14.5.12

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và an ninh biển ở Đông Nam Á



Tác giả: Carlyle A. Thayer*-Người dịch: Trần Văn Minh
Mở đầu
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự quyết đoán ngày càng gia tăng về tranh chấp ở biển Đông đã đưa vấn đề an ninh biển lên hàng đầu trong nghị trình trình an ninh khu vực. Bài viết này đưa ra các giả thuyết về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 7 phần. Phần một xem xét nhận thức thay đổi của các nước Đông Nam Á đối với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Phần hai nói về sự phát triển của sức mạnh hải quân Trung Quốc. Phần ba chú trọng vào tính quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực biển Đông trong năm 2011, và phần bốn xem lại phản ứng của các nước trong khu vực đối với sự quyết đoán của Trung Quốc. Phần năm và sáu, phân tích chiến lược quân sự quốc gia mới của Hoa Kỳ và mô hình an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. Bài này kết luận rằng, Đông Nam Á nên “chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu” do các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông khó giải quyết, chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên đang gia tăng và các chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân đang diễn ra.
 
Đông Nam Á và sự trỗi dậy của Trung Quốc
Nền tự trị khu vực. Sau khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967, các nước thành viên chấp nhận hai phương thức chính để liên hệ với các cường quốc bên ngoài. Phương thức đầu tiên, các nước thành viên ASEAN đưa ra khái niệm tự trị khu vực để ngăn cản bất cứ cường quốc nào dùng sức mạnh lấn át Đông Nam Á. Việc ASEAN xác định tự trị khu vực qua hai hình thức, gồm sự gia tăng số thành viên, từ 5 nước thành viên ban đầu lên đến 10 trong số 11 nước Đông Nam Á (1).
Việc đòi quyền tự trị trong khu vực ASEAN cũng mang hình thức tuyên bố chính trị và các hiệp ước bao trùm Đông Nam Á như một khối, chẳng hạn như Tuyên bố về Khu vực Hòa bình Tự do và Trung lập (năm 1971), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN (năm 1976) và Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Phi Hạt nhân (năm 1995). Trong những năm gần đây, ASEAN đã đề xuất khái niệm tự trị khu vực bằng cách phê chuẩn Hiến chương ASEAN và đề ra mục tiêu thành lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Phương thức thứ hai của ASEAN trong quan hệ với các nước bên ngoài là khẳng định tính trung tâm của mô hình an ninh khu vực. Thí dụ, khi Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994, ASEAN đòi hỏi phải là người “tài xế” duy nhất.
Các nước Đông Nam Á muốn gia tăng lợi ích quốc gia của họ qua quan hệ song phương với nhau và với các cường quốc lớn bên ngoài. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng tìm cách đẩy mạnh lợi ích quốc gia đa phương qua ASEAN.
 
Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Lúc đầu, sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc được các nước ASEAN xem như là một thách thức, do lo ngại rằng điều này sẽ tạo nên sự chuyển hướng mậu dịch và đầu tư từ Đông Nam Á. Các nước ASEAN cũng lo sợ bị kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc trong quan hệ lệ thuộc như một nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Một mối lo ngại khác là, ảnh hưởng của sự trỗi dậy của Trung Quốc lên các mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ đối với khu vực. Nhiều nước Đông Nam Á dựa vào thị trường Hoa Kỳ để phát triển đất nước. Họ lo ngại Hoa Kỳ sẽ áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch sẽ gây ảnh hưởng tới họ.
Một bước ngoặt chính yếu đối với quan điểm về Trung Quốc đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á năm 1997 – 1998 khi các chính sách hỗ trợ của Trung Quốc tương phản với các chính sách của quỹ Tiền tệ Quốc tế (do Hoa Kỳ hỗ trợ) đặt điều kiện vay mượn tiền. Trung Quốc không những không hạ giá đồng nguyên mà còn đóng góp vào các gói trợ giúp trong vùng. Giờ đây, các nước Đông Nam Á xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội và động cơ chính cho sự phát triển toàn vùng. Trong những năm gần đây, nỗi lo sợ Hoa Kỳ sẽ rút về sau bức tường bảo hộ mậu dịch đã giảm bớt do sự cổ động của Hoa Kỳ về Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư, và Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình dương.
Tóm lại, cuối thập niên 1990, Đông Nam Á xem Trung Quốc là một đối tác kinh tế không thể thiếu, nhưng không phải là đối tác duy nhất. Ví dụ, Trung Quốc và ASEAN đã ký Hiệp ước Thương mại Tự do với 6 nước thành viên có nền kinh tế phát triển của ASEAN, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2010 và sẽ có hiệu lực với 4 nước thành viên kém phát triển nhất của ASEAN vào năm 2015.
 
Việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Đầu thập niên 1990, Trung Quốc được coi như là mối đe dọa quân sự cho khu vực vì sự khẳng định chủ quyền của họ ở biển Đông.  Năm 1992 và 1995, trong khi không nêu tên Trung Quốc, ASEAN ban hành hai tuyên bố với mối lo ngại, yêu cầu các nước hạn chế việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Năm 1997, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh quan điểm an ninh mới. Và vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở biển Đông. Kết quả của những diễn biến này là mối “đe dọa của Trung Quốc” giảm dần.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã tạo nền móng cho việc hiện đại hóa và biến đổi của lực lượng vũ trang. Trên nhiều phương diện, đây là sự phát triển bình thường. Ví dụ, sự lệ thuộc của Trung Quốc ngày càng nhiều vào các tuyến đường giao thương hàng hải để xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu thiên nhiên, đã đưa đến nhu cầu bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải này (SLOCs). Việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cũng nhắm tới việc sáp nhập với Đài Loan và ngăn cản không cho Đài Loan tuyên bố độc lập. Sau cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi nỗ lực hăm dọa Đài Loan của Trung Quốc dẫn đến sự can thiệp của hải quân Hoa Kỳ, Trung Quốc tìm cách phát triển khả năng, mà Lầu Năm Góc đặt tên là khả năng chống tiếp cận/ từ chối khu vực, để giữ chân lực lượng tàu sân bay Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình dương.
Tháng 2 năm 2012, báo cáo cho biết Trung Quốc sẽ gia tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 3 năm từ 119,8 tỷ đô la trong năm 2011, lên tới 238,2 tỷ đô la vào năm 2015. Điều này có nghĩa là ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ lớn hơn tổng ngân sách quốc phòng của 12 nước có chi tiêu lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương (và gấp 3 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản dự trù cho năm 2015) (2).
Việc gia tăng khả năng quân sự của Trung Quốc cũng liên quan tới biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc. Sự khẳng định mạnh mẽ của Trung Quốc đã đưa đến mối quan ngại cho an ninh khu vực về những ý định chiến lược của Trung Quốc và sự thách thức đối với vai trò chính yếu của Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tìm kiếm sự bảo đảm của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục có mặt trong vùng. Hoa Kỳ đã đáp lại các quan ngại này bằng cách tuyên bố, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do và an toàn giao thông hàng hải, đường hàng không, trong vùng biển quốc tế và mậu dịch không bị cản trở.
 
ASEAN và các đại cường. Thách thức lớn đối với lợi ích chiến lược của Đông Nam Á là khả năng tranh chấp của các đại cường có thể làm hại tính trung tâm và tự trị khu vực của ASEAN. Sự tranh chấp của các cường quốc có thể dâng cao và ảnh hưởng sự bền chặt của ASEAN, vì các thành viên sẽ cân nhắc, liệu nghiêng về một cường quốc có bảo đảm cho an ninh quốc gia của họ hơn là đa phương với ASEAN hay không. Các nước ASEAN thiên về sự cân bằng giữa các siêu cường và không muốn can dự vào tranh chấp giữa họ hoặc bị bắt buộc phải chọn đứng về phía bên nào.
Tóm lại, các nước Đông Nam Á đã đáp lại sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách dựa vào các thể chế đa phương của ASEAN trung tâm. ASEAN tìm cách làm giảm sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc qua chiến lược đẩy mạnh sự hỗ tương kinh tế, sự cam kết với các nguyên tắc ASEAN và cân bằng mềm dẻo.
 
Sự phát triển của sức mạnh hải quân Trung Quốc
Sự biến đổi quân sự của Trung Quốc là sản phẩm của nhiều yếu tố. Đầu tiên, sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc đã tạo nền tảng cho gia tăng chi tiêu quốc phòng, và điều này dẫn đến công cuộc hiện đại hóa tất cả các ngành quân sự. Thứ hai, Trung Quốc chú tâm đến sự thống nhất với Đài Loan, và vì thế cố ngăn cản sự can thiệp của Hoa Kỳ vào vấn đề này, bằng cách gia tăng ảnh hưởng của hải quân ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất tới chuỗi đảo thứ hai (3). Thứ ba, sự trỗi dậy của Trung Quốc nảy sinh nhu cầu bảo vệ đường giao thương hàng hải từ vịnh Ả Rập tới khu vực bờ biển phía đông của Trung Quốc. Thứ tư, chủ nghĩa bảo vệ tài nguyên quốc gia của Trung Quốc nêu lên tầm quan trọng của Biển Đông về nguồn dầu khí và khoáng sản và lợi ích chính trị, Trung Quốc sẽ cần phát triển lực lượng hải quân trên biển để bảo vệ lợi ích ngoài khơi.
Nhiều yếu tố khuyến khích việc tăng cường quân sự của Trung Quốc liên quan tới khu vực biển Đông Nam Á, đặc biệt là biển Đông. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua việc hiện đại hóa hạm đội Nam hải và xây dựng căn cứ hải quân chính tại vịnh Yalong ở bờ biển phía nam đảo Hải Nam, thuộc phía bắc của Biển Đông.
Các thiết bị ở vịnh Yalong bao gồm cầu tàu, bến tàu và hầm chứa tàu ngầm dưới mặt biển. Hải quân Trung Quốc (PLAN) đóng tại Yalong nhiều tàu chiến chủ lực, tàu đổ bộ, tàu ngầm thường và tàu ngầm hạt nhân. Việc tiếp tục xây cất cho thấy, Yalong có khả năng sẽ là nơi đồn trú của những tàu chiến lớn hơn, như tàu tấn công và cuối cùng là một hay nhiều tàu sân bay. Hạm đội Nam Hải có sứ mạng quan trọng trong việc giữ an ninh eo biển Quỳnh Châu để bảo vệ phía Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam. Việc phát triển căn cứ hải quân ở Yalong có thể được xem với lý do phòng ngự.
Trung Quốc thường tổ chức những cuộc tập trận hải quân lớn để chứng tỏ khả năng lớn mạnh của PLAN. Trong năm 2010, Trung Quốc thực hiện 3 cuộc tập trận hải quân lớn và một cuộc vào năm 2011, liên quan tới biển Đông. Cuộc diễn tập đầu tiên được thực hiện đầu tháng 4 năm 2010, gồm việc khai triển tầm xa với 16 chiến hạm của PLAN, đến từ các hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đội tàu của PLAN thực hiện các cuộc diễn tập có bắn đạn thật ở phía bắc Philippines trước khi tiến về eo biển Malacca. Tính cho tới cuộc diễn tập này, hạm đội Nam Hải là hạm đội duy nhất hoạt động trong khu vực Biển Đông.
Cuộc diễn tập hải quân lần thứ hai được tiến hành vào cuối tháng 7 năm 2010. Đây là cuộc diễn tập lớn nhất, gồm 12 chiến hạm hiện đại nhất trong mỗi hạm đội của Trung Quốc. Cuộc diễn tập này đáng chú ý do truyền thông Trung Quốc truyền trực tiếp việc bắn tên lửa và sự có mặt của các chỉ huy cao cấp đến từ Quân ủy Trung ương và Tổng tham mưu trưởng PLA, tướng Trần Bỉnh Đức (4). Tháng 11 năm 2010, thủy quân lục chiến PLA thực hiện cuộc diễn tập quan trọng thứ ba trên biển Đông, gồm hơn 100 tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, và 1.800 lính thủy quân lục chiến. Vào tháng 11 năm 2011, Trung Quốc tiến hành diễn tập hải quân trong khu vực Tây Thái Bình dương (5).
Bốn cuộc diễn tập này có thể xem như sự phô trương của Trung Quốc về khả năng khai triển xa khỏi chuỗi đảo thứ nhất ra tới chuỗi đảo thứ hai. Các tín hiệu rõ ràng là: Trung Quốc đang phát triển khả năng duy trì các cuộc triển khai hải quân trong khu vực quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa về phía nam, trong thời gian lâu dài.
Hình ảnh vệ tinh đã xác nhận sự hiện diện của một tàu ngầm hạt nhân duy nhất của Trung Quốc loại 094, hạng Jin, tại vịnh Yalong từ cuối năm 2007. Loại 094 là loại tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) thế hệ thứ hai và tượng trưng cho loại vũ khí tấn công ghê gớm nhất của hải quân. Thời điểm này đánh dấu sự triển khai đầu tiên của một SSBN của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc. Năm chiếc SSBN hạng Jin khác của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong những năm tới và vịnh Yalong sẽ trở thành căn cứ chính.
Việc phát triển căn cứ hải quân ở vịnh Yalong mang ý nghĩa chiến lược về sự cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phân tích về những hoạt động xây cất cho biết Yalong có thể chứa tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Một phần của căn cứ được xây dưới mặt đất để cung cấp cơ sở phòng ốc không thể bị theo dõi dễ dàng. Khi các công trình này khi hoàn tất, chúng sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng dung chứa một phần đáng kể khả năng phòng ngự bằng tàu ngầm hạt nhân ở nơi này.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược hiện đại nhất của Trung Quốc chưa hoạt động hoàn toàn, nhưng khi bắt đầu, chúng có thể mang 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.  Loại tàu ngầm này sẽ có hiệu lực hơn nếu Trung Quốc thành công trong việc trang bị tên lửa với nhiều đầu đạn. Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể đi tuần và bắn từ vị trí bí mật trong vùng nước sâu ngoài khơi đảo Hải Nam, nếu Trung Quốc có thể phát triển kỹ năng hoạt động cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc đã nối dài phi đạo trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, xây dựng các cơ sở tại Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, và duy trì sự có mặt liên tục của hải quân tại Đá Vành Khăn ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines.
Tóm lại, Trung Quốc đã phát triển năng lực đáng kể để thực hiện các tuyên bố chủ quyền trên khu vực biển Đông và bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng xuyên qua eo biển Malacca và Singapore, cũng như khả năng đưa lực lượng tiên phong từ các căn cứ này vào khu vực biển Đông với một cái đuôi hậu cần ngắn đáng kể. Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ có khả năng ngăn chặn các đường giao thông hàng hải mà Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc lệ thuộc vào. Các diễn tiến này báo hiệu Trung Quốc có khả năng lớn hơn để áp đặt ảnh hưởng khu vực và thách thức ưu thế hải quân Hoa Kỳ.
Việc triển khai tàu ngầm hạt nhân, gồm tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo, đã giới thiệu một kiểu địa chiến lược mới đối với sự cân bằng quyền lực khu vực. Các hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ gây sự chú ý liên tục của hải quân Hoa Kỳ qua việc tiến hành thu thập tin tức và quan sát vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam. Những phát triển mới về kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ sẽ cho ra tàu ngầm không người lái (undersea drones) tinh vi và các hệ thống máy móc tự động để thu thập tin tức tình báo, do thám và theo dõi như thiết bị tự hành không người lái đường kính lớn (Large Diameter Unmanned Underwater Vehicles) và hệ thống do thám thường trực dưới nước vùng duyên hải (Persistent Littoral Undersea Surveillance Systems). Theo Mark Valencia, sự khai triển các hệ thống mới này “sẽ tạo nên căng thẳng và khủng hoảng thường xuyên hơn; chúng sẽ sinh ra những phản ứng phòng vệ và gia tăng tính năng động; và sẽ dẫn đến mất ổn định trong các khu vực bị tác động nhất, đặc biệt là Á châu”. (6)
 
Sự quyết đoán của Trung Quốc trong vùng biển Đông năm 2011
Suốt nửa năm đầu của năm 2011, Trung Quốc áp dụng thái độ hiếu chiến để khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ ở biển Đông, bằng cách nhắm vào hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu khí trong vùng biển chủ quyền của Philippines và Việt Nam. Hành động của Trung Quốc không những tạo nên căng thẳng trong khu vực mà còn khuyến khích Philippines xích lại gần Hoa Kỳ hơn và thực hiện các bước để gia tăng khả năng phòng thủ lãnh thổ. Việt Nam đáp trả bằng các cuộc phô trương có tính toán về quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, gồm tập trận có bắn đạn thật. Các phần sau đây sẽ xem xét từng trường hợp này.
 
Trung Quốc và Philippines
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, vào quý tư năm 2010, Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại quần đảo Trường Sa (7). Philippines ghi nhận 6 lần xâm phạm vào vùng biển của họ trong 5 tháng đầu năm 2011 (8). Ba sự cố lớn nổi bật. Vào ngày 25 tháng 2, một tàu chiến trang bị tên lửa của Trung Quốc đã ra lệnh cho 3 tàu đánh cá Philippines phải rời vùng biển ngoài khơi cồn san hô Jackson và bắn một loạt 3 phát súng để xua đuổi (9). Vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đe dọa đâm vào tàu Veritas Voyager, là tàu thăm dò địa chấn hoạt động trong khu vực bãi Cỏ Rong ngoài khơi Palawan, để buộc tàu thăm dò ngừng ngay công việc thăm dò địa chấn (10). Sự cố thứ ba xảy ra vào ngày 24 tháng 3 khi ngư dân Philippines chứng kiến một tàu hải giám và tàu Hải quân Trung Quốc thả những cột thép, dụng cụ xây cất và phao nổi xuống gần Iroquois Reef-Amy Douglas Bank, cách đảo Palawan khoảng 100 hải lý (11).
Các hành động của Trung Quốc đã làm cho Philippines chính thức tuyên bố vùng biển của họ là Biển Tây Philippines. Chính phủ Philippines cũng đáp lại các sự cố này qua các cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc và đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.
 
Trung Quốc và Việt Nam
Trong sáu tháng đầu năm 2011, sự quyết đoán của Trung Quốc nhắm tới Việt Nam, gồm việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá hàng năm và đáng chú ý hơn, tàu hải giám Trung Quốc đã có hành động táo bạo can thiệp vào các hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu khí đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).
Ngày 11 tháng 5 năm 2011, chính quyền thành phố Hải Khẩu, thuộc tỉnh Hải Nam, đưa ra thông báo đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trong khu vực biển Đông từ ngày 16 tháng 5 tới ngày 1 tháng 8 với lý do bảo vệ nguồn cá bị giảm trong mùa sinh đẻ. Những năm trước đó, tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi và nhảy lên tàu đánh cá Việt Nam, tịch thu hết các mẻ cá bắt được và dụng cụ liên lạc, và bắt giữ ngư dân cho tới khi nhận được số tiền phạt lớn, hay đâm chìm tàu cá Việt Nam. Trong năm 2011 có 2 sự cố chính. Vào ngày 1 tháng 6, tàu hải quân Trung Quốc đe dọa bắn tàu đánh cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa (12). Một sự cố nghiêm trọng hơn xảy ra vào ngày 5 tháng 7 khi lính hải quân Trung Quốc đánh đập thuyền trưởng của một tàu đánh cá Việt Nam, hăm dọa thủy thủ đoàn, và ép buộc tàu này phải rời vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa (13).
Vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, ba tàu hải giám Trung Quốc ép sát tàu Bình Minh 02, là tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, đang hoạt động tại lô 148 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò (14). Tàu Bình Minh 02 đành phải trở về bến để sửa chữa (15). Vào ngày 9 tháng 6 năm 2011, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, một sự cố “có âm mưu từ trước và được tính toán kỹ lưỡng” xảy ra khi một tàu đánh cá Trung Quốc trang bị “dụng cụ cắt cáp”, đã cắt dây cáp của tàu Viking II, là thăm dò địa chấn đang hoạt động trong lô 136-03, thuộc vùng phụ cận của Bãi Tư Chính (16). Một sự cố cắt cáp thứ ba được biết xảy ra vào tháng 6 nhưng phía Việt Nam đã không công bố sự việc (17). Cũng như Philippines, Việt Nam đã phản đối lên các nhà chức trách Trung Quốc đối với từng sự cố xảy ra.
 
Phản ứng của các nước trong khu vực đối với sự hiếu chiến của Trung Quốc
Việc gia tăng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, cùng với hành động hung hăng của họ trong khu vực Biển Đông, đã tạo nên một tình trạng bế tắc về an ninh cho các quốc gia trong vùng. Điều này đã làm nhiều quốc gia Đông Nam Á bắt đầu các chương trình canh tân quân đội của mình nhắm tới việc phát triển khả năng chống tiếp cận/từ chối khu vực (18). Các phần sau đây sẽ xem lại các hoạt động của Philippines, Việt Nam và các nước khác trong vùng.
Philippines. Trong năm 2011, để chống lại sự hung hãn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và nhóm đảo Kalayaan, Philippines soạn một chiến lược phòng thủ mới, chú trọng vào cả hoạt động an ninh quốc nội lẫn phòng thủ lãnh thổ bên ngoài. Chính quyền Aquino đã bỏ ra 11 tỷ peso để hỗ trợ hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP). Trong đó, 8 tỷ peso sẽ do Mỏ Khí đốt Malampaya và Dự án năng lượng tài trợ và phần còn lại sẽ lấy từ ngân quỹ hiện đại hóa AFP. Bắt đầu từ năm 2012, chính phủ Philippines sẽ tiến hành chương trình hiện đại hóa 5 năm, với tổng kinh phí là 40 tỷ peso.
Tháng 3 năm 2011, Tổng Tư lệnh AFP, tướng Eduardo Oban loan báo, kế hoạch nâng cấp phi trường trên đảo Pag-Asa. Hai tháng sau đó, một nghiên cứu của hải quân Philippines khuyên nên mua tàu ngầm với mục đích “ngăn cản những xung đột có thể xảy ra trong tương lai” (19). Vào tháng 9 năm 2011, ngay sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng thống Benigno Aquino, ông tuyên bố dành thêm 4,96 tỷ peso cho ngân sách quốc phòng (20). Số tiền này được dành riêng để mua một tàu tuần tra hải quân, 6 trực thăng và các vũ khí quân sự khác để bảo vệ dự án dầu khí Malampaya.
Trong năm 2011, Philippines thu nhận một tàu tuần duyên của Hoa Kỳ và đưa ra hoạt động ở khu vực ngoài khơi đảo Palawan thuộc Bộ Chỉ huy miền Tây với sứ mạng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines đang chờ nhận một chiếc thứ hai vào năm 2012. Philippines cũng sắp nhận 3 tàu tấn công đa năng mới do Đài Loan sản xuất và một tàu thứ ba của Tuần duyên Hoa Kỳ (21).
Philippines đã trao cho Lầu Năm Góc một “danh sách mong muốn” với các loại vũ khí mới bao gồm: hệ thống ra-đa ven biển, máy bay tuần tiễu hoạt động tầm xa, tàu vận chuyển, tàu tuần dương, trực thăng hải quân, ra-đa phòng không, 6 huấn luyện viên phản lực, chiến đấu cơ tấn công trên mặt biển, tên lửa chống hạm, và một tàu ngầm (22).
Philippines cũng vươn tới Nhật Bản và Nam Hàn. Tháng 9 năm 2011, trong chuyến viếng thăm Tokyo của Tổng thống Aquino, ông và Thủ tướng Noda đồng ý củng cố mối quan hệ an ninh biển bằng cách thường xuyên tổ chức những buổi thảo luận cấp cao về phòng thủ, và gia tăng hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước và “các viên chức liên quan tới phòng thủ”. Thủ tướng Noda đồng ý gia tăng sự tham gia của lực lượng tuần duyên Nhật trong việc huấn luyện những người đồng nhiệm Philippines (23). Sau đó là chuyến viếng thăm Manila của Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 11 năm 2011, Tổng thống Aquino loan báo rằng, Philippines sẽ mua vũ khí của Seoul. Bộ Quốc phòng cho biết đã soạn thảo một danh sách gồm máy bay, trực thăng, tàu và những thiết bị quân sự khác.
 
Việt Nam. Năm 2009, trong một bước tiến mạnh bạo, Việt Nam loan báo sẽ đặt mua 6 chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu diesel loại Kilo của Nga. Các tàu ngầm này sẽ được giao vào năm 2014. Tàu ngầm loại Kilo có lẽ được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54 Klub với tầm hoạt động 300 cây số.
Năm 2011, Việt Nam gia tăng chương trình hiện đại hóa quân đội khi nhận thêm 4 chiến đấu cơ phản lực đa năng Su-30MK2. Các chiến đấu cơ này sẽ trang bị tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK với tầm hoạt động 115 cây số. Việt Nam hiện đang đặt mua thêm 16 chiếc chiến đấu cơ phản lực Su-30MK2 (24). Cũng trong năm 2011, Việt Nam nhận 2 tàu khu trục có tên lửa hành trình, loại Gephardt, trang bị tên lửa chống hạm Kh-35E với tầm hoạt động 130 cây số và hai tàu  tuần tra có trang bị tên lửa loại Svetlyak (25). Ngoài ra, Việt Nam đã hạ thủy tàu chuyên chở binh lính và có vũ trang, tự sản xuất đầu tiên (26). Tháng 10 [năm 2011], trong chuyến công du ở Hòa Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận mua 4 chiến tàu hộ tống nhỏ, loại Sigma, hai trong số bốn chiếc đó dự kiến sẽ được ráp tại Việt Nam (27).
Năm 2011, Việt Nam gia tăng phòng thủ ven biển bằng cách mua hệ thống tên lửa Bastion thứ hai, là loại tên lửa đạn đạo chống hạm có căn cứ trên đất liền. Tin tức cho biết, Việt Nam cũng đặt mua của Do Thái hệ thống đạn pháo tầm xa, tên lửa đạn đạo có tầm ảnh hưởng ngoài 150 cây số. Tháng 10 năm 2011, Chủ tịch Trương Tấn Sang chính thức viếng thăm Ấn Độ và yêu cầu Ấn Độ giúp đỡ trong 4 lãnh vực: huấn luyện điều hành tàu ngầm, huấn luyện cho phi công sử dụng máy bay Sukhoi-30s, chuyển giao tàu tuần duyên cỡ trung, và hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật cho các bến cảng ở Nha Trang (28). Báo chí địa phương đưa tin, Ấn Độ đang cứu xét có nên bán cho Việt Nam tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos hay không (29). Tháng 2 năm 2012, Nga loan báo sẽ cùng sản xuất tên lửa chống hạm Uran (SS-N-25 Switchblabe) với Việt Nam (30).
Tháng 11 năm 2011, Việt Nam thông báo ngân sách quốc phòng cho năm 2012 là 3,3 tỷ đô la, tăng 35% so với năm 2010. Theo tờ IHS Jane’s (chuyên phân tích quốc phòng và tình báo), ngân sách mua vũ khí của hải quân Việt Nam tăng 150% kể từ năm 2008, lên tới 276 triệu đô la trong năm 2011. Ngân sách hải quân được dự kiến sẽ tăng lên 400 triệu đô la vào năm 2015 (31). Việt Nam đang tìm cách phát triển khả năng chiến đấu chống tàu ngầm bằng cách đặt mua P-3 Orion (loại máy bay 4 động cơ chống tàu ngầm do hãng Lockheed chế tạo) của Hoa Kỳ hay máy bay quân sự C295 của hãng Airbus Military, Tây Ban Nha (32).
 
Khu vực. Theo một nhà phân tích an ninh khu vực có tiếng, việc thu mua vũ khí hải quân ở châu Á “đã trở nên vô cùng phiền toái, với những dấu hiệu không thể chối cãi về động cơ giữa tác dụng và phản tác dụng”, và nhất là vùng Đông Bắc Á châu đang chứng kiến một “cuộc chạy đua vũ trang hải quân đang trỗi dậy” (33). Các nhà phân tích quốc phòng dự đoán rằng 86 chiếc tàu ngầm sẽ được gia tăng cho các hạm đội trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020, trong số đó 30 chiếc sẽ là của Trung Quốc (34). Trung Quốc hiện có hạm đội tàu ngầm lớn nhất và những kế hoạch lớn nhất để gia tăng số lượng bao gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân loại 095 (SSN) và loại 094 thuộc hạng Jin (SSBN).
Như đã đề cập ở trên, Trung Quốc dự định sẽ đậu các tàu ngầm trang bị tên lửa tấn công và tên lửa đạn đạo tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm (Yulin) ở đảo Hải Nam. Viễn ảnh này đã làm cho Úc, Malaysia, Philippines, Singapore và Hoa Kỳ gia tăng đầu tư vào khả năng chiến đấu chống tàu ngầm. Các nhà phân tích an ninh cảnh báo rằng sự gia tăng nhanh của những hạm đội tàu ngầm có thể gây bất ổn trong lúc xảy ra căng thẳng và khủng hoảng do tính chất phức tạp của hệ thống chỉ huy và kiểm soát.
Ở Đông Nam Á, tàu ngầm loại thường đã trở thành tiêu chuẩn mới để hải quân thu mua. Việc đặt mua tàu ngầm hạng Kilo của Việt Nam là một phần của xu hướng trong khu vực (35). Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đặt mua tàu ngầm, cho biết họ sẽ thay thế tàu cũ với kiểu tàu mới hơn của Hàn Quốc. Được biết, Indonesia sẽ đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng lên 35% trong năm 2012 (36). Singapore đã cải tiến hạm đội tàu ngầm của họ qua việc mang về 2 chiếc tàu ngầm hạng Archer trong năm 2011 (37). Singapore cũng đang đặt mua 4 hoặc 5 chiếc máy bay tuần tiễu trên biển loại P-3C (38). Malaysia đã mua về 2 chiếc tàu ngầm hạng Scorpene. Cả hai loại tàu ngầm của Singapore và Malaysia được trang bị với hệ thống lực đẩy không cần không khí. Thái Lan và Philippines đang chuẩn bị đặt mua tàu ngầm cho riêng họ.
Sách trắng quốc phòng của Úc năm 2009 đã đề ra kế hoạch đóng 12 tàu ngầm mới, loại thường. Gần đây, báo chí đưa tin “các viên chức Hải quân Hoa Kỳ thăm viếng thường nêu ra vấn đề là không có các tàu ngầm hạng Collins, cũng như không có tiến triển đối với các tàu ngầm loại mới đã lên kế hoạch của Úc”. Áp lực này đã hối thúc chính quyền Gillard đưa ra vấn đề trước nội các (39).
Việc hiện đại hóa quân sự trong khu vực đã và sẽ tiếp tục gia tăng số lượng các tàu chiến được trang bị hệ thống vũ khí và kỹ thuật mới. Phân tích gần đây về việc hiện đại hóa này trong thập niên qua chỉ ra những khả năng mới như “tấn công chính xác từ xa, khả năng bay xa, tấn công dưới đáy biển, khả năng tàng hình, lưu động và chiến tranh viễn chinh, và trên hết, những khả năng mới trong việc giúp cải tiến mạng lưới thông tin chỉ huy, điều khiển liên lạc, mạng lưới vi tính, tình báo, thăm dò và do thám (C4ISR)” (40). Phân tích này kết luận, “những loại vũ khí mới hứa hẹn sự nâng cấp đáng kể và hiện đại hóa phương cách chiến đấu trong khu vực… (và) thay đổi từ toàn bộ quan niệm và hành vi chiến tranh” (41).
Theo Phó Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Đệ thất Hạm của Mỹ, mối quan tâm lớn của ông không phải là sự bùng nổ một cuộc xung đột lớn mà là “bất cứ động cơ chiến thuật với chủ đích chiến lược nào… Tôi quan tâm về một sự phô trương nào đó có thể dẫn đến một tính toán sai lầm chiến thuật…” (42) Tóm lại, các tuyến đường hàng hải trong khu vực có khuynh hướng trở nên “đông đúc, chật chội và dễ xảy ra đụng độ quân sự” (43).

Chiến lược quân sự quốc gia mới của Hoa Kỳ
Khi nhậm chức vào năm 2009, các quan chức trong chính phủ Obama đã nhanh chóng khẳng định rằng “Hoa Kỳ trở lại Châu Á”. Hoa Kỳ lập tức tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN, bổ nhiệm đại sứ thường trực vào Ban Bí thư ASEAN và phục hồi lại Hội nghị các Lãnh đạo ASEAN – Hoa Kỳ hàng năm. Khi sự quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông nêu lên mối quan ngại về an ninh khu vực, cả Ngoại trưởng lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sử dụng những chuyến viếng thăm trong khu vực để tuyên bố rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong vấn đề an toàn giao thông đường biển và đường hàng không trong khu vực biển Đông.
Hoa Kỳ đáp trả lại việc tăng cường hải quân và phát triển khả năng chống tiếp cận/ từ chối khu vực của Trung Quốc, bằng cách củng cố lực lượng ở đảo Guam, gia tăng việc bán vũ khí và chiến cụ cho Philippines, thương lượng với Úc để sử dụng căn cứ huấn luyện gần Darwin nhiều hơn, và đưa tàu chiến đấu ven biển đồn trú ở Singapore (44).
Phản ứng trực tiếp với việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng đã triển khai 31 trong số 53 tàu ngầm tấn công nhanh tới Thái Bình Dương và đẩy mạnh chương trình chiến tranh chống tàu ngầm. 18 tàu trong số tàu ngầm đó đóng ở cảng nội địa là Trân Châu cảng; các tàu khác đồn trú ở đảo Guam (45). Cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2010, trong một cuộc biểu dương sức mạnh hải quân có tính toán, tàu ngầm USS Florida, USS Michigan và USS Ohio đồng loạt nổi lên mặt nước tại Diego Garcia (Ấn Độ Dương), Busan (Nam Hàn) và Subic Bay (Philippines) (46). Mỗi tàu ngầm này đã được canh tân để mang 154 tên lửa hành trình Tomahawk.
Gần đây, Hoa Kỳ loan báo rút quân khỏi Iraq và sau đó là Afghanistan. Hoa Kỳ sẽ tái cân bằng lực lượng và sẽ không cắt giảm chi tiêu quân sự đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tầm quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương được nhấn mạnh trong tài liệu phát hành tháng 1 năm 2012, về chiến lược quốc phòng mới ,Giữ vững vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ: các ưu tiên cho quốc phòng của thế kỷ 21. Tài liệu này đã nêu rõ:
Lợi ích kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ gắn liền với sự phát triển trong vòng cung trải dài từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á Châu tới Ấn Độ Dương và Nam Á, tạo nên một sự trộn lẫn giữa những thách thức và cơ hội. Theo đó, trong khi quân đội Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp vào an ninh toàn cầu, chúng ta cần tái cân bằng [ảnh hưởng] đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các mối quan hệ của chúng ta với các đồng minh châu Á và đối tác chính thì rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển trong tương lai khu vực. Chúng ta sẽ chú tâm tới các đồng minh hiện tại, họ cung cấp nền tảng quan trọng cho an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác mới trong toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để bảo đảm phương cách làm việc tập thể và khả năng bảo đảm lợi ích chung (bản gốc nhấn mạnh điều này) (47).
Cuối cùng, Hoa Kỳ đang nghiên cứu khái niệm chiến tranh trên biển và trên không để đối đầu với khả năng chống tiếp cận/ từ chối khu vực của Trung Quốc. Khái niệm chiến tranh trên biển và trên không được thảo ra để giúp Hoa Kỳ đánh bại trong những cuộc xung đột mà khả năng chống tiếp cận/từ chối khu vực được phát triển mạnh.  Theo chiến lược phòng thủ mới của Hoa Kỳ, một trong mười nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ là “phô trương sức mạnh bất chấp các thách thức của chống tiếp cận/từ chối khu vực”(48).
Để đáp lại việc sử dụng khả năng bất đối xứng của Trung Quốc, gồm chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, các hệ thống phòng không hiện đại, đặt mìn và những phương pháp khác, “làm phức tạp sự tính toán hoạt động của chúng ta”, quân đội Hoa Kỳ sẽ đầu tư theo nhu cầu để bảo đảm khả năng hoạt động hiệu quả trong môi trường chống tiếp cận/từ chối khu vực (A2/AD). Điều này sẽ bao gồm thực hiện Khái niệm Tiếp cận Hoạt động chung, duy trì khả năng hoạt động dưới đáy biển, chế tạo máy bay ném bom tàng hình mới, cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa và tiếp tục các nỗ lực nâng cao tính bền bỉ và hiệu quả của khả năng phòng thủ quan trọng từ không gian (bản chính nhấn mạnh điều này) (49).
Trong khi đó, Hoa Kỳ liên tục tìm cách giữ vững quan hệ với Trung Quốc. Hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc có gần 50 cơ cấu hoạt động để phối hợp và hợp tác với nhau về các vấn đề chính sách chiến lược. Chính quyền Hoa Kỳ tìm cách điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc qua các cơ cấu mới như Đối thoại Kinh tế – Chiến lược và Tham vấn về Các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc thường xuyên mở các kênh liên lạc thông tin với Trung Quốc qua Hội đồng Cố vấn Quân sự Hàng hải chung và các cơ cấu đối thoại phòng thủ song phương khác.
Chiến lược phòng thủ mới của chính phủ Obama liên quan tới Trung Quốc, cho biết:
Về lâu dài, sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc khu vực, có khả năng tác động lên kinh tế và an ninh Hoa Kỳ trên nhiều mặt. Hai nước chúng ta có lợi ích lớn đối với hòa bình và ổn định ở Đông Á và lợi ích trong việc xây dựng quan hệ song phương trong tinh thần hợp tác. Tuy nhiên, sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc phải đi kèm theo sự minh bạch trong ý định chiến lược để tránh gây nên sự va chạm trong vùng (50).
Tuy nhiên, rõ ràng là việc Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và thu thập thông tin tình báo trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vẫn là những khúc mắc chính. Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được chuyển sang Đông Nam Á. Manila và Washington đã phục hồi Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 qua việc mua bán vũ khí, chiến cụ và diễn tập quân sự. Hoa Kỳ và Việt Nam đã gia tăng các hoạt động hợp tác phòng thủ đơn giản nhất, gồm một cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo cấp cao mới, ký kết một Bản Ghi nhớ về hợp tác phòng thủ và bắt đầu các hoạt động trao đổi hải quân cấp thấp. Tóm lại, sự can thiệp ngoại giao của Hoa Kỳ vào vấn đề Biển Đông đã đem lại phản ứng tiêu cực, nếu không phải thù địch của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ trích các cuộc diễn tập hải quân giữa Hoa Kỳ và Philippines là không đúng lúc và cảnh cáo cả Manila lẫn Hà Nội rằng họ đang đùa với lửa bằng cách khuyến khích sự can thiệp của Hoa Kỳ. Trung Quốc xem Hoa Kỳ là cường quốc bên ngoài mà sự can thiệp của họ sẽ chỉ làm phức tạp vấn đề.

ASEAN và cấu trúc an ninh khu vực với ASEAN làm trung tâm
Tháng 7 năm 2011,  Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN chấp thuận các Nguyên tắc Hướng dẫn Thực thi Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sau 7 năm thương thảo đứt đoạn. Từ khi các nguyên tắc hướng dẫn được phê chuẩn, đã không có cuộc sự cố lớn nào xảy ra trong khu vực biển Đông giữa Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền. Căng thẳng trong nửa năm đầu của năm 2011 đã giảm xuống. Trung Quốc tổ chức cuộc họp đầu tiên của Nhóm Cộng tác chung để thực thi Nguyên tắc Hướng dẫn của Tuyên bố Ứng xử (DOC) vào tháng 1 năm 2012 (51).
Vào lúc bản DOC đầu tiên được chấp thuận, nó được xem như là bước đầu để đi tới cách hành xử có tính ràng buộc hơn trong khu vực biển Đông. Với sự chấp thuận Nguyên tắc Hướng dẫn để thực thi bản DOC, các thành viên ASEAN quyết định tiến tới việc soạn thảo bản nháp Quy tắc Ứng xử (COC). Tháng 11 năm 2011, viên chức cao cấp ASEAN bắt đầu các cuộc bàn thảo về những hoạt động và các chương trình nào sẽ đưa vào COC. Theo một viên chức Indonesia, một khi đạt được sự đồng thuận, bản thảo COC sẽ được đưa cho Trung Quốc “để xác định điều gì, khi nào, ở đâu và chương trình sẽ được thực hiện như thế nào”. (52).
Bề ngoài, các cuộc thảo luận của Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN cho thấy một bước tiến tích cực có thể dẫn tới sự chấp thuận các biện pháp xây dựng lòng tin và giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tìm cách chia rẽ giữa các nước đòi chủ quyền và sử dụng trò chơi ngoại giao câu giờ để giữ chân, không cho Hoa Kỳ can thiệp, thì sẽ gây nên ngờ vực và nhận chìm tiến trình ngoại giao.
Hiện nay, cơ cấu an ninh Đông Á đang thành hình từ kết quả của sự mở rộng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), gồm có Hoa Kỳ và Liên bang Nga. Tại một cuộc gặp gỡ không chính thức giữa các lãnh đạo EAS năm 2011, 16 trong số 18 thành viên nêu lên sự quan ngại về các vấn đề an ninh hàng hải. Trung Quốc là nước duy nhất biện luận rằng EAS không phải là nơi thuận tiện cho các cuộc thảo luận này. Tuy nhiên, phần tóm tắt kết luận của chủ tịch EAS đã ghi nhận vấn đề an ninh hàng hải là đề tài thảo luận trong nghị trình.
Để cơ cấu an ninh khu vực mới có hiệu quả, phải có sự sắp xếp hợp lý các bộ phận cố vấn cho EAS, từ những sự dàn xếp đa phương khác hiện tại, cân nhắc các vấn đề an ninh hàng hải. Ví dụ, có nhiều bộ phận chồng chéo nhau dưới sự bảo hộ của ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN phụ trách an ninh hàng hải và các vấn đề của Biển Đông:
- Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2006 và bắt đầu tiến trình cơ cấu hóa hợp tác phòng thủ trên căn bản khu vực. Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN đang là thành viên đại diện khu vực của Hội đồng An ninh Chính trị ASEAN được thành lập theo Hiến chương ASEAN. ADMM đã đem vào dưới trướng những cuộc họp riêng lẻ không chính thức với các lãnh đạo hành chánh ASEAN (như lục quân, không quân, hải quân và tình báo quân sự) và hoạt động bên ngoài cơ chế chính thức ASEAN. Tại ADMM lần thứ tư vào tháng 5 năm 2010, ADMM đã đồng ý cho hải quân các nước ASEAN hợp tác tuần tiễu trên lãnh hải của họ.
- Hội nghị Lãnh đạo Hải quân các nước ASEAN (ANCM). Vấn đề an ninh hàng hải nằm trong phạm vi trách nhiệm của ANCM. Viễn ảnh về sự hợp tác thực sự giữa hải quân các nước ASEAN không mấy khả quan. Tại hội nghị ANCM thứ 5, hội nghị gần đây nhất, ở Việt Nam năm 2011 đã xảy ra bất đồng về một số vấn đề, bao gồm tên chính thức cho hội nghị, bao lâu họp một lần, việc thực hiện tuần tra chung, và đề xuất về thể thức thông tin liên lạc trong ASEAN khi các tàu hải quân gặp nhau ngoài khơi.
- Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM Plus). ADMM được mở rộng vào tháng 10 năm 2010 đưa thêm 8 đối tác đối thoại của ASEAN: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. ADMM Plus đã đồng ý tại cuộc họp này là ADMM Plus sẽ họp 3 năm một lần với lần họp thứ 2 sẽ diễn ra ở Brunei vào năm 2013. Buổi họp đầu tiên của ADMM Plus đã thành lập Hội nghị Mở rộng các Viên chức Cao cấp Quốc phòng (ADSOM Plus) và 5 nhóm Chuyên gia (an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, thiên tai, giữ gìn hòa bình, y tế quân đội và chống khủng bố).
- Nhóm Chuyên gia Hỗn hợp thuộc tổ Công tác An ninh Hàng hải của ADMM Plus (EWG on MS). Malaysia và Úc là đồng chủ tịch của EWG on MS. Buổi họp đầu tiên xảy ra ở Perth (Úc) vào tháng 7 năm 2011 và thảo luận về việc trao đổi tin tức. ‘EWG on MS’ đã thông qua các phạm vi có liên quan vào tháng 10 năm 2011. Vào tháng 2 năm 2012, Malaysia tổ chức ‘EWS on MS’ lần thứ nhì, chú trọng vào các vấn đề hợp tác thực tiễn và xây dựng tiềm lực. Malaysia đưa ra Bản Khái niệm về việc thành lập một cơ chế để hỗ trợ công việc và thực hiện các quyết định của ‘EWS on MS’. ‘EWS on MS’ quyết định họp mỗi năm 2 lần và báo cáo các quyết định cho ADSOM Plus. Cuộc họp thứ ba sẽ được tổ chức ở Malaysia vào tháng 8 năm 2012.
- Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF). ASEAN thành lập AMF vào năm 2010 dưới điều khoản của Kế hoạch Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN (53). Cuộc họp thứ hai của AMF được tổ chức tại Thái Lan hồi tháng 8 năm 2011 và đề nghị mở rộng thành viên gồm các đối tác đối thoại thành hội nghị mở rộng khác (AMF Plus). Hội nghị AMF tập trung vào một phương pháp tổng quát về các vấn đề lãnh hải và cho đến nay, vẫn chưa giải quyết các vấn đề biển Đông một cách chi tiết (54).
- Hội nghị giữa mùa của Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh Hàng hải (ARF ISM on MS). Trong năm 2009, Diễn Đàn Khu vực ASEAN (ARF) thành lập ‘ARF ISM on MS’ và sau đó phê chuẩn kế hoạch làm việc tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN thứ 44 vào tháng 7 năm 2011 (55). Hội nghị giữa mùa về an ninh hàng hải chú trọng về trao đổi thông tin, xây dựng tiềm lực, và huấn luyện thay vì các hoạt động thực tiễn như các hội nghị xây dựng lòng tin về biển Đông.
Sự tiến triển của cơ cấu an ninh khu vực đang ở giai đoạn khởi đầu và chưa rõ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) mở rộng sẽ liên quan như thế nào với các thể chế an ninh đa phương hiện có. Một mặt, sự tiến triển hiện tại của cơ cấu an ninh khu vực có thể được xem là sự phát triển tích cực vì lôi kéo được các diễn viên chính, bao gồm các giới chức đứng đầu chính phủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mặt khác, nếu Trung Quốc cảm thấy các cường quốc bên ngoài quy tụ lại để chống nước này, thì tiến trình EAS có thể trở nên bế tắc. Trong 8 đối tác đối thoại, 5 đối tác là đồng minh hay đối tác chiến lược thân cận (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand)

Kết luận
Những gì đang chờ đợi phía trước? Môi trường an ninh ở khu vực biển Đông trong tương lai của sẽ bị tác động bởi 5 khuynh hướng chính chồng chéo lên nhau. Các khuynh hướng này có đủ các các yếu tố cân bằng lẫn bất ổn. Năm khuynh hướng là: thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN về cách thức xây dựng lòng tin; gia tăng khả năng thực thi hàng hải trong khu vực; hiện đại hóa quân sự trong khu vực; sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; và sự tiến triển của cơ cấu an ninh khu vực.
Sự quyết đoán hiếu chiến của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông trong sáu tháng đầu năm 2011 đã nêu ra những rủi ro về an ninh không chỉ cho các quốc gia Đông Nam Á. Bài viết này đã lưu ý các cuộc sự cố nghiêm trọng giữa các tàu của chính phủ Trung Quốc, gồm có một chiến hạm của Hải quân Trung quốc với các tàu đánh cá Philippines, và Việt Nam, tàu các thăm dò của Việt Nam. Sự quyết đoán hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển Đông đang trở thành một vấn đề quốc tế và phải được giải quyết theo cách thức đa phương bởi tất cả các quốc gia có lợi ích liên quan.
Sức ép ngoại giao quốc tế đã đưa tới sự phê chuẩn các hướng dẫn thực thi Bản Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Các hướng dẫn này đặt nền tảng cho sự lạc quan thận trọng trong ngắn hạn, rằng các căng thẳng ở biển Đông sẽ giảm khi các quốc gia quan tâm chấp nhận việc xây dựng lòng tin và các biện pháp hợp tác khác. Có khả năng ASEAN và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận về Quy tắc Ứng xử trong năm 2012.
Giảm bớt căng thẳng có lẽ là bước khởi đầu cho một giải pháp lâu dài nhưng không đủ để mang lại một thỏa thuận cho các tuyên bố chủ quyền chưa giải quyết. Vấn đề quan trọng là bản đồ 9 đoạn đứt khúc hình chữ U mà Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa của Liên Hiệp quốc hồi tháng 5 năm 2009. Bên ngoài, bản đồ Trung Quốc đã đòi chủ quyền hầu như toàn bộ biển Đông, với lập luận “chủ quyền không thể tranh cãi” dựa trên “chủ quyền lịch sử”. Đường 9 đoạn của Trung Quốc cắt sâu vào vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam và Philippines đã tuyên bố. Theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với các vùng biển và thềm lục địa này để khai thác tài nguyên thiên nhiên, như tôm cá và dầu khí dưới đáy biển. Trung Quốc phải làm rõ các tuyên bố của họ.
Sự hiếu chiến của Trung Quốc đã trở nên phản tác dụng, theo quan điểm của Bắc Kinh. Chính phủ Aquino quyết tâm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của họ. Mục tiêu này đã khiến Philippines vực dậy hiệp ước liên minh năm 1951 với Hoa Kỳ. Việt Nam, trong lúc gia tăng hợp tác phòng thủ với Hoa Kỳ, tiếp tục bắt tay vào chương trình hiện đại hóa hải quân.
Các nhà phân tích an ninh cảnh báo rằng việc gia tăng các hạm đội tàu ngầm có thể làm mất ổn định trong thời gian căng thẳng và khủng hoảng, do tính phức tạp của hệ thống chỉ huy và kiểm soát. Hơn nữa, việc mở rộng của các hạm đội tàu ngầm trong khu vực khiến nhiều nước đầu tư thêm vào khả năng chiến tranh chống tàu ngầm (56).
Cuối cùng, sự phát triển kỹ thuật quân sự mới sẽ cho ra nhiều máy bay và tàu ngầm không người lái tinh vi, và các hệ thống tự động để thu thập thông tin tình báo, do thám, quan sát và tấn công. Theo Mark Valencia:
Tình hình hiện đã vượt khỏi sự kiểm soát quốc tế. Vì thế những hành động thăm dò có tính cách xâm phạm dễ dẫn đến mất lòng tin và giận dữ, có thể đưa tới hành động sử dụng vũ lực để chấm dứt sự “xâm phạm” đó khi và nếu bị phát hiện. Mức độ và phạm vi của các hoạt động thu thập tin tức tình báo trên không và dưới biển tiếp tục gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia, gồm nhiều loại và nhiều mức độ hoạt động chưa từng thấy trong thời bình. Không những chúng trở nên mạnh bạo hơn mà còn có tính cách xâm lấn hơn. Thật vậy, việc gia tăng những phi vụ do thám có thể được xem là sự chuẩn bị cho chiến tranh đang đến gần. Chúng sẽ gây ra căng thẳng và càng khủng hoảng thường xuyên hơn; chúng sẽ tạo ra những phản ứng phòng thủ và tính năng động nâng cao; và chúng sẽ dẫn tới giảm bớt ổn định ở các khu vực bị tác động nhất, đặc biệt ở khu vực châu Á (57).
Cơ cấu an ninh khu vực với trung tâm ASEAN là một sự pha trộn mới mẻ của cơ chế đa phương với nhiều trách nhiệm chồng chéo nhau. Nếu ASEAN không gia tăng tính thống nhất cao và gắn kết hơn nữa, nó sẽ không thể giữ vững tính trung tâm trong cơ cấu an ninh khu vực. Tình trạng này sẽ chỉ làm suy yếu sự cố gắng của ASEAN để đẩy mạnh sự tự trị khu vực khi căng thẳng giữa các cường quốc được chuyển qua Đông Nam Á. Tóm lại, Đông Nam Á đã “chín mùi để đối địch” do các căng thẳng xãy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chuyển tới khu vực, được đánh dấu bởi các xung đột chủ quyền không thể xác định trong vùng biển Đông, chủ nghĩa quốc gia tài nguyên gia tăng, và các chương trình hiện đại hóa quân đội.
(*) Giáo sư danh dự, đại học New South Wales, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Úc, Canberra. Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
———
Ghi chú:
(1) Đông Timor chưa là thành viên.
(2) (Theo Today Online của Singapore, ngày 15/2/2012).
(3) Chuỗi đảo thứ nhất nói về dãy đảo hướng bắc nam, từ quần đảo Kuriles, Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan, Philppines và Indonesia. Chuỗi đảo thứ hai cách xa  phía đông bờ biển Trung Quốc hơn, gồm một dãy chạy dài hướng bắc nam từ quần đảo Kuriles qua Nhật Bản, quần đảo Bonins, quần đảo Marianas, quần đảo Carolines và Indonesia. 
(4) Theo Tân Hoa xã, ngày 29 tháng 7 năm 2010.
(5) Theo báo The Economic Times, ngày 23 tháng 11 năm 2011.
(6) Mark J Valencia, “Biển Đông, Hoạt động Quân sự và Luật biển”, tài liệu đệ trình lên Hội đồng Quốc tế về Các vấn đề Chính sách và Luật cơ bản trong khu vực Biển Đông: Cách nhìn của Hoa Kỳ và Âu châu, do Cơ quan Nghiên cứu Hoa Kỳ và châu Âu cùng Trung tâm nghiên cứu châu Á -Thái Bình Dương đồng bảo trợ, Academia, Taipei, Đài Loan, ngày 7-8 tháng 10 năm 2011.
(7) Theo ABS-CBN News, ngày 3 tháng 6 năm 2011.
(8) Theo Philippine Daily Inquirer, ngày 3 tháng 6 năm 2011.
(9) Theo ABS‐CBN News, ngày 3 tháng 6 năm 2011.
(10) Theo BBC News Asia‐Pacific, ngày 8 tháng 3 năm 2011.
(11) Theo the Philippine Star, ngày 1 tháng 6 năm 2011.
(12) Theo báo Thanh Niên, ngày 10 tháng 6, 2011.
(13) Theo Associated Press, ngày 13 tháng 7, 2011.
(14) Theo báo PetroViet, “Báo cáo sự cố tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 vào lúc 5h58’, ngày 26/05/2011”.
(15) Theo DPA, ngày 6 tháng 6, 2011.
(16) Theo Agence France Presse (AFP), ngày 9 tháng 6 năm 2011 và Bloomberg Businessweek, ngày 9 tháng 6 năm 2011.
(17) Theo Carlyle A. Thayer, “South China Sea: Third Cable Cutting Incident?”-  Thayer Consultancy Background Briefing, 1 July 2011. Có tại Scribd.com.
(18) Theo Robert Karniol, “Vietnam chuẩn bị để bảo vệ tốt hơn các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông”, báo The Straits Times, ngày 10-1- 2012.
(19) Theo Philippine Daily Inquirer, ngày 17 tháng 5 năm 2001.
(20) Theo AFP, 7-9-2011.
 (21) Theo Reuters, ngày 13 tháng 4 năm 2011 và AFP ngày 3 tháng 9 năm 2011.
(22) Theo The Philippine Star, ngày 24 tháng 8 năm 2011.
(23) Theo The Wall Street Journal, ngày 28 tháng 9 năm 2011.
(26) Theo đài BBC tiếng Việt, ngày 3 tháng 10 năm 2011.
(27) Theo đài BBC tiếng Việt, ngày 18 tháng 10 năm 2011.
(28) Theo báo The Hindu, ngày 9 tháng 11 năm 2011.
(29) Theo Business Insider, ngày 20 tháng 9 năm 2011.
(30) Theo thông tấn xã Nga RIA Novosti, ngày 15 tháng 2 năm 2012.
(31) Trích trong báo The Economic Times, ngày 14 tháng 11 năm 2011.
(32) Theo Aviation Week, ngày 17 tháng 2 năm 2012.
(33) Theo  giáo sư Desmond Ball, “Asia’s Naval Arms Race,” tài liệu đưa ra tại cuộc họp bàn tròn thứ 25 của tổ chức châu Á – Thái Bình dương, ISIS Malaysia, Kuala Lumpur, ngày 29 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6, 2011.
(34) Theo Business Week, ngày 25 tháng 11 năm 2011.
(35)  Theo Aviation Week, ngày 17 tháng 2 năm 2012.
(36) Theo Al Jazeera.net, ngày 7 tháng 11 năm 2011.
(37) Theo The Straits Times, ngày 3 tháng 12 năm 2011.
(38) Theo Flight Global, ngày 15 tháng 12 năm 2011.
(39) Theo The Australian Financial Review, ngày 24 tháng 11 năm 2011.
(40) Theo Richard  A.  Bitzinger,  “Một cuộc chạy đua vũ trang mới? Giải thích các vụ mua bán vũ khí của ở ĐNA gần đây”. Contemporary Southeast Asia, 31(1), tháng 4- 2010, 63‐64.
(41) Theo Bitzinger, “Một cuộc chạy đua vũ trang mới? Giải thích các vụ mua bán vũ khí của ở ĐNA gần đây” 64.
(42) Trích từ The China Post, ngày 10 tháng 11 năm 2011.
(43) Rory Medcalf and Raoul Heinrichs, Crisis and Confidence: Major Powers and Maritime Security in Indo‐ Pacific Asia (Sydney: Lowy Institute for International Policy, June 2011), 3.
(44) Theo Checkpoint Washington, ngày 18-11- 2011.
(45)  Theo Navy Times, ngày 21-7- 2010.
(46) Theo The Chosun Ilbo, ngày 8 tháng 7, 2010  và Time Magazine, ngày 8 tháng 7 năm 2010.
 (47)   Theo Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense (tháng 1-2012), 2.
(48) Theo cùng sách này, 4.
(49) Theo cùng sách này, 4‐5.
 (50) Theo cùng sách này,2.
 (51) Theo Business World, ngày 29 tháng 11 năm 2011.
 (52) Theo Antara, ngày 14 tháng 11, 2011.
(53) theo “Kế hoạch hành động Hà Nội (được tổ chức ở Hà Nội) để thực hiện Chủ trương của Diễn đàn Khu vực ASEAN”, ngày 20 tháng 5 năm 2010, mục 3.
(54) Theo “bản lên tiếng của chủ tịch của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 19 tại Bali, ngày 17 tháng 11, 2011”, Mục 14-17 (hợp tác lãnh hải).
(55) Theo Diễn đàn Khu vực ASEAN, “Bản thảo kế hoạch làm việc về an ninh lãnh hải: khuông mẫu để thảo luận”, ARF ISM on MS thứ 2, Auckland, 29-30 tháng 3- 2010; “Tóm lược của đồng chủ tịch Hội nghị ARF giữa mùa về an ninh lãnh hải, Tokyo, Nhật Bản, 14-15 tháng 2- 2011”; và “AM/PMC/thứ 18 ARF thứ 44, Indonesia năm 2011, tuyên bố của chủ tịch, ARF thứ 18, 23 tháng 7-2011, Bali, Indonesia”, Mục 41.
(56) Theo Aviation Week.
 (57) Mark J Valencia, “Biển Đông, Các Hoạt động Quân sự và Luật biển”, Tài liệu đệ trình lên Hội nghị Quốc tế về Các vấn đề Chính sách và Luật cơ bản trong khu vực Biển Đông: Quan điểm của Hoa Kỳ và Âu châu, đồng bảo trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu Hoa Kỳ và Âu châu và Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, Academia, Taipei, Đài Loan, ngày 7-8 tháng 10-2011 và Mark Valencia, “Sự cố Hoàn hảo: Sự thật và Hậu quả”, China Security, 5(2), mùa xuân 2009, 26.   
Nguồn: IDE-JETRO
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh

Góp Ý

Không có nhận xét nào: