Những trở ngại của bản Thực hiện Tuyên bố về ứng xử Biển Đông
Việt Hà, phóng viên RFA
2011-07-30
Việc ASEAN và Trung Quốc ký bản hướng dẫn thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông gần đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm hướng tới một bộ quy tắc về ứng xử có tính ràng buộc.
Giữa lúc những căng thẳng trên biển Đông vẫn chưa hoàn toàn lắng dịu, liệu những nỗ lực xây dựng lòng tin giữa các bên có thành hiện thực? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Bản hướng dẫn thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông ký hôm 21 tháng 7 vừa qua tại Bali, Indonesia được ca ngợi là một bước đột phá quan trọng nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực đang tăng cao. Bản hướng dẫn được coi là một trong các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên, điều mà cả ASEAN và Trung Quốc đã tìm kiếm trong suốt một thời gian dài từ ngay trước khi bản tuyên bố về ứng xử của các bên (còn được gọi là DOC) được ký vào năm 2002.
Thiếu ràng buộc về pháp lý
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thì bản hướng dẫn này dù không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng lại khuyến khích các nước tham gia vào các dự án nghiên cứu chung như một cách để xây dựng lòng tin, giải quyết mâu thuẫn:
“Những người đưa ra bản hướng dẫn này đưa ra một số các dự án hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin và những tuyên bố được đưa ra tại hội nghị các ngoại trưởng hay diễn đàn khu vực liên quan đến bản hướng dẫn này là kêu gọi các bên xây dựng lòng tin, hợp tác trong các dự án hàng hải, bảo vệ nguồn cá, môi trường. Đây là các ý tưởng mà một khi bạn có tham gia thì bạn sẽ có những mối lợi lớn hơn là các mâu thuẫn.”
Chỉ hơn một tuần sau khi bản hướng dẫn được ký, Philippines hôm 29 tháng 7 đã kêu gọi các nước ASEAN hợp tác phát triển trên khu vực đang tranh chấp trên biển Đông.Người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez thông báo đề xuất của Phi về việc xác định các khu vực không tranh chấp và đang tranh chấp. Theo đó các khu vực không tranh chấp và đã xác định thuộc chủ quyền nước nào thì nước đó được quyền khai thác toàn bộ, còn khu vực tranh chấp sẽ là khu vực hợp tác phát triển chung.
Đề nghị này của Phi phát xuất từ một tiền lệ hợp tác trước đó gây nhiều tranh cãi trên biển Đông.
Vào năm 1994, Philippines và Việt Nam đã ký tham gia hoạt động phối hợp nghiên cứu về khoa học trên biển Đông gọi tắt là JOMSRE. Đây được coi là một biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên. Sau đó vào năm 2005, hai nước đồng ý hợp tác cùng với Trung Quốc trong hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển gọi tắt là JMSU.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thì bản hướng dẫn này dù không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng lại khuyến khích các nước tham gia vào các dự án nghiên cứu chung như một cách để xây dựng lòng tin.
Tuy nhiên vào tháng 6 năm 2008, sau 3 năm hợp tác nghiên cứu, dự án với Trung Quốc chấm dứt mà không được gia hạn bởi những khó khăn liên quan đến chủ quyền của các bên. Tại Philippines lúc đó đã có nhiều tiếng nói phản đối hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học chung này vì cho rằng đã vi phạm hiến pháp của Philippines.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao hồi đầu tháng 7 đã nói việc chính quyền của bà tổng thống Arroyo cho phép Trung Quốc tham gia vào JMSU đã làm cho tình hình tại biển Đông thêm phức tạp và có nhiều nghi ngờ về tính hợp hiến của hoạt động này.
Người phát ngôn của Tổng thống Phi, Edwin Lacierda, hồi đầu tháng 7 cũng nói rằng hoạt động hợp tác chung JMSU từ năm 2005 đến 2008 đã cho Trung Quốc cơ hội vào Bãi Cỏ Rong thuộc Trường Sa mà Philippines đòi chủ quyền. Ông cho rằng những vụ lấn chiếm của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa chỉ bắt đầu sau khi JMSU được ký kết.
Vấn đề đường lưỡi bò
Mặt khác, ngay cả nếu đề nghị mới về hợp tác phát triển của Philippines được ASEAN chấp nhận thì lại khó được Trung Quốc chấp nhận bởi vấn đề nằm ở cái lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông mà quốc tế thường gọi là đường đứt khúc 9 đoạn. Người phát ngôn của tổng thống Phi giải thích:“Đường đứt khúc 9 đoạn cho phép Trung Quốc đòi chủ quyền trên vùng lãnh hải thuộc về Phippines. Nếu mà dựa vào lý thuyết của Trung Quốc (vùng lưỡi bò) thì họ cũng sẽ muốn đòi một phần chủ quyền của Phi. Và đó chính là mâu thuẫn.”
Theo quan điểm của Trung Quốc mà cùng phát triển trong khu vực đường lưỡi bò thì không chấp nhận được bởi các nước xung quanh, kể cả Việt Nam.TS Trần Trường Thủy
Ngay chính một đại diện của Việt Nam là tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển Đông của Việt Nam cũng cho rằng vùng lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền là không thể chấp nhận được, dù Việt Nam có muốn nối lại các hoạt động nghiên cứu chung với Trung Quốc và các nước trong khu vực:
“Trong khi các bên không giải quyết được tranh chấp thì các bên cùng gác lại tranh chấp để cùng phát triển hay cùng khai thác các tiềm năng. Việt Nam đã tham gia rất nhiều và về nguyên tắc là ủng hộ các giải pháp cùng phát triển. Vấn đề là để tìm ra các khu vực cũng như phương thức hợp tác thì cần phải có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Theo quan điểm của Trung Quốc mà cùng phát triển trong khu vực đường lưỡi bò thì không chấp nhận được bởi các nước xung quanh, kể cả Việt Nam.”
Còn tùy thuộc vào Bắc Kinh
Trong khi đó, những căng thẳng trên biển Đông trong những tháng đầu năm nay lại góp phần làm cho sự hợp tác phát triển trong khu vực này lại càng thêm khó khăn. Mở đầu là vụ tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi tàu thăm dò của Philippines gần quần đảo Trường sa vào hồi tháng 3 năm nay. Tiếp đó vào các ngày 26 tháng 5 và 9 tháng 6, các tàu hải giám Trung Quốc liên tục cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam trong khu vực 200 hải lý thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những sự kiện này đã kéo theo một loạt các phản ứng từ các nước có liên quan như các cuộc tập trận trên biển của Việt Nam và Philippines.Giáo sư môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học De La Salle của Philippines, ông Renato Cruz De Castro cho rằng những căng thẳng này đang cản trở các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học:
Điều đó có thể xảy ra nếu có sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên, nhưng với những gì đang diễn ra hiện tại thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực từ Trung Quốc thì mới có thể thực hiện được các hợp tác này.GS Renato Cruz De Castro
“Điều đó có thể xảy ra nếu có sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên, nhưng với những gì đang diễn ra hiện tại thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực từ Trung Quốc thì mới có thể thực hiện được các hợp tác này. Chúng tôi không chống lại các hoạt động hợp tác nhưng để làm được phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Cho nên theo tôi căng thẳng phải giảm trước khi chúng ta có được các hoạt động hợp tác chung như vậy.”
Bản hướng dẫn thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông mặc dù được ca ngợi là một bước tiến quan trọng trong xây dựng lòng tin giữa các nước mà đặc biệt là giữa ASEAN và Trung Quốc nhưng lại không hẳn đã làm hài lòng các nước nhỏ bởi bản hướng dẫn hoàn toàn không có tính ràng buộc, và do đó không đảm bảo ngăn chặn được những hành động gây thêm căng thẳng trên biển Đông từ phía Trung Quốc.
Các phân tích gia cho rằng việc ký bản hướng dẫn này dù đã tạo ra một môi trường hợp tác nhưng để có thể thực sự xây dựng được lòng tin như mong muốn của những người soạn thảo thì mọi sự vẫn còn phụ thuộc vào ý muốn chính trị của Bắc Kinh.
Theo dòng thời sự:
- Thực hiện Tuyên bố về ứng xử Biển Đông
- Manila đề nghị tách biệt vùng tranh chấp và không tranh chấp tại biển Đông
- Hải quân ASEAN chuẩn bị đương đầu
- Biển Đông: ASEAN cần Mỹ, Mỹ cần can dự
- Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN họp tại Hà Nội
- Manila đề nghị tách biệt vùng tranh chấp và không tranh chấp tại biển Đông
- Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét