Thần tượng bị lật đổ!
TT - Ông Hosni Mubarak không thuộc lớp “công thần kiến tạo nền cộng hòa” nhưng đã sớm thể hiện tài năng trên con đường binh nghiệp. Năm 1964, khi chưa đầy 40 tuổi, ông đã được bổ nhiệm tư lệnh một căn cứ không quân quan trọng nằm sát thủ đô Cairo, trở thành vị tư lệnh trẻ nhất của một căn cứ không quân ở Ai Cập.
Cùng năm ấy, ông Mubarak được đi tu nghiệp tại học viện quân sự danh tiếng Frunze lớn nhất của Liên Xô. Trở về, tướng trẻ Mubarak thăng tiến vùn vụt trên con đường binh nghiệp.
Đến năm 1972, ông được bổ nhiệm tư lệnh không quân và thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ai Cập. Nhưng thần tượng Mubarak nổi lên hoành tráng nhất là trong cuộc chiến tranh tháng 10-1973 mà (cố) tổng thống Sadat phát động với mục tiêu giành lại bán đảo Sinai rộng lớn mà Israel đã chiếm đóng của Ai Cập suốt từ sau chiến tranh năm 1967.
Người Ai Cập từng tự hào cho rằng không quân của họ, do ông Mubarak làm tư lệnh, đã giáng những đòn trí mạng vào lực lượng không quân của Israel vốn được xem như thống lĩnh vùng trời Trung Đông hồi ấy. Với cuộc chiến tháng 10-1973, ông Mubarak là một người hùng trong lòng nhân dân Ai Cập.
Những năm đầu sự nghiệp tổng thống, ông Hosni Mubarak không phụ lòng ngưỡng mộ của nhân dân Ai Cập. Ông đã lãnh đạo đất nước xứng đáng với vị thế của một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu và tầm ảnh hưởng không thể thiếu được trong các vấn đề ở Trung Đông, châu Phi.
Ai Cập và ông Mubarak luôn là một đồng minh chiến lược quan trọng bậc nhất của Mỹ trong khu vực, là đối tác không thể thiếu trong mọi vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông. Tầm mức ảnh hưởng của ông Mubarak lớn đến mức các chính quyền Mỹ, Tây Âu và cả Israel đều lo ngại nếu một ngày nào đó ông này không còn đứng đầu Ai Cập nữa.
Nhưng vị anh hùng trận mạc Mubarak, theo thời gian từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, dần lu mờ trong tâm tưởng của người Ai Cập như đã thấy. Ông này đã tìm mọi cách “hợp hiến” để duy trì vị thế tổng thống của mình như một ông vua.
Ba cuộc “trưng cầu ý dân” với chỉ mỗi ông Mubarak làm ứng viên đã được tổ chức vào các năm 1987, 1993 và 1999 để khẳng định lòng dân “tín nhiệm” ông làm nguyên thủ quốc gia. Đến năm 2005, khi buộc phải chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử theo thể thức “hơn một ứng viên” để bầu tổng thống, ông Mubarak lại trúng cử để tiếp tục ngồi lại sau 24 năm cầm quyền. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước không tin vào tính công bằng và chân chính của cuộc tổng tuyển cử này.
Ông Mubarak có vẻ quá tự tin vào “sự ổn định chính trị” mà chính thể của ông đã tạo dựng suốt 30 năm qua. Ông cũng quá mơ hồ về lòng dân, khi cứ nghĩ mình vẫn còn là thần tượng trong trái tim khối óc của họ. Ông cho là chỉ có những “thế lực thù địch” và “ngoại bang” chống lại ông.
Dường như ông Mubarak không biết rằng lớp người trẻ đã chiếm đến 30% trong dân số hơn 80 triệu người của nước Ai Cập hôm nay. Với lớp trẻ đông đảo, có học và năng động này, ấn tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội mà họ chịu tác động dai dẳng hằng ngày, khiến họ chiếm tới 90% số người thất nghiệp, mạnh hơn những kiến thức mà họ được học từ sách lịch sử...
Anh hùng của nhân dân ngày nào bị chính nhân dân lật đổ hôm nay như thế đấy!
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét