10.5.12

VN tuyên chiến với bloggers bằng nghị định



Dự thảo nghị định mới để kiểm soát thông tin mạng và khống chế giới viết blog của chính phủ Việt Nam được nhà báo Cat Barton của AFP đánh giá trong bài viết hôm 9/5. BBC Tiếng Việt giới thiệu cùng quí vị để biết một góc nhìn từ truyền thông Pháp:

Khi cảnh sát cơ động dùng vũ lực để giải tán dân phản đối vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, Hưng Yên gần đây, một số bloggers tại Việt Nam đã nấp tại khu vực này để chụp ảnh, quay video và đưa lên mạng.
Truyền thông nhà nước không chiếu cảnh hàng ngàn cảnh sát
 cơ động cưỡng chế ở Văn Giang
Những hình ảnh này đã lan tỏa rất nhanh trên Facebook và là dấu hiệu cho thấy việc cộng đồng mạng thách đố nỗ lực kiểm soát Internet của các cơ quan chức năng.
"Họ theo bám tôi, họ theo dõi những gì tôi đang viết, họ theo dõi tất cả các blogger bất đồng chính kiến. Bất cứ điều gì họ có thể làm để sách nhiễu chúng tôi thì họ làm," một trong số các blogger đưa thông tin lên mạng vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4 cho biết.
Blogger muốn ẩn danh này nói thêm với AFP rằng, "Họ có nhiều người theo dõi thông tin trên mạng, báo cáo những gì họ không ưa và tìm cách gỡ thông tin xuống”.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam, quốc gia toàn trị, vào nhóm "kẻ thù của Internet", và nhà chức trách Việt Nam đang soạn thảo một nghị định mới về nội dung trực tuyến trong nỗ lực để chấn chỉnh cộng đồng blog ngày càng táo bạo tại đây.
Nghị định mới

Người dùng mạng tại VN nói thỉnh thoảng Facebook bị chặn.
Dự thảo nghị định có 60 điều mà AFP có trong tay bản tiếng Anh cấm "lợi dụng Internet" để phản đối chính phủ.
Nghị định này sẽ buộc các bloggers phải đưa tên thật và cách để liên lạc, yêu cầu các trang web thông tin muốn đưa bài lên phải có sự chấp thuận của chính phủ, và buộc các quản trị viên trang web này phải báo cáo bất kỳ hoạt động trực tuyến nào bị cấm cho nhà chức trách.
Nghị định này cũng sẽ tìm cách để buộc các công ty nước ngoài cung cấp dịch trực tuyến tại Việt Nam - như Facebook và Google hợp tác với chính phủ và có thể buộc họ phải đặt các trung tâm dữ liệu và văn phòng tại Việt Nam.
Nhưng trong khi một số nhà hoạt động và các chuyên gia thấy ngán ngẩm trước mối đe dọa của dự thảo nghị định này, thì những người khác nói rằng chính phủ đang tham chiến trong một chiến trận ắt sẽ thua trong nỗ lực theo dõi cộng đồng dùng mạng 30 triệu người tại Việt Nam.
"Bất kỳ kiểu áp đặt giới hạn nào sẽ chỉ dẫn tới các cách mới để đối phó với trở ngại nhằm vượt tường lửa"
Một blogger tại Việt Nam
"Bất kỳ kiểu áp đặt giới hạn nào sẽ chỉ dẫn tới các cách mới để đối phó với trở ngại nhằm vượt tường lửa", một blogger khác không muốn nêu tên cho biết.
"Người ta sẽ luôn tìm các cách mới và sáng tạo để truy cập vào các trang web bị cấm – tựa như họ đã làm khi truy cập vào Facebook (là trang lúc bị chặn lúc không ở Việt Nam)".
David Brown, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, từng làm nhiều chức vụ tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, nói rằng dự thảo nghị định là "không thể thực thi".
Trong trường hợp xấu nhất, nghị định có thể tạo điều kiện cho nhà chức trách qui kết blogger vi phạm, ông nói.
Tuy nhiên, ông Brown cho biết ông nghi ngờ rằng điều đó sẽ gây bất tiện cho Facebook hoặc Google (hoặc) thay đổi mối quan hệ hiện có giữa các blogger với chính phủ ".
Bất mãn chế độ

Blogger Nguyễn Xuân Diện có phong cách tường thuật ngay từ nơi xảy ra sự việc.
Người dùng Internet đang ngày càng bình luận nhiều các chủ đề nhạy cảm như tham nhũng, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự bất bình về quyền sử dụng đất đai, thường có sự liên kết với các cộng đồng có thái độ bất mãn.
Trong quá khứ, các nhà báo lập blog để phát tán thông tin không được đưa trên báo chí chính thống, nhưng "hiện tượng gần đây của các blogger tới tận nơi có các cuộc phản đối vì đất đai để tường thuật gần như trực tiếp là mới ", Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Úc cho hay.
Những trang tường thuật trực tiếp vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang của blogger Nguyễn Xuân Diện (sống tại Hà Nội) với hình ảnh và video cho thấy hàng ngàn cảnh sát cơ động cưỡng chế nông dân và đánh đập hai nhà báo xuống hiện trường để đưa tin, đã lan tỏa rất nhanh và tạo điều kiện cho việc đưa tin sâu rộng mặc dù trên thực tế vụ cưỡng chế này bị các cơ quan truyền thông của nhà nước làm ngơ.
Giáo sư Thayer nói rằng nghị định mới của Việt Nam là "một nỗ lực để theo kịp với thời thế".
"Nghị định mới kể như việc hù dọa buộc người ta phải tự kiểm duyệt nhiều hơn"
Phil Robertson, Human Rights Watch

“(Nghị định sẽ) siết chặt các những người bất đồng chính kiến trong nước và hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động của họ bằng cách để họ, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ, phải chịu trách nhiệm đối với thông tin được đưa lên hoặc lưu trữ trên Internet," ông Thayer nói.
Trong khi kiểm duyệt không phải là điều mới mẻ tại Việt Nam cộng sản, tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại New York (Human Rights Watch) nói rằng nhà chức trách Việt Nam "tăng cường đàn áp" những người bất đồng chính kiến vào năm ngoái.
Ba bloggers có tiếng, bao gồm cả một trường hợp được Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ nêu tên, hiện đang chờ ra tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh về tội "Tuyên truyền chống nhà nước".
Nếu được thực thi, các quy định mới "có thể dẫn đến việc chính quyền tùy tiện sách nhiễu nhiều hơn và bắt thêm người do họ đăng thông tin lên mạng và tựu chung kể như việc hù dọa buộc người ta phải tự kiểm duyệt nhiều hơn", ông Phil Robertson từ HRW nói với AFP.
Một blogger nữ muốn ẩn danh nói với hãng thông tấn này rằng động thái mới tạo ra thách thức lớn nhất với giới blogger tại Việt Nam cho tới nay.
"Nếu Nghị định được thông qua, nó sẽ tạo điều kiện cho công an cơ sở lý rất tốt để hủy diệt tự do ngôn luận," người này nói.

Góp Ý

Không có nhận xét nào: