Kinh tế Việt Nam khó ra khỏi khủng hoảng
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài : “Việt Nam khó thoát khỏi khủng hoảng”. Tờ báo ghi nhận, năm 2012, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là ở mức thấp nhất kể từ năm 1999. Năm 2013 cũng không sáng sủa hơn. Theo một số chuyên gia, tương lai của nền kinh tế, có nhiều thế mạnh này, cần phải dựa trên một chiến lược dài hạn, chứ không phải một chiến thuật “được đến đâu, hay đến đấy”. (Trọng Thành phóng viên RFI điểm báo)
Les Echos mở đầu bài viết với nhận định, so với các nước láng giềng, Việt Nam khó hơn nhiều trong việc đưa nền kinh tế trở lại với nhịp độ tăng trưởng của thập niên vừa qua. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2012 (5,03%) là thấp nhất kể từ năm 1999, được coi là năm trì trệ nhất với tăng trưởng 4,77%.
Dự kiến trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng cũng sẽ không cải thiện ; theo một số dự báo chính thức, tăng trưởng chỉ là 5,2% so với 6,5% theo dự tính ban đầu. Cùng lúc đó, đầu tư nước ngoài cũng giảm xuống 14% (12,7 tỷ đô la).
Một chuyên gia tóm lại tình hình hiện nay như sau : “Các ngân hàng không cho vay nữa, các doanh nghiệp không đầu tư, các gia đình không tiêu thụ và không còn mua nhà nữa”. Một nguyên nhân của tình trạng này là nạn lạm phát, với đỉnh cao là 23% vào tháng 8/2011, trước khi giảm xuống còn 7,8% vào tháng 11/2012, theo các thống kê của chính quyền.
Kể từ tháng 9/2012, một công ty thẩm định tài chính đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam, do tình trạng nợ xấu phổ biến. Cuối tháng 9 này, nợ xấu ước tính chiếm 8,82% tổng số tín dụng. Tình trạng này khiến IMF và Ngân hàng Thế giới phải tính đến việc tiến hành một cuộc kiểm toán đầu tiên đối với hệ thống tài chính Việt Nam. Dù chưa có phán quyết của hai định chế tài chính quốc tế, ngân hàng trung ương Việt Nam đã đưa ra chủ trương giảm một nửa số “nợ xấu” trong năm 2013. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 7% trong năm 2012, so với 32% vào năm 2010 và 12% vào năm 2011.
Một trong các biện pháp về tiền tệ của Hà Nội là giảm lãi suất chỉ đạo xuống còn 9%, vào tháng 12 năm ngoái so với 15 hồi đầu năm.
Theo Les Echos, khả năng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trở lại không phải là ngoài tầm tay, tuy triển vọng này là còn xa. Một điều mang lại sự hài lòng là trong năm qua hàng Việt Nam được xuất khẩu nhiều hơn, với 114,6 tỷ đô la, có nghĩa là tăng 18%. Lần đầu tiên Việt Nam có được thăng dư thương mại kể từ năm 1992.
Ngân hàng phát triển Châu Á ghi nhận, nền kinh tế Việt Nam không ít thế mạnh, với “một dân cư trẻ tuổi, nhiều tài nguyên, đất nước 90 triệu dân này mang lại nhiều cơ hội, trong con mắt của các nhà đầu tư”. Điều quan trọng là, cần phải điều hành nền kinh tế với một chiến lược dài hạn, chứ không phải một chiến thuật “được đến đâu, hay đến đấy”, như điều thường xẩy ra tại khu vực này.
Cũng trong chùm bài về kinh tế Châu Á của Les Echos có bài “Khu vực các nước Châu Á đang nổi lên : Sự hồi phục còn mong manh”. Les Echos dự đoán, ngoại trừ một tai biến có thể xảy ra, khu vực kinh tế (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia…) với 28% GDP toàn cầu, khó có thể bị thụt lùi hơn nữa. Theo dự đoán của COE-Rexecode, tăng trưởng của khu vực này có thể là 6,3% trong năm 2013. Tuy nhiên, các dấu hiệu của sự phục hồi còn chưa được xác định rõ. Nhìn chung, Trung Quốc vẫn được coi là đầu tầu kinh tế của khu vực. Mà để tiếp tục tăng trưởng, Bắc Kinh cần phải giảm được các bất bình đẳng xã hội và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư.
Les Echos cũng không quên giới thiệu chiến lược phục hồi mới của cường quốc công nghiệp Nhật Bản qua bài “Bất chấp nợ nần, Nhật Bản vẫn chuẩn bị một kế hoạch chấn hưng mới”. Trong dự thảo ngân sách bổ sung được biết đến vào tối qua, Tokyo có thể chi thêm khoảng 5.000 tỷ yen (tương đương 43,4 tỷ euro), cho các công trình công cộng lớn, chiếm gần một nửa tổng số 105 tỷ euro bổ sung so ngân sách.
Làn sóng phản kháng chính quyền tại Quảng Đông – Trung Quốc
Về Trung Quốc, La Croix có bài đáng chú ý “Uy quyền của nhà nước Trung Quốc bị phản đối tại Quảng Đông”. La Croix nhấn mạnh đến sự phản đối trước việc bài xã luận đầu năm mới của tờ tuần báo Nam Phương Chu Mạt, một tờ báo được coi là cởi mở nhất tại Trung Quốc, bị cơ quan tuyên huấn địa phương kiểm duyệt.
Dưới tựa đề “Giấc mơ của Trung Quốc, giấc mơ về một chính thể thượng tôn hiến pháp”, xã luận tuần báo Nam Phương Chu Mạt kêu gọi chính quyền tôn trọng hiến pháp của Trung Quốc, bảo vệ các quyền tự do căn bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận thường xuyên bị chà đạp tại quốc gia này. Bài xã luận kể trên đã bị rỡ bỏ, thay vào là hai bài viết khác. Ngay ngày hôm sau, một làn sóng phản đối bùng lên chống lại việc kiểm duyệt này và yêu cầu lãnh đạo ban tuyên huấn tỉnh Quảng Đông phải từ chức.
Ngày hôm qua, các thành viên ban biên tập tuần báo quyết định đình công, trong khi hàng trăm người tập hợp biểu tình ủng hộ trước trụ sở báo. Trên thực tế, từ một tuần nay, trên các mạng xã hội, đã xuất hiện cả một làn sóng phản kháng chưa từng có, mà hệ thống kiểm duyệt đã không thể ngăn chặn nổi. Các nhà báo Nam Phương Chu Mạt đã nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp và nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có ngôi sao điện ảnh Diêu Thần ( Yáo chén), được hơn 31 triệu người hâm mộ trên trang mạng nổi tiếng “Vi bác” (Weibo).
La Croix nhấn mạnh đến tính chất độc lập tương đối của Quảng Đông, qua câu thành ngữ “Núi cao, còn vua thì ở xa”. Truyền thống này của Quảng Đông đã có từ lâu đời, đặc biệt được tăng cường do việc nằm ngay sát Hồng Kông, mảnh đất của tự do ngôn luận, cũng như tự do hội họp biểu tình.
La Croix nhắc lại tính chất đi trước của Quảng Đông so với phần còn lại của Trung Quốc, qua sự kiện cuộc cách mạng 1911, dẫn tới sự ra đời của nền Cộng hòa đầu tiên tại Trung Quốc, việc Quảng Đông đi đầu trong các cải cách kinh tế cách đây 30 năm. Trong 5 năm gần đây, dưới quyền lãnh đạo của bí thư Uông Dương, tại Quảng Đông đã có nhiều thay đổi quan trọng : như việc mở ra cuộc bầu cử địa phương “dân chủ” đầu tiên tại làng Ô Khảm nổi tiếng, việc tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ được thành lập dễ dàng…
Hiện tại, theo La Croix, chưa biết trong tương lai vụ này sẽ đi đến đâu. Theo nhà xã hội học Tôn Lập Bình (Sūn Lì Píng), đại học Thanh Hoa, chính quyền Trung Quốc thường không nhân nhượng trước các đòi hỏi của xã hội, vì sợ tạo ra một tiền lệ. “Nếu lần này họ nhân nhượng – nhà xã hội học khẳng định trên trang mạng cá nhân – điều đó có nghĩa là chúng ta đang ở vào thời điểm bình minh của cuộc cải cách chính trị”.
Trung Quốc muốn chấm dứt hệ thống trại “lao cải”
Cũng về Trung Quốc, Le Figaro có bài : “Trung Quốc rung chuông báo tử hệ thống trại cải tạo lao động”. Tin về sự chấm dứt hệ thống nhà tù đặc biệt của Trung Quốc trong năm nay đã được chính Tân Hoa Xã loan báo. Hệ thống này “cần phải được vứt vào sọt rác của lịch sử” là ngôn từ đã được phóng viên sử dụng để bình luận về thông báo của ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), một ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Ủy ban Chính-Pháp, đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kể từ tháng 9/2012, chính quyền Trung Quốc đã thí điểm thay các trại lao cải bằng các trung tâm giáo dục tại bốn thành phố lớn.
Được thành lập dưới thời Mao cuối thập niên 50, chủ trương của Mao Trạch Đông lập trại lao cải vào thời đó là nhằm đàn áp những người mắc các tội nhỏ và những “kẻ gây rối”, đặc biệt là các trí thức. Từ đó đến nay 50 triệu người Trung Quốc đã bị đưa vào hệ thống nhà tù trá hình này. Hiện tại, tồn tại khoảng 350 trại trên khắp Trung Quốc, giam giữ tổng cộng khoảng 160.000 người. Còn theo tổ chức Laogai Research Foundation, do một cựu tù nhân Trung Quốc sáng lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, thì có đến hơn 1.000 trại tại Trung Quốc. Việc bắt người đưa vào trại lao cải hoàn toàn không tuân thủ các trình tự pháp lý hiện hành. Tháng 8/2012, chính Tân Hoa Xã công bố số liệu một thăm dò dư luận trên internet, theo đó, 87% người tham gia muốn hủy bỏ hệ thống lao cải.
Nhật Bản thừa nhận phải có “cái nhìn chân thực về lịch sử” thời đế quốc
Về chính trị Nhật Bản, báo Le Monde có bài : “Tại Nhật Bản, ông Abe muốn viết lại lịch sử thời đế quốc”. Quyết định của chính phủ Shinzo Abe xem xét lại thái độ của Nhật đối với quá khứ đế quốc, gây lo ngại rằng căng thẳng giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul sẽ trở lại.
Trong tuyên bố ngày 04/01, người phát ngôn của chính phủ Nhật khẳng định công nhận tuyên bố năm 1995 của thủ tướng Murayama, bày tỏ “sự hối hận sâu sắc” và “lời xin lỗi từ đáy lòng” về các tội ác của phát xít Nhật. Tuyên bố này đã được các chính phủ tiếp theo công nhận.
Tân chính phủ Nhật cũng có thái độ tương tự với tuyên bố 1993, thừa nhận việc sử dụng hàng vạn phụ nữ Trung Quốc, Hàn Quốc… làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến 2. Tuy nhiên, tuyên bố này không đi kèm với việc Nhà nước Nhật có chính sách bồi thường. Chỉ có một hiệp hội tư nhân chuyển tiền cho một số nạn nhân. Khi lên đứng đầu chính phủ năm 2006-2007, ông Abe đã từng khẳng định không có “bằng chứng chắc chắn” về vấn đề này. Sau khi ông Abe trở lại chức thủ tướng, 26/12/2012, người phát ngôn của chính phủ Nhật nói, “nên có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà sử học” để nghiên cứu vấn đề này.
Đặc phái viên của tân thủ tướng Nhật, trong cuộc gặp tân tổng thống Hàn Quốc ngày 04/01, nhấn mạnh là hai nước cần phải “có một cái nhìn chân thực về lịch sử”. Cuộc gặp trên trên diễn ra hôm sau ngày bà Hwang Kum-ju – 92 tuổi – qua đời. Đây là một trong số 58 phụ nữ, phải phục vụ trong các nhà chứa của quân đội Nhật, hiện còn sống.
Côn trùng : Thực phẩm của tương lai
Báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề “Các côn trùng sắp có mặt trên bàn ăn của chúng ta”, khẳng định xu thế thực phẩm từ côn trùng sẽ dần dần thay thế các gia súc trong việc cung cấp protein cho loài người.
Theo một chuyên gia, với 20 tỷ gia súc, tức gấp 2 lần số vật nuôi trong những năm 1980, nền chăn nuôi hiện tại đã đạt đến các giới hạn chịu đựng đối với hành tinh chúng ta. Từ đây đến 2050, dân số toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 2 tỷ. Để có được các protein mà cơ thể không tự tổng hợp được, bên cạnh thịt gia súc cần phải có các nguồn cung cấp mới. Đậu tương, với thành phần gần với thịt động vật, và các cốc loại không cung cấp đủ dưỡng chất cho nhu cầu nhân loại.
Như vậy, côn trùng, được phát hiện như là các loài động vật có hàm lượng protein cao hơn bất cứ loại thịt nào, giàu khoáng chất và vitamine. Theo nhà côn trùng học Marcel Dike, các côn trùng sinh sôi nảy nở dồi dào, nhưng lại thải ra rất ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Côn trùng, như vậy sẽ là một nguồn protein quan trọng trong tương lai.
Hiện tại, côn trùng đã được khoảng 2 tỷ cư dân tiêu thụ thường xuyên. Vấn đề chủ yếu vẫn là phải tìm ra cách để chế biến được các thực phẩm từ côn trùng hấp dẫn với khẩu vị của con người đương đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét