19.5.12

Dân Bắc Triều Tiên ăn thịt người vì quá đói



Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại bệnh viện Heiju, Bắc Triều Tiên ngày 01/10/2011.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại bệnh viện Heiju, Bắc Triều Tiên ngày 01/10/2011.
REUTERS/Damir Sagolj

Trọng Thành
Le Figaro chú ý đến thảm trạng của người dân Bắc Triều Tiên qua bài viết« Những người Bắc Triều Tiên đói kém phải ăn thịt người ». Mặc dù chưa hẳn đã là phổ biến, sự xuất hiện của các hành động giết người ăn thịt cho thấy mức độ trầm trọng của nạn đói tại Bắc Triều Tiên.

Viện Nghiên cứu Hàn Quốc vì Thống nhất Quốc gia - Kinu (Korea Institut for National Unification) tại Seoul, trong một báo cáo được công bố ngày hôm qua 17/05/2012, cho biết trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Triều Tiên đã xử tử ít nhất ba phạm nhân, vì tội giết người để ăn thịt. Đây là lần đầu tiên mà các chứng cứ cụ thể về hành động ăn thịt người tại Bắc Triều Tiên đã được công bố trong một báo cáo chính thức.
Vào năm 2009, một người đàn ông đã bị hành quyết tại thành phố Hyesan, giáp với biên giới Trung Quốc, vì đã giết một bé gái 10 tuổi. Trước đó vào năm 2006, tại thành phố Dokson, một người đàn ông và con trai cũng đã bị tử hình, vì tội ăn thịt người. Câu chuyện này là do một trong những người dân Bắc Triều Tiên tị nạn kể lại với Viện Nghiên cứu Kinu. Gần đây là vào năm 2011, một vụ ăn thịt người khác lại xảy ra ở thành phố Musan. Câu chuyện này cũng là do một nhân chứng trong số những người tị nạn đến từ miền bắc kể lại.
Báo cáo của Viện Kinu cũng tương đối hóa mức độ của hiện tượng giết người để ăn thịt tại Bắc Triều Tiên, và khẳng định rằng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, chỉ được khoảng mười người trong số 230 người tị nạn được phỏng vấn kể lại. Ông Daniel Pinkston – một chuyên gia của tổ chức International Crisis Group cũng không tin rằng việc ăn thịt người ở Bắc Triều Tiên diễn ra trên quy mô lớn và được tiến hành có tổ chức.
Mặc dù chưa hẳn đã là phổ biến, sự xuất hiện của các hành động giết người ăn thịt cho thấy mức độ trầm trọng của nạn đói tại Bắc Triều Tiên. Bất chấp việc hệ thống phân phối lương thực đã được cải thiện, sau khi các nạn đói lớn trong những năm 1990 chấm dứt, nhiều khu vực tại Bắc Triều Tiên vẫn đói triền miên.
Cuối năm 2007, một người mẹ bị chính quyền kết tội đã ăn thịt đứa con gái 9 tuổi của mình, đã thanh minh : « Đói khiến tôi mất cả lý trí, tôi đã nghe thấy tiếng nói rằng thịt người còn ngon hơn cả thịt lợn và tôi tự nhủ, đằng nào thì chúng ta cũng sẽ chết cả mà thôi ».
Câu chuyện này đã được một người tị nạn kể lại với tổ chức nhân quyền North Korean Human Rights (NKHR), sau khi anh đến được Hàn Quốc vào năm 2009. Hiện tượng này xảy ra vào giai đoạn nạn đói khủng khiếp khiến hơn một triệu người chết. Kim Eunsun, thiếu nữ Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi miền Bắc, trong hồi ký vừa xuất bản, đã kể lại chuyện một người đàn ông tại một tỉnh vùng cực bắc, bị kết tội vì đã giết con gái để ăn. Cô Kim giải thích: « Những người xung quanh đã tỏ ra thương cảm ông ấy, bởi vì nạn đói khiến người ta phát điên, khiến con người bị biến thành súc vật ». Bản thân cha của Kim Eunsun cũng đã bị chết vì đói.
Ngày đầu tiên của tân chính phủ Pháp
Tất cả các báo Pháp rất chú ý đến cuộc họp đầu tiên của tân chính phủ Pháp ngày hôm qua, trùng vào ngày nghỉ lễ, ngày lễ Thăng Thiên của đạo Thiên chúa. Nhật báo Công giáo La Croix ghi nhận trong thành phần chính phủ mới, « có một sự thay đổi thế hệ thực sự », với một « vị trí đáng kể dành cho các thành phần thiểu số của xã hội Pháp, và đồng thời cho các thành phần khác nhau của phe đa số, trong đó có đảng Xanh ». Tuy nhiên, chính phủ này chỉ có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Kết quả bầu cử Quốc hội tháng tới chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi. Tờ Les Echos cũng ghi nhận nỗ lực mà tân Tổng thống đòi hỏi ở chính phủ mới phải có một « ứng xử mẫu mực » và đưa ra nhận xét về nhiều ưu điểm của chính phủ mới, như sự cân bằng số lượng nam nữ, tính đa dạng xã hội, người mới và người cũ...
Trong khi đó, Le Figaro chú ý đến các áp lực lên chính phủ mới. Tờ báo thiên hữu dự đoán gương mặt tươi cười của các tân bộ trưởng, « thường là trẻ và không có kinh nghiệm, có thể sẽ trở nên méo mó trong những ngày khó khăn sắp tới ». Le Figaro cho rằng « việc tuyên truyền để lấy lòng dân chúng trong thời gian tranh cử là một trò chơi nguy hiểm », đưa ra các biện pháp hứa hẹn thì dễ, nhưng giữ lời hứa là khó, một khi đã nắm quyền, « đặc biệt là trong khi ngân sách Nhà nước đang trống rỗng. »
Tờ Libération thì ca ngợi giai đoạn chuyển giao quyền lực vừa qua, như là một thời điểm « đoạn tuyệt với phong cách hào nhoáng của thời Tổng thống Sarkozy.» Tuy nhiên, tờ báo thiên tả cũng lo ngại việc chính phủ mới chú ý thái quá đến các biểu hiện bề ngoài để tạo sự khác biệt với chính phủ tiền nhiệm. Libération ghi nhận là, một khi việc liên tục nhắc lại thời kỳ Sarkozy đã trở thành một câu chuyện dài nhàm chán, thì chính phủ mới phải đối mặt với một loạt các thách thức như : vấn đề Hy Lạp và khu vực euro, vấn đề tăng trưởng của Châu Âu, các vấn đề cải cách giáo dục, tư pháp, an ninh trật tự, thị trường lao động.
Báo Le Monde trong bài xã luận hướng chú ý đến tình trạng đầy nghịch lý của tân Ngoại trưởng Laurent Fabius, nhân vật số hai trong chính phủ mới, một người trước kia đã từng kêu gọi bỏ phiếu chống lại dự thảo hiến pháp Châu Âu năm 2005, nay lại đảm nhiệm quan hệ ngoại giao của nước Pháp. Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh, tình cảm ngờ vực Châu Âu tại Pháp là một hiện thực chính trị. Lý do là, nhiều người người Pháp gán cho dự án hội nhập Châu Âu trước đây, tất cả những tội lỗi của chủ nghĩa tự do kinh tế. Tuy nhiên, theo Le Monde có một dự án hội nhập Châu Âu khác, đó là dự án hội nhập chính trị Châu Âu, và tờ báo nhấm mạnh, Ngoại trưởng Pháp cần phải trở thành người phát ngôn của chính Châu Âu đó.
G8 : Tân tổng thống Pháp muốn trấn an Tổng thống Mỹ về khu vực euro
Chuyến đi của François Hollande tới Mỹ cũng là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm. Les Echos chạy tựa « G8 : Hollande muốn trấn an Obama về khu vực đồng euro » với nhận định, vào hôm trước hội nghị G8 khai mạc hôm nay tại trại David, tân Tổng thống Pháp cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ về tính lô gic của chính sách tăng trưởng kinh tế của Châu Âu, trong bối cảnh Hy Lạp đang lún sâu vào khủng hoảng. Theo một nghiên cứu của JP Morgan, việc Hy Lạp ra khỏi khu vực euro sẽ gây ra một tổn hại khoảng 400 tỷ đô la đối với nền tài chính thế giới.
Trước khi đặt chân tới Mỹ, Tổng thống Pháp François Hollande đã nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa Paris và Washington và sự đồng thuận song phương xung quanh chủ trương thúc đẩy tăng trưởng. Về điểm này, đã có một tín hiệu tích cực từ phía Nhà Trắng, với tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, ủng hộ việc mở ra cuộc tranh luận về tăng trưởng tại Châu Âu.
Trong khi đó, Le Figaro chú ý đến vấn đề này qua bài « Ông François Hollande là một người xa lạ với Washington ». Tờ báo dẫn lời ông Jim Hoagland - chủ bút tờ Washington Post, theo đó « Obama không muốn một cơn bão mới tại Châu Âu (ngụ ý nói đến cuộc khủng hoảng kinh tế) lan sang Hoa Kỳ và khiến ông ấy thua trong cuộc bầu cử tới. » Le Figaro nhấn mạnh, tân Tổng thống Pháp là « một tờ giấy trắng » đối với Tổng thống Mỹ. Chính quyền Hoa Kỳ lo ngại Châu Âu lâm vào khủng hoảng lần nữa, đồng thời mong muốn Pháp tiếp tục sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Tổng thống Nga Putin giữ khoảng cách với Washington
Cũng về Hội nghị G8, Le Monde hướng cái nhìn đến thái độ xa lánh của tân Tổng thống Nga đối với Hoa Kỳ, với việc ông Putin không tham gia vào hội nghị các nước công nghiệp đứng đầu thế giới. Về mặt chính thức, có vẻ như Tổng thống Nga quá bận rộn, sau khi vừa mới nhậm chức (vào ngày 7/5), với việc thành lập chính phủ mới. Nhưng trên thực tế, đây là nhiệm vụ của Thủ tướng D. Medvdev. Thủ tướng Nga phải đi hội nghị thay ông Putin, và tham gia vào việc lập chính phủ từ xa, qua điện thoại.
Le Monde cho biết, giữa Matxcơva và Washington có nhiều điều bất đồng, như : dự án xây dựng lá chắn tên lửa hạt nhân ở Châu Âu, hai cuộc khủng hoảng Syria và Iran, cái chết của luật sư Nga Magnitski - người tố cáo nạn biển thủ thuế trên quy mô lớn… Ưu tiên của tân Tổng thống Nga là thành lập liên minh với Bielorusia và Kazakhstan, siết chặt quan hệ với Iran và Trung Quốc.
Le Monde cũng chú ý đến sự thay đổi đột ngột trong lịch trình của Tổng thống Nga, hủy bỏ chuyến đi sang Mỹ. Tổng thống Mỹ vẫn sẽ gặp Thủ tướng Nga, nhưng thời gian cho cuộc gặp sẽ bị giảm bớt, và các chủ đề nhạy cảm sẽ không được đề cập đến.
Đóng cửa bãi rác lớn nhất Nam Mỹ, trước hội nghị thượng đỉnh về môi trường Rio+20
Vài tuần trước khi khai mạc thượng đỉnh môi trường Rio + 20, Le Monde chú ý đến hiện tượng bãi rác lớn nhất Châu Nam Mỹ Gramacho đã được lệnh đóng cửa qua bài “Rio de Jaineiro gạt bỏ trái núi rác". Việc đóng cửa bãi rác khổng lồ này để thay thế bằng các hình thức xử lý mang tính sinh thái có thể được coi như là một hành động vừa mang tính biểu tượng, vừa có tính thực tế hết sức quan trọng, như một mô hình cải thiện khâu xử lý rác thải tại Nam Mỹ.
Bãi rác Gramacho được thành lập từ năm 1976, nằm trên một rừng sú vẹt, trên bờ vịnh Rio de Jainero, rộng 130 ha, có bề dày là 60 mét, có nguy cơ trôi tụt xuống biển bất cứ lúc nào. Bãi Gramacho đứng cuối trong bảng xếp hạng sinh thái toàn cầu về xử lý rác. Trong hiện tại, rác thải tại Gramacho chỉ được thành phố sử dụng lại có 3%, dịch vụ làm sạch thành phố tái chế được 1% trong số 9.000 tấn rác/ngày. Ngoài ra bãi rác khổng lồ này còn là nguồn sống của khoảng hơn 1.600 catador, tức những người làm nghề bới rác, theo số thống kê chính thức.
Với việc bãi rác bị đóng cửa, sau nhiều cuộc tranh luận quyết liệt, mỗi catador sẽ nhận được một khoản bồi thường 14.864 real (tương đương với khoảng 6.000 euro). Theo một người bới rác, số tiền này đủ để xây dựng được một ngôi nhà.
Tiếp theo đó, chính phủ Brazil quyết định, từ đây cho đến năm 2014, các đơn vị dân cư phải có trách nhiệm xử lý sơ bộ rác thải, với việc tách toàn bộ rác tái chế ra khỏi các loại rác khác, nếu không sẽ bị phạt tiền. Theo một công chức của thành phố Rio, đây là một mục tiêu khó thực hiện, nhưng điều quan trọng là một định hướng kiên quyết như vậy đã được đưa ra. 
TAGS: BẮC TRIỀU TIÊN - CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI - CHÂU Á - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: