18.5.12

Tàu ngầm nguyên tử Mỹ soi bóng gần Scarborough



Tuần qua Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá trong lãnh hải "Lưỡi bò" do họ áp đặt trên biển Đông. Philippines cũng công bố lệnh ngưng đánh bắt hải sản, cùng ban hành hôm thứ tư. Đến chủ nhật, tàu ngầm tấn công tối tân nhất thế giới của Mỹ xuất hiện trên hải cảng Subic Bay. Những diễn tiến này có ý nghĩa gì?
US Navy photo
Tàu ngầm nguyen tử USS-N.Carolina- US Navy photo

Lùi một bước

Philippines đã nhượng bộ ở Scarborough khi tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản của riêng mình vào cùng ngày thứ tư khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng lệnh cấm tương tự trong lãnh hải "Lưỡi bò" bao gồm cả bãi cạn Scarborough.
Đó là một sự nhượng bộ, khi Manila phải để nước khác đánh cá và chặn người Phi đánh cá, rồi nước đó lại cấm đánh bắt cá trong hải phận đặc quyền kinh tế của Philippines.  Tuy nhiên sự nhượng bộ đó là một hành động chính trị khôn ngoan và linh hoạt, và là điều phải làm trong tương quan lực lượng về kinh tế, chính trị và quân sự với Trung Quốc. Cùng lúc, Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh đó của Trung Quốc. Đó cũng là việc phải làm và đã được làm đúng.
Các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đều im tiếng, khi cuộc tranh chấp không trực tiếp liên quan đến họ. 

Chiến thuật “tiểu hạm đội diễn hành”

Trong khi đó thì từ bán cầu phía bên kia, tiềm thuỷ đĩnh USS North Carolina đã đem đến Manila một thông điệp rất rõ ràng. 
Như từng được nói ở chương trình này, một khi có nguy cơ xung đột ở biển Đông thì hải quân Hạm đội 7 sẽ lập tức có mặt để gọi là can ngăn khuyên giải các bên. Lần này Washington đã làm như vậy, công thêm một thông điệp để hỗ trợ lời tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton là Hoa Kỳ sẽ thi hành hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Philippines. 
Thông điệp này thật mạnh mẽ, vì tàu ngầm USS North Carolina với số hiệu SSN-777 là loại tàu tấn công cao tốc, có khả năng tàng hình hữu hiệu nhất và được trang bị tối tân nhất trên thế giới. Tàu này có khả năng bắn chìm từ xa các tàu chiến trên mặt nước bằng hoả tiễn do vệ tinh điều khiển, phóng đi từ dưới mặt nước. 
Tàu tuần duyên LCS Independence- navy.mil.com photo
Tàu tuần duyên LCS Independence- navy.mil.com photo

Báo chí Việt Nam đăng bài phân tích, cho rằng một mình  USS North Carolina thừa sức đánh chìm phân nửa hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Việt Nam  càng muốn loan tải rộng rãi trong nước và ngoài nước thông điệp vừa được đem tới Manila. 
Điều đáng lưu ý là chiếc tàu chiến tối tân này đến Subic Bay một ngày sau khi nghị sĩ Mỹ John McCain thúc giục Washington trợ giúp cho các quốc gia Đông Nam Á để họ đủ sức chống Trung Quốc. Thêm vào đó, người ta chưa quên là Hải quân Hoa Kỳ vừa thông báo kế hoạch hoạt động chung với Singapore bằng những tàu tuần duyên loại mới, kiểu LCS Freedom và LCS Independence. Đó là loại chiến hạm hạng trung, cao tốc, có khả năng hoạt động viễn dương, chuyên chống tàu ngầm, chống mìn, chống các loại tàu cao tốc khác. 
Trước đó không lâu, hai chiến hạm tối tân và một tàu tiếp vận của Hoa Kỳ vừa rời bến Đà Nẵng sau ba ngày thao dượt với hải quân Việt Nam. Trong số những tàu này có cả soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương. 
Rõ ràng Mỹ đang cho “diễn hành” những tiểu hạm đội hùng mạnh nhất. Rõ ràng đó là một sự nhắc nhở cho “ai đó” về chênh lệch lực lượng và tính cách sẵn sàng ứng phó của hải quân Hoa Kỳ. 
Hoa Kỳ thường gửi ra những thông điệp như vậy trong những tình  huống tế nhị, bằng những cuộc tập trận chung, hay nhẹ nhàng hơn thì là cuộc “diễn hành” của hải quân thuộc hạm đội Thái Bình Dương, như người ta  đang chứng kiến. 
Thông điệp này là gì nếu không phải là “Washington luôn luôn sẵn sàng có mặt đây, các bạn. Đã nói biển Đông là khu vực thiết yếu đối với quyền lợi của Hoa Kỳ rồi mà!” 
Không phải là ngẫu nhiên mà Ngũ Giác Đài đem tàu đi diễn hành tốn kém như vậy để hỗ trợ lời cam kết của Ngoại trưởng Hillary Clinton với Philippines, dù vẫn nói là đứng trung lập ở biển Đông. 

Trung Quốc chuẩn bị hành đông quân sự?

Trong khi đó, Trung Quốc đã có những hoạt động quân sự rộng lớn hơn quanh Philippines, không phải chỉ có hai tàu hải giám ở Scarborough. 
Tuần trước đã có tin Nhật Bản phát hiện một tiểu hạm đội 5 chiến hạm của Trung Quốc di chuyển qua eo biển Okinawa của Nhật, hướng về phía nam, tức là hướng đến vùng biển Philippines, là môt phần Thái Bình Dương ở phía đông xứ này. Hải quân Trung Quốc lại còn tập trận đổ bộ ở vùng đảo phía bắc Philippines nữa.  
Không rõ mục đích cuộc điều động này là gì, vì nếu trợ chiến cho Scarborough thì người ta không sử dụng đường hải hành đó. Nhưng liệu điều động hạm đội Nam Hải theo đường đó thì mới đạt yếu tố bất ngờ chăng? Đó là điều không thực tế, vì cả đoàn tàu đi qua hải phận của Nhật không thể không bị Nhật Bản và lực lượng Mỹ ở Okinawa phát hiện. 
Trung Quốc cũng không dàn quân đối đầu với hạm đội 7 từ phía Guam tiến qua.  Biển Philippines tức là cả một vùng Thái Bình Dương phía đông Philippines, từ đó chạy dài qua Hawaii tới California và Mexico, dăm chiếc tàu làm sao đối phó được một vài chiến hạm của hạm đội 7?  
Cho nên có làm gì thì Trung Quốc cũng sẽ không gây chiến ở Scarborough, trong khi phía Philippines lại càng không muốn gây chiến. 

Cầu hoà?

Hôm thứ tư Philippines vừa chỉ định hai đặc sứ đi Bắc Kinh. Cả hai đều là những nhà tài chính và kinh doanh. Một trong hai người mang quốc tịch Philippines, gốc Hoa, ông Daniel Lee. 
Hai đặc sứ này được giao nhiệm vụ tạo mối thân thiện giữa chính phủ hai nước và đặt mối liên lạc chặt chẽ hơn giữa hai bên. Trong 6 tháng hai ông này còn có nhiệm vụ quảng cáo và kêu gọi người Hoa đi du lịch Philippines. 
Tới này Manila vẫn chưa chọn được một đại sứ để bổ nhiệm sang Bắc Kinh. Người được đề cử năm ngoái là một người thân với gia đình Tổng thống Aquino, đã bị Quốc hội từ chối phê chuẩn với lý do “thiếu kinh nghiệm”. 
iệu kế hoạch ngoại giao-thương mại đó của Manila có hiệu quả không, trong lúc Trung Quốc vừa cản du khách sang Philippines, vừa cấm cửa không cho nhập một số lượng chuối khổng lồ xuất khẩu từ Philippines, viện lý do an toàn thực phẩm? Việc gửi hai đặc sứ đi Bắc Kinh chỉ là hành động tỏ thiện chí của Philippines. Trung Quốc chưa đáp ứng gì, nên có thể cũng không đem lại kết quả mong muốn. 

Chuyện “đáng đời”

Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là thái độ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Không một nước ASEAN nào chính thức lên tiếng về Scarborough và Philippines, ngoại trừ Việt Nam. Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra một văn bản trên website tiếng Việt, phản đối hành động của Trung Quốc ở Scarborough.  
Tàu tuần duyên tăng cường cho Singapore- navy.mil.com
Tàu tuần duyên tăng cường cho Singapore- navy.mil.com

Vì sao ASEAN hành xử như vậy? Những nước ASEAN liên quan chặt chẽ đến cuộc tranh chấp ở Trường Sa và biển Đông, ngoài  Việt Nam và Philippines còn có Brunei, Malaysia, nhưng Malaysia cũng im lặng. Brunei thì vẫn thường không mạnh tiếng trong cuộc tranh chấp này. 
Malaysia im lặng cũng có nguyên do, tuy nguyên do không đủ biện minh. Cuối tháng 8-2008 Việt Nam và Malaysia cùng đồng trình bày bản báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở nam biển Đông. Một ngày sau Trung Quốc gửi công  hàm cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon yêu cầu không xem xét. Sau đó Philippines cũng có kiến nghị bác bỏ hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam và Malaysia.  Vì thế bản báo cáo chung này không có cơ hội được xem xét, vì Uỷ ban ranh giới thềm lục địa chỉ cứu xét việc đăng ký cho những vùng tranh chấp nếu được tất cả các quốc gia liên quan đồng thuận. 
Sau nữa, Philippines còn ký thoả thuận với Trung Quốc về việc khai thác chung ở lãnh hải Trường Sa. Việt Nam nói là vì vậy buộc lòng cũng phải ký chung với hai nước kia.
Nay Việt Nam, vì có mối liên quan với biển Đông quan thiết nhất trong các nước ASEAN, đã phải lên tiếng đứng chung với Philippines, còn Malaysia có lẽ cho việc Manila gặp phải là chuyện “đáng đời”, dù rằng hôm 26 tháng tư bộ ngoại giao Philippines đã yêu cầu khối ASEAN phải có thái độ với Trung Quốc! 

Khiếp nhược, biển lận

Nhưng cùng ngày mà Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario kêu gọi ASEAN lên tiếng, ông bộ trưởng cũng cho biết có “nhiều” quốc gia ASEAN  tiếp xúc với ông, bày tỏ rằng họ đang theo dõi chặt chẽ sự kiện Scarborough, và “rất thông cảm” với Manila về những gì đang xảy ra.
Dù sao thái độ im lặng dửng dưng của toàn khối ASEAN còn lại phải được coi gần như sự khiếp nhược, đáng chê trách, dù ai đó có thì thầm nói riêng lời “thông cảm”. 
Nhà hàng xóm sắp cháy mà người trong xóm trùm mền nói nhỏ qua vách là “rất thông cảm”?  Sự “thông cảm” đó phải được giải thích thế nào ngoài hai chữ “khiếp nhược” trước sức mạnh và “biển lận” để tránh thiệt hại về thương mại với người khổng lồ tham lam Trung Quốc?
Lịch sử nhiều lần cho thấy những quốc gia hay những nhóm quốc gia không biết đoàn kết chống ngoại xâm đều gặp cảnh “đáng đời” về sau. 

Không có nhận xét nào: