Tái lập Ban Nội chính TW: Khi 'quyền lực bóng tối' trỗi dậy
Lê Anh Hùng (Danlambao) - Mấy hôm nay, cả báo chí "lề đảng" lẫn "lề dân" đều bình luận rôm rả về sự kiện Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được giao chiếc ghế Trưởng ban Nội chính TW và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ được đặt vào vị trí Trưởng ban Kinh tế TW.
Cả hai ban mới tái lập này xem ra đều nhằm một mục đích: chia sẻ và giám sát quyền lực của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Ban Nội chính TW thì "gánh đỡ" trọng trách "phòng chống tham nhũng" của Thủ tướng trước đây, còn Ban Kinh tế TW thì đóng vai trò "tham mưu cho BCHTW mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội".
Hơn 5 năm trước, Ban Kinh tế TW, Ban Nội chính TW và Ban Tài chính - Quản trị TW được sáp nhập vào Văn phòng TW Đảng theo Quyết định số 45-QĐ/TW ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị. Lúc đó, quyết định quan trọng này đã phát đi một tín hiệu tích cực về tiến trình cải cách thể chế của hệ thống theo hướng tinh giản bộ máy đảng, tránh sự dẫm chân hay can thiệp quá sâu của các cơ quan đảng vào bộ máy chính quyền, tiến tới nhất thể hoá bộ máy đảng - chính quyền.
Tuy nhiên, lẽ ra cùng với việc tinh giản bộ máy đảng, Quốc hội phải được trao quyền hạn thực chất để giám sát bộ máy hành pháp thì ngược lại, suốt nhiều năm qua, "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam" lại bị khống chế và thao túng một cách rất bài bản và tinh vi.
Sự kiện Ban Kinh tế TW và Ban Nội chính TW được tái lập, trước hết, thể hiện sự trỗi dậy của quyền lực bóng tối của đảng trong mối tương quan với thứ quyền lực chính danh hơn của Quốc hội và Chính phủ.
Gọi quyền lực của đảng là "quyền lực bóng tối" bởi lẽ mặc dù Điều 4 Hiến pháp quy định "Đảng CSVN… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" song cho đến nay điều này vẫn chưa được luật hoá, chưa có một (bộ) luật cụ thể nào điều chỉnh hoạt động của bộ máy "siêu nhà nước" cồng kềnh từ trung ương xuống đến tận thôn xóm này.
Một hiện tượng mà ai cũng có thể nhận thấy là người dân có thể biết thời gian Quốc hội họp trước hàng tháng nhưng thời điểm diễn ra các hội nghị của Ban Chấp hành TW - thiết chế quyền lực cao nhất của hệ thống chính trị (nếu không tính Đại hội Đảng phải 5 năm mới diễn ra một lần) - thì luôn nằm trong màn bí mật, chỉ đến khi hội nghị diễn ra thì nhân dân mới biết (Hội nghị TW 6 khoá XI vừa qua là một ví dụ điển hình). Quy trình ra quyết định của Quốc hội và Chính phủ thì đã được luật hoá, ai cũng biết, và ở mức độ nào đấy còn được giám sát; trong khi đó, chẳng ai hình dung ra nổi thực chất quy trình ra quyết định của đảng là thế nào, từ Ban Chấp hành TW cho đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và, quan trọng hơn, xem ra chẳng có ai đủ "tư cách" để "giám sát" cả.
Nhân dân chỉ được thấy hoạt động của các thiết chế "siêu quyền lực" trên qua hình ảnh ngài Tổng Bí thư trịnh trọng đọc diễn văn khai mạc và bế bạc Hội nghị BCHTW (thường mỗi năm hai kỳ) mà người ta phát lại trên chương trình thời sự VTV vào buổi tối của ngày diễn ra sự kiện, những gì còn lại như diễn ra trong bóng tối. (Các "ông chủ" thì cứ việc oằn lưng đóng thuế để nuôi đủ các loại "đầy tớ" vẫn không ngừng sinh sôi nẩy nở trong cả bộ máy đảng lẫn bộ máy nhà nước. Ai mà có "ý kiến ý cò" gì thì đích thị là "phản động" hay "thế lực thù địch", hoặc không khéo lại phạm tội "trốn thuế" như trường hợp luật sư Lê Quốc Quân mới đây.)
Vì sợ "kỷ luật sinh thù oán" nên Hội nghị TW 6 khoá XI đã quyết định không kỷ luật "đ/c X"
Sự kỳ vọng của dư luận vào hai nhân vật này, đặc biệt là vị tân Trưởng ban Nội chính, cho thấy một thực tế phũ phàng: sự bất lực của cả hệ thống, cũng như của gần 90 triệu người dân Việt Nam, trước "đồng chí X" cùng phe nhóm của ông ta. Tuy nhiên, đằng sau sự kiện gây xôn xao dư luận nói trên lại là một thực tế còn đáng lo ngại hơn – đó là sự trỗi dậy của "quyền lực bóng tối" và sự bế tắc, thậm chí thụt lùi, của hệ thống trong giai đoạn quyết định hiện nay của nước nhà./.
Hà Nội, 9/1/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét