26.6.12

Trung Quốc bị tố cáo trục xuất người Miến Điện tỵ nạn



Khu trại của người tỵ nạn Miến Điện ở Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam Trung Quốc, giáp giới với Miến Điện. Ảnh chụp ngày 09/02/2012.
Khu trại của người tỵ nạn Miến Điện ở Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam Trung Quốc, giáp giới với Miến Điện. Ảnh chụp ngày 09/02/2012.
REUTERS/Wong Campion

Tú Anh
Nhiều người dân Miến Điện thuộc sắc tộc Kachin chạy sang tỉnh Vân Nam tránh bom đạn đã bị Trung Quốc đuổi về nước. Những người được ở lại thì sống trong điều kiện « tuyệt vọng ». Ngày 26/06/2012, hiệp hội nhân quyền Mỹ Human Rights Watch kêu gọi Bắc Kinh để cho các tổ chức phi chính phủ đến tận nơi trợ giúp cho nạn nhân chiến cuộc.

Theo AFP, xung đột võ trang giữa quân đội chính phủ Miến Điện và lực lượng nổi dậy Kachin ở cực bắc Miến Điện đã làm cho 70.000 dân làng phải đi lánh nạn. Trong bản báo cáo mang tên « Những người bị cô lập tại Vân Nam » công bố hôm nay, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch thẩm định là có từ 7.000 đến 10.000 dân Kachin vượt biên giới sang tạm trú tại Vân Nam, Trung Quốc.
Tại biên giới, người Kachin bị chính quyền Trung Quốc sử dụng nhiều hình thức « thanh lọc » tùy tiện vi phạm nhân phẩm con người với mục đích là làm tiền. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp « xét nghiệm » ma túy có kết quả xác nhận, người tỵ nạn bị đuổi trở lại Miến Điện.
Theo Phụ tá Giám đốc Human Rights Watch đặc trách vùng châu Á, Phil Robertson, tình trạng người tỵ nạn Kachin là « một cuộc khủng hoảng nhân đạo ». Ông tố giác Trung Quốc, thành viên của Hiến chương quốc tế về người tỵ nạn, đã làm ngơ « không trợ giúp người Kachin mà cũng không cho nhân viên Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đến Vân Nam thăm viếng và cứu trợ các nạn nhân ».
Tổ chức nhân quyền Mỹ kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng bổn phận và chữ ký của chính mình trong các hiệp ước quốc tế, cam kết thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của người tỵ nạn và không trục xuất họ về vùng có chiến sự.
Từ khi tiến hành chính sách cải cách, chính quyền Miến Điện đã ký kết thỏa ước ngưng bắn với nhiều nhóm sắc tộc võ trang, nhưng vẫn chưa tìm được một giải pháp hòa bình với người Kachin.
TAGS: ASEAN - CHÂU Á - MIẾN ĐIỆN - NHÂN QUYỀN - TRUNG QUỐC - TỴ NẠN

Không có nhận xét nào: