16.5.12

Trung Quốc : Cuộc chuyển tiếp quyền lực không đơn giản



China's Chongqing Municipality Communist Party Secretary Bo Xilai (front L) and Party Secretary of the Guangdong Province Wang Yang (front R) clap as they attend the opening ceremony of the National People's Congress (NPC) at the Great Hall of the People i
China's Chongqing Municipality Communist Party Secretary Bo Xilai (front L) and Party Secretary of the Guangdong Province Wang Yang (front R) clap as they attend the opening ceremony of the National People's Congress (NPC) at the Great Hall of the People i
REUTERS/Jason Lee

Anh Vũ
Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào cuối năm nay sẽ quyết định thay đổi bộ máy lãnh đạo đất nước. Nhưng từ nhiều tháng qua, các cuộc đấu đá nội bộ ở trung tâm đầu não của đảng đã diễn ra với chiều hướng ngày càng gay cấn, điển hình như vụ Bạc Hy Lai đã gây xáo động chính trường Trung Quốc.

 

Trang quốc tế Le Figaro hôm nay dành nguyên một trang báo cho chủ đề này với hàng tựa « Cuộc chuyển tiếp mong manh ở đầu não đảng Cộng sản Trung Quốc ».
Theo Le Figaro, vụ Bạc Hy Lai là một cơn bão tố chính trị lớn nhất ở Trung Quốc trong vòng khoảng hai thập kỷ trở lại đây. Giới lãnh đạo chóp bu của đảng đang cố gắng dẹp yên vụ việc.Thời gian này, các cơ quan quyền lực và các lãnh đạo cao cấp đều lớn tiếng nhắc nhở cần phải tiếp tục tuân thủ đường lối của trung ương đảng hiện nay. Quân đội, công an liên tục được kêu gọi phải tuân thủ kỷ luật và không nghe những chuyện «đồn đại» trong xã hội. Tuy nhiên, những cố gắng để tìm lại sự đoàn kết trong đảng vẫn không che giấu được các cuộc thương lượng, thậm chí cả đối đầu nhau đang diễn ra trong hậu trường lãnh đạo nước này.
Màn chạy đua tìm kiếm vị trí lãnh đạo cấp cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này được Le Figaro ví như một cuốn phim hồi hộp và gay cấn về buôn chính trị.
Le Figaro cho biết, tình hình của cuộc đấu đá chính trị này cực kỳ phức tạp, đến mức mà các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đang phải tính đến khả năng lùi lại thời điểm họp đại hội đảng 18. Dự kiến vào mùa thu năm nay, nhiều nguồn tin từ trong nội bộ cho Reuters biết có thể đại hội sẽ bị đẩy lùi vào khoảng từ tháng11/2012 đến tháng 01/2013. Vấn đề không nhằm vào hai vị trí lãnh đạo chủ chốt là chủ tịch nước ( kiêm nhiệm Tổng bí thư) và thủ tướng chính phủ. Hai vị trí này đã có người kế nhiệm là ông Tập Cận Bình và Lý Kiện Cường. Cuộc đấu hiện nay tập trung chủ yếu vào 9 chiếc ghế trong thường trực Bộ chính trị, đây mới thực sự là trung tâm quyền lực của Trung Quốc.
Chín thành viên này vẫn được coi là « 9 ông hoàng ». Trong đảng đã nảy ra cuộc tranh luận về con số các ủy viên này. Phe cánh của Hồ Cẩm Đào muốn giảm xuống còn 7 thành viên để giúp họ có thể chiếm được đa số một cách dễ dàng. Trong khi đó, phe khác thì lại muốn nâng số lượng các thành viên tinh tú này của đảng lên 11 người cho đầy đủ các bậu xậu phe cánh.
Theo Le Figaro, vụ loại bỏ cựu lãnh đạo đảng thành phố Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã khiến cho cuộc đấu đá phe phái, nhân sự trở nên căng thẳng. Trong cuộc họp quyết định số phận của ông Bạc Hy Lai hôm mùng 7/3, ông Hồ Cẩm Đào cùng những người trong phe đã nhất trí nhượng bộ đối thủ cách chức ông Bạc Hy Lai. Thay vào vị trí bí thư thành ủy Trung Khánh là ông Trương Đức Giang, Phó thủ tướng, một nhân vật nổi tiếng là bảo thủ và là người thân cận với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.
Theo tờ báo thì các lãnh đạo hiện nay ở Trung Quốc phải nhượng bộ và các cuộc mặc cả có khả năng sẽ diễn ra rất gay gắt. Ngoài việc tranh giành giữa phe theo đường lối « tự do » với phe « bảo thủ », cuộc đấu đá hiện nay chắc chắn còn là việc của những cá nhân, những « nhóm lợi ích » nhằm giành quyền kiểm soát bộ máy chính quyền trong tương lai. Theo Willy Lam, một người am hiểu chuyện tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, hiện nay việc phân chia quyền lực trong thường trực Bộ chính trị đã thỏa thuận được thế cân bằng gồm : 3 ghế cho phái của ông Hồ cẩm Đào, 3 ghế cho những người thuộc thế hệ « thái tử đỏ » và còn lại cho các cánh khác.
Tờ báo kết luận, vấn đề lớn là phải xem liệu sau những mưu đồ toan tính trong đảng, những vị lãnh dạo tương lai có đủ mạnh để tạo được dấu ấn của mình, thúc đẩy cải cách , hay là quyền lực của họ bị xé lẻ và tê liệt vì các cuộc đấu đá nội bộ khiến họ lại trở nên độc đoán chuyên quyền hơn.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines
Theo báo Libération người ta có thể tin Trung Quốc sắp sửa tấn công Philippines nếu cứ dựa trên hàng nghìn lời bình luận đầy hiếu chiến trên mạng internet ở Trung Quốc. Thí dụ như « Nếu tất cả người Trung Quốc chỉ cần nhổ một bãi nước bọt thì cũng đủ làm cả quần đảo Philippines chìm », « tấn công Philippines như giết kiến » hay « chúng ta hãy giết những con chó Philippines cho chúng hết sủa ! »
Căn nguyên của không khi căng thẳng đó là tranh chấp giữa hai nước bãi đá ngầm Scarborough nằm cách Philippine 160 km và cách bờ biển Trung Quốc 800 km. Manila gọi là đảo Panatag còn Bắc Kinh thì đặt tên là Hoàng Nham.
Tuần qua, Trung Quốc liên tục có các động thái lên gân với Philippines. Bắc Kinh ra lệnh cho các hãng du lịch Trung Quốc hủy tất cả các chuyến đưa khách tới Manila, trong khi hàng đoàn tàu thủy trở chuối đến từ quần đảo Philippines bị Trung Quốc không cho cập cảng. Trên truyền hình thì các bản tin phát đi những thông tin sặc mùi dân tộc chủ nghĩa. Một nhà báo ở Thượng Hải còn tới tận đảo để cắm lá cờ Trung Quốc. Sau khi tổng thống Philippine tuyên bố trông cậy vào Mỹ trong trường hợp bị tấn công, báo chí Trung Quốc lại nổi đóa lên. Tờ Global Time viết « Cần phải dạy cho Philippines một bài học…. » , hay như “ chính phủ Philippines đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng”. Tờ báo của quân đội Trung Quốc còn đe dọa mạnh mẽ khiến cho người ta tin là Trung Quốc sắp đánh Philippines.
Libération nhận xét, cảm thấy có vẻ như đi quá xa nên tuần này Bắc Kinh bắt đầu lùi bước. Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa cũng hạ nhiệt một cách bất ngờ như khi nó xuất hiện và ngày mai người Trung Quốc lại có chuối Philippines để ăn.
Tân tổng thống Pháp bắt đàu
Ngày mai, 15/5/2012 tân tổng thống Pháp François Hollande chính thức bước chân vào điện Elysée trở thành vị tổng thống thứ 7 của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Le Figaro cho biết từ một tuần nay, các nghi thức nhà nước đang được chuẩn bị sao cho buổi lễ chuyển giao quyền lực diễn ra một cách « bình dị » như tân tổng thống mong muốn.
Bắt đầu từ 10 giờ sáng mai, cựu bí thứ thứ nhất của đảng Xã hội chính thức trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Ngay sau lễ chuyển giao quyền lãnh đạo, tân tổng thống François Hollande phải bắt tay ngay vào công việc với một lịch trình đầy kín. Trước tiên ngay buổi chiều, ông sẽ chỉ định Thủ tướng, sau đó bay sang Đức ăn tối làm việc với Thủ tướng Angela Merkel cùng ngày. Hàng lọat các cuộc gặp quốc tế khác đang chờ tổng thống Hollande liên tục trong những ngày tới.
Vẫn cùng chủ đề lễ nhậm chức của Francois Hollande, nhưng nhật báo Libération có bài viết về Valérie Trierweiler, người bạn đời của ông Hollande. Ngày mai cũng từ 10 giờ, trong sân điện Elysée nữ nhà báo, Valérie Trierweiler trở thành đệ nhất phu nhân của nước Pháp.
Thổ lộ về vai trò mới của mình bà nói « tôi chờ chuyển giao quyền lực để có thể ý thức được tầm mức của vấn đề. Trong chiến dịch tranh cử, tôi không muốn nghị trước, có thể là vì mê tín chăng, nhưng bây giờ tôi đang nghĩ tới điều đó» . Trong các cuộc trả lời báo chí sau ngày ông Hollande đắc cử Valérie Trierweiler cho biết bà không muốn trở thành một cái « bình cảnh » và vẫn muốn tiếp tục làm công việc nhà báo của mình để bảo đẩm độc lập về tài chính trong cuộc sống của mình.
« Người Hy lạp mất phương hướng »
Chính trường Hy Lạp cũng là thời sự quốc tế được các báo quan tâm theo dõi rất sát. Nhật báo La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất « Người Hy lạp mất phương hướng ».
Một tuần sau cuộc bầu cử Quốc hội mà cử chi đã bỏ phiếu trừng phạt các đảng cầm quyền, tổng thống Hy Lạp vẫn đang cố gắng thành lập chính phủ mới nhưng không.
Xã luận của tờ báo Công giáo viết : Số phận của Hy Lạp lại trở thành chủ đề đáng ngại. Cuộc bỏ phiếu hôm mùng 6/5 đã tạo hố sâu ngăn cách với các lãnh đạo châu Âu. Trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 6/5, hai đảng Dân chủ mới (cánh hữu) và Pasok (cánh tả) vẫn thay phiên nhau lãnh đạo đất nước trong suốt 38 năm qua, đều không đạt được 1/3 tổng số phiếu bầu. Gần nửa số phiếu được chia đều cho 5 đảng mà trong chiến dịch vận động tranh cử đã đưa ra chủ trương chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng.
Điều khó khăn nhất là với tỷ lệ phiếu bầu này sau một tuần thương lượng, Hy Lạp vẫn không thể thành lập được chính phủ mới. Libération nhận định « Hy Lạp tìm người lãnh đạo, châu Âu mất kiên nhẫn ». Trước những bất ổn chính trị tại HyLạp. Liên Hiệp Châu Âu đang lo ngại cho tương lai của đất nước này nhất là khi khả năng Hy Lạp rút khỏi khối euro không còn là điều kiêng kỵ gì .
Hoa Kỳ có thể sẽ cho phép lưu hành thuốc phòng sida
Theo La Croix, một ủy ban chuyên gia, hôm 10/5 đã yêu cầu Cơ quan quản lý thuốc của Mỹ (FDA) cho phép lưu hành trên thị trường thuốc Truvada, một loại thuốc điều trị phòng bệnh Sida đầu tiên. Tuy một số hiệp hội ở Mỹ vẫn hoài nghi về hiệu quả của loại thuốc mới này.
Truvada là một sản phẩm của phòng thí nghiệm Mỹ Gilead vẫn dùng để điều trị cho người đã nhiễm HIV. Nhiều thử nghiệm được tiến hành trên thế giới đã chứng minh được hiệu quả phòng chống virus của thuốc. Sau khi đã phỏng vấn khoảng bốn chục bác sĩ và bệnh nhân, một ủy ban của Mỹ bao gồm 22 chuyên gia đã lên tiếng đề nghị chính quyền cho phép điều trị bằng thuốc phòng Truvada trong những người đồng tính âm tính, các cặp khác giới có một người bị dương tính, cũng như cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao do hoạt động tình dục. Cơ quan quản lý thuốc của Mỹ chưa nghe theo khuyến cáo trên, nhưng không phủ nhận hoàn toàn các ý kiến chuyên gia và hứa sẽ xem xét.
TAGS: CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: