30.10.10

Đập phía Trung Quốc khiến thủy điện Sơn La 'gặp khó'

Đập phía Trung Quốc khiến thủy điện Sơn La 'gặp khó'
Cập nhật lúc :11:32 AM, 29/10/2010
Theo Báo cáo giám sát dự án thủy điện Sơn La, dự báo việc tích nước cho thủy điện Sơn La sẽ gặp khó khăn do các đập phía Trung Quốc cũng tích nước, rừng đầu nguồn bị chặt phá.
Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện dự án thủy điện Sơn La vừa được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội gửi tới các ĐB Quốc hội. Trong báo cáo này, Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước.

Theo báo cáo, đến nay, nhìn chung các hạng mục công trình của dự án đều đáp ứng yêu cầu đề ra.
Về tình hình tích nước hồ chứa, mực nước đo được trên thượng lưu là 165,90m (13h ngày 20/9) và hiện nay đập chỉ duy trì mở hai cửa xả sâu. Mực nước tích tại hồ chứa chỉ dao động ở cao độ 150m -:- 160m thấp hơn mực nước chết (mực nước chết là 175m). Theo dự báo, việc tích nước cho thủy điện Sơn La là khó khăn, nguyên nhân do các đập phía Trung Quốc tích nước, hiện trạng rừng đầu nguồn bị chặt phá đã làm cho việc tích nước trở lên khó khăn.

Công trường xây dựng thủy điện Sơn La. Ảnh: Trung Kiên

Về công tác quản lý chất lượng công trình, ngoài sự tự quản lý, giám sát chất lượng của tổng thầu và các nhà thầu thành viên, công tác giám sát chất lượng của chủ đầu tư được phối hợp thực hiện với Liên danh Tư vấn giám sát SMEC (Australia) - Nippon Koie-J.Power (Nhật Bản). Trong quá trình thi công đã xuất hiện một số vết nứt tại đập bê tông, cụ thể ở các khối C2, L1.1, C3 và C5. Các vết nứt có độ sâu dưới 6m, bề rộng khoảng 0,5 mm (đôi chỗ là 1mm). Có 06 vết nứt trên mặt có hướng gần song song với tim đập, thường chạy dọc khối đổ, có một vết nứt mặt ở khối C5 là chạy gần vuông góc với tim đập. Cả ba vết nứt quan sát được ở hành lang đều ở dạng thẳng đứng. Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã có kết luận các vết nứt này không ảnh hưởng đến sự an toàn đập và cho phép đóng cống dẫn dòng thi công tích nước hồ chứa. Các vết nứt đã phát hiện nêu trên vẫn đang tiến hành quan trắc, qua số liệu quan trắc cho thấy các vết nứt không phát triển, chiều rộng vết nứt đang khép lại so với ban đầu. Số liệu thu được từ các thiết bị quan trắc đặt trong thân đập cho thấy đập đang làm việc ở trạng thái bình thường.
Về công tác giải ngân và thu xếp vốn, ngoài nguồn vốn tự có, chủ đầu tư đã thu xếp các nguồn vốn khác như: Xây dựng công trình thuỷ điện: vốn vay các Ngân hàng thương mại 17.000 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Đầu tư phát triển 4.000 tỷ đồng và vay ngoại tệ từ nguồn vốn Chính phủ thông qua Ngân hàng Đầu tư phát triển 400 triệu USD để nhập khẩu thiết bị công nghệ. Tình hình giải ngân đáp ứng được theo yêu cầu thi công và cung cấp thiết bị; Các dự án thành phần khác: vốn góp cho các dự án thành phần đang được tập đoàn điện lực thực hiện theo yêu cầu tiến độ.
Hiện nay số vốn đầu tư cho thủy điện Sơn La tăng khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trình Chính phủ về phương án tăng vốn đầu tư để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Mạnh Đồng - Bích Ngọc

Không có nhận xét nào: