Những hoài niệm tai hại
Trần Trường Sa (Danlambao) - Ngày xưa, khi còn học ở cấp tiểu học, tôi được học những câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là những câu tục ngữ mà thông thường người ta dùng để giáo dục lòng biết ơn của hậu thế đối với tiền nhân, của người sử dụng với người làm ra sản phẩm. Từ “nhớ ” trong hai câu tục ngữ trên được hiểu là “tưởng nhớ”, “nhớ ơn” (gần như từ “miss” trong tiếng Anh). Nhưng chính sự “nhớ” ấy đôi khi lại gây phiền toái cho xã hôi, biến hậu thế thành một lớp người nô lệ quá khứ; làm cho xã hội lặng câm, không dám phê phán cái dở, cái lạc hậu vì nể nang nhau. Tôi còn nhớ, ngày trước, mỗi lần về quê, tôi thường phê phán những tật xấu của mấy người bà con nông dân như: khi đi làm đồng về, trước khi đi ngủ không rửa chân; trẻ em hiếm khi được cha mẹ tắm rửa, có khi chơi mệt rồi nằm ngũ giữa nền nhà (đất). Thế là mẹ tôi thường mắng “Ai làm ra hạt gạo cho mày ăn mà phê với phán”.
Người phương Tây có lẽ không giáo dục con người “nhớ” như ta; nhưng luật của họ lại buộc con người phải “nhớ biết” nhiều thứ; không chỉ cái mình ăn, mình dùng mà cả cái mình dùng cho việc sản xuất hàng hóa. Một xưởng mộc phải biết gỗ mình mua có xuất xứ từ đâu, khai thác ở khu rừng nào? Họ phải biết để bảo vệ rừng không bị tàn phá bởi bọn lâm tặc. Cho nên nếu có những câu tục ngữ như ta thì của họ phải là “Ăn quả biết kẻ trồng cây”, “Uống nước biết nguồn”.
Tôi nghỉ rằng, chúng ta nên hiểu từ “nhớ” ở hai câu tục ngữ trên là “ghi nhớ” (gần như từ “remember” trong tiếng Anh) thì tốt hơn. Bởi vì, trồng cây là nhiệm vụ xã hội của người nông dân, họ có nhiệm vụ phải trồng ra quả ngon, quả ngọt (và ngày nay thì còn phải là quả sạch, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng như bọn Tàu); người ăn quả “nhớ” kẻ trồng cây thì người trồng cây phải “nhớ” người ăn quả đã tiêu thụ sản phẩm của mình. Còn nơi không có nước chảy ra thì chẳng phải là nguồn, cho nên ta phải “ghi nhớ” nguồn nước nào là nguồn nước ngon, nước sạch để bảo vệ chúng, dành lại cho con cháu sử dụng lâu dài. Nhà văn Dương Thu Hương, trong một đại hội nhà văn có nói đại ý : “Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến thì Đảng giáo dục nhân dân biết ơn Đảng là phải lẽ; nhưng Đảng quên không giáo dục Đảng biết ơn nhân dân đã cưu mang, đùm bọc, nuôi nấng Đảng qua hai cuộc kháng chiến cho nên Đảng trở nên hư hỏng”. Xã hội có hiểu biết qua lại lẩn nhau thì mới phát triển được. Còn xã hội đòi hỏi mọi người phải chịu ơn lẩn nhau thì khó có thể tiến bộ. Cái vòng luẩn quẩn “ơn qua, nghĩa lại” cứ ràng buộc và làm khó lẫn nhau giữa người với người trong xã hội. Không ai dám mở miệng hay nói thẳng vì sợ “nói thật, mất lòng”; sợ mang tiếng “phản bội” người đi trước dù người đi trước có lắm công nhưng nhiều tội. Ai nói ra sự thật tội lỗi của một người hay một nhóm người đã có chút công lao cho xã hội liền bị tẩy chay, xem như kẻ phản bội. Vì thế, việc chia tay giữa nhà văn Dương Thu Hương với Đảng là một điều tất yếu.
Ý tưởng này thực ra chả mới mẻ gì, nhưng lạ là có khá nhiều người (kể cả người có học thức) không dung nạp được. Cách đây hơn 2000 năm tại Trung Hoa, Mặc Tử đã đề ra thuyết “kiêm ái” chủ trương yêu tất cả mọi người như nhau, không phân biệt vua quan hay dân thường, người ban ơn hay người xa lạ... Thuyết này đụng chạm đến quyền lợi của vua quan và nho sĩ nên lập tức bị Khổng Tử cho là “vô phụ”. Bạn thử xét tình huống này xem! Ngày trước gia đình bạn có nhận được sự giúp đỡ của một nhà hàng xóm, cụ thể là hay cho nhà bạn mượn tiền khi bạn đang học đại học. Bây giờ bạn làm hiệu trưởng một trường trung học cơ sở. Nhà kia có một đứa cháu học cực dốt, người ta nhờ bạn sửa điểm để cháu họ có thể vào một trường trung học phổ thông tốt hơn. Bạn chưa bao giờ làm việc xấu xa này; nếu nay bạn làm thì cũng chả ảnh hưởng gì tới cương vị của bạn cả, bởi vì ông hiệu trưởng tiền nhiệm thường làm như thế mà nay ông ta đã lên trưởng phòng giáo dục huyện (cấp trên của bạn). Nếu bạn không chịu giúp theo ý họ, điều gì sẽ xảy ra? Ít nhât 50% số người biết chuyện này sẽ cho bạn là người “vô ơn”. Ít ai chịu xem sự “trả ơn” này là cội nguồn của lắm sự suy thoái trong ngành giáo dục và đạo đức xã hội. Khổ nỗi, người thích “đạo đức giả”, đạo đức tức thời thực dụng trước mắt thì nhiều; nghĩ tới đạo đức lâu bền, đạo đức với cả cộng đồng thì chả có mấy người! Có người có nghĩ tới, nhưng lại cho là “phương Đông ta nó thế” không thay đổi được! Vậy, ta tự hạ thấp giá trị, ý chí của dân mình hay sao!?
Trước khi dân ta chịu sự nhồi sọ của cộng sản thì cha ông ta ngàn năm trước đã chịu sự nhồi sọ của đạo Nho, nay gặp chủ nghĩa cộng sản lại là một thứ chủ nghĩa phong kiến bậc thầy hỏi làm sao dân ta thoát vòng nô lệ cho được!? Đang lúc nhà nước cộng sản suy tàn, nhà cầm quyền ra sức tuyên truyền “đền ơn đáp nghĩa” hòng gợi lòng thương nhớ của người dân với quá khứ (mà họ cho là) “hào hùng” của Đảng nhằm khỏa lấp đi những tội lỗi mà họ đang gây ra cho dân tộc: nạn tham nhũng tràn lan; đối ngoại đớn hèn, nhân nhượng ngoại bang làm mất cả dấu tích lịch sử (Ải Nam Quan); để bọn giặc Tàu tung hoành trên Biển Đông của ta như chỗ không người; đàn áp, bỏ tù người yêu nước; làm tha hóa, nô dịch thế hệ trẻ; làm suy kiệt cả nền kinh tế lẫn ý chí, sức sáng tạo của toàn dân tộc... Toàn dân bị ru ngủ bởi thứ hoài niệm “mang ơn”.
Lịch sử đã phơi bày những cái giá đắt đỏ cả dân tộc đã phải trả cho thứ hoài niệm “mang ơn” này nhưng cũng chưa thức tỉnh nổi những đầu óc nặng tình phong kiến của người dân mà bị giới cầm quyền và nho sĩ (ngày xưa), lãnh đạo và bọn ngụy trí thức (ngày nay) lợi dụng để làm giàu, tạo nên những “nhóm lợi ích” (thực chất là những bầy sâu) đục khoét xã hội.
Người dân thương nhớ khôn nguôi triều đại nhà Trần với 3 lần đánh đuổi Nguyên Mông, gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm để mở mang bờ cõi về phương Nam, tôn sùng đạo Phật, người dân no ấm, vua quan hiền hòa hơn nửa thế kỷ. Cho nên cuối đời Trần, vua quan nhu nhược chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, thậm chí xuất hiện cả một nhóm bán nước vây quanh Trần Ích Tắc, người dân vẫn mang lòng hoài niệm “mang ơn”. Chẳng ai nhớ những tội lổi của nhà Trần: tận diệt hoàng thất nhà Lý, bắt người họ Lý đổi sang họ Nguyễn, theo lệ loạn luân kết hôn đồng huyết trong hoàng tộc nhà Trần... và hơn cả là những tội lỗi do các vua quan cuối triều Trần đang gây ra. Người dân vẫn không ủng hộ nhà Hồ dù đó là một triều đại tiến bộ, lật đổ một triều đại suy tàn (bằng biện pháp hòa bình). Hậu quả là cả dân tộc phải trải qua 20 năm nô lệ giặc Tàu, để cho chúng “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”. Chỉ khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh lập nên nhà Hậu Lê thì dân chúng mới cho là “chính danh”. Còn Hồ Quý Ly dẹp bọn quan hèn - vua tồi cuối triều Trần vẫn bị coi là “ngụy triều” ! Hơn 600 năm trôi qua, tư duy dân Việt về chuyện này chưa thay đổi mấy, thế mới thấy sức nặng ngu dân của đạo Nho và đạo cộng sản thực ghê gớm.
Sau khi đuổi giặc ngoại xâm, người dân Việt an hưởng no ấm, thái bình khoảng nửa thế kỷ thì kịch bản cũ cũng lập lại. Người dân không chịu chấp nhận nhà Mạc thay thế những ông vua tàn ác cuối triều Hậu Lê mà chính họ gọi là vua quỷ, vua lợn. Đấy là cái lý do buộc Mạc Đăng Dung chấp nhận dâng 16 động ở biên thùy cho giặc cướp để không xảy ra chuyện “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” một lần nữa. Nhưng than ôi! Cái giá phải trả là gần 300 năm đất nước chia cắt, huynh đệ tương tàn, hàng vạn sinh linh đã phải hy sinh chỉ để suy tôn những ông vua bù nhìn đời Lê Trung Hưng. Đất nước suy vong chẳng còn sức đề kháng khi giặc Pháp tràn vào.
Hai bài học đắng cay trên vẫn chưa làm dân ta tỉnh ngộ! Triều đại cộng sản cậy công đuổi Pháp, thắng Mỹ độc quyền cai trị dân ta; áp dụng học thuyết cộng sản hoang đường đưa nền kinh tế đất nước xuống hố sâu vực thẳm. Đến lúc tại quê hương cộng sản, người ta đã tỉnh ngộ mà nói lời từ biệt với cái học thuyết tai ác này. Đảng vẫn lỳ lợm theo đuổi bằng cách bóp méo kiểu nọ kiểu kia làm cho hình hài cộng sản hiện nay trở nên quái gở đến độ nếu ông Mác sống dậy cũng chẳng thể nhận ra đứa con của mình! Xã hội ly loạn, đạo đức băng hoại, ngoại bang hiếp đáp... Vậy mà, dân ta vẫn lắm người tiếc nuối nhớ thương cái thời cộng sản mà họ cho là chân chính?! Những con người trí thức từng theo cộng sản sớm nhận ra điều này như Nguyễn Hộ, Huỳnh Ngọc Tấn, Huỳnh Ngọc Hải... quá ít ỏi. Nhọc công ông Hà Sỉ Phu phải chẩn bệnh cho chủ nghĩa Mác rồi mới nói lời “chia tay với ý thức hệ” đến nay đã hơn 20 năm mà cái chủ nghĩa hổ lốn này vẫn chưa chịu buông tha dân tộc Việt. Nhọc công cụ Phan Chu Trinh quyết “khai dân trí, chấn dân khí”, đem nền “cộng hòa pháp trị” khai sáng dân ta đã gần một thế kỷ mà vẫn chưa đánh bật được cái tư tưởng “đức trị sùng bái cá nhân” vốn tiêm nhiễm đã hai ngàn năm có lẻ, căn bệnh trầm kha của dân tộc đã đến hồi di căn.
Than ôi! Rùng mình mà nghỉ đến “kịch bản thứ tư” mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói ra trong bài “Ba kịch bản thay đổi cho Việt Nam” theo ý kiến nhiều người là kịch bản dể xảy ra nhất! Đừng đổ lỗi cho ai! Căn cơ dân tộc chưa thay đổi được thì một lần nữa lịch sử lại phải ghi nhận một bài học thương đau vậy! Một lần “nhớ” nhà Trần, một lần “nhớ” nhà Lê, lần này nữa “nhớ” nhà Sản là ba lần. Mong sao đừng “quá tam ba bận”, sau lần này con cháu chúng ta đừng “nhớ” nữa thì mới tạo dựng được một cuộc sống hạnh phúc lâu bền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét