10.1.13


ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐANG ĐOẠT LẠI ĐẠI QUYỀN TỪ TAY NHÀ CẦM QUYỀN HÀ NỘI

Thực hiện nghị quyết của Hội Nghị Trung Ương 5 của Đảng Việt Cộng, ngày 28/12/2012, Bộ Chính Trị Việt Cộng đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Nội Chính Trung Ương với Nguyễn Bá Thanh ủy viên trung ương đảng, thành ủy Đà Nẵng làm Trưởng Ban, và Ban Kinh Tế Trung Ương với Vương Đình Huệ, ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng Tài Chánh làm Trưởng ban.

Đặc biệt Hội Nghị Trung Ương 5 khoá XI, hồi tháng 5/2012, Ban Chấp Hành Trung Ương đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng, Chống Tham Nhũng, trực thuộc Bộ Chính Trị do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban. Thay cho Ủy Ban Chống Tham Nhũng do Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban. Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng Chống Tham Nhũng của Bộ Chính Trị lại đã được Quốc Hội bù nhìn Hợp Pháp Hoá với tuyệt đại đa số bỏ phiếu thuận. Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội sau cuộc họp Quốc Hội rằng: “Lý do phải lập lại Ban Nội Chính Trung Ương và Ban Kinh Tế Trung Ương, dù vừa được giải tán, là vì đã sinh ra quyền lực thì phải có cơ quan giám sát quyền lực ấy”. Thế rồi sắp tới đây Hiến Pháp sửa đổi được ‘giả vờ’ đưa ra trưng cầu dân ý. Nhưng vẫn giữ nguyên điều 4 cho đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo. Thế là bao nhiêu hy vọng về Đổi Mới đều trở thành Không!
Biết rằng, trong thời kỳ Đảng nắm cực quyền, ở Ban Bí Thư Đảng trước đây đã từng có Ban Nội Chính, Ban Kinh Tế để chỉ đạo cho 2 ngành Luật Pháp, An Ninh, và Kinh Tế, Tài Chánh cho Chính Phủ, có lẽ, vì muốn cho chính phủ danh chính, ngôn thuận, rộng quyền giao dịch với thế giới, nên do nhu cầu ngoại giao quốc tế, đảng đành phải giải tán 2 cơ chế đầy quyền lực này của đảng. Đây là thực tế ngoại giao buộc Việt Cộng phải tăng rộng quyền cho chính phủ và trao Đại Quyền vào tay Thủ Tướng, khi chưa thể đổi cơ chế Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước như Trung Cộng. Nhưng, thật đáng buồn cho Việt Nam, với Nguyễn Tấn Dũng tuy có Đại Quyền, mà không có Đaị Chí, Đại Tài, Đại Đức của một nhà lãnh đạo biết lo cho Dân, cho Nước, trong thời Đổi Mới. Để nhân đó thực hiện  Dân Chủ Hoá chế độ. Nguyễn Tấn Dũng chỉ biết dùng đại quyền để thâu tóm quyền lực chính trị cá nhân và hệ thống kinh tế gia tộc, tạo ra các ‘Nhóm Lợi Ích’. Vì dốt nát, tham lam, thiển cận, nên đã mở đường cho những công ty Quốc Doanh Tham Nhũng thành lập các Tổng Công Ty ăn cướp như Vinashin, Vinalines và các nhà Bank ăn cắp trá hình tràn lan, khiến cho nền kinh tế còn ăn đong trong thời mở cửa của một chế độ độc tài, nổi tiếng tham nhũng, với hệ thống, luật pháp bất minh, tùy tiện, chưa tạo được niềm tin với giới đầu tư quốc tế. Hơn nữa, thường xuyên bị Trung Cộng đe dọa thôn tính, mà trong khi đó, nền Kinh Tế lâm vào tình trạng phá sản, Lòng Dân bất an, Thế Nước chênh vênh.
Thực tế Hoa Kỳ không phải là khoanh tay đứng nhìn, mà đã cố gắng thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường Mỹ để tiêu thụ những sản phẩm của Việt Nam. Tăng cường ngoại giao và liên hệ quốc phòng, muốn nâng quan hệ Việt Mỹ lên tầm cao chiến lược, nhất là khi Hoa Kỳ quyết định “Chuyển Trục  Chiến Lược Toàn Cầu” về  Á châu – Thái Bình Dương. nhằm ngăn sức Bành Trướng Trung Cộng. Mà chỉ đòi hỏi chính phủ Hà Nội phải Tôn Trọng Nhân Quyền của chính dân nước mình, thì Quốc Hội Mỹ sẽ bỏ lệnh cấm bán Vũ Khí cho Việt Nam. Tất nhiên là nhóm lãnh đạo Việt Cộng thân Tầu phản đối. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng là kẻ nắm Đại Quyền trong tay cả về Ngoại Giao, An Ninh, Quốc Phòng, Kinh Tế…cũng không biết nắm lấy cơ hội này để củng cố tư thế quốc tế của mình. Vẫn cứ nhắm mắt đàn áp tiếng nói tự do, và trào lưu dân chúng tự phát chống Trung Cộng xâm lăng. Nên Hoa Kỳ đành phải buông Nguyễn Tấn Dũng để tìm một giải pháp khác hữu hiệu hơn. Thế là phe thân Tầu nắm được thời cơ. Rồi theo sự cố vấn của Bắc Kinh, Việt Cộng phát động phong trào “Tự Phê và Phê Bình”  nhằm củng cố quyền lực của Đảng, từ hội nghị Trung Ương 4 đến 5. Khi  Hội Nghị 5 trao quyền Chống Tham Nhũng cho Nguyễn Phú Trọng là đối thủ chính của Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó Dũng mới cuống cuồng chạy thuốc. Thang thuốc thần diệu nhất là sang Tầu triều kiến Tập Cận Bình, người sắp ngồi vào ghế lãnh đạo nước Tầu. Đồng thời ở nhà cho đàn em đi mua chuộc các ủy viên Trung Ương.  Chính nhờ uy lực của Bắc Kinh và đồng Đôla, nên trong Hội Nghị Trung Ương  6, Nguyễn Tấn Dũng đã lật được thế cờ, không bị trung ương bỏ phiếu kết tội.
Thế nhưng trưóc đó, Hội Nghị Trung Ương 5, đã quyết định, giữ nguyên Điều 4  Hiến Pháp, trao quyền Chống Tham Nhũng cho Bộ Chính trị, Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Quốc Hôị vừa qua phải theo lệnh Đảng ‘hợp pháp hóa’ cho cơ chế này của Đảng. Thế rồi Bộ Chính Trị lại lấy ngay Bộ Trưởng Tài Chánh đương nhiệm là Vương Đình Huệ về làm Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Đảng, tức là nắm luôn túi tiền từ tay chính phủ. Theo đó  Ban Kinh Tế  sẽ “Thẩm định các đề án về Kinh Tế Xã Hội trước khi trình Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Với nhiêm vụ này, các đề án quan trọng của Ban Cán Sự Đảng Chính Phủ, Đảng đoàn Quốc Hội, trước đây trình thẳng Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, giờ sẽ phải qua khâu thẩm định của Ban Kinh Tế Trung Ương”. Điều đáng nói là Bộ Chính Trị lại phân công cho Nguyễn Bá Thanh, bí thư Đà Nẵng làm trưởng ban Nội Chính Trung Ương. Thanh vốn có bản chất của nhà độc tài, nhiều thủ đoạt, khéo mị dân, dám làm và vượt nguyên tắc. Nay được giữ trọng quyền trưởng ban Nội Chính, làm ‘dao, thớt’ cho  Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống Tham Nhũng của Bộ Chính Trị thì số phận của Chúa Trùm Tham Nhũng là Đồng Chí X sẽ ra sao đây? Ra sao thì còn chờ xem Trọng, Sang đối với Thanh ra sao cái đã. Nhưng ngay trước mắt, Dũng đang mất quyền lực.
Thực ra đối với đảng viên Việt Cộng có thế, có quyền, thì từ Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, đến ngay chính bản thân thành ủy Nguyễn Bá Thanh có ai mà không Tham Nhũng đâu? Nhưng một khi có quyền diệt tham nhũng trong tay thì kẻ đó vẫn là “Quan Tòa” kết án tham nhũng. Hôm nay, 08/01/13, Trương Tấn Sang, chủ tịch nước  với tư cách Trưởng Ban Chỉ Đạo Đề Án Tiếp Tục Đổi Mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung Ương  đến cơ sở của Trung Ương Đảng, với một đoàn công tác của Bộ Chính Trị, đã có buổi làm việc với Thường Vụ Thành ủy Đà Nẵng, về thực hiện Nghị Quyết Trung Ương 4.  Để được Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Đà Nẵng đã mạnh dạn thực hiện những đột phá trên nhiều lãnh vực nhằm xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến và thành tựu trong công tác cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tốt lên”. Chủ tịch Sang: “đánh giá cao các thành tựu và dấu ấn của lãnh đạo Đà Nẵng”. Nghĩa là Trương Tấn Sang đã đi bước trước đối thủ Nguyễn Tấn Dũng để xử đẹp với Nguyễn Bá Thanh, trước khi Thanh lên đường ra Hà Nội nhận chức Trưởng Ban Nội Chính. Tại Việt Nam sắp tới khó tránh khỏi cuộc đấu đá nội bộ.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Litlle Saigon ngày 08/01/2013

Không có nhận xét nào: