30.10.11

Trung Quốc lại ra luật về khủng bố để đối phó với người Duy Ngô Nhĩ


Trọng Thành
Hôm qua 29/10/2011, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật mới nhằm tăng cường chống khủng bố. Trước đó, Trung Quốc đã có nhiều luật liên quan đến khủng bố, nhưng không có một định nghĩa rõ ràng về mặt pháp lý.

Một đại biểu quốc hội Trung Quốc, được AFP trích dẫn, cho rằng định nghĩa về khủng bố rõ ràng hơn trong luật mới tạo cơ sở pháp lý cho phép Bắc Kinh « tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô quốc tế ». Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phương Tây, chính quyền Trung Quốc đưa ra được ít bằng chứng cho thấy, có tồn tại một mạng lưới khủng bố tại khu tự trị Tân Cương, nơi cư trú của sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi.
Thông tín viên Joris Zilberman tường trình từ Bắc Kinh:
"Một bộ luật chống khủng bố tại Trung Quốc thường xuyên có một điều gì đó khả nghi. Luật này liên quan chủ yếu đến khu tự trị Tân Cương miền Tây Bắc Trung Quốc, với một thiểu số người Duy Ngô Nhĩ đông đảo. Người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ, ngày càng thể hiện sự giận dữ của họ đối với chính phủ Trung Quốc bằng nhiều phản ứng bạo lực. Các phản ứng bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ là nhằm chống lại sự đàn áp tôn giáo và sự phân biệt đối xử về mặt kinh tế.
Đối với Bắc Kinh, cho đến trước khi luật này được ban hành vào cuối tuần này, các phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ vẫn được quy vào « chủ nghĩa cực đoan », « chủ nghĩa ly khai lãnh thổ », « chủ nghĩa khủng bố », cũng có thể được coi là xâm phạm đến « an ninh quốc gia », một tội danh vốn thường được gán cho giới ly khai. Kể từ giờ trở đi, luật mới về khủng bố của Trung Quốc xích gần lại các tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2001, Trung Quốc đã nhận được sự tán đồng của chính quyền Bush, giờ đây Bắc Kinh còn muốn nhiều hơn nữa. Các tổ chức khủng bố, kể từ giờ, được chính quyền lên danh sách. Tất cả các tổ chức này đều có liên hệ với đảng Hồi giáo Turkestan, có trụ sở tại Pakistan, bị Bắc Kinh quy tội đứng đằng sau các bạo lực ở Tân Cương.
Để chống lại mối đe dọa Duy Ngô Nhĩ, vốn được các chuyên gia độc lập đánh giá là không đến mức quá nguy hiểm, Bắc Kinh cần đến không chỉ sự hỗ trợ của các cơ quan an ninh Pakistan, mà cả của các nước vùng Vịnh, của Đức và của phương Tây".

Không có nhận xét nào: