22.6.12

Kinh tế Tây Ban Nha sụp đổ vì đầu cơ bất động sản



Biểu tình tại Madrid chống chính sách khắc khổ của chính phủ, 20/06//2012
Biểu tình tại Madrid chống chính sách khắc khổ của chính phủ, 20/06//2012
REUTERS/Susana Vera

Lê Phước
Kinh tế Châu Âu liên tiếp gặp bão tố. Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và khu vực đồng euro không ngừng bàn thảo từ thượng đỉnh này đến thượng đỉnh khác mà bóng ma khủng hoảng vẫn chưa chịu ra đi. Trong bối cảnh đó, mọi sự chú ý dường như đổ dồn về Tây Ban Nha, nước đang chịu khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng.
Le Figaro đi sâu tìm hiểu nguyên nhân khủng hoảng này với bài viết chạy tựa : « Tây Ban Nha đã sụp đổ vì bong bóng bất động sản như thế nào ?».

Tờ báo nhắc lại cách đây vài năm, ai đến Tây Ban Nha đều không khỏi ngạc nhiên trước số lượng và qui mô quá lớn của các công trình xây dựng bất động sản. Mãi đến những năm 2000, giá bất động sản ở nước này không ngừng tăng. Các ngân hàng thi nhau cho vay tiền cho nhà đầu tư kinh doanh nhà đất và người mua bất động sản. Khi ấy, bất động sản là ngành chủ lực giúp kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng vượt bậc.
Thế mà hiện tại, ở các thành phố xây dựng tấp nập trước kia chỉ còn cảnh đìu hiu, với nhiều căn hộ không người mua và nhiều công trình hạ tầng xây xong rồi bỏ đó. Khi trước, các ngân hàng Tây Ban Nha còn tự hào cho rằng mình là những ngân hàng chắc chắn nhất thế giới, vậy mà giờ đây các ngân hàng này đang lâm cảnh « yếu ớt nhất thế giới », đến mức Madrid phải kêu cứu với Liên Hiệp Châu Âu để được hổ trợ 100 tỷ euro nhằm cứu các ngân hàng đang cạn vốn.
Một câu hỏi đặt ra : Tại sao Tây Ban Nha lại lâm vào thảm cảnh này ? Tờ báo cho rằng, tất cả đều do việc đầu cơ bất động sản một cách thái quá.
Khi ấy, giới kinh doanh bất động sản và người mua nhà đất đều dễ dàng vay tiền ngân hàng. Một cựu giám đốc của một công ty bất động sản nhớ lại : « Không có một rào cản nào để tiếp cận nguồn vốn cả. Bất cứ ai cũng có thể vay để đầu tư bất động sản ».
Thế rồi, khủng hoãng đến, nạn thất nghiệp tăng lên. Người lao động trước kia vay tiền mua nhà, giờ đây do mất việc làm, không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Họ cũng không thể bán lại căn hộ đã mua vì khó tìm người mua và vì giá bất động sản sụt giảm rất nhiều. Như trường hợp của nhà xã hội học 30 tuổi tên Luis, năm 2007, anh vay tiền ngân hàng mua một căn hộ với giá 252 000 euro, thế mà giờ đây các công ty bất động sản chỉ chấp nhận mua lại với giá 120 000 euro, tức giảm hơn phân nửa. Còn nếu như bán lại cho ngân hàng, thì số nợ còn lại anh phải trả là 190 000 euro.
Thế nhưng, các hộ gia đình không phải là những người chậm trả nợ nhất. Theo thống kê, tỷ lệ các gia đình chậm trả nợ khi đáo hạn chiếm chỉ có 3,07%, trong khi đó con số này ở các nhà kinh doanh bất động sản lên đến 22,8%.
Đối với chính quyền, họ cũng có phần trách nhiệm không nhỏ gây ra khủng hoảng. Vào thời điểm ngành bất động sản thịnh vượng, chính quyền các địa phương thi nhau tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư bất động sản.
Nhiều dân biểu địa phương, là thành viên trong hội đồng quản trị của các đại ngân hàng trong vùng, đã điều khiển hoạt động tín dụng để kiếm phiếu và để trục lợi. Kết quả là, mạnh địa phương nào nấy xây dựng. Tờ báo mỉa mai : Tây Ban Nha xây dựng không tính toán. Các công trình xây dựng của nước này ngốn hết 57 triệu tấn xi măng mỗi năm. Tây Ban Nha xếp thứ 52 về diện tích lãnh thổ, thứ 27 về dân số, nhưng là nước thứ năm tiêu thụ nhiều xi măng nhất thế giới.
Thế là, chính quyền viện đủ lí do để được xây dựng, người dân thi nhau vay nợ ngân hàng để mua nhà, các nhà đầu tư thi nhau vay tiền xây dựng. Sức mua bất động sản tăng lên, kéo theo tiền gửi tiết kiệm giảm xuống. Các ngân hàng hết vốn đành phải chạy vạy đi tìm nguồn vay trên thị trường tài chính nước ngoài. Và như vậy, chỉ cần thị trường tín dụng thế giới co lại, thì lập tức bong bóng đầu cơ bất động sản bị vỡ tung.
Vào năm 2007, Mỹ bắt đầu lâm cảnh khủng khoảng tín dụng, thế là lập tức các ngân hàng Tây Ban Nha phải đóng vòi cho vay. Trong thảm trạng này, một dân biểu Tây Ban Nha nhận định : « Đó là một ảo tưởng tập thể, ảo tưởng về sự làm giàu dựa trên bất động sản ». Theo dân biểu này, ai cũng có lỗi, từ ngân hàng, hộ gia đình đến chính phủ, họ đã nhận ra vấn đề quá muộn.
Hy Lạp : Chưa bao giờ rối ren đến thế
Tiếp tục nhìn về cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập, Le Figaro có bài cảnh báo : « Ai Cập sống những giờ phút tồi tệ nhất lịch sử ».
Tối thứ ba, tin cựu tổng thống Hosni Moubarak đột quỵ được loan báo trong bối cảnh tại quảng trường Tahir hàng chục ngàn người đang tập hợp biểu tình phản đối âm mưu thâu tóm quyền lực của quân đội. Số là, chỉ trong mấy ngày, quân đội liên tiếp có những động thái bị chỉ trích : nào là giải tán quốc hội có đa số người Hồi giáo cực đoan vừa mới được bầu, nào là qui định thêm nhiều đặc quyền lớn cho Hội đồng quân sự tối cao (CSFA). Rồi lại việc, hôm tối thứ tư, việc công bố kết quả bầu cử tổng thống bị dời lại, mà đáng lẽ theo lịch trình phải diễn ra ngày hôm nay.
Sau khi hãng thông tấn chính thức Mena của Ai Cập thông báo rằng ông Moubarak « đã chết lâm sàng », ở trung tâm thủ đô Cairo vang lên tiếng reo vui và có cả pháo hoa ăn mừng. Một phần người biểu tình rời khỏi quảng trường Tahir trở về nhà, thế nhưng đa số ở lại vì họ cho rằng, việc loan tải tin tức về sức khỏe của ông Moubarak vào lúc người biểu tình đang xuống đường phản đối quân đội đó là « một âm mưu mới » của Hội đồng quân sự tối cao.
Một người biểu tình thuộc phe Hồi giáo cực đoan nhận định : « Tôi cho rằng những tin đồn thất thiệt này do các lực lượng mật vụ cố ý loan tải để làm giảm căng thẳng và để những người biểu tình về nhà ». Một công chức tham gia biểu tình cũng cho rằng, cứ mỗi lần có biểu tình cao độ, thì các nhà quân sự cầm quyền lại có những kiểu tin tức như thế để dụ người biểu tình trở về nhà. Thế nhưng, anh này cho biết sẽ quyết tâm cùng với những người khác bám trụ quảng trường Tahir, đến khi nào quân đôi trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự.
Nói về sức khỏe của ông Moubarak, tờ báo cũng nhắc lại, có quá nhiều nguồn tin khác nhau về sức khỏe của ông, hiện tại không biết « chết lâm sàng » hay chỉ « hôn mê». Hôm qua, nhật báo al-Ahram của chính phủ Ai Cập cho biết, theo một nguồn tin y tế chính thức, nếu còn sống, thì ông Moubarak cũng sẽ bị mất hết mọi khả năng vận động. Tờ báo al-Ahram nhận định, Ai Cập đang bị đẩy tới ngưỡng của những giờ phút tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước.
Hồ sơ hạt nhân Iran lại bế tắc
Liên quan đến hội nghị tại Maxcơva về hồ sơ hạt nhân Iran, nhật báo Le Monde đăng bài cảnh báo : « Hạt nhân Iran : đàm phán Maxcơva thất bại làm dấy lên lo ngại xảy ra căng thẳng mới ở Vùng Vịnh ».
Sau hai ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị Matxcơva về hồ sơ hạt nhân Iran giữa nước này và sáu cường quốc Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Quốc đã không cho ra kết quả mong đợi, bởi bên nào cũng khăng khăng giữ lấy lập trường của mình.
Đại diện của Iran tại hội nghị, ông Said Jalili kiên quyết bảo về lập trường của Iran, khi cho rằng các nghị quyết của Liện Hiệp Quốc là « không hợp pháp ». Ông khẳng định, quyền làm giàu uranium của Iran cần phải được thừa nhận. Liên quan đến việc giữ mức làm giàu hạt nhân ở ngưỡng 20% để làm điều kiện tiên quyết cho việc gỡ bỏ cấm vận quốc tế, Iran không hề có nhượng bộ nào.
Về phần mình, Pháp tỏ ra cứng rắn. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius tuyên bố : « Phải tăng cường sức ép đối với Iran… Phải tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt vì Iran không chịu đàm phán một cách nghiêm túc ». Đại diện cao cấp của Châu Âu bà Catherine Ashton nhận định rằng, đàm phán ngoại giao bế tắc là bởi Iran chưa lấy lại được lòng tin với các nước : Iran đã không minh bạch về chương trình hạt nhân của mình và thiếu thái độ hợp tác với các thanh sát viên quốc tế.
Còn đối với Mỹ, Le Monde nhận định, tổng thống Obama hành động dưới cái nhìn nghi ngờ của các tướng lĩnh Israel và phe đảng Cộng hòa, bởi thế ông luôn có nguy cơ đưa lưng hứng lấy búa rìu chỉ trích rằng, chỉ nói bằng miệng để mặt cho các nhà máy hạt nhân của Iran cứ tiếp tục chạy đều. Thêm vào đó là vấn đề thời hạn cho các cuộc đàm phán, tổng thống Obama không thể để đàm phán hết vòng này đến vòng khác mà không đi đến kết quả cuối cùng, bởi hồi mùa xuân rồi, tổng thống Obama đã cam kết là các cuộc đàm phán không thể được kéo dài vô thời hạn.
Đối với Nga, Le Monde cho rằng, thất bại của hội nghị là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Nga. Để chuẩn bị cho đàm phán, nước này đã phải ra sức vận động với mục tiêu : Đàm phán lần lược từng giai đoạn và trên cơ sở các bên cố gắng nhượng bộ lẫn nhau.
Tóm lại, theo Le Monde, đàm phán không phải đang « hấp hối », mà đang trong trạng thái « hôn mê ».
Tăng dân số : nỗi lo về lương thực và môi trường
Trong khi hội nghị môi trường Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại Rio de Janeiro-Brazil, nhật báo Les Echos có bài cảnh báo hiện tượng dân số thế giới tăng nhanh kéo theo nỗi lo lương thực và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Bài viết đăng trên trang 6 chạy tựa : «Vào năm 2050, hơn 1/5 dân số thế giới sẽ sống ở Châu Phi ».
Tờ báo nhắc lại, nhiều thế kỷ liền, dân số thế giới chỉ dao động từ 200 đến 300 triệu người, thế nhưng từ thế kỷ thứ 18, dân số bắt đầu tăng phi mã và năm 2012 đã đạt đến 7 tỷ người. Tuy nhiên, những năm tới, tốc độ tăng sẽ chựng lại. Tại nhiều nước, tỷ lệ mang thai đã giảm đến mức rất thấp, trong khi đó chỉ có Châu Phi là tỷ lệ sinh vẫn còn cao.
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới sẽ ổn định ở mức 9,3 tỷ người vào năm 2050 và 10 tỷ vào năm 2100. Phân bố dân cư thế giới sẽ có nhiều thay đổi. Vào năm 2050, Châu Phi sẽ chiếm hơn 1/5 dân số thế giới, và 1/3 vào năm 2100.
Từ đây đến năm 2050, nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng thêm 70%, trong khi đó diện tích canh tác không ngừng bị hạn chế do quá trình đô thị hóa ào ạt. Thêm vào đó, sự cải thiện bữa ăn ở phương Tây cũng như ở Châu Á cũng làm tăng thêm sức ép về lương thực. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, một trong những dấu hiệu để người ta chứng tỏ khá giả đó là có thể ăn thịt hai ba lần một ngày.
 
TAGS: KHỦNG HOẢNG - QUỐC TẾ - TÂY BAN NHA - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: