thuộc loại “ngậm miệng qua sông.” Để chứng tỏ mình đã có tiến bộ về mặt tư tưởng, vào những ngày 19 tháng 5, ngày 2 tháng 9, ngày Tết Âm lịch, tôi đã sáng tác thơ ca tụng “cách mạng” gửi đăng “báo tường”.
Chính ở nơi đây, tôi đã cay đắng nghe viên thiếu úy bộ đội miền Bắc mà các “cải tạo viên” thường gọi là “anh hai thơ” (vì lúc nào anh ta cũng ngâm nga thơ của Tố Hữu), đọc cho nghe câu thơ mà anh ta bảo là của một chị phụ nữ miền Nam. Câu thơ như sau:
“Có chồng bộ đội là tiên
Có chồng quân ngụy đảo điên cửa nhà!”
Cũng chính nơi đây, chúng tôi đã dở khóc, dở cười khi được các “đỉnh cao trí tuệ” dạy dỗ. Chuyện mới nghe tưởng chừng như chuyện tiếu lâm mà lại là sự thật, tôi xin được kể lại như sau:
Sau một thời gian học tập, chúng tôi được phát giấy để làm bản tự kiểm. Thôi thì đủ thứ tội tình phải cố nhớ ra để mà “tự kiểm”: Trong thời gian phục vụ trong hàng ngũ ngụy quân đã đốt bao nhiêu cái nhà? Đã hãm hiếp bao nhiêu phụ nữ? Đã giết bao nhiêu “cách mạng”?
Viết xong phải thông qua tổ, đội rồi nộp lên Ban Chỉ huy trại.
Sau đó, tất cả các tù binh được lệnh xếp hàng ngồi dưới đất để nghe Ban Chỉ huy trại gọi vào hạch sách về những điều mình đã tự khai.
Chỉ huy trại là một người miền Nam tập kết, cấp bậc Đại úy mà các tù binh vẫn quen gọi là “ông Răng Vàng” vì nguyên hàm răng trên của ông là “kim loại màu vàng” – nói theo cách nói của “cách mạng”.
Một tù binh khai: “Cấp bậc: Đại úy, chức vụ: Quyền Tiểu Đoàn Trưởng” bị “ông Răng Vàng” đập bàn, hét:
“Me bố, quân ngụy các anh là láo lếu: ai chẳng biết các anh là Đại úy, là có quyền, còn bày đặt khoe khoang.”
Nói xong, ông ta lấy viết gạch bỏ chữ “Quyền” trước ba chữ “Tiểu Đoàn Trưởng”.
Một tù binh khác khai: “Cấp bậc: Đại úy. Binh chủng: Biệt Cách Nhảy Dù” bị “ông Răng Vàng” chỉnh:
“Mẹ bố, ngụy các anh là ưa khoe khoang: ai chẳng biết các anh “biết cách” nhảy dù.
Nói xong, “ông Răng Vàng” lấy viết sổ toẹt hai chữ “Biệt Cách”.
Một tù binh khác khai địa chỉ: “… đường Huỳnh Tịnh Của – Đa Kao”, đã phải dở khóc, dở cười khi bị một ông sĩ quan bộ đội người miền Trung “dạy dỗ” như sau:
“Ngụy các anh là ưa rắc rối: “Huỳnh Tịnh – Đa Kao” là người ta hiểu rồi. Còn bày đặt là “Huỳnh Tịnh của Đa Kao” làm gì cho rắc rối.”
Nói xong, ông ta bèn gạch bỏ chữ “Của” một cách ngon ơ!
Cùng với những tù binh khác, sau đó chúng tôi được đưa đến Long Giao, rồi về trại cải tạo Suối Máu ở Biên Hòa. Tôi vẫn tiếp tục “ngậm miệng qua sông” và làm thơ ca tụng “cách mạng” vào những ngày lễ lạc của những người thắng trận , với hy vọng là được “cách mạng” biết là mình đã “học tập, lao động tốt và đã có tiến bộ về mặt tư tưởng!”
Năm 1977, cùng với những người tù khác, tôi đã lênh đênh trên tàu Sông Hương lưu đày ra miền Bắc.
Tầng địa ngục thứ tư mà tôi phải đi qua là trại Nghĩa Lộ nằm trong một thung lũng là trại cải tạo đầu tiên tôi đặt bước chân lưu đày ra miền Bắc. Đêm đầu tiên mặc bộ đồ tù màu xanh có sọc trắng, các tù nhân trông giống như những đạo tì đi khiêng quan tài người chết.
Chính nơi đây, những người tù miền Nam mới thực sự biết đến cái đói. Mỗi bữa ăn chỉ được một miếng bột mì đen khuấy chín để đặc lại với vài cọng rau muống luộc chấm mắm tôm khuấy lỏng.
Mỗi ngày tù nhân phải leo lên núi chặt giang, đốn củi.
Ở đây, tôi cũng lại tiếp tục “ngậm miệng qua sông” để mà sống. Có ai đó đã vô cùng có lý khi nói rằng: “Thà làm con chó sống hơn là làm con sư tử chết!”
Cái đói là đòn cân não tàn phá nhân phẩm của những người tù. Người ta giành nhau từng phần chia lớn, nhỏ. Tù nhân đã phải tìm bắt tất cả những con vật động đậy có thể ăn được. Bỏ cấp bậc, lon lá xuống, mặc vào bộ quần áo tù, rất dễ nhận ra nhân cách của mỗi người. Có những người để lập công chuộc tội đã lén lút báo cáo người này có tư tưởng phản động, kẻ kia có âm mưu chống đối.
Ở trại Nghĩa Lộ, người nằm cạnh tôi là anh Trương Văn Tuyên (hiện định cư tại Canada), là người bị cấm thăm nuôi ở trại Suối Máu. Theo lời anh ta thì anh ta tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh,cấp bậc Trung úy, cựu Quận trưởng quận Hoài Nhơn, Bình Định.
Chuyện anh ta bị cấm thăm nuôi thì có nhiều chuyện lắm. Như chuyện anh ta “khoe” là “có quen với cán bộ quản giáo, nhưng chỉ quen cái lưng vì lúc đánh nhau anh ta đã rượt mấy ông bộ đội chạy có cờ.” Chuyện anh ta kể với tôi nguyên nhân chính là do lần anh ta kể chuyện chính quyền Việt Cộng gửi công hàm đòi chính phủ Thái Lan phải trao trả các phi cơ mà các phi công của miền Nam lấy và bay qua Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã gửi công hàm trả lời và trong công hàm chỉ vỏn vẹn có ba chữ viết tắt “B.C.T.”. Anh ta đố mọi người có biết ba chữ viết tắt này nghĩa gì không. Người thì cắt nghĩa ba chữ “B.C.T.” là “Bộ Chính Trị”, kẻ thì bảo là “Ban Cải Tạo”. Cuối cùng, khi mọi người chịu thua, Tuyên cười khì khì bảo ba chữ B.C.T. là viết tắt của ba chữ “Bú C. Trừ.” Sau đó, có người đi báo cáo để lập công nên anh ta bị cấm thăm nuôi.
Ở đây, anh ta lại tiếp tục chống đối. Khi viên Trại phó tên Điền, cấp bậc Đại úy ra lệnh tập họp các tù nhân ở hội trường và phổ biến quy định các trại viên khi gặp các cán bộ phải nói: “Kính thưa Ngài Trại Trưởng, Kính thưa Ngài Trại phó, Kính thưa Ngài cán bộ quản giáo…” Khi trại phó Điền ra lệnh giải tán lớp học, gặp tôi trên đường về lán trại, Tuyên khoanh tay, cúi đầu, nói lớn:
“Kính thưa Ngài trại viên”
rồi cười lớn làm tôi hoảng quá.
Buổi chiều, nhân lúc rửa chén ở dưới suối, tôi có nói với anh ta không nên chống đối ra mặt chỉ thiệt cho thân mình. Tôi nói xa, nói gần với anh ta về chuyện Hàn Tín lòn trôn giữa chợ, về chuyện “mang thiên quá hải”. Từ đó, anh ta thân với tôi hơn và anh ta thay đổi rõ rệt.
Trong thời gian này, trại phát động làm báo tường. Những trại viên có bài vở đóng góp sẽ được nghỉ lao động một ngày. Mỗi ngày lên rừng chặt, cột, vác về trại 15 cây giang rất là nặng nhọc đối với một người ốm yếu như tôi; do đó, tôi đã làm bài thơ “Đại dương trong lòng con sóng nhỏ” ca tụng công đức của ông Hồ Chí Minh để được nghỉ lao động một ngày
Bài thơ như sau:
“Con chưa khóc Bác một lần
Để nghe biển lớn vỗ nâng tâm hồn
Con chưa hát bản Kết Đoàn
Bác đưa tay bắt nhịp tràn yêu thương
Kiếp xưa đã lỡ cung đường
Nên con sóng nhỏ đau thương lạc loài
Trên cao Bác vẫn vẫy tay
Gọi con sóng nhỏ về đây nhập nguồn
Xa rồi thung lũng đau thương
Hạt mưa sa đã về nguồn yêu thương
Muôn vàn cảm tạ công ơn
Tấm lòng biển lớn bao dung ngất trời
(quên mất 2 câu)
Bác ơi! Ơn Bác tái sinh
Trên đường sống lại, trăm năm ghi lòng!”
Trương Văn Tuyên là người biết về âm nhạc, anh ta đã đem bài thơ phổ nhạc và đem hát trong buổi lễ sinh nhật của ông Hồ Chí Minh.
Hôm sau, lúc xuống suối rửa chén, gặp đại úy Hồ Bác Ái là người làm việc chung Phòng với tôi ở Bộ Tổng Tham Mưu, anh ta đã hỏi tôi một cách mỉa mai:
“Ông anh đổi họ hồi nào vậy, ông anh?”
làm tôi ngượng chín người. Từ lúc đó, tôi cố ý tránh gặp mặt anh ta. Tôi là người tham sống, sợ chết. Tôi là kẻ ngậm miệng qua sông. Tôi đã muối mặt ca tụng Bác, Đảng với mục đích duy nhất là chứng tỏ mình đã có tiến bộ về mặt tư tưởng để được Đảng và Nhà Nước khoan hồng, để được sớm đoàn tụ với gia đình, theo như lời phủ dụ của các cán bộ quản giáo. Có điều tôi đã không bước trên xác đồng đội mà đi, tôi chưa làm cái việc đốn mạt là làm “ăng-ten” báo cáo người này, người nọ để lập công.
Cuối năm 1977, trong đêm, chúng tôi, những tù nhân thuộc các diện Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát, Tình Báo tức các loại được Việt Cộng gọi là ác ôn được chất lên những chiếc molotova có mui che bằng lá gồi chuyển trại.
Tầng địa ngục thứ năm của chúng tôi là trại cải tạo Tân Lập ở Lào Kai. Ở đây tôi ở đội 4 rồi sau đó được đưa qua đội 5 của phân trại K.4 phụ trách việc làm gạch.
Mỗi ngày chỉ tiêu được giao cho 3 tù nhân là đạp nhuyển đất để làm thành một cối đất để đóng thành 200 viên gạch.
Cái đói ở đây thật khủng khiếp. Ăn ít như tôi mà đêm nào tôi cũng phải uống thêm nửa “gô” nước cho đầy bụng để cố dỗ giấc ngủ.
Mỗi ngày ra hiện trường lao động, tôi được hai anh em cùng cối đất giao công tác là lén bứt rau tàu bay rửa sạch, bỏ vào ống vầu (một loại giống như tre ở miền Nam), lén đặt vào đống lửa, sau đó lấy ra chia nhau ăn cho đầy bụng để mà đạp đất giữa trời.
Dù đã được các cảnh vệ cảnh cáo là ăn rau tàu bay sẽ bị mất máu, các tù nhân vẫn lén lút ăn rau tàu bay để có đủ sức mà hoàn tất chỉ tiêu, để khỏi bị phê bình là chây lười lao động.
Ở đây có một số anh em tù ở trại K.1 chuyển vào. Có người đã dè bĩu chuyện một ông Tướng, khi anh em chia thức ăn làm rớt một cọng rau muống xuống đất, ông này đã nhặt lên, không cần phủi bụi, đưa vào miệng ăn. Tôi thì tôi chỉ thấy chua xót.
Ở đây tới Tết, tôi có làm bài thơ để tặng T. Bài thơ có cái tựa dài thoòng như sau:
Thơ cổ đề tranh bốn mùa
trong phòng người vợ cô đơn
Mai:
Gió đông nói với mai vàng
Xuân này thiếp đã vắng chàng ba xuân.
Lan:
Mùa hè hoa lựu đỏ cành
Như lan vương giả thiếp đành cô đơn.
Cúc:
Mây mùa thu biếc tủi hờn
Cúc hiu quạnh nở trong vườn nhà ai.
Trúc:
Mùa đông xám vẫn còn đây
Ngựa qua rừng trúc lưu đày mù sương.
Viên trung sĩ công an phụ trách đội nhà bếp là một tay sính thơ văn. Không biết ai giới thiệu với anh ta là tôi biết làm thơ, anh ta cho gọi tôi lên văn phòng, chỉ mấy bức tranh mai, lan, cúc trúc và ra lệnh cho tôi làm mấy câu thơ và hứa sẽ “bồi dưỡng” cho tôi một ký mật. Đúng là buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Tôi lại cố chứng tỏ mình đã được:
“Đảng cho sáng mắt, sáng lòng
Xin làm một giọt máu hồng về tim!”
bằng cách sửa bốn câu lục bát viết cho T. thành những vần thơ ca tụng công ơn trời biển của Bác, Đảng và nhân dân, như sau:
“Mai:
Mai vàng nở khắp muôn phương
Đảng đưa ta tới một vườn đầy Xuân
Lan:
Nhờ ơn Bác với nhân dân
Mùa Hè thơm nức hương lan đại đồng.
Cúc:
Mùa Thu cách mạng thành công
Cúc vàng khoe sắc, muôn lòng nở hoa.
Trúc:
Đông về, Bác bận đi xa
Trúc rừng Pắc Bó thiết tha ơn Người!”
Dù đã tìm mọi cách để chứng tỏ mình đã “sáng mắt, sáng lòng” tới như vậy, nhưng lúc Trung Cộng và Việt Cộng đánh nhau, tôi cũng như những người tù khác bị còng chung chiếc còng “made in Vietnam xã hội chủ nghĩa” làm bằng kẽm gai, leo lên xe molotova của Liên Sô, giã từ Phố Lu:
“Đoạn đường ta đã kinh qua
Mùa Đông buốt giá thịt da ngỡ ngàng.”
về trại cải tạo Cây Dừa ở Hạ Hòa thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Hạ Hòa nổi tiếng với câu ca dao:
“Thương nhau cho thịt, cho xôi
Ghét nhau đem đến Mai Côi, Hạ Hòa.”
Ở đây, may mắn tôi được biên chế vào đội nhà bếp. Ngày ngày “đốt lửa lên em” để nấu bo bo, bắp xay, sắn duôi, sắn khúc. Chứng bệnh hiểm ác: tràn dịch màn tinh hoàn bắt đầu hành hạ tôi. Ngày nào, tôi cũng xách cái bìu dái sưng đỏ lên phòng y tế xin thuốc, mà thuốc ở phòng y tế thì có gì đâu ngoài thuốc xuyên tâm liên.
Tôi càng khủng hoảng hơn khi mượn quyển Tự Điển về y học của anh Lê Đình Ái mà người nhà đã đem vào cho anh khi còn ở trại Suối Máu ở trong miền Nam. Quyển sách ghi rõ về bịnh tình của tôi như sau: “Tràn dịch màn tinh hoàn: do bị thương ở hòn tinh lúc nhỏ, bị phát ra khi cơ thể suy nhược. Đông y không có cách chữa. Chỉ có thể chữa bằng cách giải phẩu. Nếu để lâu sẽ tuyệt tự.” Cái kiểu này là “chết ngộ dồi!” Tôi mới cưới vợ có sáu tháng, chưa có con cái là phải khăn gói gió đưa lên đường… cải tạo. Bây giờ lại bị cái bệnh có nguy cơ tuyệt tự thì còn biết nói thế nào.
Ở phân trại K.4 còn gọi là trại Cây Dừa có thằng tù hình sự tên Hùng-lợn vì bị tội ăn cắp một con lợn mà bị tù đã 7 năm, từ trại tù thiếu nhi đến trại tù người lớn, tối ngày vừa vác củi, gánh rau vừa ư ử ngâm nga câu thơ của ông Thiếu tá công an Bùi Văn Chiếu. Sở dĩ tôi biết được tên họ của ông giám thị trại giam này vì thấy có đóng dấu, ký tên trong “Giấy Ra Trại” mà tôi được cấp vào tháng 4 năm 1980:
K 4 đó rộn ràng biết mấy…”
Một bữa, nó vừa đặt gánh rau muống xuống bếp trại, ngồi bệch xuống đất, vê một “bi” thuốc lào vừa ư ử: “K.4 đó rộn ràng biết mấy…”. Tôi, lúc đó, mặt mày đầy mồ hôi, mồ kê vì đang chụm lửa để nấu nước, bèn thêm vào:
“Chỉ thấy người vào, chẳng thấy người ra.”
Hùng-lợn trố mắt nhìn tôi:
“Ông anh này… kinh nhỉ! Chỉ thấy người vào chẳng thấy người ra!”
Thực tình lúc đó tôi chỉ muốn chết. Đêm mùa Đông bệnh nó lại hành hạ tôi không sao ngủ được. Cả trại đặt cho tôi cái tên tục tĩu chịu không nỗi: Thằng Dái Bò!
Lúc Trung Cộng đánh nhau với Việt Cộng, anh đội trưởng đội nhà bếp là anh Trần Hòa Bình và các anh Lâm Đại Tòng (hiện định cư tại Canada), Đỗ Tài (hiện định cư tại San Jose) là những người Việt gốc Hoa bị đưa ra khỏi đội nhà bếp. Tôi được chỉ định làm đội trưởng đội nhà bếp.
Tháng 4 năm 1980, tôi có tên trong danh sách được xét tha theo diện “quan tha, ma bắt.” Trong số 120 người tù được tha, tôi lại là người mạnh khoẻ nhất, chỉ có kẹt một nỗi là cái bìu dái sưng đỏ, đau nhức chịu không nỗi. Những người khác, kẻ thì bị bệnh teo cơ, kẻ thì bại xuội, người thì bị ho lao, phải chống những cây gậy “tự biên, tự diễn” tức là tự mình “sáng chế” ra mà lếch trở về với đời.
May mắn khi tôi trở về, T., vợ tôi, vẫn còn:
“Ngày anh xa vắng, em không trang điểm đợi chờ
Nửa đêm đốt ngọn đèn mờ
Khuê phòng thổn thức cô liêu…”
Chúng tôi lại cùng nhau nhắc chuyện ngày xưa:
“… Giữa Sàigòn bỗng tình cờ gặp em
Lầu cao mỉm nụ cười duyên
Nhìn lên anh bỗng nghe thèm yêu đương
Anh – đời dạn gió phong sương
Em – hoa khuê các dậy hương xuân thì…”
(trích trong “Tiếng hát từ hố thẳm nhân gian” thơ Nguyễn Thiếu Nhẫn)
để cùng ngâm lại những câu thơ cổ nói về hôn lễ của nhà thơ Viên Linh:
“Hôm nay ngày của hai người
Có khung cửa nhỏ khép đời chung quanh
Có ơn cha mẹ sinh thành
Có anh em đến chúc mình bền lâu
Tim hồng, ý biếc ơn nhau
Ngón tay ơn nhẫn, đêm thâu ơn đèn…”
Bệnh tôi được chữa khỏi nhờ người anh bà con bên vợ là bác sĩ Dương Minh Trí, chủ nhiệm khoa Niệu của bệnh viện Bình Dân. Tôi có hai đứa con trai. Khi vợ tôi mang thai đứa thứ hai thì tôi bị tiếp tục đi tù vì tội “hoạt động tình báo kinh tế, móc ngoặc cán bộ, lũng đoạn tài sản xã hội chủ nghĩa” chỉ vì tôi mua xà phòng bán đi, bán lại kiếm lời để nuôi sống gia đình. Ở phòng hỏi cung, viên công an điều tra lật qua, lật lại tờ khai lý lịch mà tôi đã nộp theo lệnh khi xin về địa phương cư trú, vỗ bàn hét lớn:
“Mày là Đại úy Tổng Tham Mưu Trưởng?”
Tôi đã nhỏ nhẹ trả lời:
“Thưa tôi chỉ là đại úy làm ở Bộ Tổng Tham Mưu. Còn Tổng Tham Mưu Trưởng là đại tướng Cao Văn Viên.”
Viên công an hỏi cung đập bàn, đứng dậy và trong lúc bất ngờ nhất y tống vào mặt tôi một cú đấm. Tôi đưa hai tay bị còng chùi máu ứa ra ở khoé miệng. Viên công an gầm gừ:
“Tao không cần biết mày là cái gì. Tao sẽ đưa mày trở lại mấy cái chỗ mà mày đã cải tạo để cho mày biết thân.”
Viên công an đã không thực hiện được lời nói là đưa tôi trở lại sáu tầng địa ngục mà tôi đã đi qua. Tôi được đưa tới hai tầng địa ngục khác còn cay đắng hơn nhiều là trung tâm tạm giam huyện Long Hồ và sau đó là trung tâm tạm giam tỉnh Cửu Long, tức Khám lớn của tỉnh Vĩnh Long ngày trước.
Tôi lại phải đánh những sợi lát thành dây bính, nghe nói là để xuất khẩu qua Liên Sô, vẹo cả hai ngón tay trỏ trong hai năm. Sau đó, được thả ra vì “xét thấy là không cần thiết phải truy tố.”
Lúc tôi được ra tù, đứa con thứ hai đang bị sốt xuất huyết đang nằm ở nhà thương. Rời nhà giam, tôi lại tới nhà thương để nuôi con.
Sau đó, tôi tìm mọi cách để ra đi, vì biết mình không thể nào sống cùng những người cộng sản. Họ có chịu cho mình “hòa giải, hòa hợp” với họ đâu. Trăm thứ tội tình cứ đổ trên đầu thằng “ngụy.”
May mắn mà tôi và đứa con trai 5 tuổi được tới đảo Bidong sau khi chiếc tàu vượt biển bị cướp hai lần.
Tháng 3 năm 1987, tôi và đứa con tới định cư ở Des Moines, thủ phủ của tiểu bang Iowa thuộc miền Trung Tây nước Mỹ.
Ở đảo tỵ nạn tôi bắt đầu viết quyển hồi ký “Những Trại Biến Hình” với những câu lục bát mở đầu như sau:
“Hốc Môn nhát cuốc bắt đầu
Long Giao đất đỏ lệ trào chứa chan
Đường về Suối Máu gian truân
Đường ra Nghĩa Lộ muôn phần đắng cay
Lạnh lùng sương trắng Lào Kai
Đường về Vĩnh Phú tương lai mịt mù
Ra tù rồi lại vào tù
Long Hồ, Khám Lớn mịt mờ tương lai.”
với ý định “tố cáo chế độ Hà Nội giết người chậm nhưng hữu hiệu.”
Phần đầu quyển hồi ký đã đăng tải trên tạp chí Sóng ở Canda và tuần báo Sáng ở Nam California.
Quyển hồi ký, sau đó, đã được đăng tải trên bán tuần báo Quê Hương ở San Jose với cái tựa “Hồi Ký Tù, Viết Ngoài Đời”.
Quyển hồi ký đã hoàn tất, nhưng tôi không có ý định xuất bản vì tôi nghĩ rằng những người Mỹ có thẩm quyền đều biết những điều đó – nhưng những đau thương đó không phải là của họ! Những người Việt tỵ nạn đi trước thì đang lo gầy dựng lại tương lai ở xứ người.
Sau này, tôi có tìm đọc những quyển hồi ký về tù cải tạo thì thấy những người này không viết về chính mình mà lại viết về những người khác mà lại nghe qua những lời kể lại.
Anh em tù cải tạo qua Mỹ theo diện H.O. ngày một nhiều. Cảnh đời của mỗi người còn bi đát hơn tôi nhiều. Thôi hãy để đau thương được lắng im!
Tôi viết “HỒI KÝ CỦA MỘT TÙ BINH” chỉ có mục đích trình bày những yếu đuối của bản thân trong thời gian “cải tạo”. Với tôi, sống bình thường trong các trại tù “cải tạo” của Việt Cộng đã là … “anh hùng” lắm rồi! Phần khác, cũng để trình bày vì sao đã không thể có sự hòa giải, hòa hợp giữa những người miền Nam bại trận và những người miền Bắc thắng trận; Bởi, những người thắng trận có bao giờ chịu đưa bàn tay ra bắt với những người miền Nam như những người anh em, đồng bào của họ. Lúc nào, đối với họ, những người bại trận miền Nam cũng là những “thằng nguỵ”!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
(Trích trong “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông, tập truyện của Nguyễn Thiếu Nhẫn, Tiếng Dân xuất bản năm 2007)
http://nguyenthieunhan.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét