10.6.12


Dân và công an đánh nhau giữa phố

NINH BÌNH (NV) - Hàng loạt vụ xô xát giữa người dân và công an giao thông thường xuyên thời gian qua cho thấy, chưa bao giờ “dân-quân cá-nước” ở Việt Nam choảng nhau dữ dội đến thế.
Vụ mới nhất được tung lên mạng công khai đang gây xôn xao dư luận tại Việt Nam mấy ngày qua. Theo tác giả quay được đoạn phim này thì sự việc xảy ra khoảng 11 giờ trưa ngày 10 tháng 6 tại đường Trần Hưng Ðạo, thành phố Ninh Bình.

VTC News dẫn lời của tác giả đoạn phim cho biết một người mặc sắc phục công an giao thông gắn quân hàm thiếu tá cỡi xe gắn máy rượt theo một chiếc xe vận tải chở gỗ mang số 18N-6376. Khi chuẩn bị dừng lại, không hiểu vô tình hay cố ý, tài xế để đầu xe mình quệt vào đuôi xe gắn máy hiệu Yamaha của ông công an giao thông. Có lẽ vì lẽ này, ông tài xế vận tải vừa bước xuống xe lập tức bị ông công an giao thông kẹp cổ, tát tay, nện dùi cui vào đầu và tuôn một tràng chửi bới tục tĩu...

Một thanh niên dùng vỏ chai bia tấn công công an giao thông để tẩu thoát. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)

Ðoạn phim dài khoảng 36 giây của người đi đường tình cờ ghi lại cho thấy ông công an còn cầm dùi cui nện vào đầu ông tài xế vận tải trong khi ông này không hề chống cự. Vài phút sau, cho đến khi một người khác cũng mặc sắc phục công an giao thông cộng sản Việt Nam mang lon trung úy ngăn cản thì ông thiếu tá mới chịu ngừng tay đánh đập ông tài xế.

Người ta chưa rõ đoạn sau của màn công an giao thông đánh dân bị bắt quả tang như kể trên.

Trong nhiều vụ khác, người dân tỏ thái độ chống lại mệnh lệnh của công an giao thông bằng cách ủi xe vào người họ, hoặc đánh trả. Mới đây là vụ một thanh niên ở Lạng Sơn cầm vỏ chai bia và dây xích tấn công, buộc hai công an giao thông phải lùi bước. Nhờ vậy, thanh niên này có đủ thời gian nhảy lên xe chạy mất.

Công an giao thông dùng dùi cui nện vào đầu một tài xế xe vận tải đang đứng chịu trận. (Hình: VTC News)
Báo Người Lao Ðộng tường thuật sự việc nói rằng thanh niên này không đội nón an toàn, bị hai công an giao thông thổi còi chận lại sáng ngày 8 tháng 6 tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Anh ta dừng xe rồi đột ngột đập vỡ chai bia, dùng hai mảnh chai nhọn hoắt tấn công hai ông công an giao thông.

Một số nhân chứng nói rằng lúc đó rất đông người hiếu kỳ bu lại coi. Tuy nhiên, không ai nhào vô can thiệp để tỏ thái độ bênh vực hai ông công an giao thông mặc dù bất bình trước thái độ hung hăng của thanh niên nọ.

Anh thanh niên sau đó phóng xe lên chạy thoát. Nghe đâu cuối cùng anh thanh niên hung hăng cũng đã bị bắt về tội “chống người thi hành công vụ.”

Trước đó, ngày 7 tháng 6, hai cha con ông Vũ Xuân Hiền 54 tuổi và Vũ Xuân Hùng 19 tuổi, cư dân quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tấn công một công an giao thông rượt bắt mình vì tội vượt đèn đỏ. Ông Hiền dùng chiếc nón an toàn làm vũ khí, đập vào mặt khiến ông công an giao thông “tối tăm mặt mũi” đến nỗi phải vào bệnh viện cứu cấp.

Trước đó nữa, ngày 31 tháng 5, tại huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hai phụ nữ tên Nguyễn Thị Hồng 39 tuổi và Trương Thị Mỹ Lệ ngồi xe ôm không đội nón an toàn cũng đã tấn công công an giao thông đòi giữ xe. Tin nói rằng một ông công an giao thông đã chận người lái xe ôm là ông Phạm Văn Trung lại để kiểm soát giấy tờ và đòi giam xe. Năn nỉ “xin thông cảm” hoài không được, bà Hồng tức mình dùng gạch ở lề đường đánh vào đầu ông công an giao thông tên Lý Hồng Quang. Ngay tại đây, bà Mỹ Lệ nghe ông đại úy công an giao thông Ðặng Hữu Thắng đòi bắt bà Hồng cũng lập tức dùng gạch toan tấn công ông này.

Hôm 24 tháng 5 vừa qua lại là vụ công an giao thông đánh một phụ nữ ngồi sau xe gắn máy không đội nón an toàn bằng dùi cui làm bà này ngất xỉu. Vụ này xảy ra tại tỉnh Hưng Yên. Nạn nhân là bà Lê Thị Thủy 28 tuổi sau đó được đưa vào bệnh viện cứu cấp.

Trước đó nữa là vụ ông Ðàm Ích Thuận, cư dân Sóc Sơn, Hà Nội lái xe vận tải vượt đèn đỏ và ủi vào hai công an giao thông thổi còi chận bắt. Hai ông công an bị hất lên nắp ca pô xe hơi bị thương nhẹ.

Hồi tháng 3 năm 2012 cũng xảy ra vụ một tài xế lái xe du lịch Honda Civic hất một công an giao thông lên nắp ca pô. Vụ này xảy ra tại quận Ðống Ða, Hà Nội ngày 12 tháng 3.

Theo dư luận, các vụ xung đột giữa người dân và công an giao thông xảy ra tại Việt Nam mỗi lúc một thường xuyên cho thấy sự chống đối lẫn nhau ngày càng trầm trọng. Mặt khác, các vụ đụng độ này cũng cho thấy người dân không ngại dùng bạo lực để chống trả khi họ cho rằng mình đã bị áp chế quá mức.

Không có nhận xét nào: