Ông John Kirton, đồng sáng lập viên Tổ Chức Khảo Cứu G8, nói hội nghị thượng đỉnh có thể ngắn gọn nhưng vẫn có ý nghĩa:

“Lãnh đạo các nước G7 cùng với ông Dmitry Medvedev của Nga, sẽ nhóm họp để đối phó với cuộc khủng hoảng của khối các nước sử dụng đồng Euro vừa bộc phát sau kết quả các cuộc bầu cử tại Hy Lạp và nhất là tại Pháp đưa ông Francois Hollande thuộc Đảng Xã Hội lên nắm quyền.”

Kết quả các cuộc bầu cử này được coi như sự bày tỏ tức giận của các cử tri đối với những  biện pháp khắc khổ được áp dụng trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. 

Cuộc khủng hoảng của khối các nước sử dụng đồng Euro và đặc biệt những khó khăn trong nền kinh tế Hy Lạp, đã ảnh hưởng tới các thị trường tài chánh trên khắp thế giới và đe dọa gây trì trệ cho sự phục hồi kinh tế. Ông nói tiếp:”

Điều mà lãnh đạo các nước G8 sẽ phải thực hiện là ngồi xuống lần đầu tiên với Tổng thống Hollande – nhiều người trong số này mới gặp ông lần đầu – để xem ông sẽ linh động ra sao hầu thay đổi lời hứa trong các cuộc vận động tranh cử và làm việc với họ để đưa ra một chính sách khả tín, để thuyết phục được các cử tri, thuyết phục được các thị trường, để cuối cùng Châu Âu sẽ ngăn chặn được các thị trường gây phương hại tới công khố phiếu của họ.

Ông Kirton nói một sách lược phải giải quyết được cả vấn đề nợ nần lẫn vấn đề tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ông Hollande có thể tiến xa bao nhiêu mà vẫn giữ được lời hứa trong lúc tranh cử là tập trung vào vấn đề tăng trưởng thay vì áp dụng một biện pháp khắc khổ? Ông Hollande kế nhiệm ông Sarkozy, người có quan hệ hợp tác mật thiết với nhà lãnh đạo Đức Angela Merkel. Ông Kirton nhân định:

“Ta đã thấy từ cuộc họp của ông Hollande với bà Merkel là bà đã tỏ dấu hiệu mềm dẻo đôi chút. Ông Hollande đã cho thấy thật sự muốn làm việc với Đức, và tiến tới một lập trường thống nhất hầu tìm một giải pháp cho vấn đề của nhân dân Hy Lạp, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng, hầu giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay 

Nhưng ông Kirton nói rằng mặc dầu vấn đề kinh tế bao trùm hội nghị thượng đỉnh G 8, vấn đề an ninh lương thực thường xảy ra luôn cũng sẽ được đề cập đến. 

Tổng Thống Obama đã mời lãnh đạo các nước Benin, Ethiopia, Ghana, và Tanzania của Châu Phi tham gia để thảo luận về vấn đề này. Ông Kirton nói:

“Tôi nghĩ rằng trong mấy giờ đồng hồ tại hội nghị thượng đỉnh ngắn gọn này, mỗi nước sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến. Các nhà lãnh đạo Châu Phi được mời tới chỉ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Và dĩ nhiên họ sẽ trình bày về cuộc đối thoại với lãnh đạo các công ty tư, những người cũng đi tiên phong trong việc đáp ứng những khó khăn về lương thực ở Châu Phi bằng phương cách mới.  

Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo Châu Phi sẽ giải thích những chương trình từ trong nước đang giúp  bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia như thế nào. 

Vào năm 2009, tại hội nghị thượng đỉnh L’Aquila ở Ý, các nhà lãnh đạo, dẫn đầu là Tổng Thống Obama, đã cam kết cung cấp 22 tỉ đô la cho đầu tư nông nghiệp. 

Ông Kirton không tin rằng một sáng kiến tương tự sẽ được chấp thuận vào dịp này. Ông nói thay vào đó, lãnh đạo các nước G8 có thể ủng hộ những sáng kiến địa phương của các nước châu Phi, trong lúc vẫn theo sát những cam kết tại hội nghị thượng đỉnh L’Aquila. Ông nói:

“Vậy thì công việc của hội nghị thượng đỉnh Camp David là để bảo đảm rằng lời hứa đưa ra giờ đây vẫn được tôn trọng và rồi sẽ tiến sang trách vụ thực hiện. Tất cả các nước có thật sự chi tiền hay không? Tiền có được giải ngân hay không? Tiền này có thật sự sẽ được giao cho nước đối tượng hay không? Tiền có được giải ngân đúng cách và theo một lối thật sự hữu hiệu để đem lại kết quả đã dự tính hay không?

Nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo kêu gọi G8 hãy tái cam kết về an ninh lương thực để giảm bớt tình trạng nghèo đói và đạt được Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, hạn chót là năm 2015.