Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-05-17
Hoa Kỳ khẳng định tự do Internet là một phần của chính sách đối ngoại của nước này trong việc thúc đẩy nhân quyền trên thế giới.
Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự này. Đó là nội dung chính được thảo luận tại buổi hội thảo về tự do Internet được Trung tâm An ninh Mới Hoa Kỳ, trụ sở tại Washington DC tổ chức hôm 10 tháng 5 vừa qua.
Là một phần trong chính sách Hoa Kỳ
Buổi hội thảo mang tên “Tự do Internet: Một chính sách đối ngoại bắt buộc trong thời đại kỹ thuật số”, với sự tham dự của trợ lý ngoại trưởng về vấn đề Dân chủ Nhân quyền và Lao động Michael Posner; Thượng nghị sĩ Chris Coons (đảng Dân chủ, Delaware); Dân biển Chris Smith (Cộng hòa, New Jersey) và một số nhân vật đứng đầu của các công ty, tổ chức như Google, Freedom House và New American Foundation.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Richard Fontane, cố vấn cao cấp của Trung tâm An ninh Mới Hoa Kỳ khẳng định rằng kỹ thuật ngày càng phát triển cung cấp thêm sức mạnh cho các nhà hoạt động nhưng cũng đồng thời giúp nhiều chính phủ gia tăng đàn áp với các thủ thuật tinh vi hơn. Có mặt tại buổi hội thảo, ông Micheal Posner, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết tự do thể hiện quan điểm và kết nối trên Internet là một phần của việc tự do bày tỏ ý kiến.
Chính vì thế, kêu gọi tự do Internet là một phần trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ và khẳng định tự do Internet “là một sự mở rộng của những gì mà Hoa Kỳ đã làm xét về khía cạnh thúc đẩy Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền”.
Cái thứ nhất là ngoại giao, cái thứ hai là ngoại giao công chúng, thứ ba là tiếp tục rót tiền vào những chương trình giúp Internet an toàn cho người sử dụng.Ông Michael Posner
Xem tự do Internet là một phần của tự do ngôn luận và mang việc thúc đẩy Internet vào chương trình nghị sự là một trong những điểm mới của Hoa Kỳ trong những năm gần đây khi kỹ thuật phát triển và các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến. Trong bài phát biểu của mình, thượng nghị sĩ Chris Coons cho rằng “Những quốc gia giới hạn việc sử dụng hay kiểm soát Internet là từ chối quyền căn bản của người dân trong việc thể hiện quan điểm và giao tiếp”.
Ông khẳng định Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ những hoạt động kiềm chế Internet và cho biết Thượng viện sẽ bảo vệ tự do Ineternet trên toàn cầu và ủng hộ những nổ lực của Hoa Kỳ để thúc đẩy việc thể hiện quan điểm trên mạng. Đảm bảo quyền tự do kết nối được ông Chris Coons khẳng định sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.
Tính từ năm 2008, quốc hội Hoa Kỳ đã chi hơn 70 triệu đô la để hỗ trợ cho những chương trình thúc đẩy tự do Internet toàn cầu vì theo ông Chris Coons, “Tự do internet, là tự do trao đổi suy nghĩ, quan điểm và tự do tổ chức với mục đích chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo. Sự tự do này không nên bị giới hạn tại Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào”.
Hồi tháng 2 năm ngoái, bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Cliton đã có bài nói chuyện về tự do Internet và cho rằng chính phủ Mỹ sẽ chi thêm 25 triệu đô la để giúp đỡ các chương trình và các nhân vật bất đồng chính kiến nhằm chống lại sự kiểm duyệt Internet. Tính cho đến bây giờ, bà Hilary Clinton đã có ba bài phát biểu về tự do Internet, cho thấy chủ trương nhất quán của Hoa Kỳ trong việc đưa Internet vào chính sách đối ngoại.Ông Michael Posner cho biết có 3 điều sẽ được làm trong thời gian tới để thúc đẩy tự do mạng: “Cái thứ nhất là ngoại giao, cái thứ hai là ngoại giao công chúng, thứ ba là tiếp tục rót tiền vào những chương trình giúp Internet an toàn cho người sử dụng”. Trong đó, vị trợ lý Ngoại trưởng cho rằng vấn đề ngoại giao phải được nhiều chính phủ phối hợp thực hiện. Và đó là các chính phủ xem tự do Internet là một phần trong chương trình thúc đẩy nhân quyền.
Tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ cùng Hà Lan tổ chức một cuộc thảo luận với các quốc gia khác nhằm thành lập ra một nhóm các quốc gia cổ súy cho tự do Internet. Hiện tại đã có 17 nước tham gia vào khối này với nhiệm vụ là thúc đẩy thảo luận giữa chính phủ, công ty và các nhóm dân sự nhằm tìm ra giải pháp đối phó với việc kiểm soát Internet.
Tuy nhiên, theo ông Daniel Calingaert, Phó giám đốc các chương trình tại tổ chức Freedom House, ba điểm mà ông Micheal Posner trình bày chưa đủ để mang đến tự do Internet vì ngày càng có những thủ thuật tinh vi được dùng để kiềm chế và kiểm soát Internet.
Theo ông này, “Có hai vấn đề đưa ra mà tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ nên xem xét tới. Thứ nhất là áp dụng nguyên tắc của tự do ngôn luận vào thực tế. Thứ hai là ngăn chặn những công ty Hoa Kỳ và Châu Âu xuất khẩu những kỹ thuật mà các quốc gia khác có thể dùng để thực hiện đàn áp”.
Theo ông Daniel, phải làm cho mọi người hiểu một cách rõ ràng và cụ thể tự do Internet là gì trong thực tế và bao gồm những điểm cụ thể nào.
Tự do Internet tại Việt Nam
Tại buổi nói chuyện về tự do Internet hồi năm ngoái, bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Cliton tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy tự do Internet trên toàn cầu cũng như nêu đích danh một số quốc gia hạn chế Internet trong đó có Việt Nam. Tại buổi thảo luận về tự do Internet này, Dân biểu Chris Smith, người thường xuyên lên tiếng về tình hình Việt Nam, cũng nhắc lại rằng Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia kiểm soát Internet.Vị dân biểu này cùng một số dân biểu khác cũng nhiều lần đệ trình dự luật về tự do Internet toàn cầu cũng như đệ trình các dự luật, đạo luật liên quan đến nhân quyền Việt Nam. Tuy nhiên, những dự luật này chưa bao giờ được Thượng viện thông qua. Theo Dân biểu Chris Smith, “Những việc này nhằm làm cho các nhà hoạt động trên thế giới biết rằng Hoa Kỳ luôn đứng về phía họ”.
Hôm 6 tháng 4 vừa qua, bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đưa ra dự thảo mới về việc quản lý dịch vụ Internet và nội dung thông tin mạng. Theo đó, điều 5 của dự thảo nghị định này quy định rằng những người sử dụng Internet phải công khai tên thật. Dự thảo này cũng yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài hay các trang mạng xã hội như Google hay Facebook phải có máy chủ và văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dự thảo này được cho biết sẽ thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP và sẽ được ban hành trong tháng 6 tới.
Ngay sau khi được trình, dự thảo nghị định này đã bị Tổ chức Phóng viên Không biên giới (trụ sở tại Pháp) chỉ trích, nhấn mạnh rằng đây là cách thức tăng thêm các công cụ để chống lại những người bất đồng chính kiến. Tổ chức này cũng đặt Việt Nam vào danh sách 10 nước là “Kẻ thù Internet”, và nằm sau cả Miến Điện về tự do báo chí.
Tự do internet, là tự do trao đổi suy nghĩ, quan điểm và tự do tổ chức với mục đích chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo. Sự tự do này không nên bị giới hạn tại Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào.Ông Chris Coons
Trong tháng này, tổ chức Freedom House, có trụ sở tại Washington và Liên Minh Báo chí Đông Nam Á –SEAPA (tại Bangkok) cũng cho ra bản báo cáo hằng năm về tự do báo chí. Trong đó, theo sự xếp hạng của các tổ chức này, Việt Nam là một trong những quốc gia không có nền tự do báo chí.
Trả lời đài Á Châu Tự Do, trợ lý Ngoại trưởng Michael Posner cho biết, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã thảo luận với nhau nhiều vấn đề trong đó bao gồm cả vấn đề tự do Internet. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục những công việc này và nói rằng trong chuyến công du tới đến Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào tuần này, ông cũng sẽ đề cập đến vấn đề tự do Internet với phía chính phủ Việt Nam.
Video: Thế giới trong tuần 16-05-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét