Xây và phá
Người Việt, với lịch sử 2000 năm dựng nước và giữ nước không để lại được một công trình kiến trúc nào khả dĩ. Công trình kiến trúc cổ có giá trị duy nhất ở Việt Nam là Tháp Chăm. Trong thực tế, các vua chúa Việt đã không đủ sa hoa để có thể xây dựng được những công trình “để đời”, ngược lại, nền văn minh Việt được tạo thành từ văn minh làng xã. Nhưng ngay cả cái văn minh làng xã đó ngày nay cũng khó mà tìm được. Lịch sử Việt Nam chứng kiến sự phá hoại không chỉ của các công trình kiến trúc mà cả của nền văn hóa phi vật thể. Người Việt hiện nay mất gốc. Và chúng ta đang loay hoay đi tìm gốc, của mình hoặc của người khác.
Theo sử sách, thì sự phá hoại về kiến trúc và văn hóa lớn nhất của người nước ngoài là bởi giặc Minh vào đầu thế kỷ 15. Sau đó chỉ có chúng ta phá của ta. Điển hình là việc tàn phá đền chùa vào những năm 50 thế kỷ 20, cùng với nó là toàn bộ hệ thống tâm linh trong các làng xã Việt ở miền Bắc. Thay vào đó, nhiều người tin tưởng vào một Thiên đường Cộng sản. Tất cả những người sinh ra ở miền Bắc từ những năm 1940 trở về sau được hưởng một nền giáo dục vô thần. Các hiện tượng thiên nhiên được giải thích trên cơ sở khoa học. Thần, Phật, Bụt, Chúa, Ngọc Hoàng, Thượng Đế đều thuộc về truyện cổ tích. Niềm tin, thứ mà bất kỳ một người nào trên thế giới này cũng cần, bấy giờ là Niềm tin Cộng sản – tới một ngày nào đó, không cần phải chết, họ cũng được lên Thiên đường, Thiên đường Cộng sản, ở đó người ta làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu.
Tuy nhiên, với sự sụp đổ của phe XHCN thì Thiên đường Cộng sản ngày càng xa vời. Niềm tin Cộng sản cũng ngày càng mai một. Tới giờ thì có thể khẳng định không còn ai có niềm tin đó nữa, trừ số ít người trên 80 tuổi. Con người không thể sống thiếu niềm tin. Sau một thời gian dài tin tưởng vào những giá trị nhập khẩu, chúng ta quay trở lại tìm về cội nguồn. Tôi không am hiểu lịch sử Việt Nam lắm nhưng quả thật tôi không tìm thấy trong sách sử đã đọc nào một tư liệu nào về một thời kỳ thay đổi tư tưởng giống như những gì đang xảy ra ở Việt Nam trong khoảng hơn 20 năm lại đây. Người ta tìm về cội nguồn bằng cách xây lại những đền chùa đã bị phá hủy, tân trang lại những đền chùa mục nát, rồi xây thêm những đền chùa hoành tráng, to chưa từng có trong lịch sử nước Việt. Tăng lữ ngày nay giàu hơn tăng lữ cuối thời Trần, thời kỳ thịnh hành và bê bối nhất của đạo Phật ở Việt Nam. Người ta cũng cố gắng xây dựng lại nền văn hóa làng xã, với những lễ hội cổ truyền đã bị quên lãng từ hơn năm chục năm. Dường như tất cả những thành quả về văn hóa và tư tưởng mà cuộc cách mạng XHCN xây dựng được trong mấy chục năm trời đã bị phá qua đêm. Người ta thấy cả những những nhà quản lý, lãnh đạo cao cấp, lên chùa, lên đền cầu tài cầu lộc.
Kể cũng khó mà tin được rằng có những giáo sư, tiến sỹ triết học Mac-xit lại đi tin vào lời phán của những bà đồng, bà cốt, của những “nhà ngoại cảm”. Tôi đọc Đại việt Sử ký Toàn thư không thấy có lời nào viết về những nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ mặc dù dân tộc ta trong lịch sử cũng chinh chiến liên miên. Có lẽ “Nhà ngoại cảm” là sản phẩm “made in Vietnam” điển hình nhất của thời kỳ hậu 90.
Xây và Phá. Xây bao giờ cũng đi đôi với Phá. Khó là ở chỗ phá cái đáng phá và xây cái nên xây. Chúng ta phải giữ gìn và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người XHCN, sống và làm việc cho sự phồn vinh của đất nước trong đó có chính mình và gia đình mình, phá đi những tư tưởng ẫu trĩ về cách mạng vô sản, về sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Chúng ta phải xây dựng lại những giá trị truyền thống của gia đình, họ tộc, những quy tắc ứng xử xã hội “kính trên nhường dưới”… Nhưng việc xây dựng đó phải được thực hiện thông qua giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường luật pháp chứ không phải bằng cách mô phỏng những lễ và hội ngày xưa.
Một người Việt trong Thiên niên kỷ mới cần nhìn đền Bà chúa Kho với con mắt của một người du lịch, khám phá, chứ không phải vào đó xì xụp khấn vái, vay tiền đầu năm, giả tiền cuối năm.
Hà Nội, Xuân 2011.
Phùng Hồ Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét