17.3.12

Bắc Triều Tiên phóng “vệ tinh”: Mỹ dọa hoãn kế hoạch viện trợ lương thực



Tên lửa Bắc Triều Tiên. Ảnh minh họa
Tên lửa Bắc Triều Tiên. Ảnh minh họa
REUTERS/Lee Jae-Won

Trọng Nghĩa
Ngay sau khi Bình Nhưỡng loan báo kế hoạch phóng “vệ tinh” vào trung tuần tháng Tư, cả thế giới đã lên tiếng tỏ ý quan ngại. Riêng Hoa Kỳ công khai đe dọa đình chỉ chương trình trợ giúp lương thực sắp được khởi động trở lại với lý do là Bắc Triều Tiên nuốt lời hứa ngưng thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Ngày 16/03/2012, hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA loan báo là nước này sẽ đưa lên vũ trụ một chiếc vệ tinh mới trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16 tháng Tư . Đối với Bình Nhưỡng, đó là một hoạt động “hòa bình”, nhằm kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Vào hôm nay, một giáo sư Bắc Triều Tiên cho biết là để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra đối với các nước láng giềng, chiếc hỏa tiễn dùng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo sẽ sử dụng một đường bay “an toàn”.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong bài viết trên nhật báo Rodong Sinmun của Bắc Triều Tiên, giáo sư Ko Yong Hae, thuộc Đại học Kim Nhật Thành đã cho biết rằng một “đường bay trong quỹ đạo an toàn đã được chọn để các mảnh vỡ tên lửa mang theo vệ tinh được tạo ra trong chuyến bay, sẽ không có tác động gì đến các nước láng giềng”.
Thế nhưng thông báo của Bình Nhưỡng đã làm dấy lên một loạt những phản ứng quan ngại hoặc lên án từ phía cộng đồng quốc tế. Hành động này được đồng hóa với việc thử nghiệm tên lửa tầm xa bị Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm sau các vụ việc tương tự trước đây.
Phản ứng mới nhất đến từ Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Bắc Triều Tiên. Vào sáng sớm ngày 17/03/2012, Tân Hoa Xã cho biết là ngay từ hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã gặp ông Ji Jae Ryong, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc, để bày tỏ thái độ quan ngại.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “quan ngại sâu sắc” về thông báo phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Matxcơva yêu cầu lãnh đạo Bắc Triều Tiên tránh những hành động gây căng thẳng trong khu vực và thách thức cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ thì phản đối dữ dội hơn, đánh giá rằng Bắc Triều Tiên đã có hành vi “khiêu khích”, nhất là khi loan báo phóng vệ tinh được đưa ra 16 ngày sau khi Bình Nhưỡng có những cam kết hòa dịu  - trong đó có việc ngưng thử nghiệm tên lửa tầm xa - để đánh đổi lấy trợ giúp lương thực nuôi dân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bà Victoria Nuland vào hôm qua xác định rằng Washington “hết sức quan ngại” trước nguy cơ thỏa thuận giữa hai bên ngày 29 tháng Hai vừa qua bị phá vỡ. Phát biểu với báo chí, bà Nuland tiết lộ rằng trong các cuộc đàm phán Mỹ Bắc Triều Tiên gần đây, phía Mỹ đã nói rõ ràng là việc phóng vệ tinh là “nhân tố phá vỡ thỏa thuận” vì hỏa tiễn phóng vệ tinh đồng nghĩa với tên lửa tầm xa.
Vào năm 2009, Bình Nhưỡng cũng đã có hành động tương tự khi phóng một tên lửa tầm xa bay qua Nhật Bản, mà theo chính quyền Bắc Triều Tiên đó chỉ là một hỏa tiễn nhhằm đưa một vệ tinh của nước này lên quỹ đạo.
Theo bà Nuland, dù viện trợ không trực tiếp gắn với thỏa thuận giữa hai bên, nhưng kế hoạch phóng hỏa tiễn được loan báo làm dấy lên nghi vấn về “thực tâm” của Bình Nhưỡng khi mở đàm phán, khiến người ta tự hỏi là có thể tin được những cam kết khác của Bắc Triều Tiên về việc phân phối lương thực hay không.
 
TAGS: BẮC TRIỀU TIÊN - CHÂU Á - HOA KỲ (MỸ)

Không có nhận xét nào: