21.3.11

Bão giá, hố tử thần và thơ-nhạc chế


Bão giá, hố tử thần và thơ-nhạc chế

Mỹ Hòa (TuanVietnam) – Tắc đường, hố tử thần, xăng điện tăng giá, cắt điện bất thình lình, vàng đô nhảy múa, nạn mãi lộ; những chất liệu thô mộc của cuộc sống tìm được “cửa” trong thế giới thơ-nhạc chế. Ngập đường, sẽ có “Em bơi thuyền trên phố Hà Nội”, có “Sài Gòn mùa lắm những cơn mưa”, lạm phát sẽ có “Đây thôn lạm phát”, “Thơ ca thời bão giá”, vàng đô nhảy múa sẽ có “Vàng và đô”…

Thơ-nhạc chế và thời sự
Anh vẫn sống dù rằng thiếu mất đi bữa sáng. Vì do giá đã quá đắt nên bữa sáng và trưa là một. Anh sẽ cố gắng ăn mì tôm qua ngày, chờ đợi một ngày giá sẽ go down…
Đó là đoạn ca từ trong một bản hit đang “làm mưa làm gió” trên bảng xếp hạng… nhạc chế. Một bản “não ca” (dù vẫn không đánh mất sự lạc quan) về đời sống khó khăn của giới sinh viên trong cơn bão giá.
Để tạm xếp hạng, hãy đưa bài hát này vào dòng thơ-nhạc chế ăn theo thời sự (để phân biệt với không ít thơ-nhạc chế dung tục với lời lẽ phản cảm). Đây là dòng nhạc đặc biệt nở rộ vào những thời kỳ có nhiều biến động về kinh tế, xã hội… và cả thời tiết. Chẳng hạn, cơn bão giá từ sau tết âm lịch vừa qua, được “cộng hưởng” với giá xăng giá điện tăng gần đây, đã tạo cảm hứng cho không ít tác phẩm thơ-nhạc chế ra đời.
Dòng tác phẩm này rất nhạy cảm với các vấn đề thời sự nổi bật, được nhiều người quan tâm. Không phải vậy sao, khi mà giờ đây, chẳng bao lâu sau khi có thông tin điều chỉnh giá xăng, giá điện…, bật yahoo, chúng ta sẽ nhận ngay được một bản chế ca do bạn bè gửi tới.
Không có góc nhìn chuyên gia, không mang những thuật ngữ chuyên môn như kiểu ổn định tỷ giá, tình trạng đôla hoá, chỉ số giá tiêu dùng…, cũng không có các bản kiến nghị, đề xuất; thơ-nhạc chế chỉ là những lát cắt hài hước, có phần cường điệu về những vấn đề nóng bỏng. Góc nhìn thường rất “vi mô” và nếu có đề ra giải pháp, thì giải pháp cũng vô cùng vi mô, vi mô đến gần đạt tới độ… tiểu xảo. Xăng tăng thì đành chạy bộ đi thăm người yêu, đưa đón dâu bằng xe xích lô, giá cả tăng thì “thu bớt dạ dày”, tăng cường mì tôm. Nhẹ nhàng, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc, hãy tạm mượn lời quảng cáo cửa miệng cho phim hài Việt Nam để miêu tả dòng thơ-nhạc này. (Mặc dù không ít phim hài Việt Nam dẫu cố kiên nhẫn xem cho đến cuối, khán giả cũng không tìm được bất cứ dấu hiệu thấp thoáng nào của các mỹ từ đó).
Tắc đường, hố tử thần, xăng điện tăng giá, cúp điện bất thình lình, vàng đô nhảy múa, đường ngập, chi tiêu ngặt nghèo, nạn mãi lộ…, những chất liệu thô mộc khó có đường len vào dòng nghệ thuật chính thống, đã tìm được cho mình “cửa sau” trong thế giới chế. Ngập đường, sẽ có “Em bơi thuyền trên phố Hà Nội”, có “Sài Gòn mùa lắm những cơn mưa”, lạm phát sẽ có “Đây thôn lạm phát”, “Thơ ca thời bão giá”, vàng đô nhảy múa sẽ có “Vàng và đô”… Sức lan tỏa của thơ ca dòng này rất nhanh, nhiều người nhớ chúng, ngâm nga chúng, dù có khi cả đời số bản nhạc, bài thơ chính thống họ thuộc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Sân khấu” của dòng thơ nhạc này thường là thế giới YouTube trên mạng, các diễn đàn, trên điện thoại. Chúng thường được ra đời và biểu diễn bởi những “nghệ sĩ” không chuyên, đôi khi là vô danh.
Nhưng cũng không ít khi chúng ung dung xâm nhập vào thế giới chuyên nghiệp. Đó là khi nghe rocker Phạm Anh Khoa ôm đàn hát khúc “Vàng và đô”. Hay trên sân khấu chương trình “Táo quân” được chiếu khắp cả nước vào mỗi dịp cuối năm. Sẽ là rất thiếu sót nếu quên phần của các ca khúc nhạc chế khi tổng kết những yếu tố làm nên thành công của chương trình này. Táo quân sẽ bớt hài hước, bớt rộn rã, và duyên dáng hơn rất nhiều nếu thiếu chúng.
Nghệ thuật dân gian @
Ở một khía cạnh, thơ-nhạc chế giống như một dòng nghệ thuật dân gian @ (không phải dân gian đương đại). Phần nào đó, có thể mượn lời của NSƯT Trí Trung – Táo Giao thông dí dỏm – để nói về nó: “Chúng tôi chỉ nói hộ nguyện vọng của người dân là mong cho cuộc sống yên bình, mong cho không có hố tử thần, mong cho đừng ách tắc, đường sá bớt khói bụi… Ai cũng biết điều đó, bọn tôi chỉ là người tái tạo lại hình ảnh để người ta cảm thấy đó là một chất xúc tác mạnh mẽ hơn thôi“.
Thời phong kiến, các triều đình thường đặt ra một bộ phận chuyên trách thu thập các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Việc làm này không chỉ nhằm mục đích bảo tồn văn hóa, mà mục đích chính là qua đó tìm hiểu đời sống, thái độ quan điểm của người dân, làm một căn cứ cho việc điều chỉnh các chính sách của triều đình.
Có thể coi thơ-nhạc chế như một loại hình nghệ thuật dân gian trong thời @, khi mọi thứ đang dần được số hóa. Có khác là, nếu như trước kia các tác phẩm nghệ thuật dân gian được truyền miệng, thì nay thơ-nhạc chế chủ yếu được truyền… mạng.
Thơ nhạc chế gợi cho chúng ta nhớ đến những bài vè, ca dao tục ngữ chế giễu ngày xưa. Qua những bài thơ, ca khúc tưởng như không mấy nghiêm túc này, người ta hiểu được nhiều hơn về cuộc sống của người dân thường – đối tượng phải đối phó vất vả nhất trước mọi biến động của đời sống.
Giống như dòng tác phẩm hài hước nói chung (mà tranh biếm họa cũng là một thể loại tiêu biểu), sự ra đời và sức sống của thơ-nhạc chế thường dựa trên những sự chưa toàn thiện và bất hợp lý. Sẽ là sự khai tử của dòng nghệ thuật này, nếu một ngày mọi thứ đều ngăn nắp, đúng trật tự, không tì vết.
Thử tưởng tượng, nếu giá cả tăng vẫn hoàn toàn phù hợp với lộ trình tăng lương nói riêng và thu nhập của người lao động nói chung, khi đó có lẽ thơ nhạc chế sẽ như thế này: “Xăng tăng, điện tăng có hề gì/ Lương vẫn cao, tiền căng phồng trong ví/ Anh sẽ tậu hẳn cho em Spacy/ Để em tung tăng đi chợ tiêu tiền tỉ/ Chẳng băn khoăn lo lắng điều chi“. Và “Vì đến đây đã cạn vần “i”/ Nên bài thơ đi vào tắc tị“. Đảm bảo một bài nhạc chế như thế sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình.
Sứ mệnh của tranh biếm họa chính là đấu tranh để hoàn thiện xã hội, mà xã hội của chúng ta thì chưa thể hoàn thiện nên biếm họa vẫn còn phải tiếp tục chinh chiến thực thi sứ mệnh của mình“. Họa sĩ Lý Trực Dũng, người mới đây vừa cho ra mắt cuốn sách “Biếm họa Việt Nam”, đã tổng kết như thế về vai trò của dòng tranh này.
Nếu dùng sứ mệnh đó để “khoác” cho thơ-nhạc chế, đó hẳn là một chiếc áo quá rộng đến mức khập khiễng cho dòng nghệ thuật “bình dân” này. Nhưng ở đây có một khía cạnh đúng, đó là thơ-nhạc chế ra đời, tồn tại trên những bất ổn, từ những sự chưa toàn thiện của xã hội, và có lẽ chỉ biến mất hoàn toàn khi mọi thứ đã hợp lý đến mức hoàn hảo. Còn nếu không, nó sẽ còn là một dòng chảy nho nhỏ, nhưng không biến mất (có thể sẽ chuyển hóa thành một dạng thức khác) khỏi cái thế giới bộn bề của chúng ta. Mà xã hội thì chỉ luôn trong quá trình vươn tới sự hoàn thiện.

Không có nhận xét nào: